Truy cập nội dung luôn

Khúc ru Đảo Yến, Vũng Chùa

Trong những năm tháng nghỉ ngơi sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang và xuất sắc của vị tướng số một, nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Chiến khu xưa (ATK - Định Hóa - Thái Nguyên). Kho tàng vô giá tại ATK về một thời 9 năm có được một phần nhờ vào Đại tướng…

Một phần khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đảo Yến, Vũng Chùa.

Là nhà báo, tôi được tiếp xúc với gia đình Đại tướng nhiều lần, trong đó có lần cùng đoàn với anh Võ Hoài Nam, con trai Đại tướng đi lại con đường từ Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn) về ATK Định Hoá (Thái Nguyên), thực hiện các cảnh quay cho phim tài liệu “Con đường Nam tiến”.

Có lần, chị Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng cùng Đoàn công tác lên Thái Nguyên, tôi được dự buổi gặp mặt của Tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Ngô Hai (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy) chủ trì.

Năm 2017, tôi thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam đưa Đoàn các nhà báo quốc tế tới thăm nhà Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu - Hà Nội, được anh Võ Điện Biên, con trai Đại tướng tiếp chuyện…

Tất cả các cuộc gặp gỡ ấy, cuộc nào cũng nhắc nhớ về Thái Nguyên. Khi hồ Núi Cốc hình thành, gia đình Đại tướng có làm căn nhà bé trên một hòn đảo nhỏ để khi lên thăm, Đại tướng có thể nghỉ ngơi… Trong câu chuyện của chị Võ Hạnh Phúc với người đứng đầu tỉnh năm đó có một ý: “Cũng có lúc, ba em bảo có thể nghỉ dài tại đây để gần với Boong hây, chài nọong; để nghe sóng nước hồ đêm ngày kể chuyện đất nước, quê hương”. Vì Đại tướng luôn nghĩ Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình.

Năm 2010, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xuất bản cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên” bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh), rất công phu và nhiều tư liệu mới. Trong đó có các bức ảnh về gia đình Đại tướng ở ATK Định Hoá mới được công bố.

Ngày 4-10-2013, tại Hà Nội, vị Đại tướng lừng danh và kiệt xuất, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi tái bản Cuốn sách để bổ sung những nội dung mới, đặc biệt là về nơi yên nghỉ của ông tại Vũng Chùa, Đảo Yến quê hương, lựa chọn cuối cùng của bậc hiền nhân văn, võ song toàn…

                                                                  ***

Theo phong thuỷ, Vũng Chùa có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng kín gió. Núi nơi Đại tướng nằm hùng vĩ, giáng tựa thân giao long, có mũi Rồng đâm tận ra mép sóng. Từ trên cao nhìn xuống, nơi đây có địa thế cong hình cánh quạt, lại được bao bọc bởi đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (Đảo Yến) nên nơi đây bình yên, kín gió, người dân hiền hoà, thuần phác.

Vì thế, cho dù hướng mặt ra biển Đông nhưng sóng ở đây không ào ạt xô bờ mà nhẹ nhàng vỗ về bờ cát. Âm hưởng rì rầm, ru ngủ, vỗ về của Vũng Chùa khiến bất cứ ai tới đây thắp nhang tưởng nhớ, tri ân Đại tướng đều thấy yên lòng…

Anh Võ Điện Biên chia sẻ: Mấy năm đầu, quân đội chăm lo việc tổ chức đón nhân dân đến viếng “Anh bộ đội số một”; mấy năm nay, gia đình xin phép nhận về trách nhiệm ấy. Vì ba tôi thường bảo ông từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, rồi lại về với dân, với đất mẹ, quê hương”.

Tôi đứng nơi vị Đại Tướng “bách chiến bách thắng” yên nghỉ - Vũng Chùa, Đảo Yến mà trào dâng dòng nghĩ suy: 13 tuổi, từ làng quê nghèo An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình ông vô Huế học; 14 tuổi được giác ngộ và hoạt động cách mạng… Năm 1940, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương; năm 1941, được giao xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam; năm 1945, được giao Tổng chỉ huy Quân đội khởi nghĩa, giàng thắng lợi, thành lập Nhà nước Công Nông; năm 1954, chỉ huy đánh bại thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ; năm 1975, chỉ huy đánh bại đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thống nhất Tổ Quốc…

Bây giờ ông đã được yên nghỉ trong khúc ru của đồng bào, của Vũng Chùa - Đảo Yến thân thương.

Hữu Minh
baothainguyen.vn