Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ biểu dương vì về đích sớm trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp lần thứ Tư của Ban Chỉ đạo. Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

 

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp. Ảnh: Baochinhphu.vn

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho Nhân dân là việc làm nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực với tinh thần, phương châm chỉ đạo "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít". Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 18/27 nhiệm vụ, đang tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ còn lại. Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà (trong đó khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà), đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Từ Phiên họp thứ Ba của Ban Chỉ đạo đến nay đã tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày.

Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều (khoảng 170 ngày). Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 08 căn/ngày.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tham luận tại Phiên họp

Vinh dự là địa phương về đích sớm trong triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tại Phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã báo cáo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, tính từ ngày 09/7/2024 đến ngày 15/4/2025, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.838 hộ, đạt 100% kế hoạch đề ra với tổng kinh phí gần 195 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 106 triệu đồng/căn, cá biệt có những hộ huy động từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và gia đình, dòng họ, bạn bè... với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến khoảng 300 triệu đồng/căn. Giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5.459 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Về những sáng kiến khi triển khai Chương trình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết tỉnh đã chỉ đạo việc lập, rà soát, quản lý danh sách đối tượng; đồng thời, lập biên bản, xác định thời gian, giá trị hỗ trợ đối với từng hộ được hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng theo dõi tiến độ, cập nhật hình ảnh trước, trong và sau khi xây dựng nhà đối với từng hộ trên nền tảng số GapoWork, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo rà soát, hỗ trợ các hộ dân thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ tháng 9/2024 đến nay đã có trên 1.200 hộ nghèo, cận nghèo, giai đoạn 2021 - 2025 đã có 4.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một số ngôi nhà được hoàn thành trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Thái Nguyên

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu tình trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có ý định chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà để quay lại lối sống du canh, du cư; điều này tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Trước thực trạng đó, tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình và chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nghề nhằm giúp các hộ dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, việc nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh nhiều con cũng là một nguyên nhân dẫn đến tái nghèo. Tỉnh đang tiến hành rà soát và yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tích cực hơn nữa trong công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân hạn chế sinh con nhiều, góp phần ổn định đời sống và tránh nguy cơ tái nghèo. Đây cũng là một trong những vấn đề được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm trong giai đoạn “hậu xóa nhà tạm, nhà dột nát”, sau khi đã hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Các điểm cầu tham dự Phiên họp. Ảnh: Baochinhphu.vn

Cũng tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc và định hướng giải quyết vấn đề trong thời gian tới để phấn đấu hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực và thành quả của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát mà các bộ, ngành, địa phương đã đạt được đến thời điểm hiện tại, nhất là 15 địa phương về đích sớm trong Chương trình. Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tinh thần không để ai phải ở trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát, phấn đấu hoàn thành Chương trình đúng và trước thời hạn 31/10/2025.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành đề cao trách nhiệm trong triển khai Chương trình với tinh thần dám nghĩ, dám làm. Ảnh: Baochinhphu.vn

Với phương châm "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít", Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành đề cao trách nhiệm với tinh thần dám nghĩ, dám làm; động viên, khuyến khích toàn xã hội chung tay thực hiện Chương trình. Các địa phương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường phân bổ nguồn lực, công tác kiểm tra, giám sát; huy động tối đa các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng quân đội, công an hỗ trợ những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng xung yếu ở biên giới. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền thực hiện Chương trình, nhân rộng cách làm hay ở các địa phương; chỉ đạo việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ở Trung ương và các địa phương trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phối  hợp phân bổ các nguồn lực thực hiện Chương trình; xác định rõ khó khăn, vướng mắc để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết và tham mưu khen thưởng cho những đơn vị, địa phương hoàn thành tốt Chương trình. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các cấp, ngành ưu tiên giúp đỡ sửa chữa, cải tạo nhà cho thân nhân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, xong trước ngày 27/7/2025, gia đình có công với cách mạng xong trước ngày 2/9/2025.

 

Thanh Mai - Thành Chung
thainguyen.gov.vn