Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Đưa “Trà Thái Nguyên” trở thành nét văn hóa trà đặc sắc

2025-03-04 15:16:00.0

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên theo hướng tích hợp đa giá trị từ trà, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm định hình, phát triển văn hóa trà và gắn văn hóa trà với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch. Để bàn luận sâu về nội dung này, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Đưa “Trà Thái Nguyên” trở thành nét văn hóa trà đặc sắc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng chia sẻ về cây chè và văn hóa trà của Thái Nguyên với ông Park Sungho, Tổng Giám đốc Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Bắc Ninh

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn!

Đúng ngày kỷ niệm 95 năm Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030. Đây là văn bản hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự quyết tâm chính trị của tỉnh để nâng tầm cây trồng chủ lực, hướng tới mục tiêu đưa chè trở thành cây trồng tỷ đô vào năm 2030. Một trong những mục tiêu chung mà Nghị quyết đề cập tới là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên theo hướng tích hợp đa giá trị từ trà. Trước đó, Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm định hình, phát triển văn hóa trà và gắn văn hóa trà với nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực du lịch.

MC Kim Oanh và các vị khách mời

Để bàn luận sâu về nội dung này, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Đưa “Trà Thái Nguyên” trở thành nét văn hóa trà đặc sắc.

Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời: Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên; ông Đinh Huy Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công; Nghệ nhân trà, nhà báo Hoàng Anh Sướng.

Trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Chương trình!

Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi một Clip chúng tôi vừa thực hiện.

MC Kim Oanh: Vâng, những chương trình hết sức ý nghĩa và thiết thực. Thưa bà Vũ Thị Thu Hường, là đơn vị được giao chủ trì tổ chức tập huấn kiến thức về văn hóa trà Thái Nguyên, bà có thể chia sẻ rõ hơn về những điểm nhấn đáng chú ý trong nội dung các chương trình tập huấn?

Bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên

Bà Vũ Thị Thu Hường: Thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, được sự đồng hành hỗ trợ của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng như sự hỗ trợ của nhà báo, nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức 06 lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về văn hóa trà, nghệ thuật thưởng trà với tham gia của trên 2.500 cán bộ, hội viên và Nhân dân tham dự.

Đây là thành công lớn mang tính chất lan tỏa, đồng thời, mong muốn sự hưởng ứng của toàn thể các cấp, các ngành, cán bộ, công nhân viên chức,  những người trồng chè, người dân tham gia chung tay xây dựng văn hóa trà Thái Nguyên.

Kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo của Sở, ngoài việc tập huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức nói chung thì chúng tôi sẽ có lớp tập huấn chuyên sâu, cụ thể cho từng nhóm đối tượng như phụ nữ, thanh niên, doanh nhân hoặc các nhà báo, phóng viên làm công tác tuyên truyền.

Trên 350 đại biểu tham dự chương trình Trao đổi phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Thưa ông Đinh Huy Chiến, là doanh nghiệp đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên từ những kỳ liên hoan trà quốc tế trước đây, lý do chính khiến ông đề xuất với tỉnh triển khai chương trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà”, tức là đồng hành với tỉnh từ góc độ văn hóa trong hành trình lần này?

Ông Đinh Huy Chiến: Là một doanh nghiệp, doanh nhân được hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tôi thấy trên 30 năm, chưa hẳn là già đối với một doanh nhân nhưng là một dấu ấn quan trọng của một doanh nhân đầu tư tại một tỉnh miền núi phía Bắc, một tỉnh có tiềm năng thế mạnh và tiềm năng này được kể đến là sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên. Ngay từ ngày 11/11/20211, Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã được đồng hành với UBND tỉnh Thái Nguyên để tổ chức Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất. Sau khi tổ chức Liên hoan, sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên đã có giá trị nâng lên rõ rệt và người dân trồng chè, các hộ sản xuất chè, các tổ hợp, hợp tác xã, đặc biệt là các doanh nghiệp doanh nhân làm về sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên đã có cơ hội hợp tác, đầu tư, đưa ra những sản phẩm trà có thương hiệu không những là trong nước, trong khu vực và đã vươn tầm thế giới.

Ông Đinh Huy Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công

Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tham gia vào sự phát triển văn hóa trà và nghệ thuật trà tỉnh Thái Nguyên năm 2024 và nối tiếp sang năm 2025 vì một lý do rất cụ thể. Đó là giá trị sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh và tiềm năng thế mạnh này là do “cha thiên, mẹ địa” ban tặng cho tỉnh Thái Nguyên một sản phẩm riêng có mà không tỉnh thành nào có được chất lượng trà tuyệt vời như tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, sản phẩm và thương hiệu trà của tỉnh Thái Nguyên không tương xứng với giá trị thực của nó. Trước Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất của tỉnh Thái Nguyên, giá trị sản phẩm trà biết đến chỉ có từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/kg, nhưng sau khi tổ chức thành công Liên hoan thì sản phẩm trà đã nâng lên tới 200%, 300% (tương ứng 2 - 3 triệu/kg). Nhưng sản phẩm trà đó thực sự chưa được tương xứng với giá trị thực tế của nó.

Với tư cách là một doanh nhân đóng chân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mong muốn và khẳng định thương hiệu trà của tỉnh Thái Nguyên không chỉ là thương hiệu mà phải là sản phẩm có giá trị về hàng hoá, giá trị cho người tiêu dùng, cho người dân, đặc biệt là những người ở vùng trồng chè, những người doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực trà. Tôi hy vọng năm 2025 trở đi, chúng ta sẽ nâng tầm thương hiệu sản phẩm trà sẽ thành văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà tỉnh Thái Nguyên sẽ đến với người tiêu dùng, đến với công chúng, các tầng lớp. Để từ văn hóa trà thì sản phẩm trà sẽ được nâng lên một cách tương xứng với giá trị của nó, mong muốn này cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương.

Rất vui mừng với người làm chè của tỉnh Thái Nguyên, ngày 3/2 - kỷ niệm 90 năm ngày Thành lập Đảng, Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được ban hành. Nghị quyết này đã thể hiện một ý chí chính trị, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến tận các xã, phường. Đây là đông lực để người dân, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực trà, các doanh nghiệp, doanh nhân phải có nguồn thu một cách hiệu quả, xứng tầm với sản phẩm trà; đồng thời nâng tầm thương hiệu, sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên đạt được như mong muốn cho thời gian tới.

MC Kim Oanh: Là người trực tiếp truyền đạt và chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về văn hóa trà nói chung, trong đó có trà Thái Nguyên, ông đánh giá mức độ quan tâm của các học viên tại các buổi tập huấn đã được tổ chức vừa qua như thế nào, thưa nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng?

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng: Trước hết, tôi muốn bày tỏ niềm vui hạnh phúc khi được đồng hành cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình tập huấn.

Nghệ nhân trà, nhà báo Hoàng Anh Sướng

Hiện nay, chúng tôi đã tổ chức được 06 buổi tập huấn, trong 06 buổi tập huấn đó có rất nhiều tầng lớp tham gia như: Các nhà lãnh đạo của tỉnh, các cán bộ, doanh nhân, nhà giáo... Đặc biệt là những người làm chè thì tôi thấy một điều rất đáng mừng là mọi người tham gia rất nhiệt tình. Buổi nói chuyện chia sẻ đến quá trưa mà mọi người vẫn ở lại chăm chú lắng nghe.

Đặc biệt là tôi thấy rất nhiều những người làm chè tham dự trọn vẹn cả 5 buổi và lần tham dự nào họ cũng rất tâm huyết, rất nhiều người nói với chúng tôi “chúng tôi làm chè 40 đến 50 năm nay rồi, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được nghe những kiến thức về văn hóa về trà như vậy”. Và cũng có rất nhiều người nói rằng, nhờ những buổi chia sẻ như vậy họ mới hiểu được giá trị của văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng, trà trong nước nói chung có những cái định hướng để giúp cho họ phát triển thương hiệu của mình, mô hình sản xuất, kinh doanh của mình trong thời gian tới… Đây là nguồn động viên rất lớn cho cá nhân tôi và cho cả những người đứng ra tổ chức chương trình này.

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng truyền đạt cách pha trà, nghệ thuật thưởng trà

MC Kim Oanh: Nghị quyết số 11-NQ/TU có đề cập một trong những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển ngành chè của tỉnh là bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên. Thưa bà Vũ Thị Thu Hường, bà có thể chia sẻ rõ hơn về những nội dung cụ thể của nhóm giải pháp này?

Bà Vũ Thị Thu Hường: Tại Nghị quyết số 11/NQ-TU, ngày 3/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, lĩnh vực phát triển văn hóa trà có 5 nhiệm vụ cơ bản:

Vùng chè hữu cơ La Bằng, huyện Đại Từ

Thứ nhất: Tập trung nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các vùng chè trên địa bàn tỉnh gắn với nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên.

Thứ hai: Xây dựng hệ tri thức về văn minh trà và văn hóa trà Thái Nguyên trên cơ sở phát triển "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thứ ba: Quy hoạch, xây dựng Bảo tàng trà, các không gian lễ hội, không gian thưởng trà, không gian thờ tự, tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị Tổ nghề chè... góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của văn hoá trà Thái Nguyên gắn với phát triển du lịch và lễ hội văn hóa đặc trưng của các địa phương.

Thứ tư: Lập hồ sơ trình công nhận cây chè cổ tỉnh Thái Nguyên là “Cây di sản Việt Nam”; đồng thời xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, giữ gìn, kéo dài tuổi thọ của các cây chè cổ.

Thứ năm: Tăng cường công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị sản phẩm trà, hình thành ý thức trân quý và trách nhiệm bảo tồn cây chè cũng như sản phẩm trà trong các tầng lớp Nhân dân.

MC Kim Oanh: Trong những nội dung bà Vũ Thị Thu Hường vừa chia sẻ ở trên, Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công sẽ có kế hoạch để đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên, nhất là trong lĩnh vực phát triển văn hóa trà như thế nào thưa ông Đinh Huy Chiến?

Ông Đinh Huy Chiến: Nối tiếp thành công của Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất, Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công 04 lớp phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà tỉnh Thái Nguyên. Năm 2025, chúng tôi tiếp tục đồng hành với tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định số 852, ngày 3/2/2025 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã cho phép Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên tổ chức 08 lớp về phát triển văn hóa trà tại tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng cam kết đồng hành với tỉnh Thái Nguyên sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng của 04 địa danh “Tứ đại danh trà” của tỉnh Thái Nguyên gồm: Chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chè La Bằng (Đại Từ), chè Trại Cài (Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương). Trong số các địa danh này, vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng đường giao thông, hệ thống vườn chè theo đúng quy trình, quy định về ngành chè gọi là vườn chè, vùng chè, khu vực vườn chè kiểu mẫu… Chúng tôi sẽ đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng như là hệ thống đường, hệ thống vườn chè kiểu mẫu, hệ thống checkin cho các du khách và đặc biệt là trải nghiệm vùng chè trong “Tứ đại danh trà” của tỉnh Thái Nguyên.

Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công phối hợp với lãnh đạo huyện Đồng Hỷ khảo sát thực tế tại vùng chè thị trấn Sông Cầu - nội dung trong chương trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà” đã được doanh nghiệp đề xuất với UBND tỉnh

Ngoài kế hoạch đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẽ đồng hành với tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn, duy trì, phát huy, giữ gìn cây chè cổ khu vực núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ. Và chúng tôi sẽ đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên để mời các nhà chuyên gia và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, các tổ chức để xác định và công nhận cây chè cổ thành cây di sản của Việt Nam.

Với sự đồng hành này, chúng tôi sẽ thực hiện theo các bước, theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về việc đầu tư; thực hiện trách nhiệm theo đúng thẩm quyền của cấp địa phương, cấp tỉnh, cấp bộ ngành và chúng tôi sẽ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, không những trong nước và quốc tế sẽ đến tìm hiểu, đầu tư phát triển sản phẩm trà Việt Nam, đặc biệt đầu tư vào hạ tầng cây chè tại tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, để bảo tồn, duy trì phát huy, đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên, xác định cây chè của tỉnh Thái Nguyên, thực hiện theo các bước, theo quy định đúng thẩm quyền, cấp địa phương, thiết tha về trà, trong nước và quốc tế sẽ đến tìm hiểu cây chè, sản phẩm trà Thái Nguyên.

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng truyền đạt văn hóa trà tại huyện Đồng Hỷ

MC Kim Oanh: Thưa nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, là người dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về văn hóa trà, ông cho rằng văn hóa trà Thái Nguyên có những đặc điểm riêng có nào đáng chú ý, cần được quan tâm phát triển?

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng: Trước hết, tôi nghĩ rằng cần phải dành nhân lực đặc biệt cho “tinh dầu trà” Thái Nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà từ hàng chục năm nay thì người đời đã ban tặng món quà đến “Đệ nhất danh trà”. Mà cũng không phải ngẫu nhiên đến bây giờ người dùng trà trong nước và quốc tế ca tụng “Trà Thái Nguyên” mà tôi được biết ngay từ năm 1922, khi mà cụ đội Năm cùng với những người binh, lính tham dự chiến tranh thế giới thứ Nhất trở về Việt Nam và được Chính phủ hộ Pháp đưa lên Tân Cương để khai hoang. Cụ đội Năm được sự yểm trợ của nhà sổ, đặc biệt quan Chi phủ đã lên trên Thánh Thọ để đưa giống trà TS1 về trồng tại Tân Cương. Và ở Tân Cương thì do thiên nhiên ban tặng trong khí hậu đặc biệt là cây thổ nhưỡng. Và nguồn nước thì đã tạo dựng một sản phẩm trà ngon. Tôi được biết là khu vực đấy đã dựng xưởng sản xuất chè có kinh nghiệm về trà. Và sản phẩm trà không chỉ bán ở Thái Nguyên mà còn được bán ở đại lý khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam; đồng thời xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Năm 1930, sản phẩm trà của cụ đội Năm đã đạt giải cuộc thi đấu xảo tại Hà Nội. Sau này, khoảng chục năm gần đây, sản phẩm trà của Thái Nguyên đã được lan tỏa khắp cộng đồng trong nước và quốc tế.

Sao chè bằng chảo gang theo phương pháp truyền thống

Người ta yêu trà Thái Nguyên và mê trà Thái Nguyên vì nó thơm và có vị ngọt ngào, đấy là một điều mà không phải vùng trà nào cũng có. Người dân Thái Nguyên là những người rất hiền lành, chân chất, họ yêu văn hóa, yêu trà thì họ đưa vào đó những giá trị văn hóa để tạo dựng nên những nét riêng biệt. Đặc biệt là được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Thái Nguyên đã tổ chức các lễ hội trà, liên hoan trà và festival trà. Qua lễ hội đó, bên cạnh việc cộng đồng Việt Nam biết nhiều hơn về sản phẩm chè Thái Nguyên thì còn cách để lan tỏa những giá trị văn hóa. Vì thế, tôi nghĩ rằng là người Thái Nguyên đã được sở hữu rất nhiều rất điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể nâng tầm cái thương hiệu quốc tế chứ không chỉ trong Việt Nam.

Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, những chương trình tổ chức tập huấn và trao đổi về vấn đề văn hóa chỉ là một cách để chúng ta nâng tầm giá trị lên thôi chứ không phải trà Thái Nguyên chưa có gì. Tôi tin rằng với những trí tuệ, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công thì tôi nghĩ chắc chắn rằng những giá trị văn hóa chúng ta có sẵn, chúng ta biết nâng tầm nó lên để lan tỏa và từ đó thương hiệu “Trà Thái Nguyên” cất cánh bay cao, bay xa. Và cái mục đích của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 đạt doanh thu 1 tỷ đô la, tôi nghĩ hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thưởng trà là cả một nghệ thuật bao hàm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

 

Thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh trong chuyến tàu thử nghiệm tuyến du lịch đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên gắn với văn hóa trà

MC Kim Oanh: Ở phần trả lời phía trên, ông Đinh Huy Chiến cũng đề cập đến nội dung này (cây chè cổ) trong kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới, xin ông có thể chia sẻ chi tiết hơn?

Ông Đinh Huy Chiến: Năm 2025, chúng tôi sẽ đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên trong bảo tồn, phát huy giá trị cây chè, sản phẩm trà, đặc biệt là quần thể cây chè cổ tại núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ. Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công sẽ cam kết đồng hành một phần kinh phí của doanh nghiệp để thực hiện chương trình bảo tồn, phát huy giá trị cây chè cổ. Ngoài ra, một phần kinh phí quan trọng nữa là của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức có những nguồn kinh phí hợp pháp để có trách nhiệm cùng với người dân tỉnh Thái Nguyên, người dân huyện Đại Từ và hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên để có các điều kiện cần và đủ để xác định được cây chè cổ tỉnh Thái Nguyên đưa vào di sản của Việt Nam.

Đoàn khảo sát cây chè cổ do GS. TS. Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Nông nghiệp hữu cơ Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên tại núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ

MC Kim Oanh: Thưa nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, việc những cây chè cổ Thái Nguyên được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” sẽ có ý nghĩa thế nào, nhìn từ góc độ văn hóa?

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng: Tôi nghĩ rằng đây là một báu vật của thiên nhiên ban tặng cho Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, bởi vì những rừng có trà như hiện nay ở trên thế giới rất là hiếm. Mặc dù tôi là người nghiên cứu trà Thái Nguyên nhiều năm nay, nhưng rất bất ngờ mãi sau này mới biết ở Đại Từ có những cây trà cổ ở núi Bóng. Từ trước tới nay khi nhắc đến rừng trà thì cá nhân tôi và nhiều người thường nhắc đến những cánh rừng trên núi của Hà Giang, của Suối Giàng (Yên Bái), của Sơn La. Nhưng quần thể chè cổ thụ ở núi Bóng chính là một cơ hội rất lớn để người Thái Nguyên quảng bá thương hiệu chè của mình.

Khi chúng ta nhận diện được đây là báu vật của thiên nhiên ban tặng, đặc biệt nó hiếm hoi không chỉ ở Việt Nam mà ở trên thế giới thì đây là cơ hội rất lớn để chúng ta nâng tầm thương hiệu để quảng bá, để người ta biết đến trà Thái Nguyên nhiều hơn.

Rất vui khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã ý thức được vấn đề bảo tồn và phát triển nó, nhưng có một điều tôi đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên là chúng ta có một báu vật như vậy thì chúng ta cần phải truyền thông, làm thế nào không chỉ người Việt Nam ở trong nước biết mà cộng đồng trên thế giới biết vì những cánh rừng trà này là một điều cực kỳ đặc biệt, rất hiếm ở trên thế giới. Và nếu như truyền thông biết cách lan tỏa nó thì tôi nghĩ rằng đây là một trong những phương tiện rất hữu hiệu để chúng ta quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên của chúng ta ra cộng đồng thế giới.

Cây chè cổ tại núi Bóng, xã Minh Tiến có chu vi gốc khoảng 90 - 100 cm, cao 25 - 30 m tại độ cao 690 m so với mực nước biển

MC Kim Oanh: Được biết, thời gian qua Thái Nguyên đã tổ chức nhiều chương trình thiết thực, gắn văn hóa trà với các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là các hoạt động du lịch trải nghiệm. Kết quả bước đầu thu được từ những hoạt động này ra sao, thưa bà Vũ Thị Thu Hường?

Bà Vũ Thị Thu Hường: Trong thời gian vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phát triển du lịch Thái Nguyên, trong đó có du lịch trải nghiệm.

Thông qua các hoạt động này, năm 2024, tổng số khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 3.485.000 lượt khách (tăng 39,5% so với năm 2023). Doanh thu từ du lịch đạt 3.089 tỷ đồng (tăng 44,07 % so với năm 2023).

Hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tổ chức hiệu quả hơn nữa các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm. Thông qua việc tổ chức tại các vùng chè, các khu, điểm du lịch, các không gian văn hóa trà cũng như phối hợp với Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội ký kế hoạch phối hợp tuyên truyền, quảng bá văn hóa trà và giới thiệu điểm du lịch Thái Nguyên trên các tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên với 10 nhiệm vụ trọng tâm, 14 nội dung hoạt động cụ thể gắn với tiến độ thời gian thực hiện, trách nhiệm chủ trì, triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở đang tiến hành thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo.

MC Kim Oanh: Dưới góc độ là một doanh nghiệp, ông Đinh Huy Chiến có gợi ý giải pháp nào để việc phát triển văn hóa trà Thái Nguyên có thể mang đến nguồn lợi trực tiếp về giá trị kinh tế lâu dài và bền vững?

Ông Đinh Huy Chiến: Việc này không phải là gợi ý và với tầm nhìn, trách nhiệm của một doanh nghiệp, doanh nhân với tình yêu với cây chè, sản phẩm chè Thái Nguyên, tôi khát vọng tỉnh Thái Nguyên sẽ có một học viện trà với một thương hiệu là “Học viện trà Việt Nam”. Để có được điều này, chúng ta phải đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản, căn cơ; không chỉ riêng về một lĩnh vực về phát triển văn hóa trà nói riêng, mà căn cơ về việc tỉnh Thái Nguyên đã được “cha thiên, mẹ địa” ưu đãi, ban tặng một vùng thổ nhưỡng tuyệt vời mà không một tỉnh thành nào ở Việt Nam có được.

Chúng ta phải đầu tư từ học viện này có những nghệ nhân về trồng chè, có những nghệ nhân về chế biến chè, có những nghệ nhân về văn hóa trà qua học viện đào tạo trà Việt Nam này được đặt tại tỉnh Thái Nguyên; các trà nương được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Và hơn thế nữa, chúng ta có được thổ nhưỡng tốt, có được sản phẩm tốt, thương hiệu tốt thì chúng ta cần phải đào tạo ra một thế hệ làm thương mại không chỉ là bán hàng theo cách truyền thống, mà chúng ta phải bán hàng trên các nền tảng thương mại quốc tế.

Khách du lịch trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương

Đây là một khát vọng, mong muốn của một doanh nghiệp, doanh nhân. Tôi tin tưởng rằng đây sẽ là thủ phủ trà không riêng gì của Việt Nam mà sẽ là của khu vực và trên thế giới. Và câu chuyện này không chỉ là câu chuyện mong muốn mà với một tinh thần, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân. Hợp tác xã chúng tôi sẽ cam kết đồng hành với tỉnh Thái Nguyên để mang lại lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp, đặc biệt người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chè, góp phần nâng tầm thương hiệu trong nước và quốc tế.

Và câu chuyện này chúng tôi mong muốn tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu ý tưởng xây dựng học viện “Trà Việt Nam” tại tỉnh Thái Nguyên. HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng mong muốn được tiên phong, đồng hành cùng tỉnh, từ đó góp phần đưa trà Thái Nguyên tương xứng với vị thế, thương hiệu “Đệ nhất danh trà” trên trường quốc tế. 

MC Kim Oanh: Cùng với nội dung trên, nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng có thể chia sẻ, hiến kế giúp tỉnh Thái Nguyên những giải pháp về văn hóa trà để góp phần phát triển ngành chè Thái Nguyên có bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới?

Nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng: Tôi rất tâm huyến với những kế hoạch của đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và giải pháp của anh Đinh Huy Chiến đã chia sẻ. Đó là những kế hoạch, giải pháp rất thiết thực để có thể nâng tầm thương hiệu cũng như văn hóa trà. Cá nhân tôi xin bổ sung một vài điều như này: Việc lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tâm huyết, phát triển thương hiệu văn hóa là điều thực sự cần thiết và tôi được biết là lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo trực tiếp, thậm chí cũng đã tham gia rất nhiều những buổi trao đổi về văn hóa trà, nghệ thuật thưởng trà do chính tôi chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng, muốn “nở thành hoa, kết trái” chúng ta cần vào cuộc một cách thực sự, đi vào chiều sâu và ứng dụng trong đời sống của mình. Những người làm chè tham dự 06 buổi chia sẻ về văn hóa cũng như thưởng trà vừa rồi nó cũng không thành hoa trái nếu như các vị nghe xong đâu vào đấy, không ứng dụng vào trong công việc sản xuất, kinh doanh và quảng bá của mình.

Vì thế thì ngay từ buổi đầu tiên đến làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tôi đã tha thiết mong muốn tại trụ sở UBND tỉnh, tại trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị của tỉnh Thái Nguyên nên xây dựng một phòng trà Việt Nam, mang phong cách Việt Nam, ở đó chúng ta tiếp khách bằng chính những sản phẩm trà  Thái Nguyên. Và nhiều khi không hẳn tại những phòng trà đó là những trà nương pha, mà tôi mong muốn trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo cũng có thể pha trà khi tiếp khách quốc tế. Qua đó, sẽ là cách để chúng ta giới thiệu, chia sẻ với mọi người về sản phẩm trà Thái Nguyên, cách chăm sóc trà này ra sao, cách thức thưởng trà thế nào… thì cái văn hóa ấy mới được trở thành hoa trái. Tôi cũng mong muốn làm thế nào mỗi cán bộ tỉnh Thái Nguyên, mỗi doanh nhân, người dân Thái Nguyên là những đại sứ về văn hóa trà.

Tôi cũng đề nghị làm thế nào ở Thái Nguyên xây dựng được Trung tâm văn hóa trà. Tôi mong muốn bên cạnh các viện đào tạo trà như anh Chiến đề xuất, thì chúng ta có một trung tâm nghiên cứu về văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua trung tâm nghiên cứu ấy, chúng ta sẽ khai thác được nhiều tư liệu quý báu của cổ nhân, đồng thời, chúng cũng ta cũng xây dựng và bồi đắp được những cái văn hóa mới quảng bá nó.

Đến với Thái Nguyên để cảm nhận tình đất, sự nồng hậu mến khách, để tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật thưởng trà

Có một thông tin tôi rất mừng, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa phát động Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà” và giao cho Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên là cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi. Đối tượng dự thi rộng mở ở trong nước và quốc tế. Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc quảng bá trà Thái Nguyên, đây còn là một cách chúng ta thu thập được rất nhiều tư liệu quý, vì tôi tin những tư liệu quý không chỉ là người dân Thái Nguyên mà người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới họ đang hiểu biết, sở hữu những giá trị đặc biệt văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với Thái Nguyên. Cá nhân tôi cho rằng, những người làm chè cần phải trau dồi cho mình những kiến thức về văn hóa, những kiến thức về sản xuất, chế biến cũng như kiến thức quảng bá. Những người làm chè không tự trang bị cho mình những kiến thức đó thì tự chúng ta bị tụt hậu.

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn!

Chè là cây trồng chủ lực của Thái Nguyên và ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc tiếp cận từ góc độ văn hóa trong hành trình nâng tầm thương hiệu, giá trị sản phẩm trà Thái Nguyên được cho là hướng tiếp cận đúng đắn và bền vững. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đã và đang xây dựng nền móng vững chắc để đưa “Trà Thái Nguyên” trở thành nét văn hóa trà đặc sắc”.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!


thainguyen.gov.vn