Truy cập nội dung luôn

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế - Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 theo hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức vào sáng nay (29/12).

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Tại Thái Nguyên, Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu UBND tỉnh tới điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã.

Năm 2021, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản của cả nước. Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Các chỉ tiêu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,85% (Chính phủ giao 2,78%); tổng kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD (Chính phủ giao 42 tỷ USD); trên 68,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 62%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% (Chính phủ giao 42%).

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn, thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, phân hạng và công nhận hơn 5.300 sản phẩm OCOP.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, các chỉ tiêu Ngành nông nghiệp đều đạt và hoàn thành vượt mức, cụ thể: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ, đạt 104,5% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 460,7 nghìn tấn, bằng 106% kế hoạch; sản lượng chè búp tươi ước đạt hơn 251.800 tấn, bằng 100,7% kế hoạch; sản lượng thịt hơi các loại ước đạt hơn 156.700 tấn, bằng 107% kế hoạch... Tỉnh Thái Nguyên có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 09 xã nông thôn mới nâng cao, 53 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3-4 sao…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cấp, ngành, địa phương và bà con nông dân trong năm 2021 đã vượt qua khó khăn, đóng góp chung cùng Chính phủ đạt được thành công trong phát triển đất nước. Về nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh toàn ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đổi mới tư duy, nâng cao tầm dự báo chiến lược, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiết thực, hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, bám sát vào tình hình thực tế để cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương của ngành đảm bảo tính khả thi, có lộ trình thực hiện. Coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch ngành; hoàn thiện thể chế để, cơ chế chính sách để phát triển ngành Nông nghiệp đi vào chiều sâu; nâng cao năng lực, trí tuệ, phẩm chất, uy tín của người làm nông nghiệp; đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu các sản phẩm mang tầm quốc tế, quốc gia, vùng và của các địa phương. Đối với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số. Cùng với đó, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp./.

Thanh Mai - Mạnh Thắng
thainguyen.gov.vn