Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Lan tỏa tinh thần thượng võ xứ trà, vì một Việt Nam khỏe mạnh

2025-03-29 08:37:00.0

Những năm qua, phong trào rèn luyện võ thuật ở Thái Nguyên ngày càng phát triển, trở thành môn thể thao được nhiều người yêu thích, tham gia tập luyện. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, võ cổ truyền Thái Nguyên đang có những thời cơ lớn để vươn mình lên một tầm cao mới, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao phát triển, vì một Thái Nguyên khỏe mạnh, một Việt Nam khỏe mạnh. Để bàn luận sâu về nội dung này, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Lan tỏa tinh thần thượng võ xứ trà, vì một Việt Nam khỏe mạnh.

MC Kim Oanh và các vị khách mời

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn!

Thưa quý vị và các bạn! Thái Nguyên, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, phên dậu của Tổ quốc, cũng là nơi lưu giữ những tinh hoa võ thuật từ ngàn năm trước. Trong bối cảnh đất nước hội nhập với các nền kinh tế thế giới, võ cổ truyền không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe, hay bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn góp phần giáo dục một thế hệ khỏe mạnh, tự tin, có tinh thần thượng võ. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, võ cổ truyền Thái Nguyên đang có những thời cơ lớn để vươn mình lên một tầm cao mới, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao phát triển, vì một Thái Nguyên khỏe mạnh, một Việt Nam khỏe mạnh.

Với ý nghĩa đó, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Lan tỏa tinh thần thượng võ xứ trà, vì một Việt Nam khỏe mạnh. Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời: Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Võ sư Trịnh Đức Sung, Phó trưởng Bộ môn võ cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, Chưởng môn phái Nam Thiếu Lâm Tự - Sơn Đông Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn 2 vị khách mời đã dành thời gian tham gia Tọa đàm.

Để bắt đầu chương trình, xin mời 2 vị khách mời và quý vị cùng theo dõi video clip mà chúng tôi đã chuẩn bị.

 

MC Kim Oanh: Thưa ông Thịnh, ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc đưa võ thuật vào chương trình giảng dạy trong các trường học ở Thái Nguyên, đặc biệt trong phát triển thể chất và tinh thần cho học sinh? Ông đánh giá thế nào về vai trò của võ cổ truyền trong việc phát huy những giá trị truyền thống dân tộc, bồi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường cho các em học sinh?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Qua việc đưa môn võ vào trường học thì chúng tôi thấy có rất nhiều tác dụng: Rèn luyện tinh thần, sức khỏe cho các em học sinh, qua đó các em nâng cao thể lực; rèn luyện khả năng tự vệ, giúp các em tự tin trong cuộc sống sinh hoạt; có tính kỷ luật kiên trì trong tập luyện cũng như các hoạt động; giảm căng thẳng trong hoạt động học tập và có tinh thần học tập tốt cho các môn khác. Ngoài ra, mỗi một môn võ, bài võ đều gắn với câu chuyện thể hiện tinh thần cao thượng, ý chí kiên cường của cha ông ta, truyền thống lịch sử của dân tộc; qua đó, các em được bồi đắp thêm kiến thức về văn hóa lịch sử của dân tộc, có ý chí yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

MC Kim Oanh: Là một võ sư đã có nhiều năm xây dựng võ đường Đức Sung, góp phần "truyền lửa" tinh thần thượng võ đến nhiều người, ông Sung có thể chia sẻ về những lợi ích mà võ thuật mang lại cho sức khỏe và tinh thần của con người, khi mà xã hội ngày càng hiện đại hơn, công nghệ số phát triển, nhiều bạn trẻ có xu hướng ít vận động.

Võ sư Trịnh Đức Sung: Các bài tập võ giúp con người tăng cường sức khỏe, tăng độ dẻo dai, tăng sức bền, sự linh hoạt và phản xạ nhanh nhẹn. Việc luyện tập giúp cải thiện tinh thần luyện võ, giúp giảm căng thẳng, tạo sự cân bằng giữa cơ thể và trí tuệ, nhất là trong thời đại hiện nay các bạn trẻ đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ số.

Võ sư Trịnh Đức Sung, Phó trưởng Bộ môn võ cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, Chưởng môn phái Nam Thiếu Lâm Tự - Sơn Đông Việt Nam

MC Kim Oanh: Theo võ sư Sung, những yếu tố nào là quan trọng để tạo ra một phong trào võ thuật bền vững và hiệu quả trong các trường học? Kinh nghiệm của ông về những thành công và thử thách khi đưa võ thuật vào cộng đồng, nhất là trong các trường học là gì?

Võ sư Trịnh Đức Sung: Từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay để tạo ra một phong trào võ thuật bền vững và hiệu quả trong các trường học là nguồn nhân lực. Tôi muốn nhấn mạnh đến nguồn lực huấn luyện viên, đây là yếu tố rất quan trọng, để có được nguồn nhân lực, chúng ta cần tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể chất, bởi thực tế đây là đội ngũ giảng dạy trực tiếp và trao kiến thức trực tiếp cho học sinh trong các trường học. Và để có được đội ngũ huấn luyện viên tốt, các trường đại học sư phạm, trường đào tạo chuyên biệt về thể thục, thể thao cần đưa võ cổ truyền vào giảng dạy thành một bộ môn, một chuyên ngành, từ đó tạo ra nguồn nhân lực bền vững, dồi dào và đạt chất lượng tốt, phục vụ các mục tiêu phát triển võ thuật trong thời gian tới.

Để lan tỏa võ thuật trong cộng đồng cũng như trong học đường, tôi cho rằng, chúng ta cần lan tỏa thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền tới mọi người dân về lợi ích của luyện tập võ thuật cổ truyền. Muốn làm được việc đó, chúng ta cần xây dựng những giáo án phù hợp nhất với mọi lứa tuổi, để ở độ tuổi nào, người dân cũng có thể tìm được cảm hứng với việc luyện tập võ cổ truyền thường xuyên, nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ sớm có thể đưa võ trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu với mỗi người dân.

Các võ sinh của Võ đường Đức Sung trong giờ luyện tập

MC Kim Oanh: Trong kế hoạch phát triển võ cổ truyền, Thái Nguyên đã đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 30% trường học các cấp xây dựng được câu lạc bộ (CLB) võ cổ truyền; đến năm 2030 có 100% trường học các cấp có CLB võ cổ truyền. Thưa ông Thịnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và sẽ có những bước đi như thế nào để triển khai đưa võ thuật vào trường học, từ cấp tiểu học tới trung học phổ thông?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Trước khi Sở ban hành Kế hoạch phát triển võ cổ truyền trong ngành vào tháng 12/2024 thì cơ bản võ cổ truyền đã được dạy trong các trường học; môn võ cổ truyền đã được đưa vào môn thi của Hội khỏe Phù Đổng. Trước đây, việc phát triển võ cổ truyền trong trường học cơ bản là tự phát, khi ban hành kế hoạch đã đề ra mục tiêu hết năm 2025, toàn tỉnh có 30% trường học các cấp xây dựng được câu lạc bộ võ cổ truyền; đến năm 2030 có 100% trường học các cấp có CLB võ cổ truyền. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã xây dựng các giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng của võ cổ truyền trong các nhà trường, phụ huynh học sinh và học sinh để thấy được vai trò của võ cổ truyền trong phát triển thể chất của học sinh.

Thứ hai, tập huấn cho đội ngũ giáo viên về võ cổ truyền cho lực lượng giáo viên giáo dục thể chất rất đông đảo của ngành, đây là đội ngũ nòng cốt cho việc phát triển võ cổ truyền trong trường học.

Thứ ba, rà soát đảm bảo trang thiết bị vật chất tối thiểu cho việc huấn luyện võ cổ truyền.

Thứ tư, xây dựng chương trình võ cổ truyền vào các môn học tự chọn của giờ thể dục trong trường học hoặc các giờ ngoại khóa.

Thứ năm, huy động sự ủng hộ của cộng đồng, đặc biệt là các câu lạc bộ võ để huấn luyện cho giáo viên về chuyên môn cũng như các em học sinh.

Với sự ủng hộ của ngành và của các cấp lãnh đạo và toàn xã hội, chúng tôi tin tưởng rằng kế hoạch của chúng tôi sẽ hoàn thành.

Tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đưa võ thuật vào các giờ giáo dục thể chất

MC Kim Oanh: Thưa ông Nguyễn Đức Thịnh, với nguồn nhân lực hiện tại và cơ sở vật chất hiện có, ngành Giáo dục đang có những khó khăn, thuận lợi gì trong triển khai các chương trình võ thuật cho học sinh?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Trước hết về những thuận lợi đó là: Có sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo, cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh rất ủng hộ việc phát triển võ cổ truyền trong trường học để nâng cao thể chất, tinh thần cho học sinh; chúng tôi có nguồn tài nguyên về võ cổ truyền, Thái Nguyên có truyền thống võ cổ truyền rất lâu đời; có đội ngũ các CLB võ ở ngoài trường học cũng như các võ sư sẽ hỗ trợ rất tốt; có nền tảng giáo dục thể chất tốt, Thái Nguyên được đánh giá về góc độ thể chất mạnh, sẽ hỗ trợ tốt khi chuyển sang bổ sung hoạt động giáo dục võ cổ truyền; chúng tôi có sự ủng hộ và sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh, các em học sinh rất hào hứng tham gia võ cổ truyền, đây là nguồn động lực để chúng tôi phát triển võ cổ truyền rộng rãi trong các trường học. Ngoài ra, các điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện khác cơ bản thuận lợi.

Bên cạnh đó, còn có những khó khăn như: Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên chưa được đào tạo bài bản về võ cổ truyền nên cần có sự tập huấn, bồi dưỡng về lĩnh vực này; khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực tế hiện nay ngành chưa có trang thiết bị phục vụ riêng cho võ cổ truyền; chúng tôi đang sử dụng trang thiết bị hiện có của các môn học khác để tổ chức các hoạt động võ cổ truyền; hiện nay chưa có chương trình chính thức tổ chức võ cổ truyền trong trường học, hiện nay ngành chỉ đưa vào các hoạt động ngoại khóa; tổ chức công tác tuyên truyền chưa thực sự được sâu rộng nên sự ủng hộ của phụ huynh và các em học sinh chưa được đồng thuận toàn bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị về triển khai Kế hoạch phát triển võ cổ truyền tỉnh Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Thưa võ sư Sung, theo ông đánh giá, phong trào võ thuật hiện tại ở Thái Nguyên có những điểm mạnh gì? Để thực hiện mục tiêu ngay trong năm 2025, tham dự giải toàn quốc Đoàn Thái Nguyên nằm trong Top 10; đến năm 2030 có 100.000 người dân tham gia tập luyện tại các CLB, võ đường võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh… ngay từ bây giờ chúng ta cần làm gì?

Võ sư Trịnh Đức Sung: Đối với Thái Nguyên, thời gian qua, võ thuật cổ truyền nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của lãnh đạo các cấp, từ đó võ cổ truyền đã lan tỏa tới quần chúng Nhân dân sâu rộng và mạnh mẽ, đây là cơ hội rất tốt để tìm ra được những nhân tố điển hình, có đủ đức, đủ tài để rèn luyện chuyên sâu. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn có rất nhiều võ sư, huấn luyện viên có đẳng cấp quốc gia, có tâm huyết tham gia vào trao truyền và rèn luyện võ cổ truyền. Cùng với đó, thời gian qua, Thái Nguyên đã tổ chức được nhiều giải phong trào từ địa phương đến cấp tỉnh, cổ vũ, động viên phát triển võ cổ truyền trong cộng đồng. Một trong những điểm mạnh mà chúng tôi đánh giá rất cao, đó là con người Thái Nguyên có tinh thần thượng võ cao cả, ham học hỏi và rất kiên trì trong rèn luyện.

Để đạt được chỉ tiêu theo kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra, tôi cho rằng ngay từ bây giờ, chúng ta cần có một kế hoạch phát triển đúng hướng và trọng tâm, từ việc đưa võ cổ truyền phát triển trong trường học, đến việc phát triển các câu lạc bộ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tổ chức thường xuyên hơn các giải liên hoan, giao lưu các câu lạc bộ võ thuật học đường, giữa các võ đường, câu lạc bộ cấp địa phương đến cấp tỉnh. Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, chúng ta cần tuyên truyền và quảng bá rộng rãi đến quần chúng Nhân dân để mọi người hiểu về tác dụng của võ cổ truyền cũng như vai trò của việc bảo tồn di sản văn hóa võ của dân tộc.

Phát huy tính toàn dân, toàn diện trong phát triển võ cổ truyền tỉnh Thái Nguyên (Ành: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo triển khai Kế hoạch phát triển võ cổ truyền tại TP. Sông Công) 

MC Kim Oanh: Thưa ông Thịnh, ông nghĩ gì về việc kết hợp võ thuật với các môn thể thao khác trong chương trình giáo dục thể chất của học sinh? Qua quá trình triển khai thì sự đón nhận của phụ huynh và học sinh đối với việc tập luyện võ thuật trong các cơ sở giáo dục ở Thái Nguyên như thế nào? Làm thế nào để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào tập luyện võ thuật trong các em học sinh?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Việc đưa môn võ cổ truyền vào trường học có sự kết hợp hài hòa với các môn võ truyền thống để đảm bảo mục tiêu chung là rèn luyện thể chất cho học sinh. Ngoài ra, các môn thể thao cũng như môn võ giúp cho các em học sinh có tính kiên trì, kỷ luật. Đặc biệt, những hoạt động tập thể giúp các em có ý thức tinh thần tập thể, tinh thần đồng đội. Vì vậy, khi chúng tôi tuyên truyền môn võ cổ truyền đến phụ huynh đa phần có sự đồng thuận, ban đầu cũng có sự băn khoăn nhưng sau khi được tuyên truyền thì phụ huynh học sinh rất ủng hộ. Với các em học sinh, các em rất hào hứng khi tham gia môn võ cổ truyền, qua sự tập luyện có sự tiến bộ nên các em tiếp tục tham gia.

Để phát huy tinh thần võ cổ truyền trong trường học, chúng tôi cũng đề ra các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền để các nhà trường, phụ huynh học sinh hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của võ cổ truyền với các em học sinh; tổ chức các giải đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và lựa chọn tham gia cấp toàn quốc, tạo động lực cho các em học sinh tham gia môn học; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của môn học; tích cực phối hợp với các câu lạc bộ võ, liên đoàn võ thuật; đưa võ cổ truyền vào hoạt động ngoại khóa, thể dục giữa giờ, tạo phong trào trong trường học để tất cả các em học sinh tham gia.

Võ sư Trịnh Đức Sung lan tỏa tinh thần thượng võ trong các nhà trường

MC Kim Oanh: Khi đưa võ cổ truyền vào nhà trường, ngoài rèn luyện kỹ năng chiến đấu hay phòng vệ, chúng ta còn kỳ vọng gì ở thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc? Võ sư cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có thể chia sẻ thêm về điều này?

Võ sư Trịnh Đức Sung: Ngoài việc rèn luyện sức khỏe cũng như kỹ năng tự vệ việc tập luyện võ thuật sẽ giúp các em phát huy được tính kiên trì và lòng nhẫn nại sức chịu đựng, rèn luyện ý chí tự lực tự cường và từ đó khẳng định mình, từng bước trưởng thành hơn trong học tập và cuộc sống.

Bên cạnh đó, học võ sẽ giúp các em hiểu thêm về triết lý nhân - nghĩa - lễ - trí - tín để rèn luyện được phẩm hạnh, đạo đức và góp phần hun đúc nên những con người có đủ năng lực, có đủ sức khỏe để xây dựng và bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, các em sẽ hiểu hơn văn hóa dân tộc qua đó sẽ bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa võ thuật của cha ông - tiếp nối tinh thần thượng võ dân tộc và đặc biệt là của người con đất thép xứ trà.

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Phát triển võ cổ truyền trong trường học, chúng tôi kỳ vọng vào các em học sinh khi các em tham gia học võ, với các mục tiêu: Rèn luyện được thể lực, tinh thần để rèn luyện nhân cách, con người. Giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc, qua những bài võ các em được biết đến các anh hùng dân tộc, biết được ý chí kiên cường của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước để từ đó các em được hun đúc lòng yêu nước. Rèn cho các em có ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước những khó khăn thử thách.

Hướng dẫn luyện tập võ cổ truyền tại một trường phổ thông tại TP. Sông Công

MC Kim Oanh: Võ sư Trịnh Đức Sung có lời khuyên gì cho các giáo viên thể chất và phụ huynh để giúp học sinh phát triển niềm đam mê với võ thuật một cách lành mạnh và có trách nhiệm?

Võ sư Trịnh Đức Sung: Đối với võ thuật, người huấn luyện viên cần có tâm, yêu nghề, cần phải rèn luyện thường xuyên và liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn để giảng dạy cho học sinh được tốt hơn. Điều quan trọng không chỉ là giảng dạy các thế võ, mà còn phải truyền được cho mỗi học trò của mình tinh thần của võ, võ là sức mạnh vô song, là nghị lực phi thường, là tinh thần cao thượng, đạo võ cũng như đạo đời. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên tìm hiểu môn võ mà con em mình đang theo học bao gồm cả về lịch sử, nguyên tắc và những yêu cầu về thể chất, qua đó có thể trò chuyện, chia sẻ và cùng định hướng cho con em mình trong quá trình rèn luyện võ thuật.

Phát triển các bài quyền mang màu sắc vùng núi, lấy cảm hứng từ lịch sử và thiên nhiên, sẽ làm phong phú thêm di sản võ học nước nhà (Ảnh: Võ sư Hắc Long, Trưởng bộ môn Thiếu Lâm Kungfu Việt Nam biểu diễn bài Xà quyền)

MC Kim Oanh: Để võ cổ truyền trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho thế hệ trẻ, theo hai vị khách mời, cần có một chính sách như thế nào để phong trào đi vào chiều sâu và phát triển lâu dài, góp phần xây dựng những thế hệ học sinh phát triển một cách toàn diện về trí - đức - thể - mỹ?

Ông Nguyễn Đức Thịnh: Để phát triển võ cổ truyền sâu rộng, bền vững trong trường học, chúng tôi cho rằng phải có chính sách cụ thể sau:

Thứ nhất, xây dựng chương trình học đầy đủ, toàn diện, phù hợp với các lứa tuổi của từng cấp học, đưa vào môn học chính khóa.

Thứ hai, đào tạo đội ngũ giáo viên về võ cổ truyền vì chúng tôi chưa có giáo viên dạy về võ cổ truyền, chưa có chương trình giáo dục môn võ cổ truyền, cần có chính sách đào tạo giáo viên chuyên sâu về môn võ cổ truyền

Thứ ba, có cơ chế về tài chính, cơ sở vật chất để giáo viên có điều kiện giảng dạy tốt hơn.

Ông Trịnh Đức Sung: Để đưa môn võ cổ truyền vào trường học, theo tôi quan trọng nhất là giảng dạy như 1 môn học chính khóa của một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản để giúp các em hoàn thiện hơn về trí - đức - thể - mỹ.

Nâng cấp cơ sở đào tạo an toàn, hiện đại. Tích cực tổ chức các giải đấu cho học sinh, sinh viên để từ đó tạo động lực cho các em học tập môn võ cổ truyền tốt hơn và không bị nhàm chán.

Tinh thần thượng võ xứ Trà đang được lan tỏa tạo nên những hình ảnh đẹp đẽ, gây ấn tượng mạnh với du khách về Thái Nguyên

MC Kim Oanh: Thưa quý vị và các bạn! Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên đang đứng trước vận hội mới. Với sự quan tâm của chính quyền, tinh thần nhiệt huyết của cộng đồng, sự tham gia tích cực của ngành Giáo dục, võ cổ truyền đang được lan tỏa rộng rãi. Tinh thần thượng võ với triết lý nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, giúp người luyện võ không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn rèn luyện phẩm hạnh, đạo đức, góp phần hun đúc nên những con người có đủ năng lực, sức khỏe để xây dựng và bảo vệ đất nước. Hy vọng với những thông tin đã được chia sẻ trong chương trình Tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy phong trào luyện tập võ thuật mang lại một cộng đồng khỏe mạnh và một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ Thái Nguyên.

Xin trân trọng cảm ơn 2 vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình tọa đàm sau.

 


thainguyen.gov.vn