Tọa đàm trực tuyến: Tăng cường hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững
2025-01-08 09:02:00.0
MC Kim Oanh và các vị khách mời
MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn! Pháp lý luôn đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, không ít DN vẫn gặp khó khăn trong việc nắm bắt và áp dụng các quy định pháp luật vào thực tế hoạt động của mình.
Nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ những rào cản pháp lý, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, trong đó có Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DNNVV năm 2024.
Hôm nay, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên thực hiện chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh với chủ đề: Tăng cường hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững. Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời. Xin trân trọng giới thiệu: Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên và ông Bùi Sỹ Dân, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương. Trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.
Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi Clip ngắn chúng tôi vừa thực hiện.
MC Kim Oanh: Câu hỏi đầu tiên dành cho ông Nguyễn Hữu Sơn. Ông đánh giá thế nào về vai trò của DNNVV trong nền kinh tế và những thách thức pháp lý lớn nhất mà các DN này đang phải đối mặt?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vai trò quan trọng của DN đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt DNNVV.
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 DN, trong đó DNNVV chiếm trên 98%. Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua DNNVV trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Sự phát triển của các DNNVV đã tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên
Bên cạnh những khó khăn, thách thức về nguồn vốn, về thị trường, rất nhiều DNNVV còn có những khó khăn, thách thức về vấn đề pháp lý. Cụ thể, các DNNVV thường không có bộ phận pháp chế chuyên trách, chưa có đủ kinh phí để thuê đơn vị tư vấn luật chuyên nghiệp. Việc không thấu hiểu các quy định của pháp luật cũng khiến các DN lúng túng khi thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa các quy định của pháp luật thường xuyên thay đổi dẫn đến các DN chưa tiếp cận kịp thời dẫn đến những rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
MC Kim Oanh: Với tư cách là đại diện DNNVV, ông có thể chia sẻ những khó khăn thực tế mà DN của mình và các DN khác thường gặp trong việc tiếp cận và áp dụng pháp luật?
Ông Bùi Sỹ Dân: Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách phối hợp, hỗ trợ Hiệp hội DNNVV về pháp lý, nhưng những năm qua Hiệp hội DNNVV tiếp cận pháp lý còn hạn chế. Nguyên nhân bởi do vấn đề chủ quan của chính chủ DN, chưa coi vấn đề pháp lý là vấn đề, là mấu chốt; cũng chưa có nhiều DN đủ chi phí để có một bộ phận pháp lý riêng của DN. Chính vì vậy, việc tiếp cận pháp lý đang còn hạn chế nhất là trong điều kiện pháp lý luôn thay đổi và luôn đổi mới.
Ông Bùi Sỹ Dân, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương
MC Kim Oanh: Những nội dung hỗ trợ pháp lý cụ thể nào sẽ được triển khai trong năm 2024 để giúp các DN giảm rủi ro pháp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Trong năm 2024, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh thực hiện công tác pháp chế và hỗ trợ pháp lý cho DNNVV năm 2024, trên cơ sở của kế hoạch đã triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý để giúp các DN giảm rủi ro pháp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể như sau: Với vai trò “gác cổng” trong công tác hoàn thiện thể chế, trong năm 2024, Sở Tư pháp xác định công tác tham mưu hoàn thiện các thể chế kinh tế cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những công tác trọng tâm. Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh đã ban nhiều văn bản quản lý pháp luật (QPPL) điều chỉnh trên nhiều các lĩnh vực, trong đó có nhiều chính sách quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như: Đề án phát triển nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2015, định hướng đến năm 2030; các chính sách về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông; quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, tách thửa, hợp thửa đất đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; các quy định về đơn giá bồi thường nhà ở, công trình kiến trúc gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; các quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách khu đất thành dự án độc lập; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên… Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật của nhà nước cho cộng đồng DN.
Để nhằm kịp thời thông tin văn bản pháp luật đến các DN, năm 2024 Sở Tư pháp đã biên soạn, phát hành cuốn “Thông tin pháp luật và Doanh nghiệp” trung bình 02 số/năm; mỗi số 300 cuốn cấp phát cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu một số nội dung về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi cũng phát hành các tin, bài trên chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho DN nhằm thông tin những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản QPPL của Trung ương và địa phương có liên quan đến hoạt động của DN (tổng số tin bài đã phát hành là 336 tin, bài). Thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành trên Cơ dữ liệu quốc gia về pháp luật phục vụ cho việc tra cứu, áp dụng văn bản của cơ quan, tổ chức, DN và công dân được thuận tiện và nhanh chóng, tổng số văn bản đã cập nhật là 1.605 văn bản. Chúng tôi cũng tổ chức 1 chương trình tọa đàm với nội dung chủ yếu là giới thiệu những quy định mới về Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản, chính sách mới liên quan đến DNNVV. Qua đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các DN và đồng hành với DN, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho DN.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển (Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Cờ lưu niệm của Chủ tịch UBND tỉnh cho Hiệp hội DNNVV)
MC Kim Oanh: Thưa ông Dân, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật mà tỉnh đã tổ chức? DN của ông đã áp dụng được những gì?
Ông Bùi Sỹ Dân: Năm 2024, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã có nhiều cố gắng hỗ trợ về pháp lý cho DN. Ngoài các buổi hỗ trợ, tọa đàm trực tiếp với DN, tôi đánh giá rất cao Sở Tư pháp đã ban hành Tập san tháng 12/2024. Cuốn Tập san rất đầy đủ, được chắt lọc những thông tin thực tế về đền bù giải phóng mặt bằng, chỉ tiêu… Những thông tin đó rất thiết thực với chúng tôi trong thời điểm hiện nay.
Bà Lê Thị Minh Hiếu, Trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp, Thành viên Tổ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tham luận tại Hội thảo “Giải pháp tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”
MC Kim Oanh: Ngoài việc hỗ trợ DN giải đáp pháp luật, tỉnh có kế hoạch gì để cải thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ các DN trong quá trình đầu tư và kinh doanh thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Ngoài những nội dung hỗ trợ pháp lý cho DN theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh. Trong năm 2025, Sở Tư pháp dự kiến tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Qua đó tạo hành lang pháp lý, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra còn tham mưu, đề xuất xây dựng Trang Thông tin điện tử hỗ trợ cho DN đảm bảo hỗ trợ pháp lý cho DN được toàn diện, kịp thời, đa dạng các quy định pháp luật mới, giải đáp các vướng mắc về pháp lý cho DNNNV.
MC Kim Oanh: Từ góc nhìn của DN, ông có đề xuất gì để cải thiện sự phối hợp giữa các sở, ngành và DN trong công tác hỗ trợ pháp lý?
Ông Bùi Sỹ Dân: Hỗ trợ pháp lý là điều rất cần thiết đối với Hiệp hội DNNVV trong thời điểm đất nước phát triển. Chúng tôi đề nghị, trong công tác hỗ trợ, chúng ta nên phân ra nhiều loại, nhiều dạng, như: Các DN lớn, có vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ theo một phương án; khoáng sản, xây dựng hỗ trợ theo một phương án; các DN nhỏ và siêu nhỏ hỗ trợ theo một phương án. Từ việc hỗ trợ thực tế như vậy, các DN ở trong lĩnh vực của họ, họ tiếp cận rất tốt.
Ông Ngô Thượng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Khải phát biểu tại Hội nghị đối thoại với các đồng chí lãnh đạo TP. Thái Nguyên về các thủ tục pháp lý của doanh nghiệp
MC Kim Oanh: Ông Dân có thể chia sẻ kinh nghiệm của DN mình trong việc xử lý các vấn đề pháp lý và hợp tác với cơ quan nhà nước không?
Ông Bùi Sỹ Dân: Với kinh nghiệm của Công ty TNHH Quang Dương chúng tôi đã 25 năm hoạt động, trước đây về pháp lý thì vướng đến đâu xử lý đến đó. Nhưng thời điểm bây giờ, qua trao đổi với những DN đã có bộ phận pháp lý, với các sở, ban ngành thì chúng tôi cho rằng, đối với vấn đề pháp lý chúng tôi biết đến đâu thì trao đổi đến đó để tránh rủi ro cho DN của mình.
MC Kim Oanh: Theo ông, DN cần phải làm gì để chủ động hơn trong việc nâng cao kiến thức pháp lý và phòng ngừa rủi ro?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Mỗi DN cần thường xuyên trau dồi, bổ sung kiến thức pháp luật cho cán bộ chủ chốt của DN. Cần tự nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Mỗi cán bộ, nhân viên trong DN cần phải được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, cập nhật để có những hiểu biết, kiến thức và nắm vững được quy định pháp luật trong lĩnh vực công việc phụ trách. Một số lĩnh vực pháp luật mà các cán bộ cấp quản lý bắt buộc phải nắm bắt và cập nhật thường xuyên như: Pháp luật DN, pháp luật hợp đồng, pháp luật về thương mại, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, pháp luật thuế, pháp luật về đất đai, pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Mỗi DN cần phải xác định được những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, để lập kế hoạch nhằm giúp DN có những phương án tốt nhất, phương án tối ưu để đối phó với tình huống rủi ro xảy ra.
MC Kim Oanh: Ông kỳ vọng gì ở cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ pháp lý và cải thiện môi trường kinh doanh?
Ông Bùi Sỹ Dân: Để hỗ trợ DN, chúng tôi kỳ vọng các đồng chí tư vấn pháp lý kịp thời, rõ ràng và đúng đối tượng. Trong hỗ trợ pháp lý, ngoài những buổi tập huấn, ngoài Tập san của Sở Tư pháp phát hành thì nên có những buổi để cho các DNNVV giao lưu với các DN lớn để học hỏi những kinh nghiệm từ những doanh nghiệp trong thực hiện pháp lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp cho các DNNVV thực hiện tốt về pháp lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, vững bền hơn.
MC Kim Oanh: Thông qua chương trình Tọa đàm này, ông có thông điệp gì muốn gửi đến cộng đồng DNNVV trong việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ pháp lý?
Ông Nguyễn Hữu Sơn: Vấn đề hỗ trợ pháp lý cho DN nói chung và hỗ trợ pháp lý cho DNNVV nói riêng đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng DN bởi những rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi DN tham gia thị trường kinh doanh. Chúng ta khẳng định hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV có vai trò quan trọng đối với cả cơ quan nhà nước và DN. Do đó tiếp tục đưa hoạt động này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện có sự gắn kết, đồng bộ với các hoạt động khác liên quan đến DN. Chúng tôi khẳng định cơ quan nhà nước luôn chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng DN để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp DN hoạt động lành mạnh, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của DN.
Ông Bùi Sỹ Dân: Ở góc độ DN chúng tôi ý thức được pháp lý là nền tảng của hoạt động sản xuất, kinh doanh; pháp lý là những nơi chúng ta kiếm ra tiền, giữ được đồng tiền cho DN. Chúng tôi cho rằng, trong vấn đề pháp lý, các DN, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị khác và kinh nghiệm kinh doanh lâu dài của mình. Chúng tôi mong muốn và kiến nghị với DN, nếu có điều kiện thì nên có người chuyên làm công tác pháp lý cho công ty, cho DN mình. Nếu như công ty, DN mình chưa đủ điều kiện để có một tổ tư vấn pháp lý cho DN thì các công ty, DN nên nhờ tư vấn từ Sở Tư pháp, các sở, ban ngành để giúp đỡ mình, để tránh việc rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, công ty mình.
MC Kim Oanh: Chương trình Tọa đàm hôm nay đã mang đến nhiều thông tin giá trị, từ những chính sách hỗ trợ pháp lý của tỉnh Thái Nguyên đến thực tiễn áp dụng tại DN. Qua đó, chúng ta nhận thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng DN trong việc tháo gỡ khó khăn pháp lý.
Xin chân thành cảm ơn hai vị khách mời đã dành thời gian chia sẻ và cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi. Hy vọng chương trình sẽ tiếp thêm động lực để các DNNVV tại Thái Nguyên tự tin phát triển bền vững.
Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình tiếp theo!
thainguyen.gov.vn