Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Vun đắp mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thu Oct 10 08:57:00 GMT+07:00 2024

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Thái Nguyên - nơi sẻ chia, hợp tác, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của hội viên; cầu nối giữa doanh nghiệp (DN) với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Để hiểu rõ hơn về những hoạt động của Hiệp hội, cũng như lắng nghe ý kiến tâm huyết từ các DN, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Vun đắp mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

MC Kim Oanh và các vị khách mời

Kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi chương trình tọa đàm trực tuyến do Trung tâm Thông tin - Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên thực hiện.

Thưa quý vị và các bạn! Được thành lập năm 2004, đến nay trải qua 20 năm phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Thái Nguyên đã và đang khẳng định vai trò “mái nhà chung” để các doanh nghiệp (DN) hội viên sẻ chia, hợp tác, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; là cầu nối giữa DN với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Với phương châm “Đoàn kết, trí tuệ, phát triển, hội nhập bền vững”, 20 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các hội viên của Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên đã luôn đoàn kết, động viên, hỗ trợ nhau cùng phát triển và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sự đổi mới của tỉnh Thái Nguyên.

Để hiểu rõ hơn về những hoạt động của Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên trong suốt thời gian qua, cũng như lắng nghe những ý kiến tâm huyết từ các DN, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Vun đắp mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu: Ông Nguyễn Xuân Tốt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên và ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet BMG.

Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi video clip ngắn chúng tôi vừa thực hiện.

MC Kim Oanh: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho ông Tốt. Thưa ông, chặng đường 20 năm thành lập và phát triển là một chặng đường không quá dài, song Hiệp hội DNVVV tỉnh Thái Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong hoạt động, đặc biệt là những đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên diễn đàn hôm nay, ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của Hiệp hội trong 20 năm qua?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội DNVVV tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các DN và giữ vai trò cầu nối giữa DN với các cấp chính quyền, đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào số thu ngân sách hàng năm.

Hiệp hội tham gia tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ DN trong tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường; vận động các hội viên và cộng đồng các DN tham gia các phong trào mang nhiều ý nghĩa do chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ đều đạt. Trong đó, về phát triển hội viên, từ những ngày mới thành lập có 58 hội viên, đến nay Hội đã có 7 chi hội cơ sở với gần 800 DN hội viên, với tổng số vốn đăng ký trên 68 nghìn tỷ đồng; các chi hội cơ sở hoạt động rộng khắp trên 9 huyện, thành phố của tỉnh.

Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn, liên kết kinh doanh, xúc tiến thương mại và hỗ trợ hội viên trong hoạt động của các DN. Hiệp hội đã ký kết hợp tác với 26 Hiệp hội, hội DN các tỉnh phía Bắc. Hàng năm tổ chức tốt “Diễn đàn hợp tác liên kết Hiệp hội DN, DNNVV các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc”; tổ chức các đoàn tham quan học tập, tham gia hội chợ ở các tỉnh phía Nam của Việt Nam và các nước bạn như: Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia …

Hội luôn triển khai kịp thời tới hội viên những vấn đề của các cơ quan chức năng trong cải tiến kỹ thuật hoặc tiếp cận với công nghệ hiện đại, 4.0 trong quản trị DN. Hiện nay có khoảng 70% DN hội viên đã cải tiến kỹ thuật trong quản lý DN và tiếp cận với khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân tiêu biểu” trong những năm qua, Hội đã có 21 lượt doanh nhân đạt Cúp Vàng và 27 lượt DN xuất sắc, doanh nhân tiêu biểu được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Việc chăm lo đời sống cho người lao động được thực hiện tốt, 100% các doanh nghiệp hội viên thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống cho người lao động tại DN của mình…

Ông Nguyễn Xuân Tốt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Thành, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Là một thành viên của Hiệp hội DNNVV, ông Hạnh có đánh giá như thế nào về vai trò và kết quả hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là vai trò “mái nhà chung” kết nối các hội viên, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, là “cấu nối” giữa các cấp chính quyền và DN?

Ông Trần Đức Hạnh: Chúng tôi rất vinh dự là một hội viên của Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên. Hiệp hội DNNVV tỉnh luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, các công tác ngắn hạn và dài hạn. Góp ý và tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra các giải pháp hỗ trợ DN hội viên của tỉnh phát triển. Đồng thời, Hiệp hội cũng cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ và của tỉnh hỗ trợ các DN hội viên, luôn cập nhật, truyền tải thông tin hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của DN. Liên kết với Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Liên đoàn Lao động và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mở các lớp đào tạo cho các DN hội viên, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị DN. Nâng cao kiến thức cho lãnh đạo DN  hội viên và cán bộ chuyên môn thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và điều hành DN.

Hằng năm, Hiệp hội có tổ chức cho các hội viên chúng tôi nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các hội viên, kiến nghị của DN và tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại công khai giữa lãnh đạo UBND tỉnh với chủ DN hội viên để tháo gỡ khó khăn, giúp DN phát triển.

Đặc biệt, Hiệp hội tham mưu giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giảm thuế theo Nghị định của Chính phủ cho nhiều DN hội viên; phối hợp tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn của tỉnh. Tổ chức nhiều diễn đàn kết nối giữa DN trong tỉnh với Hiệp hội DN các tỉnh miền Bắc và với nhiều Hiệp hội DN các tỉnh trong cả nước. Cùng với đó, hàng năm phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hàng chục hội thảo chuyên đề cho hội viên; mở rộng liên kết hợp tác với các trường và các DN khác trong tỉnh.

Tổ chức khảo sát, đánh giá phản hồi của DN về năng lực điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI) và chỉ số xanh PG. Kết hợp với các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh làm tốt các công tác an sinh xã hội như: Xây nhà Đại đoàn kết, giảm nghèo, nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiến máu nhân đạo, ủng hộ lũ lụt, thiên tai, làm tốt hành động vì người nghèo…

Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet BMG

MC Kim Oanh: Ông có thể cung cấp một bức tranh tổng thể về DNNVV tỉnh Thái Nguyên và những vấn đề mà DNNVV thường phải gặp phải là gì thưa ông Tốt?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Hội DNNVV được thành lập theo Quyết định số 1757/QĐ-UB ngày 27/7/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Để phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn hiện nay, Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nhất trí trình UBND tỉnh cho phép được đổi tên Hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên thành Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên. Ngày 24/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định số 1451/QĐ-UBND cho phép đổi tên Hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên thành Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên. Trải qua 5 kỳ đại hội, 20 năm phát triển, đến nay Hiệp hội đã có gần 800 hội viên.

Những vấn đề mà Hiệp hội DNNVV thường gặp phải hiện nay, đó là: Phần lớn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao; khả năng tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Các DN chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…

Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên tổ chức Kỷ niệm 19 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023

MC Kim Oanh: Như những chia sẻ vừa rồi của ông Tốt, thưa ông Hạnh, là chủ một DN ông có thể có những thông tin thêm về quá trình phát triển của DN và kết quả kinh doanh hiện nay?

Ông Trần Đức Hạnh: Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet được thành lập gần 20 năm nay, với trụ sở ban đầu đóng tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Sau một thời gian hoạt động chúng tôi có nhiều chi nhánh ở nhiều tỉnh trên toàn quốc, cho đến khi do nhu cầu phát triển mở rộng nhà máy theo chuẩn quốc tế thì chúng tôi cần phải lựa chọn một tỉnh để xây dựng nhà máy mới, hiện đại và thuận lợi giao thông. Và sau rất nhiều phương án đưa lên thì chúng tôi quyết định chọn Thái Nguyên là nơi xây dựng nhà máy và chuyển trụ sở chính về Thái Nguyên hoạt động.

Từ khi chuyển trụ sở và nhà máy về Thái Nguyên thì chúng tôi thấy việc mở rộng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh rất thuận lợi. Đến nay chúng tôi là DN hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực sản xuất vắc xin và dược thú y, chế phẩm sinh học, với hàng nghìn cán bộ công nhân viên, nhiều chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước. Với vốn điều lệ hiện tại gần 800 tỷ đồng và tài sản của Tập đoàn trên 2.300 tỷ đồng.

Là một trong những đơn vị có thị phần lớn nhất về sản xuất và cung cấp vắc xin, sản phẩm thuốc thú y, chế phẩm sinh học cho ngành Chăn nuôi và đang xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh cho người. Chúng tôi có nhà máy rộng 8,6 ha với 18 dây chuyền sản xuất lớn trong đó có 14 dây chuyền đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới GMP WHO và 4 dây chuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế là các dây chuyền sản xuất chế phẩm sinh học, thuốc sát trùng, kháng thể, dinh dưỡng bổ sung. Trong 14 dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP WHO có 4 dây chuyền vắc xin gồm: Dây chuyền sản xuất vắc xin virus tế bào, vắc xin vi khuẩn, vắc xin virus trên trứng và vắc xin đặc biệt an toàn sinh học là phân xưởng tách biệt chỉ để sản xuất vắc xin riêng biệt và gồm đủ các dây chuyền như: Thuốc bột uống, thuốc dung dịch uống, thuốc dung dịch tiêm, thuốc hỗn dịch tiêm, thuốc bột pha tiêm, thuốc chứa Beta-lactam và các dây chuyền thuốc Non Beta-lactam. Cùng với đó, 1 trung tâm nghiên cứu phát triển giống sản xuất vắc xin, chẩn đoán bệnh và phát triển sản phẩm vắc xin mới; 2 trung tâm kiểm nghiệm thuốc và vắc xin đạt tiêu chuẩn GLP WHO, cộng với hệ thống bảo quản gồm các kho thành phẩm đạt tiêu chuẩn GSP WHO. Với hệ thống hàng nghìn nhân sự và trên 3.900 đại lý phân phối khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc.

Trong gần 20 năm liên tục, Marphavet là doanh nghiệp thuốc thú y vắc xin có thị phần lớn nhất Việt Nam và đến nay chúng tôi có gần 600 sản phẩm thuốc thú y, trên 120 chế phẩm sinh học dinh dưỡng bổ sung, có gần 30 sản phẩm vắc xin công nghệ cao đơn giá và đa giá.

Chúng tôi luôn cam kết ngày càng giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả cao hơn nữa cho khách hàng. Hiện nay doanh thu bình quân của chúng tôi đạt khoảng hơn 60 tỷ/tháng, gần 800 tỷ đồng/1 năm, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh thì chúng tôi được các cấp chính quyền của tỉnh Thái Nguyên rất tạo điều kiện để đơn vị thuận lợi phát triển. Đặc biệt là sự tương tác, kết nối và tạo ra sân chơi của Hiệp hội DNNVV tỉnh và các Hội DN khác của tỉnh là đầu mối tổ chức kết nối và nâng tầm doanh nhân. Trong những năm tới chúng tôi tin tưởng rằng DN chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, tạo nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời nộp ngân sách nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Dây chuyền sản xuất thuốc thú y tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet

MC Kim Oanh: Công ty TNHH Trung Thành là một thành viên của Hiệp hội DNNVV, trong thời gian qua, Công ty đã có những đóng góp tích cực đối với hoạt động của Hiệp hội và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Tốt có thể chia sẻ về Công ty và những kết quả sản xuất, kinh doanh, sự đóng góp của Công ty đối với sự phát triển của tỉnh?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Vâng, là một thành viên của Hiệp hội DNNVV, Công ty TNHH Trung Thành trong suốt thời gian qua đã có những đóng góp tích cực đối với hoạt động của Hiệp hội, là cầu nối giữa DN với các cơ quan chức năng như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội …cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vào tổng số thu ngân sách. Cụ thể năm 2022 là hơn 263 tỷ đồng; năm 2023 là hơn 153 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2024 là hơn 80 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Trung Thành Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Ngoài việc đồng hành trong phát triển kinh tế, cộng đồng DNNVV đã thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào đối với công tác an sinh xã hội thưa ông Tốt?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Hiệp hội DNNVV thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các tổ chức hội Trung ương để hoạt động có hiệu quả. Hàng năm, Hội đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu với UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, đồng thời tổ chức đi nghiên cứu, tham quan học tập, tham dự hội chợ, hội thảo, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước. Chính vì thế, hàng năm các DN hội viên đã đóng góp vào ngân sách tỉnh với tỷ trọng lớn. Ngoài ra, các DN còn tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội như: Quỹ “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường”; Quỹ xóa nhà dột nát, Quỹ người nghèo, Quỹ phòng chống lụt bão, Quỹ người cao tuổi, Quỹ xóa đói giảm nghèo và các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có công với cách mạng, hội người khuyết tật… với số tiền hàng chục tỷ đồng, góp phần cho các phong trào chung trên địa bàn toàn tỉnh. Vào dịp lễ, Tết, các DN hội viên đã ủng hộ nhiều suất quà hoặc đóng góp ủng hộ xây dựng hơn 400 ngôi Nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, trị giá hàng trăm tỷ đồng…

Lãnh đạo Hiệp hội DNNVV tỉnh đến thăm và tặng quà gia đình người có công với cách mạng nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

MC Kim Oanh: Chúng tôi được biết Tập đoàn Đức Hạnh cũng là một trong những DN tích cực tham gia các hoạt động an sinh, xã hội và có nhiều đóng góp trong thực hiện các chính sách xã hội tại địa phương. Ông Hạnh có thể chia sẻ về những hoạt động này của Tập đoàn trong thời gian qua?

Ông Trần Đức Hạnh: Chúng tôi luôn xác định rõ việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội là trách nhiệm cần thiết song song với sự phát triển của DN. Trong gần 20 năm qua chúng tôi luôn làm tốt công tác từ thiện, an sinh xã hội, đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi luôn trích 1 nguồn ngân sách trung bình hàng năm từ hoạt động kinh doanh lên đến vài tỷ đồng cho các hoạt động như: Xây nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, ủng hộ người nghèo, Tết cho người nghèo; ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai; các chương trình tặng xe đạp, xe điện cho học sinh nghèo vượt khó; chương trình hiến máu nhân đạo; mổ tim cho các cháu không may bị tật bẩm sinh. Riêng chỉ trong vòng 1 tháng qua chúng tôi đã trích kinh phí gần 300 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng nặng do bão số 3 vừa qua.

Chúng tôi là hội viên của Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên, Hội DN TP. Phổ Yên, nên chúng tôi luôn đồng hành cùng với Hiệp hội, Hội và các cấp chính quyền trong các chương trình an sinh xã hội do tỉnh và địa phương triển khai, trong các chương trình thiện nguyện của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, Hội chữ thập đỏ các cấp.

Tập đoàn Đức Hạnh phát động chương trình từ thiện ủng hộ đồng bào bị lũ lụt năm 2024

MC Kim Oanh: Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách đồng hành, hỗ trợ tích cực đối với DN, doanh nhân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó có các DNNVV. Xin ông Tốt cho biết về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Với số lượng chiếm đa số (trên 90% tổng số DN trong tỉnh), các DNNVV là lực lượng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, chính vì vậy trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách đồng hành, hỗ trợ tích cực đối với DN, doanh nhân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đơn cử như: Hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN và biện pháp phù hợp khác; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng; hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo…

Sở Tư pháp phối hợp với Hiệp hội DNNVV tỉnh tổ chức Hội thảo hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với chủ đề “DNNVV tỉnh Thái Nguyên - Nhận diện những vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách pháp luật”

MC Kim Oanh: Ông Hạnh đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ của tỉnh cũng như của địa phương đối với các DN trên địa bàn. Điều này đã có tác động gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Ông Trần Đức Hạnh: Chúng tôi cho rằng, tỉnh Thái Nguyên là một trong những tỉnh năng động, đi đầu trong cả nước về việc hỗ trợ các DN trong địa bàn tỉnh. DN Đức Hạnh Marphavet của chúng tôi và các DN hội viên ở cấp huyện, thành, cấp phường hay cấp Hiệp hội DN tỉnh đều cảm nhận và thấy rõ sự hỗ trợ rất tích cực của tỉnh Thái Nguyên đối với các DN bằng những chương trình hành động cụ thể như: Tháo gỡ khó khăn bằng nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền các cấp từ cấp huyện, cấp sở, cấp tỉnh với DN, hội viên tỉnh hỗ trợ các chính sách, cải cách các thủ tục hành chính, minh bạch trong quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tổ chức cải cách mạnh mẽ việc khảo sát, đánh giá phản hồi của DN về năng lực điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI), chỉ số xanh PG và chia sẻ những khó khăn của DN do COVID-19, do đặc thù ngành, do thiên tai. Ngoài ra, tỉnh còn động viên khen thưởng, tôn vinh kịp thời các DN làm tốt. Nhất là vào ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chính quyền từ cấp tỉnh cấp huyện thành đều dành thời gian quan tâm, tổ chức chúc mừng các doanh nhân, DN, đây là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với các DN, doanh nhân…

MC Kim Oanh: Trong quá trình hoạt động của Hiệp hội có những thuận lợi, khó khăn gì thưa ông Tốt?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đồng thời là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế giữa các DN, hội viên nhằm mục đích nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các DN trong nền kinh tế hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động, khó lường, đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt vừa qua, giá đầu vào tăng, tất cả các chi phí về tiền lương trả cho người lao động, hoặc chi phí về khấu hao máy móc, trang thiết bị, tiền thuê mặt bằng... DN vẫn phải chi trả, đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của nhiều DNNVV trên địa bàn, hàng hóa tiêu thụ chậm (do giá bán thấp hơn giá thành, giá nhập khẩu…), hàng tồn kho lớn, nợ ngân hàng gia tăng… Cái khó nhất của DN là không đẩy nhanh tiêu thụ được hàng hoá, không có doanh thu, dòng tiền không quay vòng. Năm 2024, việc tiếp cận nguồn vốn của các DNNVV chưa có cải thiện nhiều. Đặc biệt là thiệt hại nặng nề của bão số 3 gây ra.

Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023 cung cấp thêm thông tin để doanh nghiệp tiếp cận vốn

MC Kim Oanh: Trên diễn đàn hôm nay, đại diện cho 800 DN hội viên trong toàn tỉnh ông Tốt có mong muốn, cũng như đề xuất, kiến nghị gì với tỉnh để cộng đồng DNNVV phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: DNNVV xuất phát điểm từ vốn mỏng nên chủ yếu bằng vốn vay, mà vay nhiều đồng nghĩa với việc chi phí tài chính tăng cao, trường hợp DN có giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì chi phí lãi vay này bị khống chế không vượt quá 30%. Thực trạng này đã gây ra không ít DN phải nộp thêm hàng tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, do chi phí vay vượt quá 30%. Rất mong Chính phủ sớm có sửa đổi mức khống chế này, tạo cho DN phát triển được thuận lợi hơn.

Hiệp hội DNNVV rất mong lãnh đạo tỉnh cùng với các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cộng đồng các DN, trong đó có cộng đồng các DNNVV tỉnh Thái Nguyên nhiều hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

MC Kim Oanh: Đó là những mong muốn, kiến nghị của ông Tốt đại diện cho Hiệp hội DNNVV của tỉnh, còn đối với Tập đoàn Đức Hạnh thì sao? Cá nhân ông cũng như Tập đoàn có điều gì muốn gửi gắm đến các cấp chính quyền thưa ông Hạnh?

Ông Trần Đức Hạnh: Chúng tôi muốn tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt các việc hỗ trợ các DN trong những năm qua, thì những năm tới cần tiếp tục làm và làm tốt hơn nữa như các chương trình: Tháo gỡ khó khăn bằng nhiều cuộc đối thoại hơn nữa giữa chính quyền các cấp từ cấp huyện, cấp sở, cấp tỉnh với DN, tỉnh tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các chính sách, cải cách các thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tổ chức cải cách mạnh mẽ việc khảo sát, đánh giá phản hồi của doanh nghiệp về năng lực điều hành của các sở, ngành, địa phương (DDCI), chỉ số xanh PG và chia sẻ những khó khăn của DN. Tỉnh nên có nhiều hơn nữa các hoạt động, động viên khen thưởng, tôn vinh kịp thời các DN làm tốt; đồng thời đưa ra các tiêu chí đánh giá cho DN các cấp để được tôn vinh. Chúng tôi mong muốn tỉnh sáng tạo hơn trong việc thanh tra, kiểm tra, các sở ban ngành có thể kết hợp để các DN hạn chế tiếp xúc nhiều đoàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Sở Công Thương tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

MC Kim Oanh: Hòa trong xu thế phát triển, trong thời gian tới, cộng đồng DNNVV tỉnh Thái Nguyên sẽ làm gì để đồng hành cùng tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh của vùng trung du và miền núi phía Bắc thưa ông Tốt?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Vâng, hòa trong xu thế phát triển của tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới, Hiệp hội DNNVV sẽ làm tốt mục tiêu tập hợp, đoàn kết, tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại, gia tăng sức mạnh của cộng đồng DNNVV trong tỉnh; là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế giữa các DN hội viên hướng tới mục đích nâng cao năng lực kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các DN trong nền kinh tế hội nhập và phát triển, xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Cộng đồng DNNVV của tỉnh Thái Nguyên sẽ chung sức đồng lòng, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; tạo việc làm và thu nhập cho người lao động; vận động các hội viên tham gia ủng hộ các phong trào mang nhiều ý nghĩa do tỉnh và Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động như: Quỹ vì trẻ thơ, Quỹ khuyến học tiếp sức em đến trường, máy tính cho em, trẻ em nghèo vượt khó; các nạn nhân chất độc da cam, xây dựng Nhà tình nghĩa, xóa nhà dột nát, Quỹ người nghèo, Quỹ phòng chống lụt bão, Quỹ người cao tuổi, Quỹ xoá đói giảm nghèo…

Hiệp hội DNNVV tỉnh ủng hộ “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2024”

MC Kim Oanh: Câu hỏi cuối cùng xin được dành cho ông Tốt, thưa ông, để trở thành hội viên của Hiệp hội DNNVV thì cần đáp ứng yêu cầu và tiêu chí như nào, Hiệp hội có sẵn sàng đón nhận hội viên mới không?

Ông Nguyễn Xuân Tốt: Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của DN, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cộng đồng DN, phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Để trở thành hội viên của Hiệp hội, mỗi DN phải thật sự là một hạt nhân tích cực của Hiệp hội, đóng góp bằng trách nhiệm và trí tuệ của mình, góp phần xây dựng mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm kinh tế tốt, mà còn nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho cuộc sống người lao động.

Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và trao Giấy chứng nhận kết nạp cho các thành viên mới

MC Kim Oanh: Sau 20 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế của mình, là ngôi nhà chung đồng hành cùng cộng đồng DN Thái Nguyên vượt qua khó khăn, xây dựng tổ chức hội và các thành viên ngày càng phát triển.

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương, thì sự sát cánh, đồng hành, hỗ trợ của Hiệp hội DNNVV tiếp tục là chỗ dựa để các DN vững tâm, phát huy trí tuệ, vượt qua những khó khăn, gặt hái những thành công mới, từ đó trở thành một trong những động lực quan trọng trên hành trình xây dựng tỉnh Thái Nguyên giàu đẹp.

Dù con đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng tin rằng với sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành, sự đoàn kết của cộng đồng DN, Hiệp hội DNNVV tỉnh Thái Nguyên sẽ ngày càng lớn mạnh; tiếp tục dẫn dắt các DN hội viên năng động, sáng tạo trong điều hành sản xuất, kinh doanh và quản trị DN để cùng hội nhập và phát triển, xứng đáng vai trò “Mái nhà chung của các DN”.

Ngày 13/10 - ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt cho những người làm chương trình xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến cộng đồng DN nói chung và các DNNVV của tỉnh Thái Nguyên nói riêng, chúc các doanh nhân luôn vững vàng để phát triển thịnh vượng hơn nữa, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển và giàu đẹp.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

XEM VIDEO TẠI ĐÂY


thainguyen.gov.vn