Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị

2024-10-08 08:30:00.0

Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được lan tỏa và đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, tuy nhiên, phong trào còn có những hạn chế nhất định... Để hiểu hơn về việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đâu là những giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

MC Kim Oanh và các vị khách mời

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn! Bác Hồ đã từng nói “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng chương trình công tác gắn với nội dung phong trào thi đua, đồng thời hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa đồng đều ở các địa phương; việc đăng ký, công nhận mô hình “Dân vận khéo” chưa thực sự bài bản, nền nếp, còn hình thức... Để hiểu hơn về việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và đâu là những giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh với chủ đề: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời. Xin trân trọng giới thiệu: Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên và bà Dương Thị Huệ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Bình.

Trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi video clip ngắn chúng tôi vừa thực hiện.

MC Kim Oanh: Thưa ông Vũ Minh Tuấn, qua video clip trên có thể thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Ông có thể cho biết những điểm nổi bật nhất của việc thực hiện phong trào, qua đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Ông Vũ Minh Tuấn: Năm 2009, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, phong trào đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phải trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đối với tỉnh ta, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong những năm qua đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Điểm nổi bật là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 23/4/2024 về “Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 về “Quy định thi đua, khen thưởng phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2022 - 2026”. Đến nay, đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân dân vận khéo có sức lan tỏa cao trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Nhằm đẩy mạnh thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh, tháng 4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Với vai trò là cơ quan Thường trực trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể như thế nào đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, thưa đồng chí Vũ Minh Tuấn?

Ông Vũ Minh Tuấn: Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 73-KH/BDVTU, ngày 10/5/2024 và ban hành 12 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn việc quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ.

Một trong những hoạt động nổi bật từ đầu năm đến nay là Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức thành công 85 Hội thi “Dân vận khéo” cấp xã, 9 Hội thi cấp huyện với 988 đội dự thi và hơn 4.900 thành viên tham gia. Hội thi “Dân vận khéo” các cấp đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Phần thi màn chào hỏi của đơn vị thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình

MC Kim Oanh: Như vậy Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo rất cụ thể trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thưa bà Dương Thị Huệ, vậy huyện Phú Bình đã triển khai những chỉ đạo đó như thế nào?

Bà Dương Thị Huệ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu xây dựng huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2022, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí thị xã và trở thành thị xã trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu trên, huyện xác định công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm tập hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong tổ chức triển khai và thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng. Theo đó, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình số 14 về “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó đề ra chỉ tiêu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ dân vận ở khu dân cư xây dựng và duy trì hiệu quả ít nhất 1 mô hình dân vận khéo; Kế hoạch số 79-KH/HU, ngày 16/5/2022, của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM năm 2022; Kế hoạch số 176-KH/HU, ngày 03/6/2024, của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên… UBND huyện ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND, ngày 30/6/2022 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022 - 2026; Ban Dân vận Huyện ủy ban hành hướng dẫn cụ thể về thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện.

Bà Dương Thị Huệ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Bình

Bên cạnh việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, huyện đã thực hiện tốt công tác xây dựng điểm mô hình dân vận khéo, từ đó rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 276 mô hình dân vận khéo hoạt động hiệu quả, nổi bật là những mô hình dân vận khéo trong vận động Nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, góp công, góp tiền xây dựng NTM, đô thị văn minh. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Nhân dân trên địa bàn đã hiến trên 145.000 m2, trên 150 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhà văn hóa xóm; mô hình tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; mô hình “Năm không, ba sạch”; mô hình “Ngôi nhà xanh” của Hội phụ nữ; mô hình camera an ninh.

Với những kết quả đạt được trong trào thi đua “Dân vận khéo”, tính đến nay trên địa bàn huyện 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thị trấn đạt đô thị văn minh, có 12 xóm NTM kiểu mẫu, 4 xóm đạt xóm NTM thông minh và huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2022. Bên cạnh đó, phong trào “Dân vận khéo” trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả rất quan trọng…. Từ năm 2021 - 2023 đã thực hiện giải phóng 25 công trình, dự án với 193,38 ha, tổng kinh phí đền bù 673,16 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng thuận của Nhân dân, tuyến đường liên xã Đào Xá - Bàn Đạt đang được mở rộng mặt đường bê tông từ 3,5m lên 7m

MC Kim Oanh: Trong triển khai phong trào đã xuất hiện hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” của tập thể hoặc cá nhân, qua đó đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Thưa ông Vũ Minh Tuấn, ông có thể đánh giá hiệu quả của các mô hình dân vận khéo đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại tỉnh ta?

Ông Vũ Minh Tuấn: Từ kết quả thực tiễn cho thấy, phong trào “Dân vận khéo” đã dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động Nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có trên 2.300 mô hình “Dân vận khéo” được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, trong đó:

Trên lĩnh vực kinh tế: Toàn tỉnh xây dựng được gần 750 mô hình “Dân vận khéo” (gồm hơn 490 mô hình tập thể, 256 mô hình cá nhân). Đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, giảm nghèo, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực trong Nhân dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh...

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Toàn tỉnh xây dựng được hơn 800 mô hình “Dân vận khéo” (gồm hơn 630 mô hình tập thể, 172 mô hình cá nhân). Trong đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu như mô hình “Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy”, “Tổ tự quản”, “Tổ hòa giải”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”; chương trình “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường”… Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Tuyến đường cờ Đảng, cờ Tổ quốc tại phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Toàn tỉnh xây dựng được hơn 500 mô hình “Dân vận khéo” (gồm gần 430 mô hình tập thể, 74 mô hình cá nhân). Tiêu biểu như các mô hình “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, “Camera an ninh”, “Tổ an ninh tự quản”... qua đó đã khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Toàn tỉnh xây dựng được trên 300 mô hình “Dân vận khéo” (gồm hơn 240 mô hình tập thể, 60 mô hình cá nhân). Các mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động Nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân. Các mô hình “Dân vận khéo” đều hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống về mọi mặt của Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Với các bước triển khai chặt chẽ, tỷ lệ cử tri các địa phương đồng thuận với phương án sắp xếp đơn vị hành chính đạt 99,08%. (Trong ảnh: Cử tri tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương bỏ phiếu cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2023 - 2025)

MC Kim Oanh: Có thể thấy, việc triển khai phong trào đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với huyện Phú Bình, trong thời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án được thực hiện nhanh chóng nhờ sự đồng thuận của Nhân dân. Thưa bà Dương Thị Huệ, bà có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai?

Bà Dương Thị Huệ: Từ triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất: Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp trên địa bàn.

Thứ hai: Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu; quá trình tuyên truyền, vận động kiên trì, mềm dẻo và linh hoạt; phương pháp tuyên truyền đa dạng hoá các loại hình, kết hợp các lực lượng trong hệ thống chính trị, lực lượng trong Nhân dân, quan tâm người có uy tín trong Nhân dân. Nhất là công tác dân vận trong bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thứ ba: Huyện đồng hành cùng xã. Ở đâu có khó khăn vướng mắc, ở đó có lãnh đạo, cán bộ huyện vào cuộc cùng giải quyết; trong quá trình giải quyết tăng cường công tác đối thoại với Nhân dân.

Thứ tư: Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua dân vận khéo.

Đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm, tặng quà gia đình ông Vương Văn Minh - Bí thư Chi bộ xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nhân dịp thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận trên địa bàn huyện Đồng Hỷ năm 2024

MC Kim Oanh: Qua trả lời của bà Huệ, có thể thấy vai trò quan trọng của việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc triển khai thực hiện phong trào cũng gặp thuận lợi, bà Dương Thị Huệ có thể cho biết những khó khăn khi xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở?

Bà Dương Thị Huệ: Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn đó là:

Một số ít đơn vị, cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở.

Việc xây dựng, đánh giá, công nhận mô hình “Dân vận khéo” còn khó khăn về bộ tiêu chí để đánh giá; kinh phí dành cho biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, những mô hình hiệu quả, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cấp xã chưa nhiều.

Phú Bình nằm trong cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh; đang tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị, phấu đấu trở thành thị xã trước năm 2030; nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, khu đô thị đang được triển khai trên địa bàn; huyện đã quan tâm đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” trong bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện chương trình, dự án, tuy nhiên trong công tác này còn gặp khó khăn về việc bố trí tái định cư cho hộ dân phải di dời chỗ ở…

Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nắm tình hình công tác dân vận tham gia bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện Phú Bình

MC Kim Oanh: Thưa ông Vũ Minh Tuấn, ở các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình “Dân vận khéo”. Tuy nhiên, có nhiều nơi việc xây dựng các mô hình còn mang tính hình thức, thậm chí một số nơi còn có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa coi trọng đến chất lượng, hiệu quả của mô hình. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Ông Vũ Minh Tuấn: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Phong trào chưa được thực hiện rộng khắp trong các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các lĩnh vực của đời sống xã hội; việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Quy trình đăng ký xây dựng mô hình và tiêu chí xét công nhận tập thể, cá nhân đạt danh hiệu điển hình “Dân vận khéo” chưa có hướng dẫn cụ thể. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào ở một số địa phương, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Đây là những hạn chế tồn tại cần được tập trung chỉ đạo để khắc phục trong thời gian tới.

MC Kim Oanh: Thưa bà Dương Thị Huệ, theo bà các địa phương cần làm gì để các mô hình “Dân vận khéo” thực sự đạt hiệu quả?

Bà Dương Thị Huệ: Để phong trào thi đua "Dân vận khéo” đi vào hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn nữa, Ban Dân vận huyện tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện tốt một số nội dung:

Thứ nhất: Tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời chỉ đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy về phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể và Nhân dân đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nhận thức ở đây là nhiệm vụ xây dựng phong trào “Dân vận khéo” là của cả hệ thống chính trị, không chỉ là của Ban Dân vận. 

Thứ ba: Tập trung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, đặc biệt là lĩnh vực mà Nhân dân quan tâm; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. 

Thứ tư: Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ năm: Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở cơ sở và kịp thời động viên khen thưởng kịp thời các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương.

Các nhà văn hóa sau khi được đầu tư đã phát huy hết công năng trong hội họp và luyện tập văn nghệ, thể thao cho Nhân dân

MC Kim Oanh: Trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai những giải pháp cụ thể nào để chỉ đạo xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đạt được mục tiêu đã đề ra, thưa ông Vũ Minh Tuấn?

Ông Vũ Minh Tuấn: Từ thực tiễn chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong nhiều năm qua có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến ngày càng thực chất hơn. Tăng cường chỉ đạo, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Thứ hai là, xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

Thứ ba là, chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo, công nhân ở các khu công nghiệp; trong giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ tư là, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đưa việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào nền nếp, đồng bộ, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời, tạo sức lan tỏa và phát triển bền vững của phong trào.

Thứ năm là, tiếp tục cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh” .

Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy về tiêu chí, quy trình xây dựng, thủ tục xét công nhận và biểu dương, khen thưởng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Với sự đồng thuận của Nhân dân, kinh tế xã hội phát triển, diện mạo nông thôn thay đổi. Ảnh: Một góc nông thôn Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. (Ảnh: Âu Ninh)

MC Kim Oanh: Công tác dân vận phải có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Các ông/bà đánh giá như thế nào về vai trò phối hợp đối với công tác dân vận hiện nay? Thông qua chương trình này, ông Tuấn và bà Huệ có thông điệp và mong muốn gì? Trước tiên xin dành câu hỏi này cho bà Huệ.

Bà Dương Thị Huệ: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, theo tôi các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả công tác dân vận, thông qua chương trình tôi mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn nữa về công tác dân vận, đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả và chia sẻ, nhân rộng cách làm hay trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Ông Vũ Minh Tuấn: Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ có những nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối dân vận của Đảng, những năm qua công tác dân vận của đảng bộ tỉnh ngày càng được chú trọng và đổi mới mạnh mẽ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 903-QĐ/TU, ngày 04/01/2022 về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên”; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp.

Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026.

Công tác sơ kết, tổng kết về công tác dân vận được chú trọng, tiến hành thực hiện thống nhất, đồng bộ từ tỉnh tới các đơn vị, địa phương, cơ sở gắn với công tác thi đua, khen thưởng. Công tác kiểm tra giám sát được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nền nếp; kiểm tra công tác dân vận gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác, qua đó đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở khắc phục hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác dân vận.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Ban Dân vận huyện ủy, thành ủy phối hợp với UBND cùng cấp và các đơn vị Công an, Quân đội, phòng dân tộc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ huy các đơn vị chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về công tác dân vận; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”… bảo đảm bao quát toàn diện các lĩnh vực, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm đồng bộ của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận.

Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp việc cho Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận của Đảng bộ, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, sự ủng hộ giúp đỡ của các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các tầng lớp Nhân dân, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả trong công tác dân vận.

Nhờ làm tốt công tác dân vận trong xây dựng đô thị văn minh, TP. Thái Nguyên có diện mạo ngày càng hiện đại

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn! để phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực sự đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong tình hình mới, rất cần sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện phong trào. Bên cạnh đó, cũng cần có sự giám sát, kiểm tra của các cấp, ngành liên quan để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành một trong những phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

 Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!


thainguyen.gov.vn