Truy cập nội dung luôn

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) sáng 20/11, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Dự họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn 01 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP (từ 11/10 - 19/11/2021), cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần số mắc cộng đồng tăng tại 35 tỉnh, thành phố) do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Tính đến ngày 19/11/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 131,2 triệu liều vắc xin, đã phân bổ 129,6 triệu liều (1,6 triệu liều chưa phân bổ do vắc xin mới được tiếp nhận đang kiểm định). Cả nước đã tiêm được hơn 106 triệu liều (trong tuần đã tiêm được 8,2 triệu liều, giảm 2 triệu liều so với tuần trước đó); tỉ lệ tiêm 01 liều vắc xin là 89,4%, 2 liều vắc xin là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 18 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Tại Thái Nguyên, từ 01/01/2021 đến thời điểm báo cáo đã có 104 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó: 15 ca cộng đồng; 61 ca tiếp xúc với các ca bệnh hoặc từ vùng dịch trở về đã được cách ly; 15 ca ghi nhận từ các tỉnh phía Nam trở về đã được quản lý; 13 ca ghi nhận trong khu cách ly người nhập cảnh. Có 4.373 trường hợp F1, hiện đang cách ly 348 trường hợp; có 23.738 trường hợp F2. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm chủng đến nay: 1.110.490 liều vắc xin đã được tiêm cho 742.960 người tiêm (trong đó: 575.430 người được tiêm mũi 1; 167.530 người được tiêm đủ liều) đạt 76,29% số đối tượng trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Qua đánh giá, xác định mức độ dịch và tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch COVID-19 hiện tại của Thái Nguyên Cấp độ 1.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ban, ngành và các địa phương, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và hướng dẫn số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; bên cạnh đó tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ; thu hút vốn FDI, xuất khẩu đều tăng khá… Qua đó cho thấy việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là kịp thời, đúng hướng, sát thực tế.

Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Y tế tổ chức tổng kết, đánh giá về tình hình và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đợt thứ 4, để hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 trình cấp có thẩm quyền; các cấp, các ngành tiếp tục đánh giá, góp ý bổ sung Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và thống nhất từ trên xuống dưới; các địa phương sớm hoàn thiện kế hoạch, kịch bản thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau cùng cấp khi xảy ra dịch bệnh; phối hợp để người dân di chuyển giữa các địa phương thuận lợi và an toàn; tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, phấn đấu hết năm 2021 hoàn thành tiêm vaccine đủ 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên, có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em và tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt, chủ động đáp ứng thuốc điều trị COVID-19, trong đó cắt giảm thủ tục hành chính để phân bổ ngay thuốc điều trị cho các địa phương.

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao: Các bộ, ngành phối hợp xây dựng, sớm ban hành quy định, quy trình xét nghiệm, cách ly, phù hợp, trong đó xem xét xã hội hóa công tác xét nghiệm; xem xét bố trí kinh phí để các bộ, ngành, địa phương mua sắm vật tư, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, nếu vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch, tránh lơ là, chủ quan, nhưng không hoảng hốt trong phòng, chống dịch; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp với tình hình mới; phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch; nghiên cứu, ban hành quy định về xuất, nhập cảnh phù hợp tình hình... Đặc biệt phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn