Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp

2023-08-31 14:44:00.0

Với trên 160 nghìn hội viên nông dân, thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh với chủ đề: Khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp.

MC Thành Chung và các khách mời

MC Thành Chung: Thưa quý vị và các bạn!

Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng. Chủ trương này đã được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, tạo động lực để giai cấp nông dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển nông nghiệp thịnh vượng, giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Với trên 160 nghìn hội viên nông dân, thời gian qua, cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định được vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh với chủ đề: Khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp.

Trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Chương trình Tọa đàm hôm nay. Xin được giới thiệu ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh; bà Trịnh Ngọc Trà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương; ông Lâm Xuân Quang, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ.

Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời các vị khách mời, quý vị và các bạn cùng chúng tôi theo dõi 01 Clip ngắn ngay sau đây.

MC Thành Chung: Qua phóng sự vừa rồi có thể thấy, những năm qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; đây cũng là phong trào lớn của Hội Nông dân. Thưa ông Ma Doãn Hùng, tại Chương trình Tọa đàm hôm nay, ông có thể nói rõ hơn về phong trào này và những kết quả nổi bật trong thực hiện phong trào ở Thái Nguyên?

Ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh

Ông Ma Doãn Hùng: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững hiện nay là phong trào lớn do Trung ương Hội Nông dân tổ chức phát động trên toàn quốc. Trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai, phong trào đã có tác dụng lan tỏa sâu rộng trong bà con hội viên nông dân. Trong giai đoạn 2018 - 2023, đã có 500.000 lượt hộ nông dân đăng ký tham gia và đã có gần 3000.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã lan tỏa có tác động lớn đến phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Bởi vì các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đi tiên phong trong ứng dụng khoa học trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cũng từ đó tạo nên các sản phẩm OCOP trong những năm vừa qua. Thông qua phong trào, tình làng nghĩa xóm được gắn bó, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.

MC Thành Chung: Qua chia sẻ của ông Ma Doãn Hùng có thể thấy, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có những bước tiến vượt bậc. Qua thực tiễn triển khai thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại địa phương, bà Trịnh Ngọc Trà có thể cho biết những hiệu quả và hiệu ứng tích cực mà phong trào mang lại cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Phú Lương?

Bà Trịnh Ngọc Trà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương

Bà Trịnh Ngọc Trà: Trước hết, có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được hội viên nông dân huyện Phú Lương hưởng ứng tích cực. Vì vậy, số hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nâng lên. Hằng năm, toàn huyện có trên 6 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng. Các hộ hội viên nông dân huyện Phú Lương, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt, các hộ hội viên nông dân ngày càng chú trọng đầu tư phát triển sản xuất; mạnh dạn thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất theo hướng trang trại, hữu cơ, vietGAP...; tạo ra tiền đề cho nông dân tiếp cận với nền kinh tế thị trường; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương rộng ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, phong trào còn góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo dưới nhiều hình thức như: Trao đổi cách làm ăn, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn, cung cấp cây, con giống, tạo việc làm tại chỗ... Kết quả trong nhiệm kỳ, hội viên nông dân huyện Phú Lương đã giúp đỡ hàng nghìn ngày công lao động, nhiều tấn lương thực, thực phẩm; hàng nghìn cây, con giống; phối hợp giúp đỡ được 187 hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo, phối hợp vận động xóa nhà dột nát cho hội viên nông dân... từ đó đã mở ra nhiều cơ hội để hội viên nông dân phấn đấu vượt khó vươn lên.

MC Thành Chung: Có thể thấy, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã mang lại bộ mặt mới đầy sức sống cho kinh tế nông nghiệp. Đối với hội viên nông dân thì sao thưa ông Lâm Xuân Quang, phong trào này đã tạo động lực như thế nào để nông dân vượt khó vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương?

Ông Lâm Xuân Quang, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc

Ông Lâm Xuân Quang: Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã thu hút khích lệ đông đảo hội viên nông dân và Nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm, quyết tâm vươn lên học hỏi và mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất chăn nuôi và trồng trọt, tham gia thực hiện có hiệu quả các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cũng từ phong trào này xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình, làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuât nông nghiệp và dịch vụ, không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính từ những tấm gương nông dân điển hình đó đã tạo động lực cho những hộ nông dân khác học tập và làm theo, đến nay nhiều mô hình được nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho hội viên, nông dân không chỉ trên địa bàn huyện Đồng Hỷ mà còn ở nhiều địa phương khác.

MC Thành Chung: Hiện nay, Thái Nguyên đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong Chương trình này, nông dân chính là chủ thể quan trọng, lực lượng đông đảo, nòng cốt nhất, quyết định sự thành công của xây dựng NTM. Vậy để phát huy tốt vai trò của nông dân trong xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Chương trình này như nào thưa ông Ma Doãn Hùng?

Ông Ma Doãn Hùng: Chương trình xây dựng NTM có vai trò hết sức quan trọng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với tầm quan trọng như vậy nên từ khi Chương trình triển khai đã nhận được sự đồng thuận lớn của người nông dân tỉnh Thái Nguyên. Nhận thức rõ vai trò nông dân là chủ thể và nòng cốt trong xây dựng NTM, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình, cụ thể:

Thứ nhất là công tác tuyên truyền cho bà con Nhân dân thấy được trách nhiệm, vai trò của mình, vừa là người thực hiện - vừa người thụ hưởng nên cần có sự đồng thuận của bà con Nhân dân để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động để bà con tham gia bởi vì “tư tưởng mà không thông thì vác bình tông cũng nặng” vì thế bà con đã nhiệt tình tham gia, do đó chắc chắn Chương trình sẽ thành công.

Thứ hai là tích cực tham gia phát triển nông nghiệp: Các cấp Hội nhận thức rõ nông dân tham gia phát triển nông nghiệp là chủ thể của mọi quá trình kinh tế ở nông thôn. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng là đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, bà con nông dân cũng phải nhận thức đầy đủ để đưa ra chính sách cho tổ nhóm, gia đình hoạt động hiệu quả. Trong thời gian qua, các cấp Hội đã tham gia hỗ trợ, hướng dẫn và thành lập được 145 mô hình kinh tế có hiệu quả, thành lập mới được 80 tổ hợp tác trong đó có một số hợp tác xã được hình thành từ tổ hợp tác do Hội Nông dân thành lập hoạt động có hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao.

Thứ ba là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần của của nông dân. Để giúp nông dân nâng cao thu nhập, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giúp bà con về giống, vốn, khoa học kỹ thuật để vận động bà con Nhân dân sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình chăn nuôi gà tại xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ

MC Thành Chung: Thực tế cho thấy nông dân chính là những người tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn, chủ động, sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; gìn giữ nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục và là nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Với phong trào thi đua “Nông dân Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” do Hội Nông dân tỉnh phát động đã được nông dân huyện Phú Lương hưởng ứng ra sao thưa bà Trịnh Ngọc Trà?

Bà Trịnh Ngọc Trà: Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Hội Nông dân các cấp có vai trò là trung tâm và nòng cốt, là chủ thể trong công cuộc xây dựng NTM tại địa phương. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm đó, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Lương đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cự tham gia. Trong đó chủ yếu tập huấn về kiến thức, nâng cao nhận thức, kiến thức về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM; về vai trò chủ thể của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội trong xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh. Trọng tâm là Hội Nông dân huyện và các cấp Hội tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các hội nghị, hội thi, buổi sinh hoạt chuyên đề, hệ thống loa truyền thanh địa phương, mạng xã hội… Qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tạo sự đồng thuận của cán bộ, hội viên trong quá trình tổ chức thực hiện. Cán bộ, hội viên nông dân toàn huyện đã tích cực vào cuộc, lựa chọn những phần việc, các tiêu chí cụ thể về môi trường, nhà ở, thu nhập...; chủ động chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, vườn, ngõ; vận động đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi, làm đường giao thông thôn cũng như tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom rác thải tại địa phương nơi cư trú, không để ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội của huyện Phú Lương đã vận động cán bộ, hội viên nông dân hiến trên 250 nghìn m2 đất, đóng góp gần 15 tỷ đồng và trên 110 nghìn ngày công lao động để xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh. Với sự đóng góp, chung tay của các cấp Hội nông dân, diện mạo nông thôn và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 12/13 xã đạt chuẩn NTM, xã Vô Tranh, Cổ Lũng đạt xã NTM nâng cao; xã Tức Tranh đạt xã NTM kiểu mẫu. Huyện Phú Lương phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2024.

Mô hình cánh đồng lúa nếp vải theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương

MC Thành Chung: Định hướng của Đảng đã đề ra tại Đại hội XIII là hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trong bối cảnh mới, người nông dân sẽ vẫn là lực lượng lao động nòng cốt ở khu vực nông thôn, đồng thời là lực lượng có kiến thức và kĩ năng về kinh tế, công nghệ, kỹ thuật để có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới, người nông dân sẽ khó có thể có được thành công nếu chỉ “tự bơi”, mà rất cần được “tiếp sức” từ phía cơ quan chức năng. Điều này đã được Hội Nông dân tỉnh thực hiện như nào thưa ông Ma Doãn Hùng?

Ông Ma Doãn Hùng: Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn nhất định, đó là việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chưa nhiều và đặc biệt là người nông dân vẫn còn tư duy sản xuất truyền thống nên năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Để giúp người nông dân trong bối cảnh hội nhập, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện một số nhiệm vụ: Phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ hội viên, nông dân, trong đó tập trung vào tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân trong tình hình mới để bà con nông dân cập nhật, nắm bắt rõ, chắc những định hướng, chủ trương lớn để chuyển đổi tư duy, cách làm của nông dân, từ đó để áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, dạy nghề cho bà con nông dân chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm đặc biệt là tích cực tuyên truyền vận động hội viên nông dân tham gia chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, các cấp Hội đã chủ động tham gia phản biện dự thảo các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân để những chính sách sát thực hơn với sản xuất và đời sống của người nông dân, gần người nông dân hơn; tăng cường giám sát, kiểm tra để đưa những chính sách vào cuộc sống. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới giúp bà con nâng cao kỹ năng của mình đã sản xuất tự túc hơn và tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh, đáp ứng yêu cầu trong nước và nước ngoài.

Trồng thanh long đỏ cho giá trị kinh tế cao của gia đình hội viên nông dân tại xóm Bãi Hội, xã Bảo Cường (huyện Định Hóa)

MC Thành Chung: Liên quan đến việc triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tại Tọa đàm hôm nay, chúng tôi rất muốn lắng nghe chia sẻ từ ông Lâm Xuân Quang. Thưa ông, HTX của ông đã được hỗ trợ gì từ Hội Nông dân các cấp trong phát triển kinh tế? Và việc hỗ trợ này có ý nghĩa như nào?

Ông Lâm Xuân Quang: Từ năm 2015, tôi bắt đầu đưa cây măng lục trúc về trồng tại địa phương. Từ tháng 3/2022 đến nay, được sự hỗ trợ giúp đỡ của Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Tài chính huyện Đồng Hỷ chúng tôi đã thành lập HTX Nông sản Vạn Lộc được thành lập từ 09 thành viên với diện tích 5 hecta trồng măng lục trúc, đến nay HTX đã tăng lên 12 thành viên với quy mô trên 10 hecta. Trong quá trình phát triển mô hình cây măng lục trúc được sự hỗ trợ, tư vấn của Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân tỉnh, HTX chúng tôi đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, tổng nguồn vốn là 1 tỷ đồng cho 12 thành viên của HTX để các hộ có thêm nguồn lực mở rộng diện tích trồng măng lục trúc, đầu tư thêm trang thiết bị trong sản xuất, nâng cao thu nhập, mở rộng diện tích để phát triển thêm.

Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp còn tích cực tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm măng lục trúc tại các sự kiện quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh tại các hội chợ, hội nghị. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ lò đốt rác hữu cơ tạo phân bón, sử dụng tương đối hiệu quả cho cây trồng; rất tích cực trong bảo vệ môi trường; tạo nguồn hữu cơ để bón cho cây trồng. Chúng tôi cũng tham gia các chương trình tập huấn, áp dụng công nghệ nên sản phẩm măng lục trúc của HTX cũng được nâng lên và được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Là 1 HTX mới thành lập, sản phẩm của HTX còn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ về sản phẩm măng lục trúc. Vì vậy sự hỗ trợ của của Hội Nông dân các cấp đối với HTX rất cần thiết như một đòn bẩy giúp HTX ngày càng phát triển, đưa sản phẩm rộng ra thị trường. Tôi mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh và các cơ quan đoàn thể quảng bá, đưa sản phẩm măng lục trúc tiếp cận được nhiều kênh thị trường; chúng tôi cũng có kế hoạch sản xuất những sản phẩm chuyên sâu để sản phẩm đến tay của nhiều người tiêu dùng.

Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ lò đốt than sinh học, tập huấn kỹ thuật trồng măng lục trúc và giải ngân vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho HTX Nông sản Vạn Lộc

MC Thành Chung: Vậy từ những hỗ trợ này, ông sẽ sử dụng và vận dụng vào thực tế như thế nào để nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả nhất thưa ông Lâm Xuân Quang?

Ông Lâm Xuân Quang: Từ những hỗ trợ này, đặc biệt là sự hỗ trợ về vốn vay, tôi dự định sẽ sử dụng vào việc đầu tư thêm giống măng lục trúc có chất lượng cao về trồng, đầu tư các loại phân bón cho cây, có thể tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng măng và đầu tư thêm một số trang thiết bị tiên tiến, hiện đại trong sản xuất để cây măng lục trúc mang lại hiệu quả cao nhất, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; giảm nhân công để thu nhập cao hơn; sử dụng hệ thống tưới công nghệ cao để chất lượng sản phẩm cao hơn; tạo những dòng giống tốt hơn để cho ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao hơn.

MC Thành Chung: Thưa quý vị, qua chia sẻ của các vị khách mời từ đầu chương trình đến giờ, chúng ta có thể thấy những kết quả rất tích cực trong triển khai công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đấy là những mặt đạt được, còn những khó khăn hiện nay mà nông dân đang gặp phải là gì thưa ông Lâm Xuân Quang?

Ông Lâm Xuân Quang: Trong việc phát triển kinh tế tập thể hiện nay, có một số khó khăn mà người nông dân gặp phải như:

Thứ nhất, quy hoạch vùng sản xuất còn chưa được cụ thể, còn nhỏ lẻ manh mún, người nông dân tiếp cận về khoa học kĩ thuật còn hạn chế, chưa tạo được thế mạnh về đặc thù vùng miền. Bản thân tôi cũng như các thành viên trong HTX và bà con trong vùng còn khó khăn về nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất, liên kết mở rộng diện tích trồng cây măng lục trúc để tạo ra sản phẩm vùng miền, có vai trò là một cây chủ lực của địa phương.

Thứ hai, còn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, chưa có kênh thông tin chính của HTX để quảng bá sản phẩm.

Thứ ba, sản phẩm măng lục trúc là sản phẩm tương đối mới trên thị trường, mặc dù chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và chế biến thành nhiều món ăn nhưng vẫn còn khó khăn; trong khâu bảo quản, mẫu mã bao bì của sản phẩm vẫn còn chưa đáp ứng được với yêu cầu của sản xuất hàng hóa.

Để sản phẩm măng lục trúc trong thời gian tới thực sự là một cây thế mạnh của địa phương, tôi mong muốn được các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, Hội Nông dân các cấp tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các nguồn lực kinh tế ưu đãi, để người dân trong vùng cũng như HTX chúng tôi được tiếp cận, qua đó có điều kiện phát triển tốt hơn.

MC Thành Chung: Từ phía Hội cấp cơ sở, có những khó khăn gì thưa bà Trịnh Ngọc Trà?

Bà Trịnh Ngọc Trà: Bên cạnh những kết quả rất tích cực thì công tác Hội và phong trào nông dân hiện nay còn găp phải không ít khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đem lại như: Chất lượng hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân ở một số địa phương, một số chi hội còn hạn chế; một số ít cơ sở Hội chưa phát huy được vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình; chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; chưa thật sự chú trọng đến công tác áp dụng, chuyển giao khoa học kĩ thuật vào sản xuất; chủ yếu bà con nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cùng với đó, chưa thành lập được nhiều kinh tế tập thể như mô hình các tổ hợp tác, HTX, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; chưa chủ động liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP xã Tức Tranh (huyện Phú Lương)

MC Thành Chung: Trước những khó khăn, hạn chế mà 2 vị khách mời vừa chia sẻ, ý kiến của ông như thế nào thưa ông Ma Doãn Hùng?

Ông Ma Doãn Hùng: Trước hết phải khẳng định, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tích nổi bật rất đáng tự hào. Điều đó được thể hiện rất rõ trong việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lần thứ VIII đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được thì còn có những khó khăn, hạn chế nhất định mà như các đồng chí cán bộ và hội viên nông dân đã nêu ở trên, trong đó có mặt khách quan và chủ quan. Trước hết về mặt khách quan là những tác động của giá cả thị trường; đây không chỉ là khó khăn của nông dân Thái Nguyên mà cũng là khó khăn chung của nông dân cả nước và những tỉnh lân cận. Để khắc phục những khó khăn này, Hội Nông dân tỉnh sẽ tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm của Hội, phối hợp với các cơ quan, ban ngành giúp đỡ bà con, làm cầu nối giúp đỡ bà con nông dân tiếp cận với các các cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và cả bà con nông dân để cùng nhau khắc phục. Khó khăn về mặt chủ quan, các cấp Hội cần nhìn thẳng vào những khó khăn, hạn chế đó để nâng cao trình độ, ý thức, đổi mới phương thức hoạt động để giúp bà con nông dân khắc phục những tồn tại đã chỉ ra, giúp bà con nông dân phát triển nông nghiệp.

Mô hình trồng hoa cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình hội viên nông dân tại xóm Đầm Giáo, xã Lục Ba (huyện Đại Từ)

MC Thành Chung: Dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng những thành tích mà các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Kết quả này là tiền đề, bước đệm vững chắc cho nông dân Thái Nguyên vững bước trên chặng đường mới. Chúng tôi được biết vào tháng 9 tới, sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong chủ đề của Đại hội lần này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cụm từ: “Khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng NTM”. Vậy để khơi dậy được khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân, những giải pháp đột phá mà Hội Nông dân tỉnh sẽ triển khai trong nhiệm kỳ tới là gì thưa ông Ma Doãn Hùng?

Ông Ma Doãn Hùng: Để phát huy được vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp đột phá như sau:

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về tư duy sản xuất, về ứng xử với môi trường, về văn hóa nông thôn và thích ứng với điều kiện trong tình hình mới.

Thứ hai, chúng tôi thực hiện tri thức hóa nông dân, thông qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giúp cho bà con nâng cao tri thức, kỹ năng về sản xuất, tư duy, về thị trường và các kỹ năng khác để có thể hòa nhập với yêu cầu trong tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0…

Thứ ba, là tích cực tham gia đổi mới tổ chức sản xuất ở nông thôn, tiếp tục vận động nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể.

Thứ tư, tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, quảng bá, giúp bà con nông dân quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Thứ năm là chủ động và tích cực tham gia xây dựng NTM. Hội sẽ lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với năng lực, chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của Hội để tham gia; đồng thời tuyên truyền cho bà con nông dân thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, động viên bà con nông dân giữ gìn, bảo vệ môi trường để miền quê nông thôn Thái Nguyên là những miền quê đáng sống, đáng đến.

MC Thành Chung: Thưa quý vị và các bạn!

Cho đến nay, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã trải qua 8 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một mốc lịch sử quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Hội trong lãnh đạo giai cấp nông dân Thái Nguyên phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, tin tưởng rằng công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Thái Nguyên chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, xứng đáng với vai trò trung tâm nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một lần nữa chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn sự tham gia của 3 vị khách mời, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị khán giả. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


thainguyen.gov.vn