Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh

Đóng vai trò quan trọng như một “công cụ” trong quản lý và định hướng, quy hoạch tốt với tầm nhìn chiến lược sẽ là nền tảng cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh thức tiềm năng, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã trả lời phỏng vấn Báo Diễn đàn doanh nghiệp và Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh chụp ngày 15/4/2023)

P.V: Xin đồng chí cho biết vai trò của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng: Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh có tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra.

Ngay sau khi Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực thi hành, Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch. Trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên mang những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xuất sắc đạt giải Bạc - Giải thưởng quốc tế SIP Planning Awards 2023 do Viện Quy hoạch Singapore tổ chức

P.V: Những tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược được thể hiện ở những nội dung nào trong Quy hoạch, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng: Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu tổng quát: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. 

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất…

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Quy hoạch tỉnh cũng nêu rõ một số mục tiêu cụ thể về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và 6 đột phá phát triển của tỉnh…

Sơ đồ quy hoạch khu, cụm công nghiệp

P.V: Để hiện thực hóa Quy hoạch, thời gian tới tỉnh cần làm những gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Việt Hùng: Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh, trong thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có việc công bố Quy hoạch, ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp (KCN), đó là: KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, KCN - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2 và KCN Yên Bình 3.

Các KCN này có vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối, cách sân bay Nội Bài từ 20 đến 30 km, rất thuận lợi trong việc trung chuyển hàng hóa và đi lại cho các chuyên gia. Các KCN này được phát triển là KCN đa ngành, theo hướng sinh thái, hiện đại và thân thiện với môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng

Giai đoạn 2021 - 2030, trong Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển 13 sân golf; trong năm 2023 tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 02 sân golf gồm: Dự án Khu thể thao sân golf Tân Thái tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Dự án Sân golf Glory tại xã Thành Công, TP. Phổ Yên.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện Dự án Đường liên kết vùng kết nối Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc, tạo ra trục phát triển Đông - Tây khai thác dư địa sườn Đông Tam Đảo. Các chuyên gia đều nhận định, dư địa đất công nghiệp, xây dựng của tỉnh Thái Nguyên mang tính cạnh tranh cao, thuận lợi trong thu hút đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Không chỉ có vậy, việc tích cực và quyết liệt triển khai nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh đã thể hiện sự đi tắt đón đầu cơ hội đầu tư và khát khao tiếp tục sớm tạo ra động lực bứt phá đưa Thái Nguyên phát triển.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tân Xuân - Kim Dung
thainguyen.gov.vn