Truy cập nội dung luôn

Đảm bảo hoạt động thông suốt trong công tác quản lý nhà nước sau sáp nhập

Bám sát chỉ đạo, chủ động tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hoạt động thông suốt trong công tác quản lý nhà nước sau sáp nhập - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về tình hình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước sau khi sáp nhập tổ chức sáng nay (11/7). Dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 

Quang cảnh cuộc họp

Ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, hiệu quả. Các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức lại bộ máy, bố trí cán bộ hợp lý, xử lý hiệu quả tài sản công, chuyển tiếp các nhiệm vụ và dự án đang triển khai; đồng bộ hóa dữ liệu dân cư, địa giới hành chính lên các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; thực hiện nghiêm quy trình giải quyết thủ tục hành chính, việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả xử lý thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa; duy trì tiếp nhận 100% thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến. Sở Tài chính đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện nội dung giao dự toán thu - chi ngân sách tỉnh Thái Nguyên mới năm 2025; tham mưu phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cơ bản các đơn vị đã thực hiện bàn giao tiếp nhận trụ sở, xe công tác và máy móc, trang thiết bị theo phương án được duyệt. Các tài sản sau tiếp nhận đã được bảo vệ, bảo quản không để thất thoát lãng phí.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu tại cuộc họp

Tình hình chung cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã ổn định tổ chức và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, không gián đoạn, bảo đảm phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục duy trì ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo, lãm rõ kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình sáp nhập tỉnh và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Các đại biểu cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: Một số xã mới sau sáp nhập còn thiếu cán bộ chuyên môn, chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các phòng; chưa có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, giao thông và xây dựng. Ngoài ra, nhiều xã, phường phải bố trí trụ sở làm việc ở các địa điểm khác nhau, gây khó khăn cho công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành; cơ sở vật chất và hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động của bộ máy mới còn hạn chế; khối lượng tài liệu tồn đọng chưa được chỉnh lý theo nghiệp vụ lưu trữ còn lớn; việc thực hiện chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát còn gặp khó khăn do một số hộ dân không có khả năng đối ứng hoặc thiếu điều kiện về đất ở.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Sơn phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đề nghị, các cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là giai đoạn đầu sau sáp nhập. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Tài chính khẩn trương rà soát toàn bộ nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của chính quyền 2 cấp; đề xuất phương án khắc phục ở những đơn vị, địa phương còn thiếu, trong đó ưu tiên đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, cấp bách. Các sở, ngành tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn ở cấp xã, phân công cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đảm bảo không để xảy ra ách tắc trong công tác chuyên môn. Sở Nội vụ phối hợp giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp bộ máy; hướng dẫn hoạt động của cán bộ chuyên trách cấp xã; tham mưu tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 chu đáo, ý nghĩa; đồng thời, sớm đề xuất phương án thống nhất công tác lưu trữ về một đầu mối. Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ bàn giao hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi... theo đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các đơn vị, doanh nghiệp đủ năng lực triển khai nhiệm vụ môi trường tại địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu phương án tổng thể về quy mô trường lớp, số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo phù hợp tình hình mới. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động đề xuất bố trí trụ sở làm việc cho lực lượng cấp xã, đảm bảo điều kiện an ninh, quốc phòng. Sở Dân tộc và Tôn giáo là đầu mối tham mưu triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tiến hành rà soát lại số liệu thực tế để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo hoạt động thông suốt trong công tác quản lý nhà nước sau sáp nhập, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

 

 

Kim Oanh - Đình Sơn
thainguyen.gov.vn