Truy cập nội dung luôn

Tập trung nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021- 2030 diễn ra vào ngày 21/6 tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021- 2025 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 460.000 tỷ đồng.

Dồn lực cho giai đoạn 2021 - 2025

Thành phố Cần Thơ phát triển dọc theo hai bên bờ sông Hậu

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp, là trụ đỡ bảo đảm an ninh lương thực, có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng…

Trong giai đoạn 2021- 2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án do địa phương quản lý dự kiến khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016- 2020.

Ngoài ra, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021- 2025 của vùng khoảng 460.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn…

Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và 13 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng trong giai đoạn 2021- 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định các đột phá mang tính chiến lược; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy con người làm trung tâm.

Vùng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thủy nội địa và tuyến đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai. Đồng thời phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển.

Đến năm 2030, vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi

Cánh đồng lúa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ trên cao

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, rồi biến mất, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở… là những thách thức của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng là “Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi”. Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt mà còn cả nước lợ, nước mặn. Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên. Với tinh thần “chủ động, linh hoạt” thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới.

Về đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhu cầu đầu tư cho vùng khoảng 41.257 tỷ đồng; trong đó, rà soát những nội dung ưu tiên thì nhu cầu khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021- 2025.

Dự kiến danh mục một số dự án trọng điểm cần đầu tư gồm: hoàn thiện hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên; dự án hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng giữa sông Tiền - sông Hậu và bán đảo Cà Mau; cụm công trình kiểm soát mặn, củng cố, nâng cấp đê biển Tây; hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A; công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn…

Tháo điểm nghẽn về giao thông

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, với sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, trong nhiệm kỳ này, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 400 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ tạo điểm đến thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ để phát triển đột phá cho vùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn. Dù Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2021- 2025, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung điều chỉnh giao thông; trong đó, xác định giao thông vận tải đã đóng góp những gì cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này. Có một số điểm đột phá như đảm bảo cho tàu tải trọng 10.000 tấn đến với cảng Cần Thơ, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề. Đây được xem là cửa ngõ chính miền Tây, nơi tàu 80.000 - 100.000 tấn có thể hoạt động.

Về đường bộ, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đây là lĩnh vực hết sức cần thiết và cần phải kết nối với các cảng biển với trung tâm thành phố Cần Thơ. Trong nhiệm kỳ này, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ đã tập trung cho Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đến thời điểm này, 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung vào phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc. Hiện nay, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 90 km đường cao tốc và 30 km đường cao tốc nữa đang được triển khai. Trong nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ có thêm 400 km đường cao tốc nữa sẽ hoàn thành kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ, thành phố Cần Thơ đến mũi Cà Mau. Hiện nhiều dự án cao tốc đang được từng bước triển khai như: cao tốc Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng), tuyến An Hữu - Cao Lãnh - Rạch Giá.

“Chúng tôi xác định cao tốc phải kết nối để phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối vào cảng Trần Đề, tàu 100.000 tấn chỉ cách Cần Thơ 100 km. Với hệ thống đường cao tốc kết nối với cảng Trần Đề, cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tin rằng sau nhiệm kỳ này, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là điểm đến thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao, có đủ tiềm năng và điều kiện để phát triển đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ngoài đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tập trung phát triển vận tải biển, đường sắt, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với đường hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu nâng cấp 3 sân bay là Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, đảm bảo tiếp nhận được máy bay loại Airbus A320 từ 180-250 ghế.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng kêu gọi các nhà đầu tư đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, các địa phương trong vùng phải nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, vì sự phát triển chung của vùng và sự kỳ vọng của người dân.


TTXVN