Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Cẩn trọng trước "bão lừa đảo" trên không gian mạng

2024-10-11 15:01:00.0

Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng có xu hướng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát. Để biết được những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cũng như cách thức phòng tránh, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Cẩn trọng trước "bão lừa đảo" trên không gian mạng.

MC Phương Thảo và các vị khách mời

MC Phương Thảo: Thưa quý vị và các bạn! Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm lợi dụng không gian mạng có xu hướng gia tăng, phức tạp, khó kiểm soát bởi loại tội phạm này thường sử dụng các loại phương tiện công nghệ cao, có tổ chức; lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cũng như những hạn chế trong việc tiếp xúc với thông tin thời sự và công nghệ mới để lừa đảo. Vì vậy, để biết được những thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cũng như cách thức phòng tránh, chúng tôi tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: Cẩn trọng trước "bão lừa đảo" trên không gian mạng”.

Xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Tọa đàm: Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thượng tá Đặng Anh Đào, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên.

Xin được trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời quý vị theo dõi video clip ngắn mà chúng tôi vừa thực hiện.

MC Phương Thảo: Qua Clip vừa rồi chúng ta có thể thấy là các vụ lừa đảo qua không gian mạng ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Vậy, thưa Thượng tá Đặng Anh Đào, Thượng tá có thể cho biết hiện nay đang có những hình thức lừa đảo như thế nào trên không gian mạng?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Qua thực tế đấu tranh với loại tội phạm trên có thể chia làm 4 nhóm chính như sau:

* Thứ nhất, mạo danh để lừa đảo:

- Các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thông báo nạn nhân có liên quan đến vụ án nghiêm trọng như ma túy, rửa tiền hoặc liên quan đến các số điện thoại của bị hại…;

- Giả danh là công an phường/xã yêu cầu người dân cập nhật lại phiên bản VNeID, mã định danh cá nhân… yêu cầu người dân cung cấp số tài khoản, mã OTP hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra rồi chiếm đoạt và đối tượng luôn thay đổi, sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới.

- Giả danh nhân viên ngân hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà mạng viễn thông… thông báo các chương trình khuyến mại nâng cấp thẻ tín dụng, SIM 5G… đề nghị làm theo hướng dẫn, chuyển tiền thuế, phí để chiếm đoạt;

- Sử dụng công nghệ Deepfake giả làm người thân trong gia đình gọi video call lừa vay tiền; làm quen qua mạng xã hội, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị cao, sau đó giả mạo nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan… để chiếm đoạt.

* Thứ hai là lừa đảo tình cảm: Đối tượng thường xây dựng nhân vật ảo với hình ảnh, lý lịch đẹp, tìm cách làm quen tạo lòng tin, tâm sự rồi nhằm tiến tới tình cảm yêu đương. Sau khi có được tình cảm của bị hại, đối tượng sẽ tìm cách hướng dẫn bị hại tham gia vào các hoạt động mua hàng hưởng hoa hồng cao để chiếm đoạt tiền hoặc cùng đầu tư kinh doanh bất động sản, sàn chứng khoán… Ngoài ra còn dụ dỗ bị hại qua tình cảm yêu đương, dụ dỗ bị hại chat sex, quay phim, chụp ảnh khỏa thân… rồi khống chế tống tiền.

* Thứ ba là lừa đảo qua đầu tư trực tuyến: Với dạng này, chúng tạo lập các sàn giao dịch tiền ảo, sàn vàng, cổ phiếu, thương mại điện tử… kêu gọi người dân tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn qua hình thức dự đoán tăng/giảm của các loại tài sản như giá vàng, ngoại tệ, cổ phiếu... Đến khi người chơi nạp số tiền lớn vào các sàn này thì các đối tượng sẽ đánh sập sàn hoặc “đánh cháy” tài khoản người chơi chiếm đoạt số tiền đầu tư hoặc cũng có thể sau khi người chơi có lợi nhuận lớn nhưng trên thực tế không thể rút tiền được, hoặc khi rút tiền lại bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu đóng thuế để rút tiền và tiếp tục bị lừa…

* Thứ tư là phát tán mã độc: Tội phạm phát tán mã độc xâm nhập vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tổ chức cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Sau đó giả mạo email, tin nhắn thay đổi số tài khoản thụ hưởng yêu cầu đối tác thanh toán qua tài khoản chỉ định để chiếm đoạt.

Thượng tá Đặng Anh Đào, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên

MC Phương Thảo: Vâng, như Thượng tá vừa chia sẻ thì có quá nhiều hình thức lừa đảo trên mạng tinh vi và thường xuyên thay đổi của các đối tượng tội phạm. Theo Thượng tá có lỗ hổng nào mà chúng ta đang gặp phải khiến tình trạng lừa đảo này lặp đi lặp lại và khó kiểm soát?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Một trong những lỗ hổng mà các đối tượng lừa đảo thực hiện đó là khai thác dữ liệu cá nhân của các nạn nhân. Còn rất nhiều người chưa nâng cao việc tự bảo vệ các thông tin cá nhân như số Căn cước công dân (CCCD), tài khoản ngân hàng… cá biệt còn một số người có hành vi tiếp tay cho các hoạt động phạm tội như mở tài khoản ngân hàng rồi bán hoặc cho đối tượng khác thuê để thực hiện hành vi phạm tội.

Đối tượng phạm tội luôn thay đổi, sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới; lợi dụng việc mua bán nhiều tài khoản ngân hàng phục vụ mục đích phạm tội.

Một số người dân có thói quen sử dụng mạng không an toàn phổ biến như: Sử dụng các tổ hợp dễ nhớ làm mật khẩu, ví dụ như 123456; sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản hoặc bỏ qua các cảnh báo từ trình duyệt web hoặc cửa hàng ứng dụng.

Một trong những phương thức phổ biến mà các đối tượng lừa đảo thực hiện là khai thác dữ liệu cá nhân của nạn nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo: Dữ liệu cá nhân, chẳng hạn như số điện thoại, số CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà, hoặc các chi tiết nhạy cảm khác, có thể bị thu thập thông qua nhiều phương thức khác nhau. Tấn công mạng (phishing): Sử dụng các email, tin nhắn giả mạo từ các tổ chức uy tín (ngân hàng, cơ quan nhà nước...) để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân. Bán thông tin cá nhân: Trong một số trường hợp, thông tin cá nhân có thể bị bán trên chợ đen, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu sử dụng dữ liệu này cho mục đích lừa đảo.

Để bảo vệ bản thân, mỗi người nên cảnh giác với các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân không rõ nguồn gốc, thường xuyên cập nhật kiến thức về các hình thức lừa đảo mới và sử dụng các biện pháp bảo mật như xác thực hai yếu tố (2FA) đối với các tài khoản trực tuyến.

Người dân cần cảnh giác với hình thức giả danh cán bộ Công an, ngân hàng, viễn thông để lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân

MC Phương Thảo: Vâng, thưa ông Đào Ngọc Tuất, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian vừa qua tình trạng lừa đảo qua không gian mạng diễn ra như thế nào và những hệ lụy của nó?

Ông Đào Ngọc Tuất: Thưa quý vị và các bạn, chúng ta được nghe các hình thức lừa đảo của ông Đào vừa chia sẻ, qua báo cáo hệ thống giám sát của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng là không mới, vẫn là hình thức cũ, tuy nhiên là ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI như DeepFake (giả hình ảnh), DeepVoice (giả tiếng nói)... và đặc biệt là đối tượng lừa đảo, đối tượng hacker, tội phạm mạng đang rất yêu thích hình thức tạo ra các kịch bản, tạo ra các hình thức rất phù hợp logic để dùng công nghệ mới, hình thức cũ để lừa đối tượng mới; có những kịch bản là bằng chứng, minh chứng để lừa người dùng rất là phù hợp, gắn với cuộc sống của người ta, với tất cả thông tin của người ta, cũng như vừa rồi anh Đào chia sẻ, dữ liệu cá nhân bị mất, đấy là nguồn tin để làm các kịch bản chi tiết của các đối tượng tội phạm trên không gian mạng. Thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan Nhà nước có rất nhiều giải pháp, nhiều hình thức tuyên truyền hướng dẫn người dân, đến từng nhà để hướng dẫn, tuy nhiên việc ứng dụng AI để tạo ra các kịch bản để tổ chức thực hiện lừa đảo hiện nay khá là phổ biến, vì công nghệ phát triển, khả năng của máy tính phát triển cho nên số lượng người bị lừa đảo càng ngày càng nhiều, vì hệ thống làm chứ không phải con người làm, đó là một cái chúng ta đang ghi nhận được. Cụ thể ở Thái Nguyên có rất nhiều công dân đã bị lừa bởi hình thức này, tống tiền, bằng việc gửi hình ảnh, video clip sex, khiến người dùng khó phân biệt, nếu không có đủ sự bình tĩnh, kỹ năng cần thiết.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

MC Phương Thảo: Tiếp tục một câu hỏi dành cho Thượng Tá Đặng Anh Đào, Thượng tá cho biết các vụ lừa đảo thường nhắm vào các đối tượng nào?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Nạn nhân trong các vụ lừa đảo có đầy đủ thành phần, tuy nhiên, thường nhắm vào đối tượng những người cao tuổi và phụ nữ. Họ thường dễ tin và cũng dễ bị đe dọa khống chế. Nhiều trường hợp kiến thức pháp luật, đầu tư, kinh doanh... chưa cao. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng khi nhiều phụ nữ gặp nguy hiểm hay bị lừa đảo, họ rất ngại đứng ra tố cáo vì sợ gặp phải những đánh giá không hay về bản thân mình.

Các vụ lừa đảo trên không gian mạng thường nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau và chiến thuật của kẻ lừa đảo thường thay đổi để phù hợp với từng nhóm. Một số đối tượng phổ biến mà các vụ lừa đảo thường nhắm tới bao gồm:

- Người lớn tuổi: Đây là nhóm dễ bị lợi dụng do thường ít tiếp cận với công nghệ và kiến thức về an ninh mạng. Kẻ lừa đảo có thể nhắm vào họ bằng cách giả mạo là nhân viên ngân hàng, cơ quan Chính phủ, hoặc thậm chí giả danh người thân để yêu cầu chuyển tiền.

- Người ít hiểu biết về công nghệ: Nhóm người có kiến thức hạn chế về công nghệ và an ninh mạng dễ trở thành mục tiêu của các chiến thuật lừa đảo qua email, tin nhắn giả mạo hoặc phần mềm độc hại. Họ có thể bị lừa để tải xuống phần mềm hoặc nhấp vào các liên kết chứa virus.

- Người sử dụng mạng xã hội: Những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những người chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, có thể dễ dàng bị nhắm đến bởi các vụ lừa đảo liên quan đến giả danh người thân, bạn bè hoặc thậm chí là các công ty nổi tiếng.

- Doanh nghiệp nhỏ và các nhà quản lý: Các tổ chức nhỏ thường có hệ thống bảo mật yếu và không đầu tư nhiều vào công nghệ an ninh mạng. Kẻ lừa đảo có thể tấn công bằng các cuộc tấn công qua email giả mạo hoặc ransomware, đòi tiền chuộc để giải mã dữ liệu.

- Sinh viên: Nhóm này có thể bị nhắm tới qua các lừa đảo liên quan đến học bổng, vay nợ sinh viên, hoặc các dịch vụ giả mạo khác như việc làm bán thời gian, cho vay tiền nhanh qua các app.

- Người có nhu cầu vay tiền hoặc tài chính cá nhân: Các cá nhân có nhu cầu vay vốn hoặc cải thiện tình hình tài chính dễ trở thành đối tượng của các vụ lừa đảo liên quan đến tín dụng giả mạo, cho vay với lãi suất thấp, hoặc các khoản đầu tư giả.

- Người mua sắm trực tuyến: Những người thích mua sắm trực tuyến có thể trở thành mục tiêu của các trang web mua bán giả mạo, lừa tiền bằng cách bán hàng không có thật hoặc thu thập thông tin thẻ tín dụng.

Kẻ lừa đảo thường nhắm vào những người dễ bị lợi dụng về mặt tâm lý hoặc tài chính, hoặc những người không nắm rõ các biện pháp bảo vệ trên không gian mạng. Điều quan trọng là mọi người cần cảnh giác, tăng cường kiến thức về an ninh mạng và luôn xác minh thông tin trước khi cung cấp dữ liệu cá nhân của bản thân mình.

MC Phương Thảo: Thời gian qua, việc đấu tranh, xử lý đối với lừa đảo qua mạng của lực lượng Công an trong thời gian qua đạt được kết quả ra sao, thưa ông? Và Thượng tá chia sẻ câu chuyện về vụ lừa đảo nào mà công an tỉnh đã điều tra, khám phá khiến ông cảm thấy để lại nhiều ấn tượng và bài học nhất?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Trong năm 2024, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao đã đấu tranh triệt phá thành công nhiều vụ án. Trong đó điển hình là triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi đầu tư chứng khoán, kéo vốn trên các sàn B.O (giao dịch quyền chọn nhị phân) giúp người khác kiếm tiền thông qua kênh TikTok có hàng trăm nghìn tài khoản người dùng theo dõi. Nhiều người dân đã tin tưởng nên chuyển tiền cho đối tượng để đầu tư, sau đó bị đối tượng chiếm đoạt số tiền đó. Có người bị lừa đảo số tiền chỉ từ 200.000 đồng nhưng cũng có trường hợp bị lừa số tiền hàng chục triệu đồng. Bằng thủ đoạn trên, nhóm đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của trên 300 người, với tổng số tiền chiếm đoạt được khoảng trên 1 tỷ đồng.

Cán bộ Công an TP. Thái Nguyên ghi lời khai đối với Mã Thị Yên, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội facebook

MC Phương Thảo: Thưa ông Đào Ngọc Tuất như ông có chia sẻ về tình trạng lừa đảo diễn ra trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua. Với vai trò quản lý Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh để có những giải pháp nào để hạn chế tình trạng lừa đảo qua mạng thưa ông

Ông Đào Ngọc Tuất: Với vai trò là cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin, mục tiêu để hạn chế tối đa bị lừa đảo trên mạng thì việc đầu tiên là giữ an toàn, chúng ta có luật, có quy định và các thông tư hướng dẫn về các giải pháp nghiệp vụ. Từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt đó là Chỉ thị 09/CT-TTg, Chỉ thị 18/CT-TTg, Công điện số 33/CĐ-TTg, tất cả những văn bản như vậy Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức trên toàn quốc, không riêng của Thái Nguyên.

Thái Nguyên đã và đang làm rất tốt những nội dung này về trách nhiệm để đảm bảo an toàn thông tin mạng cho tất cả các hệ thống trên địa bàn tỉnh, cũng giảm thiểu tối đa khả năng, tội phạm mạng lợi dụng công nghệ để lừa đảo người dùng sử dụng hệ thống thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo và phối hợp rất quyết liệt với các cấp các ngành, đặc biệt là các nhà mạng, viễn thông, trong 5 năm qua, thực hiện rà soát đồng bộ thông tin để loại tối đa sim rác trên địa bàn tỉnh, đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Có thể khẳng định đến thời điểm này, những sim rác trôi nổi trên thị trường, chúng ta hạn chế tối đa, khi mà đã xác định được, định danh được bất cứ một chủ thuê bao nào thì không còn tình trạng nào lừa đảo qua điện thoại, qua sim; việc thường xuyên của cơ quan chúng tôi là gắn liền với nhau, không thể tách rời, chính vì vậy việc phối hợp đặc biệt quan trọng. Sở Thông tin và Truyền thông với phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên có những trao đổi nghiệp vụ, có những phối hợp để có những định hướng, những tuyên truyền, những cảnh báo hoặc tháo gỡ, vá lỗi… để giảm thiểu một cách nhanh nhất và an toàn nhất. Ngoài ra, cần thông qua biện pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin một cách sâu rộng đến tất cả các tầng lớp Nhân dân, chúng ta đang làm tương đối tốt, mục tiêu của chúng ta là người dân được trang bị những kỹ năng, thông tin một cách đầy đủ, để đảm bảo mình an toàn trên không gian mạng, đặc biệt là trong quá trình tham gia mạng xã hội.

Hội nghị tuyên truyền Luật An ninh mạng và các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

MC Phương Thảo: Thưa Thượng tá Đặng Anh Đào để hạn chế được những vụ án lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua đơn vị đã triển khai những giải pháp gì?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Để đối phó và hạn chế các vụ lừa đảo trên không gian mạng, lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phối hợp cùng các cơ quan chức năng và công nghệ nhằm ngăn chặn, điều tra và xử lý những hành vi phạm trên mạng. Một số giải pháp quan trọng bao gồm:

- Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng: Lực lượng Công an thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, cảnh báo về các hình thức lừa đảo mới trên không gian mạng. Điều này giúp cho cộng đồng nắm bắt được thông tin và cách phòng tránh. Các đơn vị Công an phối hợp với các trường học, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để đào tạo kiến thức cơ bản về an ninh mạng, giúp mọi người nhận biết và phản ứng đúng cách khi gặp các tình huống lừa đảo.

- Lực lượng Công an đã phối hợp với các đơn vị chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, công dân có kiến thức về công nghệ để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Xây dựng các mô hình thiết thực phù hợp trong cộng đồng dân cư. Các nhóm trên mạng xã hội, chia sẻ các thông tin tích cực về công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Phát triển các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tội phạm công nghệ cao: Lực lượng Công an tỉnh đã thành lập Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nhằm đối phó với các loại hình tội phạm mới, các cán bộ, chiến sĩ trong Ngành, trong Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được đào tạo nâng cao về kiến thức công nghệ thông tin, bảo mật và điều tra mạng.

- Xử lý nghiêm minh các vụ án lừa đảo mạng: Khi phát hiện hoặc nhận được tố giác về tội phạm lừa đảo trên mạng, lực lượng Công an nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh và truy bắt đối tượng. Các vụ án lừa đảo liên quan đến công nghệ cao thường được xử lý nghiêm minh để răn đe các đối tượng khác. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đưa các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, xét xử công khai, lưu động tại các địa bàn dân cư đông đúc để tăng tính răn đe tội phạm, góp phần tạo niềm tin cho người dân.

MC Phương Thảo: Thưa ông Đào Ngọc Tuất, với vai trò quản lý Nhà nước ông thấy hiện chúng ta đang gặp vướng mắc, khó khăn gì trong quản lý không gian mạng?

Ông Đào Ngọc Tuất: Về mặt quản lý Nhà nước có những thuận lợi là: Hành lang pháp lý đầy đủ, ban hành các văn bản rất đầy đủ, chúng ta có Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Các khó khăn là công nghệ luôn luôn đổi mới, ngày càng phát triển như vũ bão, chúng ta không kịp đưa vào các quy định và chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh. Như anh Đào vừa chia sẻ một vụ việc rất đơn giản nhưng kéo theo cả 300 người, một hoạt động là hơn 1 tỷ đồng và nhiều vụ việc khác.

Trên không gian mạng cả thế giới có trên 8 tỷ người chứ không phải chỉ riêng người dân ở Thái Nguyên. Việc khó khăn hơn là càng ngày tội phạm càng tinh vi, để quản lý phải có thông tin đầy đủ mới xử lý được, mất rất nhiều thời gian để tìm ra thủ phạm thì đã bị tẩu tán thông tin. Một vấn đề nữa là tư duy của người dân về giữ an toàn trên không gian mạng còn hạn chế, coi đó không phải việc của cá nhân mà của tổ chức, của Sở Thông tin và Truyền thông cũng như của Công an tỉnh. Đó là việc cần thay đổi tư duy nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình.

Các thành viên của Đội ứng cứu và xử lý sự cố an ninh mạng tỉnh Thái Nguyên tham gia diễn tập bảo vệ an ninh mạng.

MC Phương Thảo: Vậy thời gian tới những giải pháp ngành Công an sẽ tập trung thực hiện để xử lý nhằm hạn chế các hành vi này là gì thưa Thượng tá Đặng Anh Đào?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông ban hành các tin nhắn đến công dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cảnh báo phương thức thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm tuyên truyền rộng rãi. Phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền thủ đoạn hoạt động của tội phạm công nghệ cao trên các trang thông tin điện tử, Zalo, Facebook của Công an các huyện, thành phố và Công an các xã, phường, thị trấn để nâng cao hiểu biết, nhận thức của quần chúng Nhân dân. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành phục vụ việc đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý các tài khoản ngân hàng nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng việc mua bán các tài khoản ngân hàng phục vụ mục đích phạm tội; tập trung đấu tranh với loại tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng để phạm tội.

MC Phương Thảo: Vâng, theo ông Đào Ngọc Tuất, Ngành cần có những giải pháp gì trong quản lý để ngăn chặn vụ lừa đảo và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân?

Ông Đào Ngọc Tuất: Hiện nay, lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên diện rộng và không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, chúng ta không phân biệt được quốc tế hay Việt Nam. Trong quản lý để ngăn chặn lừa đảo và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, trong thời gian tới, chúng tôi tập trung một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tổ chức các chuyên mục trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt, phát huy công dụng của hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới người dân các bản tin, hướng dẫn.

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền Thông, Công an tỉnh để kịp thời, phát hiện, xử lý đối với các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Thứ ba, lừa đảo trực tuyến thường sử dụng điện thoại và giả danh cơ quan nhà nước. Nên việc tiếp tục rà soát các sim điện thoại. Đặc biệt, nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan Nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình, ví dụ như UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ, Công an tỉnh... chứ không hiện số di động.

Trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình, người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan Nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin. Đó là việc quan trọng trong việc tránh lừa đảo mạo danh từ cơ quan tổ chức Nhà nước.

Thứ tư, lừa đảo trực tuyến cũng thông qua số điện thoại không chính chủ hoặc sim rác; tiếp tục phối hợp rà soát và định danh qua CCCD. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu phát hiện sim rác, sim không chính chủ Sở Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới, đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của ngành Thông tin và Truyền thông trong xử lý sim rác, sim không chính chủ.

Thứ năm, một hình thức rất hay gặp là lừa đảo trực tuyến hay lập các trang web giả mạo của cơ quan Nhà nước. Vì vậy, Bộ thông tin và Truyền thông đã có sáng kiến gán nhãn xanh cho các trang web đảm bảo an toàn. Người dân khi truy cập các trang web không thấy có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn, vì nếu không được gắn nhãn sẽ là trang lừa đảo và gắn mã độc, không đảm bảo cho người sử dụng.

Thứ sáu, Sở Thông tin và Truyền thông đã thiết lập một đầu số để tiếp nhận phản ánh về các lừa đảo trực tuyến trên Facebook, Zalo... để hỗ trợ người dân, trong đó có phản ánh về lừa đảo không gian mạng để hỗ trợ người dân một cách kịp thời.

Website giả mạo Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam

MC Phương Thảo: Qua Chương trình này, 2 vị khách mời có những lời khuyên gì để người dân có thể phòng tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng?

Thượng tá Đặng Anh Đào: Đề nghị người dân tiếp tục tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản để phòng ngừa; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính, nâng cao bảo mật ngân hàng, tài khoản mạng xã hội bằng cách đặt mật khẩu mạnh. Khi nhận được các thông tin, thủ đoạn tương tự cần trao đổi ngay với người thân quen hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, ngăn chặn.

Ông Đào Ngọc Tuất: Một vài lời khuyên gửi đến quý vị khi tham gia vào không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội như sau:

Thứ nhất, phải giữ cho tâm thế của mình luôn chủ động, tự nâng cao nhận thức của mình về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Thứ hai, là hạn chế việc tin bất cứ thứ gì trên mạng xã hội ngay lập tức, nên tuân thủ nguyên tắc 3 giây, suy nghĩ 3 giây trước khi click, share, comment những vấn đề gì mà mình quan tâm. Đặc biệt, điện thoại thông minh phải thường xuyên được cập nhật các bản nâng cấp của nhà cung cấp và đặc biệt nên trang bị phần mềm diệt virus.

MC Phương Thảo: Có thể thấy, sự bùng nổ phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, song đi kèm với đó các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng cũng ngày phổ biến và tinh vi hơn, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Hy vọng những chia sẻ cũng như những lời khuyên của các vị chuyên gia trong chương trình hôm nay sẽ giúp quý vị và các bạn nhận diện và có cách ứng phó với những “bão lừa đảo” trên không gian mạng.

Một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình! Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.


thainguyen.gov.vn