Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Thúc đẩy sử dụng giải pháp số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

2023-09-20 14:40:00.0

Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vấn đề chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Vậy chuyển đổi số có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của các DNNVV? Làm thế nào để giúp các DNNVV chuyển đổi số thành công? Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Trung tâm Thông tin tỉnh tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên với chủ đề: Thúc đẩy sử dụng giải pháp số cho các DNNVV.

MC Kim Oanh và khách mời

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp hiện nay, bởi chuyển đổi số sẽ giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, tối ưu năng suất làm việc của nhân viên, gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Câu chuyện này đã được các doanh nghiệp lớn ý thức rất rõ, tuy nhiên đối với nhiều DNNVV, vấn đề chuyển đổi số vẫn còn nhiều thách thức, rào cản. Vậy chuyển đổi số có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của các DNNVV? Làm thế nào để giúp các DNNVV chuyển đổi số thành công?

Để cùng tìm câu trả lời, chúng tôi đã mời đến trường quay ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên; ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Giám đốc VNPT Thái Nguyên; ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại thép Mạnh Cường, phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên để cùng trao đổi, bàn luận về nội dung “Thúc đẩy sử dụng giải pháp số cho các DNNVV”.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia Chương trình Tọa đàm trực tuyến. Và để bắt đầu chương trình, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi clip: Thực trạng chuyển đổi số đối với DNNVV.

MC Kim Oanh: Thưa ông Đào Ngọc Tuất, câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) đang được xã hội quan tâm; đối với các DNNVV, CĐS giữ vai trò quan trọng như thế nào? Các DNNVV ở Thái Nguyên đang thực hiện CĐS ra sao, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Tuất: Như chúng ta đã biết CĐS là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan của các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. CĐS sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu đạt được lợi nhuận cao nhất, chi phí thấp nhất. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, Đảng bộ, chính quyền tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã vào cuộc một cách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp của Hiệp hội DNNVV của tỉnh đã chủ động trong CĐS. Một vấn đề đáng quan tâm, thực tế các doanh nghiệp đang lúng túng, chúng tôi thường xuyên nhận được yêu cầu xin tư vấn của các doanh nghiệp. Còn rất nhiều doanh nghiệp khác có nhu cầu xin tư vấn nhưng chưa ban hành văn bản. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về CĐS, rất quan tâm đến CĐS trong doanh nghiệp. Các sở, ngành cũng rất quan tâm đến CĐS trong DNNVV, không chỉ vậy các hợp tác xã sản xuất kinh doanh cũng được quan tâm về CĐS.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên

Nói một cách khách quan, CĐS như thế nào là một câu chuyện, bài toán mà chính các doanh nghiệp phải trả lời, với sự hướng dẫn, tư vấn, định hướng của  của các cơ quan chuyên môn, đó là một nhiệm vụ khá khó khăn và nặng nề. Quan trọng ở đây, các DNNVV phải xác định có nên CĐS hay không và tìm ra đường đi cho chính mình dựa trên nền tảng công nghệ số.

Có thể nói, đến nay tất cả các doanh nghiệp đang hàng ngày, hàng giờ CĐS, trong từng khâu, từng công việc. Như vậy, CĐS đã đưa được đến tất cả các doanh nghiệp.

MC Kim Oanh: Thưa ông Nguyễn Việt Bắc, đâu đó trong nhận thức của một số người, trong đó có các chủ DNNVV, vấn đề CĐS khá mơ hồ, xa vời và họ chưa biết bắt đầu từ đâu. Ngoài ra với tâm lý ngại thay đổi nên việc thực hiện CĐS khá khó khăn. Với góc độ là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng, giải pháp CĐS, ông có thể giải thích rõ thêm về những ứng dụng của CĐS, giải pháp số trong quản trị điều hành đối với doanh nghiệp, nhất là DNNVV?

Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Giám đốc VNPT Thái Nguyên

Ông Nguyễn Việt Bắc: Các DNNVV có số lượng rất lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng, quy mô nguồn lực của các doanh nghiệp cũng khác nhau, do đó mức độ nhận thức CĐS của các doanh nghiệp cũng không giống nhau. Để CĐS cho các doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng phải có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số và phải có mức độ thấu hiểu về thực tiễn về đặc tính ngành của các DNVVN thì mới có thể triển khai được CĐS thành công. VNPT là một trong những nhà cung cấp công nghệ CĐS thành công trong thời gian vừa qua, có thể chia thành các nhóm: Nhóm dịch vụ giải pháp, như nhóm hạ tầng (đường truyền, máy chủ ảo, thư điện tử, chứng thư số), nhóm này với các DNNVV rất cần thiết vì nó được thực hiện trên môi trường online; nhóm thứ hai là an toàn thông tin, rất quan trọng; nhóm thứ ba, nhóm quản trị doanh nghiệp (quản lý bán hàng, hóa đơn điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội, kế toán); giao dịch điện tử (ký số, hợp đồng điện tử, điểm danh chấm công nhận diện khuôn mặt); phần mềm chuyên ngành (y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, hải quan, quản lý khách sạn, nhà hàng..). Các giải pháp của VNPT hội tụ nền tảng công nghệ hiện đại và kiến trúc tiên tiến như: Điện toán đám mây, kiến trúc dịch vụ nhỏ (Microservices), data lake, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ đảm bảo an toàn bảo mật thông tin...

MC Kim Oanh: Thưa ông Lê Mạnh Cường, ông đánh giá thế nào về vai trò của chuyển đổi số, giải pháp số trong quản trị, điều hành doanh nghiệp? Những việc làm cụ thể nào đang được doanh nghiệp của ông thực hiện để CĐS?

Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại thép Mạnh Cường, phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên

Ông Lê Mạnh Cường: Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, với vai trò DNNVV, quy mô doanh thu trên dưới 100 tỷ, số lượng nhân sự từ 3 - 50 người, tuỳ từng thời điểm, chúng tôi nhận thức rõ ràng: Trong thời đại 4.0 việc áp dụng công nghệ số và CĐS vô cùng quan trọng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải bắt nhịp được xu thế của thời đại. Với chúng tôi, ý thức rất rõ được điều đó, ngay từ ngày đầu Thủ tướng Chính phủ phát động “Chính phủ số”, “xã hội số”, “doanh nghiệp số”, đến bây giờ “người dân số” thì chúng tôi cũng từng bước chuyển mình theo những chủ trương chính quyền tỉnh Thái Nguyên thực hiện theo CĐS đã áp dụng ở doanh nghiệp mình theo quy mô, cũng như nguồn lực của doanh nghiệp. Bởi vì mỗi doanh nghiệp có quy mô lớn nhỏ khác nhau và ngành nghề khác nhau thì áp dụng nguồn lực khác nhau, nguồn lực rất quan trọng, đảm bảo về nhân sự, đảm bảo về tài chính. Chúng tôi đã mời những công ty chuyên về lĩnh vực số đến tư vấn cho chúng tôi, rút ngắn thời gian doanh nghiệp hiểu biết nó, tư vấn cho chúng tôi về tính năng, sự phát triển khi áp dụng CĐS, chúng tôi mời các công ty có uy tín tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên để tư vấn trực tiếp, hướng đến toàn bộ công nhân viên của doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình mới. Chính từ việc đó thì đầu tiên là nhận thức của Giám đốc doanh nghiệp cho đến nhân viên các phòng ban, thay đổi văn hoá, đặc biệt khi có công ty tư vấn về CĐS thì có giá trị cốt lõi là doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi từng bước áp dụng từ những việc nhỏ nhất, ban đầu CĐS là phần mềm liên quan đến quản lý doanh nghiệp, sau đó là những trang Web bán hàng, hiện tại những mặt hàng sản xuất vì quy mô còn nhỏ, nguồn lực ít, chúng tôi không thể đầu tư ồ ạt được mà làm từng phần, từng bộ phận, từng phòng ban… Việc ứng dụng CĐS đã đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

MC Kim Oanh: Thưa ông Tuất, một trong những mục tiêu trong kế hoạch thực hiện chương trình CĐS của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là phấn đấu đến năm 2025 có trên 700 doanh nghiệp số. Đây là con số không hề nhỏ, các ngành chức năng và doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện đạt mục tiêu này?

Ông Đào Ngọc Tuất: Chúng ta có thể hiểu như sau: Thứ nhất vì sao là con số 700, bối cảnh lúc xây dựng Nghị quyết trình phê duyệt, thống kê tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp. Để CĐS, ngoài việc chủ động, tích cực, rõ ràng không thể không có các doanh nghiệp như VNPT để các doanh nghiệp lựa chọn phương thức CĐS. Theo thống kê, khuyến cáo nói chung mỗi doanh nghiệp số sẽ tư vấn, đồng hành cùng 100 doanh nghiệp khác trong CĐS, nên chúng ta mới có con số như vậy. Đến thời điểm hiện tại, theo công bố tỉnh chúng ta có 324 doanh nghiệp CĐS, mục tiêu cũng gần đạt 50%, đúng với tiến độ Nghị quyết 01 đã đưa ra. Con đường phía trước còn rất dài, để phục vụ hết 7.000 -10.000 doanh nghiệp của tỉnh cần khoảng 700 doanh nghiệp số. Ngoài việc có thông tin, định hướng, sự hỗ trợ của các sở, ngành, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh (sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp).

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đã quan tâm đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất (Trong ảnh: Máy CNC cắt gỗ của Công ty CP gỗ Phượng Anh)

Ngoài ra, Thái Nguyên là trung tâm công nghệ số, trung tâm vùng, chúng ta đang đẩy mạnh Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Hiện tại, đang làm thủ tục trình đấu thầu và thực hiện các bước theo quy định. Đây là một trong những trung tâm lớn nhất toàn quốc, sẽ đảm bảo cho con số 700 của Nghị quyết. Tin chắc rằng, khi đó chúng ta sẽ phục vụ cả vùng Đông Bắc Bộ, cả phía Bắc cũng như cả nước. Đó là mục tiêu phát triển doanh nghiệp số của tỉnh Thái Nguyên.

Tôi cũng rất tâm đắc với chia sẻ của anh Cường, CĐS không có hồi kết mà là cả một quá trình. Không phải chỉ là mua ứng dụng, phần mềm khác nhau là CĐS. Cũng như anh Bắc cũng chia sẻ, mỗi doanh nghiệp có văn hóa riêng, nên rất cần một doanh nghiệp số đồng hành, cùng làm, cùng sửa mới đạt được mục tiêu.

MC Kim Oanh: Con số trên 700 doanh nghiệp số có ý nghĩa như thế nào với một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông như VNPT. Ông có cho rằng đây là một thị phần quan trọng mà VNPT cần khai thác? Và VNPT sẽ có giải pháp như thế nào để đồng hành cùng tỉnh biến mục tiêu này thành hiện thực?

Ông Nguyễn Việt Bắc: Có thể thấy rằng, bất kỳ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào đó khi ứng dụng công nghệ số để tạo ra giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và trải nghiệm KH đều là doanh nghiệp số, tất nhiên có thể phân loại ra là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số và doanh nghiệp số, doanh nghiệp công nghệ. Đối với VNPT, bộ sản phẩm và đội ngũ chuyên biệt để kinh doanh dành cho khối doanh nghiệp trong đó có DNNVV và hiện nay số lượng khách hàng đã sử dụng công nghệ số đã có trên 1.400 doanh nghiệp đang lựa chọn triển khai một, hoặc nhiều giải pháp như đã đề cập của VNPT trên các nền tảng online. Đối chiếu với các tiêu chí mức độ CĐS DNNVV theo QĐ1970/QĐ-BTTTT ban hành ngày 13/12/2021 thì các doanh nghiệp này thể đạt mức độ CĐS từ mức 2 - 4 trên thang điểm mức độ 5 mức CĐS cho DNNVV. Để làm tốt điều này, cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp giải pháp số, đặc biệt cần hỗ trợ cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp mới thành lập, bởi vì trong 5 trụ cột, 60 tiêu chí, trong đó có một số tiêu chí rất dễ làm như ban hành mục tiêu kế hoạch, đào tạo kỹ năng cơ bản, đào tạo kỹ năng nâng cao cho cán bộ làm chuyên trách công nghệ thông tin, các chỉ tiêu đó chúng ta rất dễ đạt được để chúng ta nâng cao CĐS cho DNNVV. Đó chính là nhưng trao đổi xoay quanh con số 700 DN trên góc nhìn của VNPT để nâng cao chất lượng, mức độ CĐS doanh nghiệp.

Miến Việt Cường là một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao của Thái Nguyên được ưa chuộng trên thị trường với đa dạng mẫu mã sản phẩm

MC Kim Oanh: Để thúc đẩy sử dụng giải pháp số cho các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt DNNVV, UBND tỉnh đã đề ra 2 nhiệm vụ là: Cung cấp, hỗ trợ giải pháp số cho doanh nghiệp, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp kiến tạo và sử dụng giải pháp số. Theo ông Bắc, chúng ta nên bắt đầu từ đâu, hỗ trợ hay khuyến khích, thúc đẩy?

Ông Nguyễn Việt Bắc: Cá nhân tôi cho rằng, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên hiện nay đã tạo ra môi trường thuận lợi, đó là vừa hỗ trợ, vừa thúc đẩy, vừa khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện CĐS. Điều này thể hiện trong các nghị quyết, kế hoạch CĐS, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có VB 274/BKHĐT-PTDNT thông báo nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đã chứng minh quyết tâm đồng hành CĐS trong DNNVV hết sức thiết thực. Đối với cộng đồng DNNVV hiện nay có thể thấy mức độ CĐS có thể trải từ mức 0 đến mức 5 theo bộ tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Như vậy, để tối ưu và đạt hiệu quả cao thì tùy thuộc vào phân loại mức độ CĐS của doanh nghiệp để lựa chọn điểm bắt đầu. Ví dụ: Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hạn chế nguồn lực tài chính, hoặc doanh nghiệp chưa từng tiếp cận với công nghệ số… thì nên bắt đầu hỗ trợ một vài khâu trong một khoảng thời gian để các doanh nghiệp làm quen, trải nghiệm thấy được hiệu quả, từ đó để gắn bó và quyết định CĐS. Đối với doanh nghiệp đạt mức độ CĐS từ mức 2 trở lên, doanh nghiệp có nguồn lực con người, tài chính tốt có thể khuyến khích, thúc đẩy áp dụng thêm các giải pháp sử dụng công nghệ số mới, giải pháp đổi mới sáng tạo… Tuy nhiên, về khía cạnh doanh nghiệp, doanh nghiệp nào cũng muốn hỗ trợ càng nhiều càng tốt, vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích, vừa thúc đẩy được là tốt nhất.

MC Kim Oanh: Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số DNNVV đang lúng túng trong thực hiện các giải pháp số. Trong đó có nguyên nhân về vốn, do quy mô nhỏ nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để chuyển đổi từ giải pháp quản trị, điều hành truyền thống sang giải pháp số thấp, bên cạnh đó nguồn lực về con người để thực hiện CĐS có hạn… Vậy theo ý kiến của ông Tuất, doanh nghiệp cần làm gì để thoát khỏi rào cản này? Tỉnh có chính sách hỗ trợ nào cho doanh nghiệp để giải bài toán về công nghệ, nguồn lực khi thực hiện CĐS?

Ông Đào Ngọc Tuất: Như chúng ta đã biết, cả thế giới và nước ta trải qua cơn đại dịch COVID-19 trong 3 năm. Cả thế giới đã chứng kiến rất nhiều giải pháp công nghệ số đáng nhẽ tuổi đời là 7 - 15 năm nhưng do đại dịch COVID-19 đã dồn nén xuống còn 3 năm, tạo ra điểm nhấn CĐS. Khi thế giới bị ngăn cách bởi vật lý thì thì lại có một môi trường số để cung cấp sự giao tiếp cho cả thế giới. Các doanh nghiệp đã tiếp cận công nghệ số, điều hành sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ bằng CĐS.

Như vậy, cái khó cho chúng ta là cái khó chung, để vượt qua rào cản không nằm ở công nghệ, ở vốn mà nằm ở tư duy, nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp là có muốn làm hay không. Đặt trong bối cảnh là không thể không làm thì tất cả đã vượt qua. Đồng hành với việc đó, không thể bắt một phía làm, Nhà nước và các tập đoàn công nghệ dẫn dắt như VNPT, Viettel, FPT... đều có sự tham gia cùng Nhà nước, đồng hành, hỗ trợ về thời gian, nguồn lực, công nghệ cho các DNNVV CĐS giai đoạn đầu. Công nghệ có đặc thù là càng dùng nhiều càng hiệu quả, càng rẻ. Khi nhiều doanh nghiệp cùng CĐS thì đó lại không phải là câu chuyện khó khăn về vốn nữa. Cơ quan chuyên môn chúng tôi cũng đưa ra lời khuyên, góc nhìn là như vậy.

Trong quá trình thực hiện CĐS, doanh nghiệp không phụ thuộc vào công nghệ, phải chủ động đánh giá, kế thừa, căn chỉnh liên tục, song hành cùng doanh nghiệp. Như vậy, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện về hiệu suất đầu tư, đồng thời sẽ có các tập khách hàng mới; công nghệ sẽ có tạo ra bước phát triển vượt bậc mà các bạn không hình dung ra được, sẽ tạo ra các nguồn lực, cơ hội mới.

Sản phẩm Mỳ gạo Định Hóa của HTX Tâm Trà Thái vừa được giải Ba Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 cấp vùng khu vực miền Bắc

Cuối cùng là về nhân sự, đã là DNNVV thì quy mô nhân sự rất nhỏ, một người Giám đốc làm rất nhiều việc, ở nhiều bộ phận, như vậy có hiệu quả hay không?. Nhưng công nghệ làm được, các giải pháp sẽ làm được khi được đào tạo, hướng dẫn sử dụng thành thạo về công nghệ; ứng dụng công nghệ số sẽ hỗ trợ rất tốt, thậm chí gấp hàng nghìn lần năng suất của con người.

Quay lại với câu chuyện về vốn, với doanh nghiệp khởi nghiệp thì vốn là quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là định hướng kinh doanh; doanh nghiệp cần Nhà nước có cơ chế chính sách để hoạt động được thuận lợi nhất, vốn chỉ là câu chuyện ban đầu, kích thích các doanh nghiệp tham gia CĐS.

MC Kim Oanh: Về vấn đề này, ý kiến của ông Cường như thế nào? Doanh nghiệp của ông giải quyết bài toán về vốn và nguồn nhân lực khi thực hiện các giải pháp số bằng cách nào? Ông có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với các DNNVV trong áp dụng các giải pháp số để quản trị, điều hành?

Ông Lê Mạnh Cường: Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh về nguồn vốn trong doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp tham gia CĐS, từ những doanh nghiệp mới khởi nghiệp đến doanh nghiệp lớn và DNNVV. Đầu tiên đó là nhận thức của chủ doanh nghiệp về CĐS, thế thì bài toán về nguồn vốn là vấn đề quan trọng. Theo tôi, đối với DNNVV xác định CĐS là xu thế và không nên nhìn xem chất lượng như thế nào mà bắt tay vào làm ngay. Thứ hai, tìm cho mình những công ty về công nghệ CĐS tư vấn cho mình từng bước đi một, áp dụng cho doanh nghiệp của mình phù hợp, tài chính ra sao, nhân sự như thế nào?. Và bạn hãy làm ngay đi, quy mô nhỏ thì CĐS từ việc số hóa, phải ứng dụng số hóa bởi bản chất của CĐS là “Thế giới số”, “Xã hội số”, “Chính phủ số”… Vậy đương nhiên những doanh nghiệp không CĐS sẽ bất cập và những doanh nghiệp đang tham gia CĐS họ sẽ bắt nhịp được với xu thế của xã hội và doanh nghiệp sẽ phát triển hiệu quả.

Các doanh nghiệp NVV từng bước đa dạng mẫu mã, bao bì sản phẩm, tích cực quảng bá giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội (Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm mới của HTX Tuyết Hương Trà)

MC Kim Oanh: Thưa ông Cường! Được biết doanh nghiệp của ông đang có mối quan hệ đối tác với một số doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Khu công nghiệp Yên Bình. Các doanh nghiệp này hầu hết đều yêu cầu đòi hỏi cao, việc thực hiện các thủ tục hành chính rất chuyên nghiệp, ông đã làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu đó. Giải pháp số giúp ông trong điều hành, quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các đối tác như thế nào?

Ông Lê Mạnh Cường: Công ty CP thép Việt Cường cũng tham gia vào chuỗi xây dựng cơ bản Samsung lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng được tham gia vào chuỗi xây dựng cơ bản của Tập đoàn Samsung đầu tiên, có lẽ đến thời điểm này cũng là duy nhất. Tháng 7/2013, dự án Samsung vào đầu tư tại Thái Nguyên bắt đầu giao mặt bằng sạch, đến tháng 12/2013 chính thức khởi công, chúng tôi may mắn được tham gia vào chuỗi xây dựng cơ bản. Trong quá trình tham gia, chúng tôi chưa được trực tiếp làm việc với chủ đầu tư, chúng tôi chỉ làm việc với những đơn vị trong Top 10 của Hàn Quốc là những đơn vị liên quan đến xây dựng, kết cấu. Với vai trò là doanh nghiệp kết nối được những doanh nghiệp nước ngoài, đã áp dụng CĐS khá lâu thì đương nhiên chúng tôi phải bắt nhịp. Việc chúng tôi làm đầu tiên là sử dụng những công cụ, những phần mềm, những điện toán đám mây để báo giá và gửi khối lượng công việc, tiến độ công việc theo ngày, theo tuần và kết thúc dự án. Điều này giúp Công ty duy trì mối quan hệ và tăng tính chất chuyên nghiệp trong việc giao tiếp và tương tác với các đối tác.

MC Kim Oanh: Một trong những ngành, lĩnh vực được tỉnh quan tâm thúc đẩy CĐS là nông nghiệp, trong đó có việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp trên các địa bàn khó khăn. Đây không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn. Thưa ông Tuất, chủ trương này đang được triển khai như thế nào? Và việc tháo gỡ những rào cản trong việc thực hiện các giải pháp số đối với các DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện ra sao?

Ông Đào Ngọc Tuất: CĐS trong nông nghiệp là một trong những trụ cột, lĩnh vực ưu tiên chúng ta đưa vào Nghị quyết, Kế hoạch 5 năm. Những lĩnh vực khó nhất lại cần chuyển đổi trước nhất. Như các bạn vừa nêu, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, 3 năm vừa qua, sản phẩm đầu ra của nông sản tiếp cận với khách hàng cũng là câu chuyện vướng mắc nếu không có công nghệ số. Riêng CĐS trong nông nghiệp chúng ta đang đi đúng hướng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã, các hộ kinh doanh đang rất chủ động trong việc tiếp cận công nghệ số cho hoạt động của mình, ví dụ các sản phẩm miến Việt Cường, chè Hảo Đạt... Sản phẩm của chúng ta không chỉ ở tỉnh Thái Nguyên mà đang đi ra cả thế giới, khi mà công nghệ được áp dụng ở cả chế biến, chăm sóc, bán hàng chứ không riêng ứng dụng công nghệ số. Hàng hóa của chúng ta sau khi thu hoạch đã được đóng gói toàn diện, đến với bạn bè năm châu. Để làm được việc đó, với nông sản khi xuất sang Mỹ, EU, Nga, nếu họ không kiểm soát được vùng trồng, họ sẽ không nhập hàng. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp thực hiện rất tốt nền tảng cơ sở dữ liệu trong nông sản, trong đó có vùng trồng của từng nông hộ. Họ tự chịu trách nhiệm công bố chất lượng. Người dùng sẽ thông qua CĐS tiếp cận được từng mảnh vườn, nông trại để kiểm tra xem có đúng với công bố hay không. Công nghệ đã giúp làm được việc đó.

Về nâng cao kỹ năng số cho bà con nông dân, đối với các hợp tác xã là một vấn đề quan trọng; chúng ta vừa có chương trình xúc tiến thương mại na La Hiên, tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã đã bán hàng qua livestream rất tốt. Điều đó thể hiện kỹ năng số đã đến được với từng người dân, từng chủ vườn. Rõ ràng, công nghệ số không khó mà vấn đề là ứng dụng như thế nào, tiếp cận ra sao và phù hợp với khách hàng như thế nào.

Về đối tượng là CĐS trong nông nghiệp, chúng tôi đang tập trung 2 hướng: Thứ nhất các nhà cung cấp các nền tảng sẽ sinh ra các hệ sinh thái để bà con lựa chọn các sàn thương mại chuyên nghiệp như vỏ sò hay postmart; cung cấp phần mềm để tự quản lý quy trình, chất lượng của chính mình.

Thứ hai là tập trung, đào tạo, hướng dẫn để người nông dân Thái Nguyên thuần thục kỹ năng sử dụng ứng dụng số, đơn cử như sử sụng Zalo, Facebook, Tiktok. Tuy nhiên cần phải sử dụng một cách an toàn, cẩn trọng vì mọi thông tin đều được công khai. Vấn đề đó cần phải được tập huấn một cách sâu và rộng. Cũng xin được chia sẻ với các bạn, Thái Nguyên có 2.255 tổ, xóm thì đều có Tổ công nghệ số cộng đồng. Chúng ta sẽ hướng dẫn, nhân rộng ra để hướng tới một xã hội công dân số, có kỹ năng, bảo vệ mình trên môi trường mạng.

Kênh Tiktok “Hồng sinh viên” livestream quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chè của vùng chè La Bằng, Đại Từ tại Phiên chợ kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên (La Hiên, Võ Nhai)

Về chính quyền sẽ luôn cung cấp, phối hợp với bà con nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có những cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi nhất trong lĩnh vực đó. Khi các bạn lựa chọn CĐS chắc chắc chính quyền sẽ đồng hành, hỗ trợ để CĐS trong nông nghiệp phát triển bền vững. Để làm được việc đó, không riêng chính quyền địa phương, tổ chức nào mà tất cả cộng đồng, hệ thống vào cuộc cùng chung tay thì mới thực hiện được để ứng dụng CĐS trong nông nghiệp một cách an toàn.

MC Kim Oanh: Là người trực tiếp quản lý, điều hành một doanh nghiệp, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện các giải pháp số ông Cường đều nắm rõ, vậy theo ông Cường, các DNNVV cần sự hỗ trợ giúp đỡ như thế nào từ các cơ quan chức năng trong lộ trình chuyển đổi sang các giải pháp số trong quản trị, điều hành và sản xuất, kinh doanh?

Ông Lê Mạnh Cường: Trở lại câu chuyện CĐS, về việc này các cơ quan chức năng và UBND tỉnh cùng chung tay vào cuộc để giúp đỡ doanh nghiệp. Tôi cho rằng, việc CĐS càng nhanh để các doanh nghiệp bắt đầu số hóa và CĐS cũng nhanh. Theo đó doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh, đem lại năng xuất, tiết kiệm được nguồn lực đầu tư và thời gian, từ đó tạo ra giá trị và lợi nhuận, khi đó có những thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều. Chính quyền đã có những tác động cho người dân và doanh nghiệp hướng đến CĐS. Việc CĐS càng nhanh chóng bao nhiêu thì nguồn doanh thu và lợi nhuận càng cao, tăng thu ngân sách Nhà nước càng nhiều, xã hội càng phát triển. Chúng tôi có đề nghị với các cơ quan chức năng một số nội dung như:

Cung cấp thông tin và tư vấn: Các cơ quan chức năng có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn về các giải pháp số và quy trình chuyển đổi, đưa ra lộ trình để doanh nghiệp áp dụng chuyển đổ số theo quy mô và nguồn lực của doanh nghiệp… Điều này bao gồm việc giới thiệu các nguồn tài liệu, tài liệu hướng dẫn và chương trình đào tạo, tuyên truyền để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích và cách triển khai giải pháp số trong chuyển đổi số.

Hỗ trợ kỹ thuật: Các cơ quan chức năng có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc triển khai và tích hợp các giải pháp số vào quy trình, hệ thống hiện có của doanh nghiệp. Họ có thể cung cấp tư vấn về kiến trúc công nghệ, quy trình triển khai và kiểm tra giải pháp số.

Hỗ trợ tài chính: Các cơ quan chức năng có thể cung cấp thông tin về nguồn tài chính, chương trình tài trợ để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang các giải pháp số. Các chương trình này có thể bao gồm hỗ trợ vốn, tài trợ phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ, hay hỗ trợ về thuế và lợi ích kinh tế khác. Mong muốn các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Thái Nguyên cung cấp thông tin về nguồn tài chính và có thể tạo ra quỹ thông qua các gói vay ngân hàng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp CĐS mạnh hơn.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang các giải pháp số, các chương trình có thể bao gồm hỗ trợ vốn, tài trợ phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ, đó chính là giải pháp cho CĐS.

MC Kim Oanh: Qua trao đổi, tiếp xúc với một số DNNVV, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến là quá trình thực hiện các giải pháp số, doanh nghiệp gặp khó khăn lúng túng về giải pháp công nghệ nhưng chưa kết nối được cơ quan chức năng nào để hỗ trợ tháo gỡ, ví dụ như trang websie bị đánh sập hay bị chặn tương tác… VNPT là một doanh nghiệp viễn thông đang nắm giữ những yếu tố quan trọng, có yếu tố then chốt trong quá trình CĐS như công nghệ, nguồn nhân lực… Ông Bắc có thể chia sẻ những ý tưởng hợp tác với các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các DNNVV trong việc đưa các giải pháp số vào việc quản trị điều hành?

Ông Nguyễn Việt Bắc: Hiện nay VNPT cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp, tư vấn các giải pháp dựa trên các điều kiện thực tiễn, cũng như đặc thù của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong có buổi làm việc giữa VNPT với Hiệp hội DNNVV, lựa chọn một vài doanh nghiệp thí điểm về triển khai các giải pháp của VNPT. Tất nhiên giải pháp của VNPT rất nhiều, nhưng để phù hợp với đặc tính của mỗi doanh nghiệp thì cần có một quá trình để cùng làm việc, cùng điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp để đưa vào doanh nghiệp và trải nghiệm của người dùng được tốt nhất trong các giải pháp do VNPT cung cấp.

VNPT Võ Nhai tham gia hỗ trợ các Tiktoker, Streamer về đường truyền kết nối internet trong suốt thời gian livestream tại Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ nông sản Thái Nguyên năm 2023

MC Kim Oanh: Nhận thức rất rõ vai trò của CĐS trong tổng thể tất cả các hoạt động của quốc gia trong đó có doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp CĐS đặc biệt quan tâm đến DNNVV, nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động ảnh hưởng nặng nề khi gặp những khó khăn, bất ổn. Ở cấp độ địa phương, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tích cực áp dụng nhiều chính sách và giải pháp về xây dựng cơ sở pháp lý, tổ chức đào tạo, truyền thông, cung cấp các hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp với nhiều hoạt động cụ thể. Dù chỉ mới triển khai trong một khoảng thời gian không dài, nhưng có thể thấy đây là một động lực lớn giúp DNNVV có thể thực hiện thành công CĐS. Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nhân cũng cần thay đổi tư duy, nhận thức, nỗ lực vượt lên chính mình, làm mới mình; trong đó CĐS là một trong những giải pháp được coi là sống còn để đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông Đào Ngọc Tuất; ông Nguyễn Việt Bắc và ông Lê Mạnh Cường đã có những chia sẻ thực tế, ý kiến phân tích và đưa ra các giải thiết thực trong chương trình nhằm thúc đẩy sử dụng giải pháp số cho các DNNVV.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi chương trình. Xin kính chào và hẹn gặp lại!

 

 


thainguyen.gov.vn