Truy cập nội dung luôn

Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV: Giải trình làm rõ các nội dung trình tại Kỳ họp

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều ngày 11/8, đại biểu HĐND tỉnh làm việc tại hội trường nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ và thực hiện giải trình làm rõ các nội dung trình tại Kỳ họp. Dự phiên giải trình có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên làm việc

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã nghe và thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu tại 4 tổ diễn ra sáng 11/8 về các nội dung trình tại Kỳ họp. Theo đó, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, đã có 68 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan tham gia phiên thảo luận tổ. Các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng và chất lượng của các văn bản; nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó bổ sung một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021; đồng thời thảo luận làm rõ về các vấn đề, nội dung trong các văn bản.

Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải trình về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Trên cơ sở những ý kiến thảo luận tại phiên thảo luận tổ, cơ quan chức năng liên quan đã giải trình các vấn đề, nội dung mà đại biểu quan tâm, yêu cầu làm rõ. Đã có nhiều nội dung được các đại biểu gửi tới UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đề nghị giải trình. Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh.

Giải trình nội dung này, đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ: UBND tỉnh đã chi trả chế độ phụ cấp chống dịch cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch của tỉnh với tổng số tiền là 37,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (hỗ trợ thành viên Ban chỉ đạo các cấp; người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch tễ; người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; người lấy mẫu bệnh phẩm; người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung; người làm nhiệm vụ phun khử trùng, diệt khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người bảo vệ khu vực cách ly y tế tại các địa bàn dân cư; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc Covid-19…) Đối với người lao động và người sử dụng lao động, tính đến ngày 10/8/2021, tỉnh đã thực hiện xong việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho trên 2.900 đơn vị, trên 162 nghìn người lao động, tổng số tiền được giảm lũy kế là trên 9,7 tỷ đồng; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất cho 01 doanh nghiệp, 260 lao động với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 87 người, tổng số tiền trên 362 triệu đồng; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật cho 71 người, tổng số tiền trên 263 triệu đồng; hỗ trợ đối với trẻ em và người điều trị hoặc cách ly y tế để phòng, chống Covid-19 cho 178 người, với số tiền hỗ trợ trên 197 triệu đồng.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp rà soát (đợt 1) có 872 doanh nghiệp, đơn vị, trên 2.000 hộ kinh doanh, trên 7.800 người lao động (có hợp đồng lao động) và trên 8.500 lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ khoảng 22,6 tỷ đồng. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn các đối tượng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, rà soát, hướng dẫn, đảm bảo người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh khóa XIV, Kỳ họp thứ hai để ban hành Nghị quyết quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian chưa có chế độ phụ cấp và lực lượng phục vụ tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, với tổng số tiền vận động ủng hộ là hơn 2 tỷ 600 triệu đồng; hỗ trợ lực lượng y, bác sỹ, sinh viên tình nguyện (313 người) đã tham gia công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh với số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần này, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ xem xét quyết nghị nội dung quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mức hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày, thời điểm áp dụng sau khi Nghị quyết HĐND tỉnh có hiệu lực. Đối với người lao động, vừa qua, khi tình hình dịch bệnh tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đón và hỗ trợ toàn bộ kinh phí cách ly, ăn, ở, xét nghiệm… cho trên 2.200 người lao động và công dân của tỉnh Thái Nguyên đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bắc Giang trở về Thái Nguyên, đưa vào khu cách ly tập trung của tỉnh với số tiền hỗ trợ trên 4,5 tỷ đồng.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình các nội dung về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, các giải pháp chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế

Một nội dung cũng được đại biểu quan tâm là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Về nội dung này, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh báo cáo cụ thể tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân và đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân năm 2021.

Giải trình nội dung này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 3 toàn quốc với tỷ lệ đạt 60% số vốn được Chính phủ giao; tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư công đạt 95,9%. Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát tình hình thực hiện của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân; tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, giám sát đánh giá đầu tư; tăng cường phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc nhà nước thanh toán khi có khối lượng nghiệm thu, tránh để dồn vào cuối quý hoặc cuối năm; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình. Thường xuyên kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu các cơ quan chậm thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức gây chậm trễ trong việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 phải thực hiện và thanh toán 100% kế hoạch vốn; địa phương, đơn vị nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị điều chuyển sang cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Nội dung tiếp theo được các đại biểu quan tâm, đề nghị giải trình tại Kỳ họp là các giải pháp chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế nhằm đảm bảo giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách; việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/ 2019 của Quốc hội. Giải trình nội dung này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách như phân tích, lựa chọn, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm, nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và tăng thu NSNN; tập trung các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế nhằm đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ thuế dưới 5% tổng thu ngân sách; thường xuyên rà soát, theo dõi diễn biến nợ đọng để phân tích, phân loại nợ và áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế phù hợp; áp dụng đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Về việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tính đến hết tháng 6/2021, UBND tỉnh ban hành 10 quyết định xóa nợ cho 1.176 người nộp thuế với tổng số tiền chậm nộp được xóa là 38,3 tỷ đồng; cơ quan thuế đã ban hành 399 quyết định khoanh nợ tiền thuế cho 1.162 người nộp thuế với số tiền trên 116 tỷ đồng, đạt 89% số phải thực hiện khoanh nợ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Thuế thực hiện việc xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, đảm bảo công tác xử lý nợ thuế chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến làm rõ nguyên nhân phải điều chỉnh tăng 6 ha đất trồng lúa tại Khu đô thị Cầu Trúc, phường Bách Quang (TP. Sông Công); 38,31ha đất trồng lúa tại Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và 25,7 ha đất trồng lúa tại Cụm Công nghiệp Tân Phú 2 (TX. Phổ Yên) cũng như căn cứ pháp lý để lập danh mục dự án nhà nước thu hồi đất để thực hiện đối với dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Cụm công nghiệp Tân Phú 2 theo quy định của pháp luật.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình các nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Tại phiên giải trình, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ các giải pháp để thực hiện toàn diện các mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở trong giai đoạn 2021 - 2025; các căn cứ xác định hệ thống và mục tiêu xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh như thư viện, nhà hát, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng; giải pháp để phát huy hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và khả năng cân đối nguồn lực và lộ trình thực hiện mục tiêu từ 80% - 90% nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 2.240/2.335 Nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó 63,3% Nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn về diện tích sử dụng theo quy định, 32,6% chưa đạt tiêu chuẩn; 4,1% xóm, tổ dân phố chưa có Nhà văn hóa - khu thể thao. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu từ 80 - 90% Nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Dự kiến trong giai đoạn này có 2.078/2.335 Nhà văn hóa - khu thể thao (hiện có 1.478 Nhà văn hóa - khu thể thao đã đạt chuẩn và 600 Nhà văn hóa - khu thể thao xây mới và cải tạo) tương đương 90%. Nguồn kinh phí cải tạo và xây dựng mới 600 Nhà văn hóa đạt chuẩn bao gồm: Nguồn ngân sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ và nguồn huy động hợp pháp trong Nhân dân. Đối với Nhà văn hóa thôn, xóm, bản, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; có vị trí không phù hợp cho việc đi lại, sinh hoạt của dân cư; không đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt thôn, các địa phương thực hiện rà soát, lập phương án xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, thống nhất phương án chuyển đổi đảm bảo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công và các quy định có liên quan để tạo nguồn xây dựng nâng cấp Nhà văn hóa thôn, xóm, bản, tổ dân phố mới.

Ngoài các nội dung lãnh đạo UBND tỉnh đã giải trình, đại diện Cục thi hành án dân sự tỉnh đã báo cáo về kết quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hình sự 6 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; đồng thời, giải trình làm rõ các nội dung về kết quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và kết quả thu hồi nợ xấu cho các tổ chức tín dụng đạt thấp…

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết trình tại Kỳ họp

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 7 nghị quyết, đây là những nghị quyết quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

7 nghị quyết được thông qua, gồm:

1. Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021;

2. Nghị quyết thông qua nội dung nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên;

3. Nghị quyết thông qua Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025;

4. Nghị quyết quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên;

5. Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026;

6. Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên;

7. Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Sáng ngày 12/8, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường để thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết còn lại được trình tại Kỳ họp. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cập nhật thông tin các nội dung hoạt động của Kỳ họp mời quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.

Nhóm Phóng viên
thainguyen.gov.vn