Truy cập nội dung luôn

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng

Ngày 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững''. Dự Hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hội doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không; các chuyên gia kinh tế, du lịch.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo, trong 10 tháng năm 2023, du lịch là điểm sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế, với 99 triệu lượt khách nội địa, 10 triệu khách quốc tế, vượt kế hoạch năm 2023 là 8 triệu khách; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 582 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế phát triển, du lịch Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Trong đó, liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả; sản phẩm du lịch chưa thật sự đặc sắc, dịch vụ gia tăng giá trị cho khách du lịch chưa nhiều; công tác xúc tiến, quảng bá, quản lý du lịch chưa chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp và hiến kế thu hút khách, phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững; tăng cường liên kết vùng, ngành, hợp tác công tư nhằm xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch...

Đại biểu tại các điểm cầu

Đối với tỉnh Thái Nguyên, ngành du lịch đang phục hồi tốt, lượng khách tăng trở lại, riêng năm 2023 tổng lượng khách dự ước gần 2,5 triệu lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng. Ngành du lịch đã và đang tập trung xây dựng và khai thác 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; sinh thái, nghỉ dưỡng; cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Thái Nguyên từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch vùng Việt Bắc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Baochinhphu.vn)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoạch định chính sách, điều hành, chỉ đạo đổi mới tư tuy về quản lý và phát triển du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng; tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Trần Huyền
thainguyen.gov.vn