Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Quản lý thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số

Fri Jul 12 08:55:00 GMT+07:00 2024

Thương mại điện tử (TMĐT) được xác định là một trong những trụ cột của kinh tế số, với nhiều tiện ích mang lại cho người dùng. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT đang phát sinh nhiều rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, giá cả thị trường, thất thu thuế hoặc lừa đảo qua mạng… gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào nhằm hỗ trợ, thúc đẩy để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, phát triển bền vững và chống thất thu ngân sách. Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Quản lý TMĐT trong thời đại kinh tế số” sẽ làm rõ hơn về nội dung này.

MC Thành Chung và các vị khách mời

MC Thành Chung: Những năm gần đây cùng với sự phát triển bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ số, thương mại điện tử (TMĐT) ở nước ta có những bước phát triển vượt bậc, chiếm lĩnh thị phần lớn trên thị trường. Thương mại điện tử ngày càng tỏ rõ tính ưu việt của nó, đem lại lợi ích cho cả người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc quản lý hoạt động thương mại điện tử là vấn đề quan trọng, cấp bách  được đặt ra trong quá trình phát triển nền kinh tế tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Về vấn đề này, Trung tâm Thông tin – Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số” với sự tham gia của 2 vị khách mời: Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên và ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng, Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên. Trân trọng cảm ơn 2 vị khách mời đã nhận lời tham gia Chương trình. Để bắt đầu Chương trình, xin mời 2 vị khách mời và quý khán giả cùng xem một clip ngắn mà phóng viên Trung tâm Thông tin tỉnh mới thực hiện.

 

MC Thành Chung: Trong clip trên có thể cho thấy, bên cạnh hoạt động thương mại truyền thống, hoạt động TMĐT đã trở nên thiết yếu, bao trùm nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và đang phát triển mạnh mẽ. Thưa ông Nguyễn Huy Hoàng, tại Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 30/3/2021 thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTG ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị thực hiện kế hoạch. Vậy dưới góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước ông đánh giá như thế nào về hoạt động TMĐT ở Thái Nguyên hiện nay? Đâu là những khó khăn trong việc tiếp cận và quản lý hoạt động này?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Những năm gần đây cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, TMĐT ở nước ta cũng như ở tỉnh Thái Nguyên có những bước phát triển đáng kể, nhất là trong và sau thời kỳ dịch COVID-19. Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến, mang lại giá trị to lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Môi trường TMĐT có nhiều tiện ích như: Tiết kiệm thời gian, giao dịch nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang tiềm ẩn, phát sinh nhiều rủi ro, có thể gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững nền kinh tế và trực tiếp là người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc quản lý chất lượng hàng hóa, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ... là những vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương

MC Thành Chung: Từ thực tế hiện nay, theo ông đâu là vấn đề cần lưu tâm trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động TMĐT?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động TMĐT có nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung liên quan đến nhiều cấp, ngành, chủ thể trong xã hội, trong đó có những vấn đề hết sức quan trong như: Chính sách, pháp luật đối với người bán hàng, chính sách pháp luật đối với người tiêu dùng trong TMĐT, chính sách pháp luật về thuế trong TMĐT, chính sách về phát triển nguồn nhân lực TMĐT; về quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá cả hàng hóa trong giao dịch qua TMĐT; các chính sách về thanh toán, chuyển phát giao nhận trong TMĐT… cũng như các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Giao diện Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Thái Nguyên

MC Thành Chung: Trong công tác quản lý Nhà nước, vấn đề quản lý thu ngân sách được đặt lên hàng đầu, bởi có quản lý tốt việc thu ngân sách mới tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thông qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Chắc hẳn TMĐT cũng là lĩnh vực cần được quan tâm để quản lý thu ngân sách. Thưa ông Tám, ngành Thuế có khó khăn, thuận lợi gì trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách, chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT?

Ông Đỗ Xuân Tám: Kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đang trở thành xu hướng bùng nổ trong thời đại công nghệ số. Theo thống kê mới nhất TMĐT doanh thu chiếm tỷ lệ 14%/ tổng sản phẩm hàng hóa bán lẻ. Nhiều cá nhân và hộ gia đình cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực này, góp phần tạo sự đa dạng và phong phú cho thị trường thương mại điện tử; đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sự sáng tạo, khởi nghiệp trong cộng đồng. Cùng với sự phát triển của kinh doanh TMĐT cũng có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý thu thuế.

Về thuận lợi: Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế và chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, có nhiều văn bản tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ cung cấp thông tin của người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT. Một số cá nhân có kinh doanh trên các sàn TMĐT đã tự giác kê khai và chấp hành chính sách thuế theo quy định, thông qua các hội nhóm bán hàng và các trang cá nhân của bạn bè, thể hiện tính lan tỏa tích cực góp phần tuyên truyền người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Về khó khăn: Hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số của các cá nhân kinh doanh chủ yếu trên không gian mạng, nhiều cá nhân không có cửa hàng kinh doanh theo phương thức truyền thống không đăng ký thuế, nhiều người nộp thuế không có giấy phép kinh doanh, không đăng ký thuế. Do vậy, khó xác định được chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Phần lớn hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT chưa hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ nộp thuế khi tham gia kinh doanh. Một số người nộp thuế chưa tự giác chấp hành chính sách thuế theo quy định. Dữ liệu kê khai của các chủ sàn TMĐT không đầy đủ, chưa xác định được đúng, đủ đối tượng nộp thuế. Dữ liệu doanh thu tính thuế không chính xác, chưa đủ cơ sở xác định nghĩa vụ của người nộp thuế. Việc phối hợp với các đơn vị liên quan mặc dù đã có nhiều tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, chưa kịp thời, chưa đồng bộ.

Ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng, Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên

MC Thành Chung: Được biết, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đang triển khai thực hiện chuyên đề quản lý chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT. Đối với một địa bàn có hoạt động thương mại nói chung và TMĐT nói riêng diễn ra hết sức sôi động như TP. Thái Nguyên, Chi cục Thuế thành phố đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào để vừa làm tốt công tác thu ngân sách, vừa tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp, thưa ông Tám?

Ông Đỗ Xuân Tám: Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý thuế nói riêng, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp tuyên truyền, cung cấp thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động này cho cơ quan thuế. Đặc biệt, Cục Thuế đã phát triển ứng dụng khai thác dữ liệu của các cá nhân kinh doanh TMĐT, sau đó đã chuyển giao cho các chi cục Thuế để thực hiện rà soát, quản lý (ngoài ra còn chia sẻ ứng dụng này với các tỉnh, thành trên toàn quốc).

Tại Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên, chúng tôi đã thành lập tổ triển khai về quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, trên cơ sở dữ liệu khai thác từ ứng dụng của Chi cục, dữ liệu của Tổng cục Thuế, trên các sàn TMĐT, của các ngân hàng thương mại, các đơn vị liên quan và rà soát đối tượng thực tế phát sinh tại địa phương. Chúng tôi đã yêu cầu các cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện việc kê khai nộp thuế đúng quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ pháp luật thuế. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch giữa các cá nhân, tổ chức khi tham gia kinh doanh.

Hội nghị triển khai chính sách thuế, giải đáp thắc mắc cho người nộp thuế do Cục Thuế tỉnh tổ chức

MC Thành Chung: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả bước đầu đạt được trong công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT?

Ông Đỗ Xuân Tám: Công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên đã được kết quả rất tích cực. Sau một năm triển khai, tổng doanh thu đã quản lý được từ hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số với tổng doanh thu 951 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần với cùng kỳ; số thuế nộp vào ngân sách Nhà nước là trên 18,1 tỷ đồng, tăng 12 lần so với cùng kỳ, đưa vào quản lý mới gần 376 cá nhân kinh doanh TMĐT, tăng 788% so với cùng kỳ. Tác động lan tỏa tích cực đến người nộp thuế kinh doanh TMĐT, một số cá nhân kinh doanh TMĐT đã tự giác đăng ký kinh doanh, chấp hành kê khai, nộp thuế theo quy định. Tăng thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Đặc biệt, qua công tác rà soát, quản lý, chúng tôi đề xuất được giải pháp sửa đổi, bổ sung chính sách về thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

MC Thành Chung: Điểm khác biệt trong hoạt động của TMĐT so với các ngành thương mại, dịch vụ truyền thống là mọi hoạt động, mọi giao dịch đều diễn ra trên môi trường mạng, đặt ra những thách thức mới cho công tác quản lý cả về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như thu ngân sách. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có giải pháp phù hợp đề để vừa tăng cường quản lý nhưng cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp, người kinh doanh làm ăn chân chính được hoạt động hiệu quả. Để tăng cường công tác quản lý về TMĐT, Sở Công Thương sẽ triển khai những nội dung gì trong thời gian tới? Thưa ông Hoàng!

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Như chúng ta vừa trao đổi, lĩnh vực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số TMĐT cần tiếp tục quan tâm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục phối hợp cùng các ngành triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình đã được UBND tỉnh, các bộ ngành Trung ương ban hành chỉ đạo để tăng cường công tác quản lý nhà nước thúc đẩy TMĐT trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trọng việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Một nội dung quan trọng nữa là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hộ kinh doanh, người dân nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh TMĐT cũng như tham gia hoạt động mua bán trên TMĐT. Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan sớm tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý và phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý về TMĐT; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển về TMĐT đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh trên nền tảng TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo việc tăng thu ngân sách và các quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Huy Hoàng truyền đạt nội dung tại lớp tập huấn nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho các doanh nghiệp, HTX do Sở Công Thương tổ chức

MC Thành Chung: Đối với người tiêu dùng, ông có lời khuyên gì để có thể tự bảo vệ mình, lựa chọn được những dịch vụ TMĐT đảm bảo chất lượng, tương xứng với giá cả? Thưa ông Hoàng?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Để là người tiêu dùng thông thái, theo tôi người tiêu dùng phải nâng cao trình độ về pháp luật, cần hiểu rõ quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình và nên quan tâm một số điểm lưu ý sau:

- Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…

- Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.

- Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ các trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh…; cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn nhưng kèm các điều kiện yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin, chia sẻ chương trình, đóng phí...

- Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, không mua các hàng hóa gây tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, trái với quy định của pháp luật; gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả đang ngày càng trở nên phổ biến (Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra tại các kho hàng phục vụ kinh doanh online)

MC Thành Chung: Còn đối với những doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT, ông Tám có khuyến cáo gì trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để được tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này được thuận lợi, phát triển?

Ông Đỗ Xuân Tám: Thay mặt cơ quan thuế tôi xin gửi lời cảm ơn đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã tích cực tự giác kê khai, nộp thuế trong thời gian qua và chấp hành tốt chính sách theo quy định. Qua đây tôi cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT nghiêm chỉnh chấp hành chính sách thuế theo đúng quy định. Cơ quan thuế cũng có nhiều công cụ để rà soát, nếu phát hiện người nộp thuế không kê khai, nộp thuế hoặc kê khai, nộp thuế không đầy đủ thì người nộp thuế sẽ bị truy thu, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

MC Thành Chung: Để phát triển TMĐT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia, trong đó xác định đây là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, có vai trò hết sức quan trọng và tỷ trọng đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế của Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngày 30/3/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Kế hoạch để thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT trong đó đặt mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT có tính cạnh tranh cao, phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu này, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp ngành trong việc quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy TMĐT phát triển, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại cũng như góp phần tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn sự tham gia của 2 vị khách mời. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những chương trình tiếp theo!

Xem video cuộc tọa đàm tại đây.


Thainguyen.gov.vn