Truy cập nội dung luôn

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh về những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Cổng Thông tin điện tử Thái Nguyên xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

 

Phóng viên: Kinh tế của Thái Nguyên những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đời sống của người dân được nâng lên một bước. Kết quả đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân. Đề nghị đồng chí đánh giá vai trò của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đối với tỉnh?

 

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Chặng đường 35 năm đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với Thái Nguyên, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người lao động, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhìn vào số lượng doanh nghiệp của tỉnh có thể thấy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn. Tính đến nay toàn tỉnh có trên 7.800 doanh nghiệp, trên 580 hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký trên 110.000 tỷ đồng. Trên địa bàn hiện có 820 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với số vốn đăng ký trên 139.000 tỷ đồng; 169 dự án FDI với tổng số vốn trên 8,7 tỷ USD. Để gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh có 6 hiệp hội, hội doanh nghiệp cấp tỉnh và 9 hội doanh nghiệp cấp huyện đang hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, hưởng ứng phát động của tỉnh về “Đợt cao điểm ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, đến hết ngày 30/7/2021, các tập thể, cá nhân, trong đó có các doanh nghiệp đã ủng hộ qua Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh được trên 66,9 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần để tỉnh tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)  

Phóng viên: Thái Nguyên những năm gần đây trở thành địa chỉ an toàn, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Vậy theo đồng chí, đâu là điểm hấp dẫn mấu chốt?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Mấu chốt là Thái Nguyên có môi trường kinh doanh tốt. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, luôn nằm trong tốp 20 tỉnh có chất lượng điều hành tốt. Năm 2020, chỉ số PCI đạt 66,65 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước, dẫn đầu trong nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc.

Để có được kết quả trên, tỉnh đã quan tâm cải cách hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nắm bắt vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của Thái Nguyên đã phát triển theo hướng đồng bộ. Nhiều dự án giao thông quan trọng đã và đang được triển khai như: Tuyến đường liên vùng kết nối các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc; đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Thái Nguyên; đường Bắc Sơn kéo dài; cầu Bến Tượng… và nhiều dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị; các khu, cụm công nghiệp của tỉnh cũng được xây dựng, đầu tư mở rộng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải tiếp và làm việc với Ban lãnh đạo Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL)

Phóng viên: Các doanh nghiệp của tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 gây ra. Thái Nguyên làm gì để giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung cao độ, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm "Chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặt lên trước hết và trên hết" và đạt 2 mục tiêu: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại các khu công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và trong tỉnh để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và của cán bộ đảng viên. Tỉnh đã đề nghị Trung ương phân bổ nguồn vắc-xin để tiêm cho người dân, đặc biệt cho công nhân các khu công nghiệp. Đây là giải pháp lâu dài, căn cơ để tỉnh thực  hiện “mục tiêu kép” bền vững.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cùng Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Khu Công nghiệp Sông Công II

Phóng viên: Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), đồng chí có tâm sự gì gửi đến các doanh nhân - những người đang đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Tôi ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua. 

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân còn là lực lượng đi đầu, có những đóng góp lớn cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển cộng đồng, an sinh xã hội; phòng chống dịch bệnh…

Tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn nhiều mặt mà cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh gặp phải thời gian qua. Tuy nhiên, với ý chí và nỗ lực, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duy trì sản xuất, kinh doanh; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, quyên góp, vận động, hỗ trợ địa phương chăm lo cho người lao động cùng vượt qua khó khăn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận và cảm ơn những đóng góp quý báu mà cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.

Chúng tôi mong các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội; tranh thủ cơ hội để tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án bảo đảm an toàn sản xuất, lưu thông hàng hóa; tranh thủ thời cơ mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, tiếp tục góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

 

Thực hiện: Thu Hà
thainguyen.gov.vn