Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

2023-09-13 14:52:00.0

Là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, dân số được coi là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống. Với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nâng cao chất lượng dân số càng trở lên quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xung quanh thực trạng và những giải pháp về vấn đề này, Trung tâm Thông tin tỉnh tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên với chủ đề: Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN.

MC Phương Thảo và khách mời

MC Phuong Thảo: Xin kính chào quý vị và các bạn! Quý vị đang theo dõi Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên do Trung tâm Thông tin tỉnh thực hiện.

Thưa quý vị, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng sâu, xa, miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình cũng tập trung nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN. Đâu là thực trạng và những giải pháp để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN? Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời trong Toạ đàm ngày hôm nay. 

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Tọa đàm: Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên; ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ. Một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Tọa đàm.

Thưa quý vị, trước khi thực hiện Tọa đàm này, phóng viên của chúng tôi đã có những ghi nhận thực tế về sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như sự quan tâm của chính quyền cơ sở về thực hiện các chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình tại các địa bàn khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Mời quý vị cùng theo dõi một clip ngắn ngay sau đây.

 

MC Phương Thảo: Chúng ta vừa được xem câu chuyện thực tế tại cơ sở qua một clip ngắn. Với rất nhiều chương trình đã triển khai, rõ ràng là từ người dân đến chính quyền cơ sở đã ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) tới chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Trên diễn đàn này, bà có thể cung cấp thêm thông tin về việc triển khai những chính sách, chương trình để nâng cao chất lượng dân số tại vùng đồng bào DTTS&MN thưa bà Hồ Thị Thanh Thuỷ?

Bà Hồ Thị Thanh Thủy: Đối với công tác dân số, trong thời gian qua chúng tôi cũng đã tham mưu để triển khai các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể ngay từ khi có những hoạt động can thiệp các cặp vợ chồng trước khi kết hôn, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức, thông tin cho các cặp nam nữ trước khi kết hôn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục hay là đời sống vợ chồng chuẩn bị sinh những đứa con khỏe mạnh.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên

Sau khi bà mẹ kết hôn mang thai chúng tôi cũng triển khai các chương trình sàng lọc trước sinh, đứa bé sinh ra được sàng lọc sơ sinh và có những hoạt động can thiệp trong giai đoạn vị thành niên, thanh viên và độ tuổi sinh đẻ. Chuyển biến sang giai đoạn khác, đó là người cao tuổi, hiện nay, chúng tôi triển khai các hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để nâng cao chất lượng dân số. Khi nói về dân số chúng ta thường nói về tất cả các khía cạnh như thể chất, trí tuệ, tinh thần và để nâng cao chất lượng nâng số phải can thiệp vào tất cả các hoạt động như vậy. Đối với công tác dân số của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã có những hoạt động để có thể can thiệp nâng cao chất lượng dân số trong các giai đoạn của đời người và như vậy cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Cụ thể, kết quả chúng ta đã đạt được là tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, chết trẻ em dưới 5 tuổi hay tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đều giảm; tuổi thọ bình quân của người dân tăng cao và cao hơn các tỉnh trong khu vực. Đó là những đánh giá ban đầu về những hiệu quả của các hoạt động nâng cao chất lượng dân số của ngành Y tế tại Thái Nguyên trong thời gian qua.

Trung tâm Y tế huyện Phú Lương tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số năm 2023 tại 8 xã dân tộc và miền núi

MC Phương Thảo: Rất nhiều chính sách, chương trình đã được triển khai về tới cơ sở. Với vai trò của mình, Trung tâm Y tế cơ sở mà cụ thể ở đây là huyện Đồng Hỷ đã có những phối hợp cụ thể như thế nào để những chính sách, chương trình này được triển khai hiệu quả ở cơ sở thưa ông Triệu Văn Thu? 

Ông Triệu Văn Thu: Tổng dân số của huyện Đồng Hỷ hiện nay là 99.336 người, trong đó có 49.842 người dân tộc thiểu số (chiếm 49% dân số); số người cao tuổi 14.023 người; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7.55%, cận nghèo chiếm 5.88%.

Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ

Đồng Hỷ là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Theo Quyết định số 861/QĐ-Ttg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đồng Hỷ có 12/15 xã, thị trấn thuộc vùng I, có 3/15 xã thuộc vùng III, là vùng khó khăn (Tân Long, Văn Lăng, Hợp Tiến). Là huyện có nhiều xã còn có điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiều người là dân tộc thiểu số, sự hiểu biết và chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, hiểu biết về DS&KHHGĐ chưa được tốt, xóm bản cách xa trạm y tế, đường xá đi lại khó khăn.

Để thực hiện các nội dung về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Trung tâm Y tế  với vai trò của mình đã phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tổ chức các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên. Truyền thông vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên. Phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức các buổi tư vấn, khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi cho các cụ người cao tuổi trên địa bàn…

MC Phương Thảo: Trong quá trình triển khai các chính sách, chương trình, chúng ta gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào thưa bà Thuỷ?

Bà Hồ Thị Thanh Thủy: Đối với việc triển khai công tác dân số trong thời gian vừa qua đã đạt được nhưng kết quả đáng ghi nhận, đó chính là những thuận lợi. Được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp, đó chính là sự quyết định đến sự thành công của công tác dân số vì khi và chỉ khi chính quyền các cấp vào cuộc thì công tác DS,KHHGĐ mới thành công và đạt được những kết quả cụ thể. Thuận lợi tiếp theo đó là tỉnh Thái Nguyên có hệ thống cán bộ làm công tác dân số được đào tạo bài bản, hệ thống cộng tác viên cơ sở chuyển tải chính sách dân số và cung cấp dịch vụ cho người dân về thực hiện DS,KHHGĐ; hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Thái Nguyên được chú trọng đầu tư, phát triển do vậy việc cung cấp các dịch vụ KHHGD và nâng cao chất lượng dân số trong thời gian vừa qua của chúng ta rất thuận lợi, người dân có thể tiếp cận được dịch vụ rất thuận lợi để nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí cho công tác dân số của tỉnh những năm qua rất lớn và trong giai đoạn hiện nay nguồn kinh phí cho chương trình mục tiêu vùng dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số đã có những nguồn kinh cho y tế cơ sở, đó chính là những điều kiện góp phần hoàn thành mục tiêu dân số của tỉnh.  

Ngành Y tế thường xuyên quan tâm chất lượng cán bộ làm công tác dân số (Ảnh: Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác của cán bộ làm công tác dân số cơ sở năm 2023)

Bên cạnh những thuận lợi thì cũng có không ít khó khăn, đơn cử như: Chương trình dân số miền núi, đây là chương trình mới được triển khai từ Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên bắt đầu triển khai từ năm 2022 thì hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của các bộ, ngành Trung ương ban hành chậm; hướng dẫn chưa rõ ràng, đồng bộ, kịp thời dẫn đến địa phương gặp nhiều khó khăn trong xây dựng và tổ chức thực hiện. Kinh phí được giao và thẩm định có địa phương còn muộn, khó khăn trong việc triển khai thực hiện theo tiến độ được giao. Một số nội dung hoạt động, hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia liên quan đến các xã vùng III, vùng II, nhưng khi các xã này được công nhận xã nông thôn mới sẽ trở thành xã vùng I và không được thực hiện. 

MC Phương Thảo: Bên cạnh những thuận lợi, thì cũng không thể tránh khỏi những khó khăn. Song từ hiệu quả của những chương trình, có thể thấy nhận thức của người dân đã ngày càng thay đổi và từ đó đời sống của Nhân dân cũng được nâng lên. Chúng tôi được biết, bà Hồ Thị Thanh Thủy đã có hàng chục năm gắn bó với công tác dân số, vậy từ câu chuyện nỗ lực để thay đổi nhận thức của người dân, bà có một câu chuyện nào thật ấn tượng muốn chia sẻ với chúng tôi cũng như khán giả hay không ạ?

Bà Hồ Thị Thanh Thủy: Trong quá trình công tác dân số, có một câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi. Cách đây khoảng chục năm, chúng tôi đến tuyên truyền về chính sách dân số ở bản dân tộc Mông thuộc xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Khi chúng tôi đến một gia đình, người vợ vừa mới sinh con xong, có một câu chuyện rất thú vị là người vợ không nhớ hết những vấn đề liên quan trực tiếp đến cá nhân mình nhưng người chồng rất nhớ các chi tiết liên quan như vợ đi khám như nào, khám bao lần, đưa vợ sinh con ra làm sao và kể cả việc chăm sóc cho người vợ sau khi sinh con như thế nào… Hôm đó, người vợ bị đau bụng, rất may trong Đoàn có bác sĩ sản, bác sĩ đã khám luôn cho người vợ và tư vấn việc chăm sóc sau khi sinh rất quan trọng. Người chồng cũng nhận thức luôn được tầm quan trọng của việc đó và hứa sẽ đưa vợ xuống Trạm Y tế khám.

Từ câu chuyện này, chúng tôi nghĩ trong quá trình truyền thông, ngoài truyền thông trực tiếp cho người phụ nữ về việc mang thai, sinh đẻ thì cung cấp kiến thức đầy đủ cho người chồng cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS&MN.

Từ hiệu quả của tuyên truyền, nhiều phụ nữ ở những vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn đã thực hiện các biện pháp KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

MC Phương Thảo: Những câu chuyện từ thực tiễn luôn rất sinh động và là minh chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của người làm công tác dân số cũng như chính quyền cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ở trên diễn đàn này, chúng tôi cũng rất muốn lắng nghe chia sẻ của ông Triệu Xuân Thu. Thưa ông, thực tế từ công tác quản lý ở cơ sở, việc triển khai những chính sách về với người dân gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Ông Triệu Văn Thu: Hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Ở Đồng Hỷ việc thực hiện chính sách này đang được triển khai với nhiều thuận lợi, đó là sự chỉ đạo rất sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở xã. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận đến người dân chưa thực sự được nhiều, việc tuyên truyền vận động trực tiếp cho từng hộ còn hạn chế. Những phong tục tập quán đã ăn sâu vào đồng bào dân tộc đó là việc tảo hôn, có cặp vợ chồng lấy nhau từ rất sớm, rồi anh em họ hàng lấy nhau; việc hiểu biết về công tác dân số, sức khỏe sinh sản còn hạn chế. Mặc dù chúng ta đã có nhiều việc tuyên truyền vận động nhưng nhận thức của họ rất chậm nên việc triển khai chính sách vướng mắc. Ví dụ như việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng. Nhưng khi đi tuyên truyền vận động một số gia đình không nhận số tiền đó vì họ phải viết cam kết do họ muốn đẻ thêm con. Có trường hợp viết cam kết nhưng sau đó lại sinh con thứ 3, vi phạm chính sách lại không trả lại tiền vì đã tiêu hết…

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, cộng tác viên dân số giảm nhiều do phụ cấp thấp, đội ngũ này chuyển sang làm việc khác, do đó việc tuyên truyền đến tận gia đình không phải lúc nào cũng làm được; rất khó khăn cho việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân tộc thiểu số.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2 xã vùng cao là Tân Long và Văn Lăng có nhiều người dân là đồng bào dân tộc Mông, hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản còn hạn chế, họ sinh nhiều con, cuộc sống khó khăn. Do đó câu chuyện kế hoạch hóa gia đình ở những xã này còn hết sức nan giải, cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn.

“Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023 đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương (Ảnh: Đồng bào Dao ở Võ Nhai được các bác sĩ thăm khám sức khoẻ)

MC Phương Thảo: Để tháo gỡ những khó khăn như ông vừa chia sẻ, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã có những giải pháp như thế nào, thưa ông Triệu Văn Thu?

Ông Triệu Văn Thu: Trên thực tế, những khó khăn như tôi vừa chia sẻ thì Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cũng đã có nhưng kế hoạch rất cụ thể và chi tiết để thực hiện nhiệm vụ y tế của mình, đó là phải xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp với các đơn vị, phòng, ban ngành của huyện để xác định làm việc gì trước, việc gì sau. Ví dụ như tiếp cận người dân ra làm sao, tuyên truyền vận động như thế nào để họ thay đổi nhận thức, hành vi. Đối với UBND các xã cũng phải xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể với từng ban, ngành, đoàn thể cấp xã để tổ chức các buổi tuyên truyền tới từng xóm và tận từng gia đình để vận động người dân đến nghe các nội dung truyền thông về công tác DS,KHHGĐ và các cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách nuôi dưỡng con nhỏ… Chúng tôi cho rằng, đây chính là những kết quả đã làm được và không chỉ có ngành Y tế mà còn có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Do vậy, người dân được tiếp cận các dịch vụ cũng như kiến thức về y tế, DS,KHHGD dẫn đến sự thay đổi hành vi của người dân mới nhanh và đem lại hiệu quả cao hơn. 

MC Phương Thảo: Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN. Bà đánh giá như thế nào về nội dung này, thưa bà Thuỷ?

Bà Hồ Thị Thanh Thủy: Việc triển khai Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó có nâng cao chất lượng dân số, đây là hoạt động rất thuận lợi trong giai đoạn hiện nay đối với việc triển khai các hoạt động về dân số. Bên cạnh những khó khăn mà tôi và ông Thu vừa chia sẻ thì thách thức lớn hiện nay đối với công tác dân số đó là những vấn đề mới nảy sinh hoặc khó khăn chúng ta cần tập trung giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ như tình trạng mất cân bằng giới tính sau khi sinh hay vấn đề liên quan đến việc thực hiện các sàng lọc trước sinh và sau sinh; tỷ lệ nam, nữ đi khám sức khỏe trước sinh còn thấp; hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn hạn chế. Chúng tôi nghĩ việc triển khai Dự án 7, trong đó tập trung cho các hoạt động nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS&MN là hoạt động rất thuận lợi, cú huých trong nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS&MN. Công tác dân số đã được triển khai hơn 60 năm nay, nhưng giai đoạn hiện nay ưu tiên tập trung cho nhóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ cũng khó khăn hơn địa bàn khác thì việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho đối tượng này cũng là điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ với việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số. Từ việc người dân nâng cao nhận thức, có kiến thức đầy đủ về dân số, thì sẽ thực hiện hoặc tham gia các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số, sẽ chủ động tìm hiểu các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và thế hệ tương lai. Đấy là những điều kiện hết sức thuận lợi trong triển khai chương trình dân số tại vùng đồng bào dân DTTS&MN hiện nay và thời gian tới.

Sinh đẻ có kế hoạch giúp cho đời sống của người dân vùng cao đang ngày càng được nâng lên, Trẻ em được đến trường học con chữ và chăm sóc đầy đủ hơn (Ảnh: Em nhỏ trong lớp học tại Trường tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai)

MC Phương Thảo: Với quan điểm của ông thì sao thưa ông Thu, Dự án 7 đặt ra yêu cầu về xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN, nhiệm vụ này có tầm quan trọng như thế nào trong việc góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn thưa ông?

Ông Triệu Văn Thu: Ở nước ta, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng, trong đợt dịch COVID- 19 vừa qua đã cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở. Đặc biệt việc thực hiện Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chính sách rất thiết thực, có ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nội dung xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nêu trong Dự án 7  có nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm y tế huyện; đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; đây cũng là một trong những chính sách góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào khó khăn.

MC Phương Thảo: Dự án 7 cũng xác định việc nâng cao năng lực quản lý dân số. Bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của nhiệm vụ này, thưa bà Thủy?

Bà Hồ Thị Thanh Thủy: Một trong những nội dung của Dự án 7 là nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở, chúng tôi đã xác định đội ngũ dân số ở cơ sở hết sức quan trọng, đặc biệt là đội ngũ công tác viên dân số thôn bản, đây chính là lực lượng, những cánh tay nối dài của ngành từ tuyến cơ sở, họ chính là người truyền tải các thông tin, các chính sách, cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Tuy nhiên, cũng như những chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Y tế Đồng Hỷ đó là lực lượng nhân viên y tế thôn bản hiện nay cũng như cộng tác viên dân số tham gia các hoạt động cũng đã bắt đầu có chiều hướng đi xuống; số lượng cũng giảm hơn so với trước do nhiều nguyên nhân liên quan đến đội ngũ này. Chính vì vậy trong nội dung của Đề án 7 cũng đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực quản lý về dân số, đặc biệt là đội ngũ công tác viên dân số. Thông qua các hoạt động về đào tạo, về tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng này, chúng tôi rất trú trọng trong công tác đào tạo cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở và đối với Trung tâm y tế cấp huyện cũng dã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở cho cộng tác viên dân số. Trong đó, hiện nay chúng tôi đang chú trọng đến vấn đề nâng cao chất lượng dân số, làm thế nào để người dân thay đổi nhận thức theo chiều hướng tích cực về những vấn đề thực hiện các dịch vụ để nâng cao chất lượng dân số. Và câu chuyện về dân số thì trước kia chúng ta nói rất nhiều và có thời gian rất dài, do vậy đối với người da hiện nay từ kiến thức, thông tin về DS,KHHGĐ cũng đã phần nào chuyển biến. Tuy nhiên, về nâng cao chất lượng dân số thì hiện nay chúng tôi cũng chú trọng đến việc đầu tư, bồi dưỡng đội ngũ này. Bên cạnh đó, theo định hướng tiếp tục duy trì đội ngũ công tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Như chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Y tế Đồng Hỷ, hệ thống y tế cơ sở chính là người làm việc tại cơ sở, bên cạnh việc đầu tư về sở sở vật chất thì việc đầu tư cho con người hết sức quan trọng, đây chính là những nội dung mà Dự án 7 đã đề cập và các cơ quan chuyen môn cũng đang tích cực để tham mưu triển khai thực hiện theo các nhiệm vụ đã được phân công. 

“Đi từng ngõ - gõ từng nhà- rà từng đối tượng” - Cán bộ dân số vượt khó khăn đi tuyên truyền chính sách dân số đến đồng bào dân tộc thiểu số

MC Phương Thảo: Với rất nhiều câu chuyện thực tế cũng như phân tích từ đầu chương trình, ông có thể chia sẻ thêm về những giải pháp tiếp theo của Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ để việc triển khai các chính sách về công tác dân số và phát triển vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện đạt kết quả khả quan, thưa ông Triệu Văn Thu?

Ông Triệu Văn Thu: Đối với huyện Đồng Hỷ, ngoài những nội dung chúng tôi vừa chia sẻ thì giải pháp quan trọng nhất hiện nay trong triển khai chính sách dân số ở vùng đồng bào DTTS&MN là công tác tuyên truyền, vận động. Chỉ có tuyên truyền, vận động một cách sâu sát, quyết liệt đến tận người dân thì mới làm họ thay đổi được nhận thức, từ thay đổi nhận thức mới thay đổi được hành vi. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, bởi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, họ có những tập quán đã ăn sâu vào trong tiềm thức, cho nên không phải “ngày một, ngày hai” có thể thay đổi được mà bắt buộc phải tuyên truyền quyết liệt, thường xuyên...

Thứ hai, tôi cho rằng nên gắn việc triển khai thực hiện chính sách dân số với phát triển nông thôn mới. Tức là, trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải có tiêu chí về dân số. Khi một xã, hay huyện muốn đạt được tiêu chí nông thôn mới thì cần phải đạt tiêu chí về dân số, có như vậy, người dân, chính quyền địa phương đó mới quyết liệt cùng vào cuộc triển khai thực hiện chính sách dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Thứ ba, tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất để thực hiện công tác dân số quyết liệt, hiệu quả, coi đó cũng là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng bào Mông ở xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ được tuyên truyền chính sách dân số và Kế hoạch hoá gia đình

MC Phương Thảo: Thưa bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN góp phần vào thực hiện các mục tiêu của Dự án 7, thưa bà?

Bà Hồ Thị Thanh Thuỷ: Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ vừa chia sẻ. Những bài học, ý kiến từ cơ sở cũng là định hướng mà chúng tôi tiếp tục triển khai thời gian tới, trong đó đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Việc thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện các nội dung về chất lượng dân số chính là vấn đề chúng tôi quan tâm. Hiện nay hàng loạt hoạt động về công tác truyền thông, công tác giáo dục tuyên truyền, vấn đề truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình đang được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh. Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương. Mỗi địa phương có một đặc thù riêng, chỉ có ở địa phương mới biết thực tế ở địa phương như thế nào để tham mưu sát, thực tế ở cơ sở do vậy trong định hướng chung của toàn ngành, chúng tôi cũng đã tham mưu để triển khai các hoạt động. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để phù hợp với địa bàn của mình.

Một nội dung nữa trong giải pháp thời gian tới là chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh và duy trì đội ngũ cán bộ ở cơ sở, đây là nội dung hết sức quan trọng. Chỉ có đội ngũ này làm việc tích cực, hiệu quả mới đem lại thành công trong công tác dân số. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra giám sát; bài học kinh nghiệm cũng cần đưa ra là kịp thời tháo gỡ nút thắt từ cơ sở để triển khai công tác này hiệu quả hơn. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ sở để có những tham mưu giải pháp kịp thời, phù hợp với cơ sở với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng dân số cho nhóm đồng bào DTTS&MN tỉnh Thái Nguyên.

MC Phương Thảo: Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới cũng chỉ rõ quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Trọng tâm của công tác dân số đã được xác định chuyển từ “DS,KHHGĐ” sang “ Dân số và phát triển”. Cùng với những giải pháp thiết thực và sự quan tâm sâu sát của chính quyền các cấp, đặc biệt là việc triển khai các hợp phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030 sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và các vùng miền núi nói chung, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.  

Chương trình Tọa đàm của chúng tôi hôm nay cũng xin được khép lại, cảm ơn 2 vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại!


thainguyen.gov.vn