Truy cập nội dung luôn

10 sự kiện, thành tựu tiêu biểu năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Trung ương, sự chủ động, tích cực, sáng tạo và linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu 10 sự kiện, thành tựu tiêu biểu, nổi bật năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên.

1. Quyết tâm sớm đưa nghị quyết của Đảng bộ các cấp vào cuộc sống

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã làm việc với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và 27 sở, ngành, đơn vị trong tỉnh. (Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi với lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư)

Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tham dự Đại hội đã phát huy dân chủ, trí tuệ, tích cực đóng góp vào thành công chung của Đại hội. Cũng tại Đại hội lần này, Thái Nguyên vinh dự có 2 đồng chí được tín nhiệm bầu vào BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định vị thế, uy tín của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Từ thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vượt lên trên những thách thức của đại dịch COVID-19, với tinh thần “6 dám” từ nghị quyết Đại hội, năm 2021, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XX đã phát huy sức mạnh tập thể, tập trung trí tuệ, xây dựng, cho ý kiến và quyết định nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng. 12 chương trình, 32 đề án và 21 kế hoạch chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những định hướng lớn, nội dung cơ bản trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đặc biệt, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn của địa phương, đi cơ sở theo quy định, làm việc với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và 27 sở, ngành, đơn vị trong tỉnh. Kết quả các phiên họp, các buổi làm việc đều được cụ thể hóa bằng các kết luận, nghị quyết bám sát với tình hình thực tiễn để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng tiếp tục được các cấp ủy đảng trên địa bàn tập trung thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và tư tưởng nhất quán. Theo đó, bám sát đổi mới từ Trung ương, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tăng cường cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, gắn với việc thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 và Nghị quyết TƯ 4, khóa XI, XII và XIII. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời gắn với xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện của cấp ủy phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy. Hoạt động của hệ thống dân vận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đạt nhiều kết quả; đã phát huy được vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong tập hợp, tạo sự đồng thuận để Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong năm 2021.

Sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên trong năm 2021 là tiền đề quan trọng để Thái Nguyên sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - công nghiệp hiện đại của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

2. Tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, phát huy dân chủ, xây dựng chính quyền Nhân dân

Tỉnh Thái Nguyên nhận đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh

Năm 2021, với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,67%; qua đó bầu đủ 07 đại biểu Quốc hội, 66 đại biểu HĐND tỉnh; 319 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.982 đại biểu HĐND cấp xã. Cuộc bầu cử đã đảm bảo được mục tiêu: Dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là Ngày hội của toàn dân.

Từ thành công của cuộc bầu cử, các chức danh chủ chốt HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được kiện toàn, đảm bảo các tiêu chí về cơ cấu, trình độ, năng lực điều hành thực hiện thắng lợi các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong năm, hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng cao bằng những quyết định đúng pháp luật, sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của địa phương. Năm 2021 cũng đánh dấu các kỳ họp quan trọng của HĐND tỉnh, khi thông qua trên 140 nghị quyết - số lượng nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay, qua đó kịp thời thể chế hóa các chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm căn cứ để các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, góp phần mở đường, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

UBND tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò điều hành trong chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy về thực hiện linh hoạt, hiệu quả, đạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cũng thể hiện rõ vai trò của mình trên các diễn đàn Quốc hội với các ý kiến trí tuệ, trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng để đóng góp vào các vấn đề quan trọng của đất nước, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương; qua đó đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên địa bàn.

Cũng trong năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, như: Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên (04/11/1831 - 04/11/2021); Hội thảo khoa học Kỷ niệm 85 năm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2021); qua đó tạo các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua, tạo khí thế phấn khởi, góp phần vào thành công chung của các sự kiện. 

3. Thái Nguyên là một trong số các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp modul camera của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống; tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, sự điều hành năng động, linh hoạt, sáng tạo của chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn theo đúng tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Minh chứng là trong 25 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao và nằm trong TOP đầu của cả nước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của toàn quốc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người mặc dù chưa đạt kế hoạch nhưng trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế vẫn đạt 95,1 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước (64,5 triệu đồng/người/năm). Thái Nguyên cũng nằm trong TOP 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố, đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng.

Về kết quả thu ngân sách, với 18.000 tỷ đồng, Thái Nguyên nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất toàn quốc, vượt trên 4.700 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt trên 1.500 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%. Giá trị xuất khẩu đạt trên 28,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với kế hoạch, tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội. Kết thúc năm 2021 kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 105% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2021 đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 10%. Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh. Nhiều dự án đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021, mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 169 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 9,67 tỷ đô la Mỹ và trên 800 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 141 nghìn tỷ đồng.

Những con số ấn tượng này tiếp tục thể hiện vai trò điều hành, quản lý kinh tế của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh khó khăn chung khi phải ứng phó với dịch bệnh.

4. Hoàn thành quy hoạch tỉnh, nhiều công trình, dự án trọng điểm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Sơ đồ hiện trạng phân vùng chức năng tỉnh Thái Nguyên

Kế thừa và phát huy những thành tựu kinh tế, xã hội của tỉnh thời kỳ 2010 - 2020, khai thác, sử dụng tối ưu các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực sẵn có, trên cơ sở Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai thực hiện các bước theo quy định, đến nay cơ bản hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Quy hoạch sẽ là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.

Cũng trong năm 2021, Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch chung Khu Công nghệ thông tin tập trung cả nước với quy mô trên 200 ha; thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên với diện tích 154 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên tiếp tục thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, phục vụ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Đáng chú ý, với quyết tâm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, trong năm 2021 tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực, dồn sức xây dựng các tuyến đường chiến lược, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; triển khai thực hiện hoàn thành các tuyến đường kết nối với đường vành đai V, tuyến đường ĐT.261 kết nối các Khu du lịch sườn Đông Tam Đảo, hồ Núi Cốc; cùng nhiều tuyến đường liên kết các vùng trong tỉnh. Trong quy hoạch, phát triển và chỉnh trang đô thị, bên cạnh đầu tư nâng cấp các đô thị hiện hữu, phát triển thêm các đô thị mới, tỉnh Thái Nguyên còn quan tâm nâng cao chất lượng đô thị. Chỉ thị số 13 của Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị là văn bản quan trọng nhằm cụ thể hóa quan điểm này, góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững.

5. Chuyển đổi số mở ra hướng đi mới, tiên phong, sáng tạo

Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai trương Nền tảng xã hội số Thái Nguyên ID

Năm 2021, Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên được ban hành ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Nền tảng Kinh tế số, Chính quyền số, Xã hội số được tăng cường; nhiều ứng dụng công nghệ, nền tảng số dùng chung của tỉnh như: Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (IOC); Ứng dụng công dân số ThaiNguyen ID; C-ThaiNguyen, Sổ tay đảng viên điện tử; Phòng họp không giấy tờ e-Cabinet; các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai thực hiện hiệu quả đã đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Tỉnh đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cấp độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, vượt mục tiêu đề ra. Xếp hạng mới nhất về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố: Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chỉ số Chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc. Công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng bộ, chính quyền của tỉnh (như chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS) đều đạt thứ hạng cao. Những kết quả bứt phá trong chuyển đổi số đang mở ra một hướng đi mới, tiên phong, sáng tạo với kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. Nông nghiệp tiếp tục duy trì là bệ đỡ của nền kinh tế

Thu hái chè trên đồi chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên

Dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19 và nguy cơ thiệt hại lớn từ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tuy nhiên, năm 2021 vẫn được đánh giá là năm thành công của nông nghiệp Thái Nguyên khi tiếp tục duy trì vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đời sống của Nhân dân, với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 14,65 nghìn tỷ đồng, tăng 4,18%; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 117,8 triệu đồng, tăng 7,1%. Đáng chú ý, trong lộ trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đến nay đã có gần 1,1 triệu cây xanh trên địa bàn được quản lý thông qua phần mềm “Thai Nguyen SmartTree”, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thái Nguyên đã có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, toàn tỉnh có 129 sản phẩm OCOP. Chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chỉ đạo thực hiện. Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, huyện Phú Bình cơ bản đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 109/137 xã.

7. Giữ vững là “vùng xanh” an toàn trên bản đồ chống dịch của cả nước

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên

Trong  bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ vững là “vùng xanh” trên bản đồ dịch tễ của cả nước. Kết quả đó xuất phát từ sự chủ động, quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định của Trung ương và Bộ Y tế, nhất là Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, an dân, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Công tác phòng, chống dịch có vai trò quan trọng của các lực lượng tuyến đầu; đồng thời huy động được sức mạnh của toàn dân, phát huy được vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, xóm, bản, tổ dân phố. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chốt kiểm soát liên ngành, điểm hỗ trợ Nhân dân phòng, chống dịch COVID-19; các đội phản ứng nhanh, tổ COVID-19 cộng đồng và tổ công tác tự quản tại cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 90% dân số trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đang tập trung tiêm phòng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và triển khai tiêm phòng mũi tăng cường cho các trường hợp đủ điều kiện theo quy định.

8. Nhiều dấu ấn trên lĩnh vực văn hóa - xã hội

Chương trình Famtrip và Tọa đàm bàn giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với kích cầu du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2021

Năm 2021, giáo dục, đào tạo có bước phát triển với quy mô, loại hình và chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; ngành giáo dục đã tổ chức triển khai có hiệu quả công tác dạy học trực tuyến, đảm bảo nguyên tắc “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Bên cạnh đó, các chương trình, đề án của tỉnh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 được tích cực triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra. Năm 2021, Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban hành đề án và quy định về một số chính sách hỗ trợ dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiệu tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cấp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai gần.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Một số công trình văn hóa, thể thao cấp tỉnh được quan tâm, đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, xứng tầm. Công tác tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, cách mạng và phát huy truyền thống văn hóa của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được triển khai tích cực, đạt được nhiều kết quả, góp phần giảm nghèo bền vững. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển; công tác đào tạo, huấn luyện, tập luyện tham gia thi đấu thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế đạt kết quả ấn tượng, với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng trên tổng số 7 huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại Giải Vô địch Thế giới JuJitsu 2021, qua đó góp phần khẳng định vị trí của thể thao Thái Nguyên trên bảng xếp hạng thành tích cao của thể thao Việt Nam.

9. Giữ vững trụ cột an sinh xã hội

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập của xã Thần Sa

Với quan điểm an sinh xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững, năm 2021 các chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cứu trợ, trợ giúp xã hội, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Giữa khó khăn chung của đại dịch COVID-19, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thái Nguyên cũng là một trong số ít các tỉnh, thành phố trong cả nước sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù riêng nhằm hỗ trợ người dân và các lực lượng phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh, thông qua ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen, gần 11.700 lao động là người Thái Nguyên đang gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã được nhận hỗ trợ từ quê hương, đảm bảo công khai, minh bạch, với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng là minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách và tương thân, tương ái trong khó khăn của dịch bệnh.

Trong năm, toàn tỉnh đã vận động, huy động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội đạt trên 131 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,17%, giảm 0,65% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Thái Nguyên đã đạt mục tiêu 100% hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, cơ bản thoát nghèo. Với sự quan tâm của các cấp, ngành và sức lan tỏa từ chương trình chuyển đổi số, các xóm, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng dần thay da, đổi thịt từ chính trong cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Nhiều chính sách an sinh, như: Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hỗ trợ chi phí hỏa táng đã được ban hành, qua đó vừa đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, vừa phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội tiến bộ, phát triển, văn minh.

10. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững

Một nội dung trong cuộc diễn tập khu vực phòng thủ huyện Phú Bình năm 2021 (tình huống chống khủng bố)

Trong năm 2021, Thái Nguyên đã chỉ đạo tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập động viên tại 3 đơn vị cấp huyện; tiếp tục triển khai Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thái nguyên giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn năm 2035; tham gia diễn tập chỉ huy tham mưu một bên hai cấp… Tỉnh Thái Nguyên cũng dành đầu tư nguồn lực xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ các cấp; tiếp tục nâng cấp, xây mới trụ sở Ban chỉ huy quân sự cấp xã, công an xã đảm bảo đúng quy mô, quy định. Công tác tuyển quân đảm bảo đủ chỉ tiêu, thực hiện chặt chẽ, đúng Luật. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả ba tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, góp phần quan trọng, tạo môi trường hấp dẫn, an toàn, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã tự tin đi qua năm 2021 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với nhiều kết quả nổi bật và đáng tự hào. Vị thế của quê hương cách mạng đang ngày càng được khẳng định. Trong chặng tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, để "dấu ấn Thái Nguyên" tiếp tục được nâng lên tầm cao mới.

Trung tâm Thông tin tỉnh và Đài PT-TH Thái Nguyên (thực hiện)
thainguyen.gov.vn