Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Xây dựng văn hóa giao thông trong học đường - Trách nhiệm từ nhiều phía

2024-06-14 14:58:00.0

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được quan tâm, thực hiện đồng bộ, nhờ đó ý thức chấp hành ATGT của học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bộ phận không nhỏ trong học sinh, ý thức chấp hành chưa cao, thậm trí còn là tác nhân gây nên những vụ TNGT đáng tiếc. Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Xây dựng văn hóa giao thông trong học đường - Trách nhiệm từ nhiều phía” sẽ làm rõ hơn về nội dung này.

MC Phương Thảo và các vị khách mời

MC Phương Thảo: Xin kính chào quý vị và các bạn! Quý vị đang theo dõi Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên do Trung tâm Thông tin tỉnh thực hiện.

Thưa quý vị và các bạn! Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm, thực hiện đồng bộ, nhờ đó ý thức chấp hành ATGT của học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bộ phận không nhỏ trong học sinh, ý thức chấp hành chưa cao, thậm trí còn là tác nhân gây nên những vụ TNGT đáng tiếc.

Để giải quyết tốt vấn đề này thì đâu là giải pháp căn cơ và trách nhiệm thuộc về ai? Đây cũng là nội dung trong Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Xây dựng văn hóa giao thông trong học đường - Trách nhiệm từ nhiều phía”. Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời. Xin trân trọng giới thiệu: Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên. Xin được trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Chương trình. Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi video clip ngắn mà chúng tôi vừa thực hiện.

MC Phương Thảo: Vâng, qua Clip ngắn vừa rồi chúng ta thấy thực trạng vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ trong lứa tuổi học sinh. Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Thưa ông Nguyễn Đức Thịnh, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên như thế nào? Đâu là những kết quả chúng ta đạt được?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Như chúng ta đã thấy qua Clip cũng như thực tiễn, thực trạng vi phạm giao thông đường bộ trong lứa tuổi học sinh hiện nay đáng báo động. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với vấn đề này.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03 chỉ đạo các ngành đồng bộ quyết liệt thực hiện; ngành GD&ĐT Thái Nguyên đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để triển khai đồng bộ các giải pháp tới tất cả các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Qua đó, ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh được nâng cao đáng kể, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ giảm xuống, số vụ tai nạn giao thông trong học sinh giảm so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số học sinh chưa chấp hành nghiêm, có hành vi vi phạm Luật Giao thông, do vậy, chúng ta cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

MC Phương Thảo: Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ sở giáo dục trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đối với mỗi học sinh, thưa ông Nguyễn Đức Thịnh? Vấn đề xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, Sở GD&ĐT đã có những chỉ đạo cụ thể như thế nào đối với các cơ sở giáo dục?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, là môi trường để giáo dục, hình thành thói quen và nhân cách tốt cho các em. Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT và xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với học sinh cần được thực hiện thường xuyên, bài bản và hiệu quả.

Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cụ thể đối với các cơ sở giáo dục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Về công tác giáo dục ATGT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học lồng ghép nội dung giáo dục ATGT vào các môn học chính thức như Giáo dục công dân, giáo dục pháp luật… đảm bảo phù hợp với lứa tuổi và trình độ học sinh. Chỉ đạo các trường học tổ chức các hoạt động giáo dục ATGT ngoài giờ lên lớp. Các hoạt động này bao gồm: Các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các diễn đàn, hội thi về ATGT; tạo cơ hội cho học sinh được trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến ATGT, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật giao thông. Yêu cầu thời lượng tổ chức 5 tiết/kỳ với lớp đầu cấp và 3 tiết/kỳ đối với lớp khác. Chỉ đạo các trường học phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh.

Về công tác làm gương cho học sinh, Sở yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường gương mẫu chấp hành pháp luật về ATGT, đây là yếu tố then chốt để giúp các em học sinh tuân thủ các quy định pháp luật về TTATGT.

Về công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật đến phụ huynh học sinh và đề nghị các phụ huynh ký cam kết thực hiện đảm bảo ATGT cho học sinh cũng như trong sử dụng phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Về công tác xây dựng môi trường giáo dục ATGT, Sở chỉ đạo các nhà trường đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giáo dục ATGT, lắp đặt hệ thống pano tuyên truyền, phát loa truyền thanh, triển khai các trang web truyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT...

Sau 1 năm triển khai mô hình Tổ tự quản, học sinh Trường THPT Gang Thép đã hình thành thói quen dừng xe và dắt xe khi qua cổng trường

MC Phương Thảo: Thưa Thượng tá Nguyễn Văn Quang, thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh trên toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Thái Nguyên, với những nỗ lực của ngành chức năng, văn hóa giao thông trong học đường đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện tình trạng vi phạm ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh trên địa bàn. Thực trạng này có phổ biến không và đâu là nguyên nhân chính thưa Thượng tá?

Thượng tá Nguyễn Văn Quang: Năm 2023, trên địa bàn toàn quốc xảy ra 1.552 vụ TNGT có người bị nạn là học sinh, làm chết 824 người, bị thương 1.637 người (số người chết là học sinh có 502 em, bị thương 1.113 em).

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, TNGT liên quan đến học sinh là 240 vụ (chiếm 33,2%), chết 19 người (13,7%), bị thương 227 người (chiếm 30,1%). Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 39 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 5 người, bị thương 50 người.

Tình hình vi phạm liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay còn diễn ra tương đối phổ biến, các hành vi vi phạm chủ yếu của học sinh: Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai theo đúng quy cách; điều khiển phương tiện mà chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe theo quy định; chở quá số người quy định; người điều khiển chạy quá tốc độ quy định; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt không đúng quy định…

Trong 5 tháng năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã lập biên bản 1.562 trường hợp học sinh vi phạm về TTATGT đường bộ; tạm giữ 912 xe mô tô, xe máy điện. Nguyên nhân chính: Hầu hết xuất phát từ lỗi các em học sinh chưa hiểu biết nhiều về các quy định của pháp luật về TTATGT, thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện và xử lý các tình huống khi tham gia giao thông. Một số em ở độ tuổi học sinh, có tâm lý muốn thể hiện bản thân, chọn việc điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng hoặc điều khiển xe “bốc đầu” để các bạn “nể”. Đây là thực trạng đáng báo động ở lứa tuổi này, đó chính là nhận thức và ý thức tham gia giao thông, một số trường hợp có thể thấy thiếu suy nghĩ, nên từ lỗi vi phạm giao thông cũng dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên

MC Phương Thảo: Theo thống kê về lỗi vi phạm TTATGT ở lứa tuổi học sinh, phần lớn là chưa đủ tuổi sử dụng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Vậy theo ông nguyên nhân do đâu? Và những trường hợp phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi sẽ bị xử lý như nào?

Thượng tá Nguyễn Văn Quang: Hành vi vi phạm chủ yếu là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, người chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 kể cả xe máy điện.

Nguyên nhân là do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên dễ bị lôi kéo, kích động. Sự quan tâm, giáo dục con cái của các bậc phụ huynh đối với các em học sinh chưa thật sự được chú trọng hoặc do hoàn cảnh mà ít có thời gian chăm sóc, hướng dẫn, chú ý đến con cái. Việc phối hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình để nắm bắt tâm tư, tình cảm của tuổi học sinh để kịp thời uốn nắn, phòng ngừa sai phạm chưa cao. Một nguyên nhân nữa là do sự buông lỏng “thoái mái” của chính các bậc phụ huynh đã vô hình tiếp tay, hình thành các vi phạm của thanh thiếu niên trong thời gian vừa qua. Do môi trường xã hội làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách (cách đối xử ở xóm, làng, khu phố; du nhập văn hóa nước ngoài, nội dung xấu, độc trên internet…) mà trẻ mới lớn rất dễ học hỏi, làm theo….

Những trường hợp phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại điểm đ, khoản 5, Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc xử phạt đối với phụ huynh giao xe cho con sử dụng khi chưa đủ 18 tuổi: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định.

Thậm chí các hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 264, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định.

Theo thống kê về lỗi vi phạm TTATGT ở lứa tuổi học sinh phần lớn là chưa đủ tuổi sử dụng xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông

MC Phương Thảo: Vậy để quản lý chặt chẽ tình trạng này, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp nào để ngăn chặn và xử lý, thưa ông Nguyễn Văn Quang?

Ông Nguyễn Văn Quang: Để quản lý chặt chẽ vấn đề đảm bảo ATGT trong học sinh, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT trong các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đổi mới nội dung, hình thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông và kỹ năng tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông phù hợp từng lứa tuổi học sinh theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thực hiện, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, tôn giáo... Đồng thời, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về TTATGT đối với các trường học, học sinh và phụ huynh học sinh…

Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh, như: Chưa đủ tuổi sử dụng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) tham gia giao thông; điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều của đường một chiều, đi vào đường cấm; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, có dấu hiệu đua xe trái phép; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển…

Chúng tôi cũng thường xuyên rà soát, kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục những bất cập về TTATGT, triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường học. Kịp thời kiến nghị khắc phục các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông tại khu vực trường học… Phối hợp với các nhà trường khảo sát, thành lập và duy trì các mô hình tổ tự quản về trật tự ATGT, nhất là mô hình “Cổng trường ATGT”… Cùng với đó, điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa.

Phòng Cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT

MC Phương Thảo: Vâng, theo chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Văn Quang thì tình trạng vi phạm giao thông chủ yếu là do học sinh điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, còn đối với quan điểm của ngành Giáo dục thì sao thưa ông Nguyễn Đức Thịnh?.Theo ông thì đâu là nguyên nhân của tình trạng vi phạm ATGT ở lứa tuổi học đường? và ngành Giáo dục có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Tôi rất đồng tình với đánh giá của Thượng tá Nguyễn Văn Quang vừa rồi, theo tôi có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm ATGT ở lứa tuổi học đường là do: Một là, nhận thức của học sinh về ATGT còn hạn chế. Nhiều em chưa hiểu rõ luật giao thông, chưa ý thức được sự nguy hiểm của việc vi phạm giao thông. Hai là, tâm lý lứa tuổi của học sinh THCS, THPT - lứa tuối hiếu động, thích thể hiện, muốn khẳng định bản thân. Việc vi phạm ATGT như đi xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng... có thể là cách mà các em thể hiện sự "dũng cảm", thể hiện mình, để chứng minh với bạn bè. Ba là, sự làm gương của người lớn, rất nhiều phụ huynh và một bộ phận người dân chưa chấp hành Luật Giao thông, tạo hình ảnh không đẹp cho học sinh. Bốn là, công tác quản lý học sinh chưa chặt chẽ, giữa nhà trường cũng như cha mẹ học sinh quản lý học sinh trong việc thực hiện pháp luật về ATGT cũng như là phương tiện cho các em học sinh chưa được quản lý chặt chẽ.

Để giải quyết tình trạng này, có rất nhiều giải pháp như Thượng tá Nguyễn Văn Quang vừa nêu, ngành GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội để thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường giáo dục ATGT cho học sinh. Nội dung giáo dục cần bám sát thực tế, chú trọng vào kỹ năng thực hành và ứng dụng; đối với các trường hợp vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, công bằng, tạo tính răn đe; người lớn cần gương mẫu.

Sở GD&ĐT ký kết quy chế phối hợp về thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới

MC Phương Thảo: Đối với việc học sinh vi phạm pháp luật về ATGT, ngành Giáo dục sẽ có biện pháp như thế nào để răn đe và giáo dục học sinh không tái phạm, thưa ông Nguyễn Đức Thịnh?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Để răn đe và giáo dục học sinh vi phạm pháp luật về ATGT, Sở GD&ĐT Thái Nguyên sẽ áp dụng các biện pháp kỷ luật nghiêm minh như: Yêu cầu học sinh viết cam kết không tái phạm và thực hiện các biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý về hạnh kiểm, đánh giá về đạo đức, có thể hạ điểm hạnh kiểm đối với học sinh vi phạm; yêu cầu gia đình cam kết phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em chấp hành Luật ATGT đường bộ; nặng hơn nữa có thể đình chỉ học có thời hạn với những học sinh vi phạm.

Ngoài ra, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Công an tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm ATGT. Yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát học sinh đi đến trường và từ trường về nhà cũng như kiểm tra, kiểm soát phương tiện của học sinh đi đến trường.

Ngành GD&ĐT tỉnh tin tưởng rằng: Với những biện pháp quyết liệt như vậy, công tác đảm bảo trật tự ATGT trong các nhà trường và học sinh sẽ được đảm bảo.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh thường xuyên tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý học sinh vi phạm TTATGT

MC Phương Thảo: Nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm đã được các sở, ngành, địa phương và lực lượng CSGT triển khai trong năm vừa qua nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ATGT. Ông có đánh giá như thế nào về những thay đổi về nhận thức đối với học sinh trong nhà trường thông qua việc tuyên truyền, giáo dục thưa ông Nguyễn Đức Thịnh?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Nhờ sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, nhận thức của học sinh về ATGT đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tăng cao, số vụ học sinh vi phạm ATGT có chiều hướng giảm so với các năm trước đây. Học sinh tích cực tham gia các hoạt động về ATGT. Nhiều học sinh tham gia vào các câu lạc bộ ATGT, viết báo tường và các hoạt động tuyên truyền về ATGT… Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của học sinh được nâng lên rõ rệt. Qua các hoạt động giáo dục và tuyên truyền, học sinh đã ý thức trong việc chấp hành pháp luật về ATGT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số học sinh vi phạm pháp luật về ATGT. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho học sinh, đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối với học sinh vi phạm.

MC Phương Thảo: Được biết trong thời gian qua, Phòng CSGT đã phối hợp với các trường học xây dựng các mô hình bảo đảm ATGT thiết thực, hiệu quả. Vậy, Thượng tá Nguyễn Văn Quang có thể chia sẻ về một trong số các mô hình đó?

Thượng tá Nguyễn Văn Quang: Thực tiễn đã chứng minh các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vai trò rất quan trọng trong phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Qua đó, vận động tập hợp, thu hút Nhân dân tự nguyện, tự giác và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại hộ gia đình, địa bàn dân cư. Những năm qua, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên. Điển hình trong công tác đảm bảo ATGT là một số mô hình như: Tổ tự quản “Cổng trường ATGT”, Tổ tự quản “Sinh viên với ATGT”… Nhà trường sẽ ra quyết định thành lập tổ tự quản, huy động những em học sinh tích cực, nhiệt tình tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT, hỗ trợ cơ quan chức năng ngay tại khu vực cổng trường học….

Sau một thời gian triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mô hình “Cổng trường ATGT” đã phát huy tác dụng, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trước và sau giờ tan học; không để xảy ra TNGT... Thông qua mô hình còn giúp xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT. Đồng thời, sớm hình thành ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Cụ thể, vào các khung giờ cao điểm, Công an các phường, xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và Ban Giám hiệu các nhà trường phân công cán bộ thường trực tại khu vực cổng trường để hướng dẫn học sinh di chuyển theo hàng lối, không tụ tập, đùa nghịch, gây cản trở giao thông, đồng thời nhắc nhở phụ huynh khi chờ đón con phải đỗ xe đúng vị trí nhà trường đã sắp xếp. Đặc biệt, Ban Giám hiệu nhà trường cũng xây dựng nội quy, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng giáo viên và thành lập các Đội xung kích, Đội cờ đỏ để làm nhiệm vụ phối hợp, bảo đảm TTATGT. Nhờ đó, việc lưu thông tại khu vực cổng trường đã trở nên thuận tiện và an toàn hơn. Điều quan trọng là thông qua mô hình này đã góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, đẩy lùi tình trạng vi phạm TTATGT và sớm hình thành văn hóa giao thông cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các trường học xây dựng các mô hình bảo đảm ATGT thiết thực, hiệu quả

MC Phương Thảo: Và đâu là những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới thưa đồng chí? Thông qua chương trình này, đồng chí có thông điệp gì muốn gửi gắm tới các bậc phụ huynh và các em học sinh, lứa tuổi thanh thiếu niên trong việc chấp hành pháp luật về ATGT? 

Thượng tá Nguyễn Văn Quang: Chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về ATGT cũng như nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho các em học sinh.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn cho học sinh.

Thứ ba, tập trung rà soát, kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục những bất cập về TTATGT, triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường học.

Thứ tư, duy trì có hiệu quả các mô hình tổ tự quản về TTATGT đặc biệt là Mô hình “Cổng trường ATGT”.

Thứ năm, phối hợp với các cơ sở giáo dục có biện pháp đánh giá ý thức rèn luyện, hạnh kiểm của học sinh; thông báo với các nhà trường đối với những trường hợp các em có vi phạm; đồng thời tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo TTATGT nhưng vẫn xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm.

Qua chương trình, chúng tôi có một thông điệp gửi tới quý vị độc giả và các em học sinh: Hãy là người có văn hóa khi tham gia giao thông! Thượng tôn pháp luật - Chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT.

MC Phương Thảo: Thời gian tới, để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm ATGT xảy ra đối với học sinh, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông Nguyễn Đức Thịnh? Qua chương trình này ông có ý kiến gì với các bậc phụ huynh và các em học sinh, lứa tuổi thanh thiếu niên trong việc chấp hành pháp luật về ATGT?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm ATGT xảy ra đối với học sinh, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT cho học sinh qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đổi mới để học sinh dễ tham gia, dễ nhớ, dễ hiểu và thực hiện…; sử dụng các phương tiện thông tin tuyên truyền đa dạng như mạng xã hội, truyền hình, báo chí để tuyên truyền về ATGT đến học sinh.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý giám sát học sinh sử dụng phương tiện tham gia giao thông; đưa việc thực hiện Luật Giao thông vào đánh giá thi đua của học sinh.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải trong việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý học sinh vi phạm TTATGT.

Tại chương trình này, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cũng mong muốn các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục ATGT cho con em mình. Cha mẹ hãy làm gương cho con em trong việc chấp hành Luật Giao thông. Các em học sinh cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Hãy nhớ, ATGT là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Mỗi người dân chúng ta cần thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT sẽ tăng cường triển khai ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông giữa phụ huynh, học sinh và Nhà trường

MC Phương Thảo: Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng, do đó cần có sự chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị, đặc biệt là giữa cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường. Với sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với những giải pháp cụ thể được các vị khách mời chia sẻ vừa rồi, hy vọng rằng công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh sẽ thực sự hiệu quả, có tính lan tỏa, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi TNGT ở lứa tuổi học sinh.

Một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình! Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.

Xem video tọa đàm tại đây!


Thainguyen.gov.vn