Truy cập nội dung luôn

Quỹ Hỗ trợ nông dân: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình số 153 ngày 26/7/2021 đề nghị thông qua Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025. Việc bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân sẽ là đòn bẩy tiếp thêm nguồn vốn giúp nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng xuất, giá trị sản phẩm góp phần xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương theo định hướng của tỉnh.

 

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác của tỉnh tham quan khu trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (thị xã Phổ Yên)

Bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 được đề xuất với tổng vốn tư 22 tỷ 200 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư dự kiến bố trí ngân sách địa phương vốn đầu tư công là 14 tỷ đồng được bố trí từ nguồn kinh phí để lại hằng năm cho các cấp Hội và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mục tiêu của Đề án Quỹ Hỗ trợ nông dân, đến năm 2025 đạt trên 40 tỷ đồng. Phấn đấu 100% các dự án được kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, các hộ tham gia dự án có đóng góp ủng hộ, xây dựng Quỹ, tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu 60% trở lên xây dựng thành công các mô hình nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án; bước đầu có trên 90% áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; 30% nông dân có sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, tham gia OCOP và được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; trên 40% được đầu tư vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh; trên 100% các hộ tham gia vay vốn được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; 50% các hộ vay vốn được tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn. Quy mô đầu tư của Đề án năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025 nhằm hỗ trợ nông dân tỉnh phát triển mới được 4-5 mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kinh tế tập thể, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sử dụng vốn có hiệu quả; tổ chức tuyên truyền các mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng mô hình…

Mô hình nuôi dê từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tại huyện Đồng Hỷ

Những năm qua, để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, cùng với sự quan tâm của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai hỗ trợ nông dân bằng nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân tỉnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ Hội các cấp được nâng lên… Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được nâng lên đáng kể; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; các mô hình kinh tế hiệu quả từng bước hình thành ở khu vực nông thôn; nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, góp phần tạo ra một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn nông thôn… Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế của hội viên nông dân. Trong khi đó, để nông nghiệp phát triển bền vững cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho chủ thể là các hộ nông dân về khoa học kỹ thuật, vốn, vật tư… phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giúp nông dân liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho nông dân. Và để sản xuất nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường nguồn lực tập trung đầu tư các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.

Mô hình trồng thanh long đỏ từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tại huyện Đại Từ

Trước thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên xây dựng Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh cho ý kiến, thông qua để tiếp thêm nguồn vốn giúp hội viên nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm góp phần xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương theo định hướng của tỉnh.

Tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị thông qua Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 được trình tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là bước quan trọng để xem xét thông qua, nhằm kịp thời triển khai, thực hiện nhiệm vụ chung trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc mở rộng nguồn quỹ thông qua bổ sung vốn điều lệ là cần thiết, nhằm tạo điều kiện để cụ thể hóa một số giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra; để hoạt động Hội ngày càng thiết thực, hiệu quả và tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trở thành đòn bẩy, “chất xúc tác” quan trọng giúp nhiều hộ nông dân đầu tư phát sản xuất, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu một cách bền vững cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Thái Nguyên.

Trần Nhung - Thành Chung - Xuân Huy
thainguyen.gov.vn