Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

2023-12-23 09:15:00.0

Quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là chủ trương lớn được thực hiện và triển khai đồng bộ tại tất cả các địa phương có đồng bào DTTS&MN sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Để hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như các giải pháp đã, đang và sẽ được triển khai đối với vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên với chủ đề “Nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vùng đồng bào DTTS&MN”.

MC Phương Thảo và các khách mời

MC Phương Thảo: Xin kính chào quý vị và các bạn! Quý vị đang theo dõi Chương trình Toạ đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên do Trung tâm Thông tin tỉnh thực hiện.

Thưa quý vị! Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách dân tộc theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”. Trên nguyên tắc đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách khá đồng bộ, đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên tất cả các lĩnh vực, nhờ đó đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng cao. Tại Thái Nguyên, quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào DTTS&MN cũng là chủ trương lớn được thực hiện và triển khai đồng bộ tại tất cả các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống. Và để hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như các giải pháp đã, đang và sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao toàn diện chất lượng đời sống vùng đồng bào DTTS&MN”.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Tọa đàm ngày hôm nay: Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai. Xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia Chương trình của chúng tôi ngày hôm nay.

Thưa quý vị khán giả, các vị khách mời! Ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Đây được xem là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về công tác dân tộc. Chương trình khi được triển khai đã mang lại kết quả rất tích cực và toàn diện tới đời sống của đồng bào DTTS&MN. Kính mời quý vị khán giả cùng các vị khách mời theo dõi bức tranh tổng thể về Chương trình đã và đang được triển khai tại Thái Nguyên qua một clip ngắn sau đây:

MC Phương Thảo: Vâng, thưa các vị khách mời, thưa quý vị khán giả, có thể thấy việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về công tác dân tộc bên cạnh những thuận lợi cũng còn những khó khăn nhất định. Ở trong Tọa đàm ngày hôm nay, các vị khách mời sẽ cùng phân tích những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là nguyên nhân và những giải pháp để chính sách được đi sâu, đi sát hơn nữa với đời sống của đồng bào DTTS&MN trên địa bàn… Câu hỏi đầu tiên xin được dành ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Thưa ông, ông có thể cung cấp thông tin khái quát về những chương trình, chính sách về công tác dân tộc đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?

Ông Hoàng Văn Chính: Từ năm 2021, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Cùng với việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc khác còn hiệu lực như: Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025; Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025; chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ… Ngoài ra, một số chính sách trên lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được triển khai đầy đủ như chính sách hỗ trợ với học sinh học nội trú, bán trú; chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế; chính sách về ưu đãi hưởng thụ văn hóa...

Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

MC Phương Thảo: Là địa phương được thụ hưởng những chính sách như lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh vừa chia sẻ, ông có thể cho biết thêm về những đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN ở Võ Nhai cũng như tác động của những chính sách đến đời sống bà con, thưa ông Dương Văn Toản?

Ông Dương Văn Toản: Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm; đảm bảo ổn định tình hình an ninh vùng DTTS; giúp đồng bào các dân tộc thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; y tế, giáo dục, văn hóa được quan tâm; đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân được cải thiện; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố tạo niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước. Qua đó, đời sống văn hóa tinh thần và tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Võ Nhai ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai

MC Phương Thảo: Rõ ràng là những chính sách đã tác động rất tích cực làm thay đổi và nâng cao chất lượng đời sống của bà con, vậy trong quá trình triển khai, chúng ta đã gặp những thuận lợi, khó khăn như thế nào, thưa ông Hoàng Văn Chính?

Ông Hoàng Văn Chính: Trong quá trình triển khai những chính sách dân tộc, chúng ta đã gặp những thuận lợi, khó khăn. Cụ thể, về thuận lợi, nhiệm vụ công tác dân tộc tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc tiếp tục được nâng lên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng DTTS&MN đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng; hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, vùng cao tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trò chuyện với người có uy tín trong đồng bào DTTS

Về khó khăn, hạn chế, theo chúng tôi đánh giá, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách chưa đạt như mong muốn; công tác giải ngân nguồn vốn giao thực hiện chương trình MTQG ở một số dự án còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao và đang là “lõi nghèo” của tỉnh, tức là số hộ nghèo của tỉnh hiện nay chủ yếu tập trung ở các huyện thuộc vùng DTTS&MN như huyện Võ Nhai, Định Hóa. So với mặt bằng chung của cả tỉnh, đời sống đồng bào DTTS vẫn thuộc diện khó khăn nhất; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp; tập quán canh tác lạc hậu; mê tín dị đoan ở một số nơi chậm được khắc phục; vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức các buổi tập huấn về pháp luật, luật hôn nhân và gia đình cho bà con đồng bào DTTS

MC Phương Thảo: Còn về phía địa phương, việc phối hợp trong triển khai các chính sách về công tác dân tộc có gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa ông Dương Văn Toản?

Ông Dương Văn Toản: Công tác dân tộc có một vị trí vai trò vô cùng quan trọng, nó vừa có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảng ta đã xác định công tác dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta, vì vậy công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị.

Đồng chí Trưởng Ban dân tộc tỉnh trao Giấy khen cho người có uy tín trong đồng bào DTTS

Thực hiện tốt chính sách dân tộc, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện Võ Nhai đã từng bước thay đổi; đời sống vật chất tinh thần được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng thay đổi rõ rệt. Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của huyện Võ Nhai đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 3%/năm. Thực hiện 3 chương trình MTQG, trong những năm qua huyện Võ nhai giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 đến 4,2%/năm. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Võ Nhai đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt đ­ược, vẫn còn một số khó khăn, là do: Vốn đầu tư còn dàn trải không tập trung, thời gian ngắn; nguồn vốn Trung ương có năm giao còn chậm và việc hướng dẫn cơ chế thực hiện còn chậm; cơ chế quản lý, lồng ghép các nguồn lực chưa chặt chẽ, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của chương trình, dự án; công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là ở cấp xã chưa có cán bộ phụ trách theo dõi công tác dân tộc.

Đồng bào DTTS xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

MC Phương Thảo: Với thực tế những khó khăn ở cơ sở như ông vừa chia sẻ, địa phương đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn trong phối hợp triển khai chính sách tại từng cơ sở, thưa ông Dương Văn Toản?

Ông Dương Văn Toản: Giải pháp trong thời gian tới của huyện Võ Nhai để thực hiện tốt Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS&MN đó là: Trước hết huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư phát triển miền núi, ngoài nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN; công tác dân tộc phải xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho người làm công tác dân tộc; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở những nơi tập trung nhiều đồng bào DTTS; tăng cường thực hiện vận động xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Tỉnh luôn quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS&MN

MC Phương Thảo: Thưa ông Hoàng Văn Chính, với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác dân tộc, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào để việc triển khai các chính sách, chương trình về dân tộc, miền núi được hiệu quả nhất, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Chính: Để giải quyết các khó khăn, tồn tại như đã nêu trên, thời gian tới cần triển khai thực hiện các giải pháp để sớm giải ngân nguồn vốn được giao tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và các chương trình, chính sách khác đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn vùng DTTS&MN của tỉnh để các chính sách sớm phát huy hiệu quả, trong đó tập trung triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khắc phục những khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tính sáng tạo của các huyện, thành phố, đặc biệt là các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 và các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực; đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG; khuyến khích, động viên người nghèo, hộ nghèo tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, nâng mức thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo.

Năm là, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc; thực hiện tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý các chương trình, dự án và tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của MTTQ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, để kịp thời phát hiện và đề ra các biện pháp giải quyết nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Đồng bào dân tộc Tày ở xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương được hưởng lợi từ Dự án nước sạch từ Chương trình 1719

MC Phương Thảo: Với huyện Võ Nhai, trong thời gian tới, địa phương sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào để các chương trình, chính sách về công tác dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTTQ về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN phát huy hiệu quả trên địa bàn, thưa ông Dương Văn Toản?

Ông Dương Văn Toản: Để các chương trình, chính sách đạt được những mục tiêu đã đề ra nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào các DTTS&MN trên địa bàn, huyện Võ Nhai thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai tốt chương trình; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS&MN thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để triển khai chương trình hỗ trợ, phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương; không ngừng nâng cao dân trí; hướng dẫn, khuyến khích đồng bào thay đổi tập tục lạc hậu trong sinh hoạt và sản xuất; lồng ghép hiệu quả các nguồn lực của các chương trình cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế bền vững trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay được quan tâm gìn giữ và bảo tồn

MC Phương Thảo: Thưa quý vị! Ngày 19/6/2020, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 được Quốc hội khóa XIV thông qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình ngày 14/10/2021. Đây là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng “lõi nghèo” của cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên có một chương trình MTQG dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với vùng DTTS&MN. Với sự quyết tâm, đồng lòng từ tỉnh, huyện, đến cơ sở, các chính sách dân tộc miền núi đã và đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với rất nhiều giải pháp chúng ta vừa được lắng nghe trong Chương trình. Và chúng ta cùng kỳ vọng, những chính sách sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, để bức tranh đời sống kinh tế, văn hóa vùng đồng bào DTTS&MN sẽ ngày càng đổi mới và khởi sắc hơn. Chương trình Tọa đàm trực tuyến của chúng tôi đến đây cũng xin được khép lại. Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia Chương trình, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!


thainguyen.gov.vn