Truy cập nội dung luôn

Bộ Giao thông Vận tải tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022

Ngày 25/12, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 theo hình thực trực tuyến do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT đã hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật kịp thời; ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của ngành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành GTVT quốc gia.

Theo đó, Bộ GTVT là một trong những bộ, ngành đầu tiên trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải, làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng có nhiều chuyển biến, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Điểm nhấn trong năm 2021 của ngành GTVT chính là việc phòng chống dịch COVID-19, ngành đã quyết liệt chỉ đạo mở luồng xanh tháo gỡ vận chuyển hàng hóa, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp vận tải. Cùng với đó, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm hoạt động vận tải gắn với phòng chống dịch; thành lập các Đoàn kiểm tra tại 22 địa phương về tổ chức hoạt động vận tải, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; ban hành các hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực; đề nghị các địa phương rà soát, thu hồi các quy định đã ban hành không phù hợp, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động vận tải gắn với phòng chống dịch COVID-19...

Đến cuối năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án. Các công trình dự án cơ bản hoàn thành đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư. Đáng chú ý, đến hết tháng 1-2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), tỉ lệ giải ngân đạt khoảng 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, về đường bộ, toàn tỉnh có 4.822 km đường bộ. 100% các tuyến Quốc lộ và cao tốc đã được thảm bê tông nhựa với chất lượng phục vụ khá. 100% các tuyến đường tỉnh được nhựa hóa, mở rộng mặt đường từ 3,5 m lên 5 - 5,5 m. Nhựa hóa và bê tông hóa đường trục xã, liên xã 2.361 km. Trên 80% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Đường thủy nội địa có 56 phương tiện đăng ký hoạt động, chủ yếu là đò ngang vận chuyển khách qua sông, vận tải vật liệu xây dựng, hàng hóa đáp ứng thỏa mãn nhu cầu vận chuyển hàng hoá và sự đi lại của nhân dân. Đường sắt: Trên địa bàn tỉnh hiện có 136,7 km đường sắt. Hiện có 3 tuyến đang hoạt động… Từ cuối năm 2020 đến nay, ngành giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong nước. Trước những thách thức khó khăn do dịch bệnh, ngành giao thông vận tải đã linh hoạt, chủ động xây dựng các phương án, kịch bản để đảm bảo công tác vận tải hành khách, người lao động và hàng hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục của ngành GTVT trong năm 2021, như: Chất lượng một số văn bản chuyên ngành GTVT chưa được ổn định lâu dài trong thực tiễn; còn nhiều dự án, có quy mô không lớn, nhưng là các điểm nghẽn trong lĩnh vực giao thông, được các địa phương, cử tri đã có nhiều kiến nghị nhưng chưa được giải quyết triệt để; tiến độ triển khai thi công một số dự án còn chậm so với kế hoạch yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án trọng điểm chưa xử lý dứt điểm; các hạng mục xây dựng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai còn chậm; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự án đầu tư được triển khai kịp thời. Ngành GTVT đã chủ động xây dựng Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050 với mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Tập trung xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Đề án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với 12 dự án thành phần (chiều dài 729 km) và đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua theo phương án sử dụng 100% vốn đầu tư công. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giao thông vận tải phải nhìn nhận rõ các tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó cần sớm có giải pháp khắc phục như: Tập trung cao cho việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc phía Đông giai đoạn 2, yêu cầu rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án giai đoạn 1; chú trọng việc công bố, công khai các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt tới các cấp, ngành, địa phương để có thể chủ động triển khai nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng như khẩn trương phê duyệt các quy hoạch chi tiết để làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư; phối hợp chuẩn bị chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bảo đảm sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội về chủ trương đầu tư một số tuyến ưu tiên theo quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, đồng chí Phó Thủ tướng chỉ rõ ngành GTVT cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đặc biệt, các địa phương phối hợp tốt với Bộ GTVT, không được cát cứ, để đảm bảo vừa lưu thông hàng hoá tốt vừa phòng dịch hiệu quả.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn