Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
29-11-2024 06:25
Cảng Cái Mép - Thị Vải hiện có 24 dự án cảng đi vào hoạt động, tổng chiều dài cầu bến gần 11km với tổng công suất thiết kế 129 triệu tấn/năm, trong đó có 8 cảng container công suất 8,3 triệu TEU/năm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đây là nhận định của Savills Việt Nam về nhu cầu bất động sản phục vụ cho ngành thương mại điện tử, logistics tại Việt Nam ngày 28/11.
Theo báo cáo Tiêu điểm Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2024 của Savills mới công bố, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn cả nước đạt 15,1 triệu m2, tăng 31% so với năm trước với nguồn cung mới mạnh mẽ tại các tỉnh trọng điểm; trong đó, nguồn cung nhà xưởng, nhà kho xây sẵn tại khu vực phía Nam đạt 10,6 triệu m2 (nhà xưởng chiếm 49% và kho bãi chiếm 51%).
Tỷ lệ lấp đầy của các phân khúc này đạt 80% với giá thuê trung bình 4,4 USD/m2/tháng. Tại phía Bắc, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn đạt 4,5 triệu m2, chiếm 30% nguồn cung toàn quốc với tỷ lệ phân bổ là 61% nhà xưởng và 39% là tài sản kho bãi. Tỷ lệ lấp đầy chung đạt 80% với giá thuê trung bình ở mức 5% USD/m2/tháng.
Ông John Campbell, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, hiệu suất tích cực này cũng một phần đến từ nhu cầu mạnh mẽ về không gian logistics. Tại Việt Nam, ngành logistics có tiềm năng tăng trưởng lớn và là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Động lực chính đến từ tốc độ tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, hoạt động thương mại, sản xuất giá trị cao gia tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành thương mại điện tử.
Để đáp ứng nhu cầu lớn này, theo ông John Campbell, bước quan trọng nhất mà bất kỳ Chính phủ nào có thể thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho logistics là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng thời hạn. Cơ sở hạ tầng là xương sống của logistics, bao gồm từ thủ tục hải quan đến vận tải đa phương thức, đường sá và sân bay.
“Một yếu tố quan trọng khác là đảm bảo đủ quỹ đất cho logistics và thương mại điện tử. Một số khu công nghiệp ở Việt Nam chỉ được chỉ định cho sản xuất, điều này có thể gây ra thách thức cho các công ty logistics và thương mại điện tử tìm kiếm đất đai phù hợp. Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là có các khu công nghiệp đủ linh hoạt để đáp ứng cả hoạt động sản xuất và logistics”, ông John nhấn mạnh.
Về lý thuyết, các nhà đầu tư có thể làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song quá trình này có thể mất vài tháng và thay đổi tùy theo từng địa phương. Tuy nhiên, những quy trình như vậy có thể là yếu tố gây cản trở cho các nhà đầu tư cần quyết định nhanh chóng.
Ông John Campbell phân tích, nhiều khu công nghiệp được quy hoạch vào giai đoạn 2007-2008 chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất. Có lẽ thời điểm đó chúng ta ít chú trọng đến logistics và thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của các lĩnh vực này đã làm nổi bật nhu cầu về sử dụng đất đa dạng hơn trong các khu công nghiệp.
Về lâu dài, các chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới nên dành đủ diện tích cho logistics và kho bãi. Ngoài ra, với sự tăng trưởng đáng kể của thương mại điện tử ở Việt Nam, việc cung cấp các địa điểm phù hợp cho các trung tâm phân phối, trung chuyển cũng là điều cần thiết.
“Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam sở hữu một thị trường mua sắm trực tuyến lớn và giàu tiền năng. Hơn 80% dân số sử dụng internet để mua sắm, thúc đẩy sự gia tăng hoạt động thương mại điện tử. Để đáp ứng sự tăng trưởng này, nhu cầu về đất đai để phát triển cơ sở vật chất logistics ngày càng tăng. Việc bị hạn chế về mặt bằng phù hợp có thể dẫn đến tăng chi phí thuê kho bãi cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của thị trường”, ông John Campbell nói.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường vận tải và logistics của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 48,6 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,8%, đạt 71,9 tỷ USD vào năm 2030. Chỉ số hiệu suất logistics của Việt Nam cũng tăng lên 3,3 điểm vào năm 2023 nhờ vào sự phát triển của ngành logistics và xuất khẩu.
Dẫn nguồn từ Bộ Công Thương, Savills Việt Nam cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 25% vào năm 2023, trở thành thị trường phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á và là 1 trong 10 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Hơn 80% người dùng internet trong nước cho biết có sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến, từ đó thúc đẩy mở rộng thương mại điện tử và thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gia nhập vào lĩnh vực này.
Hiện nay, Shopee là nền tảng thương mại điện tử chiếm ưu thế về thị phần doanh số bán hàng. Tiktok Shop cũng là đối thủ đang phát triển nhanh chóng, điều này nhấn mạnh sự chuyển đổi của mạng xã hội từ phương tiện quảng cáo sang thương mại. Các hình thức bán hàng mới như livestream, shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) và thương mại giao tiếp đang thúc đẩy cuộc cách mạng thương mại mạng xã hội.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được ước tính đạt 22 tỷ USD trong năm 2024, xếp thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia là 65 tỷ USD và Thái Lan là 26 tỷ USD.
Thị trường đã tăng trưởng 18% so với năm 2023, tốc độ tăng trưởng nhanh thứ ba sau Philippines 23% và Thái Lan 19%. Thị trường của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng này, trung bình hơn 19% hàng năm và đạt 63 tỷ USD vào năm 2030. Tại thời điểm đó, dự kiến sẽ vượt qua Thái Lan, xếp thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia.
Thương mại điện tử chiếm hơn 60% nền kinh tế số của Việt Nam năm nay, trở thành một trong hai động lực tăng trưởng chính cùng với du lịch trực tuyến. Các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ, bao gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, gần đây đã được gia nhập bởi các ông lớn xuyên biên giới như Shein, Temu… mở rộng thêm lựa chọn thị trường.
baotintuc.vn