Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên: Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm đạt trên 10.000 tỷ đồng

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Bộ với 25 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng Sông Hồng - Trung du miền núi phía Bắc. Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

 

Hội nghị trực tuyến "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng". Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021; dự kiến kế hoạch năm 2022 của các địa phương. Theo đó, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân của các địa phương trong vùng nên tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng qua đạt kết quả khả quan, dự ước có 9/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch. Cụ thể: Thu ngân sách nhà nước ước đạt 50.622 tỷ đồng, bằng 85,57% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 36.617 triệu USD, bằng 64,2% kế hoạch (trong đó Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu 2 chỉ tiêu trên); có 4.071 doanh nghiệp tư nhân trong nước đăng ký thành lập mới; thu hút được 41 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1.068,45 triệu USD. An sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo, thực hiện đầy đủ các chính sách: Hộ nghèo giảm còn 11,3 %; có 795 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu đề ra…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, một số chỉ tiêu chủ yếu dự kiến được đặt ra là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP) đạt 8%; GRDP bình quân đầu người từ 59 - 60 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 68.802 tỷ đồng; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch 95-96%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn khoảng 11-12%…

Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của vùng, gồm: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế; đầu tư nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông nghiệp có quy mô lớn và chuyên canh; đẩy mạnh du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc, du lịch sinh thái, tâm linh gắn giá trị gia tăng cao; phát huy mạnh mẽ vai trò tạo động lực của các đô thị là trung tâm kinh tế của vùng, gồm: Việt Trì, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai; quyết liệt thực hiện chương trình, dự án có mục tiêu an sinh xã hội trong vùng, nhất là với các Chương trình mục tiêu quốc gia (dân tộc thiểu số miền núi; giảm nghèo; nông thôn mới) giai đoạn 2021 - 2025…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo 9 địa phương đã thể hiện quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2021; đồng thời cũng đưa ra một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế, giải pháp, đề xuất vốn các dự án đầu tư cụ thể để hoàn thành mục tiêu kế hoạch của năm cũng như tạo điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch năm 2022. Đại diện các bộ, ban, ngành đã làm rõ, giải đáp một số nội dung có liên quan.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 8 tháng đầu năm, tỉnh Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19, tuy nhiên, tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và triển khai các giải pháp quyết liệt đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh tính đến hết tháng 8/2021 đạt 10.239 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 18,66 tỷ USD, tăng 5,77% so với cùng kỳ, duy trì ở tốp 4 địa phương có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước. Tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 8/2021 đạt 57% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Về phân bổ vốn đầu tư công, tổng số vốn tỉnh đã giao chi tiết là 5.585,72 tỷ đồng, đạt 95,9% tổng số vốn phải phân bổ… Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để các địa phương có đủ cơ sở giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 cho các công trình khởi công, các công trình đã đủ thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công mới năm 2021; sớm phê duyệt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến mức vốn trung hạn từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu và cơ chế lồng ghép, đối ứng từ ngân sách địa phương để các địa phương có cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện. Đối với thủ tục báo cáo xin ý kiến Hội đồng nhân dân dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022 và các năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quy trình chỉ báo cáo xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh trước khi tổng hợp báo cáo dự kiến kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo thông qua HĐND tỉnh phương án phân bổ kế hoạch chính thức tại kỳ họp cuối năm.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng biểu dương các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… đã kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần khôi phục đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Để đạt các mục tiêu năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022, đồng chí Nguyễn Chí Dũng đề nghị các tỉnh cần quyết liệt phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại để đảm bảo sức khỏe cho người dân, dần khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng, cơ cấu lại kinh tế để nâng cao tính tự chủ, tính thích ứng, tính đối phó và tính chuyển đổi để đối mặt với các thách thức trong thời gian tới; coi nội lực là yếu tố cơ bản, ngoại lực là quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ổn định; thân thiện với các doanh nghiệp theo hướng đồng hành, không gây nhũng nhiễu, quan liêu, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, tăng cường đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân. Đặc biệt, các tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh…Về những kiến nghị của các địa phương, Bộ sẽ tiếp thu, điều chỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền; đối với những kiến nghị vượt quá thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn