Truy cập nội dung luôn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên thảo luận

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trao đổi bên lề Phiên họp. (Ảnh: CTV Quang Khánh)

Dự Phiên thảo luận có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐBQH khóa XV. Đại biểu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận. (Ảnh: CTV Quang Khánh)

Bên cạnh đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: CTV Quang Khánh)

Trong Phiên buổi sáng, các ĐBQH cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đồng thời, tham gia nhiều ý kiến, tập trung vào những nội dung như: Cần quan tâm đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực; tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp; chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên mới chỉ áp dụng các khoản vay ngắn hạn, do đó, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì đây là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế; có khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công; Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của công nghiệp hydrogen…

Một số ý kiến đề nghị trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề. Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH đề cập đến vấn đề quản lý chung cư mini, chính sách phát triển nhà ở xã hội nhằm bảo đảm nhu cầu có chỗ ở an toàn cho người dân, nhất là bộ phận người dân có thu nhập thấp. Liên quan đến nội dung này, các ĐBQH đề nghị, Chính phủ triển khai giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân; nghị quyết Kỳ họp lần này cần yêu cầu bảo đảm an toàn cháy, nổ nói chung, trong đó có an toàn cháy, nổ đối với các chung cư mini đang hiện hữu...

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung trong chương trình.

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn