Truy cập nội dung luôn

Tọa đàm trực tuyến: Đảm bảo an toàn thực phẩm - Trách nhiệm không của riêng ai

2023-10-12 14:32:00.0

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, bởi vậy vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề được chính quyền các cấp và Nhân dân rất quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài những gam màu sáng, bức tranh về đảm bảo ATTP vẫn còn nhiều những mảng tối cần được quan tâm. Để có đánh giá, phân tích sâu và cái nhìn đa chiều về vấn đề ATTP, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên với chủ đề: Đảm bảo an toàn thực phẩm - Trách nhiệm không của riêng ai.

MC Phương Thảo và khách mời

MC Phương Thảo: Xin kính chào quý vị và các bạn! Quý vị đang theo dõi Chương trình Toạ đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên do Trung tâm Thông tin tỉnh thực hiện. Thưa quý vị và các bạn! Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, bởi vậy vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề được chính quyền các cấp và Nhân dân rất quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài những gam màu sáng, bức tranh về đảm bảo ATTP vẫn còn nhiều những mảng tối cần được quan tâm. Xung quanh vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tổ chức Chương trình Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm - Trách nhiệm không của riêng ai”.

Xin được trân trọng giới thiệu các vị khách mời tham gia Tọa đàm hôm nay: Ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên; ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên; ông Lý Văn Cảnh, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên.

Một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình của chúng tôi ngày hôm nay. Thưa các vị khách mời, thưa quý vị khán giả, nguy cơ mất ATTP có thể hiện hữu ngay trước mắt chúng ta và gây ra những hậu quả khôn lường với sức khoẻ của con người. Hãy cùng chúng tôi theo dõi 1 clip ngắn ngay sau đây.

MC Phương Thảo: Những hình ảnh mà có lẽ chỉ cần nhìn thôi thì những người tiêu dùng sẽ đều cảm thấy rất hoang mang. Vụ việc vừa mời xảy ra tại chợ Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) có lẽ là vụ việc gây ra rất nhiều lo lắng cho người tiêu dùng. Trực tiếp xử lý vụ việc này, đại diện cho lực lượng quản lý thị trường, trên diễn đàn này, ông đánh giá như thế nào về tính chất nguy hại của vụ việc vừa bị phát hiện thưa ông Tạ Đình Dũng?

Ông Tạ Đình Dũng: Qua vụ việc kiểm tra xử lý, phát hiện gần 3 tấn thực phẩm bẩn ở chợ Đồng Quang khiến dư luận rất quan tâm và phẫn nộ. Chúng ta đều biết Đảng và Nhà nước đã xây dựng các chính sách về phát triển con người cả về thể chất và tinh thần. Để đảm bảo mục tiêu đó thì phải có nền an toàn thực phẩm sạch, nâng cao tuổi thọ trung bình, đảm bảo cho người dân sống khỏe. Những sự việc như vậy làm cho sức khỏe của người dân bị nguy hại cả về hiện tại và lâu dài, ảnh hưởng đến giống nòi. Những tổ chức, cá nhân vi phạm cần phải bị lên án và xử lý thích đáng.

Ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên

MC Phương Thảo: Hàng năm, dù chưa xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chúng tôi được biết các ngành tham gia quản lý ATTP bằng việc đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc. Câu hỏi này chúng tôi muốn giành cho cả 3 đại diện của 3 ngành. Chúng ta đang quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra với những giải pháp như thế nào, trước hết xin được mời đại diện của ngành Nông nghiệp, xin mời ông Vũ Văn Phán ạ?

Ông Vũ Văn Phán: Trước tiên chúng ta biết là về quản lý ATTP, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 về quy định ATTP, trong đó phân công trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và việc quản lý nhà nước ATTP cấp huyện, cấp xã. Ở đây thì chúng ta cần phải quan tâm:

Thứ nhất, mỗi ngành đều có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 thi hành một số điều của Luật ATTP, Sở NN&PTNT quản lý các sản phẩm, hàng hóa theo Phụ lục III. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện tốt các quy định của Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thứ hai, là tổ chức nhiều lớp tập huấn, mở các lớp hướng dẫn thực hiện các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ví dụ sản xuất theo quy trình Vietgap, hưu cơ. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông nông sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt trong thời gian qua, chúng tôi cũng phát hiện một số vụ việc mà các cơ sở kinh doanh, ví dụ các của hàng bán tạp hóa bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc là bán sản phẩm không ghi tem nhãn đầy đủ, hàng hóa nhập khẩu không có tem phụ. Đặc biệt trong quá trình sản xuất, chế biến các bếp ăn cũng không đảm bảo an toàn, ví dụ thùng rác không có nắp đậy, các kho bảo quản sản phẩm còn để động vật hoặc các côn trùng xâm nhập, nó cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Những sản phẩm đó chúng tôi đã lập biên bản và xử lý theo pháp luật quy định.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên

MC Phương Thảo: Xin được dành câu hỏi cho ngành Y tế, với chức năng nhiệm vụ của mình, công tác thanh tra, kiểm tra đã được ngành quan tâm đẩy mạnh như thế nào, thưa ông Lý Văn Cảnh?

Ông Lý Văn Cảnh: Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngành Y tế là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm ATTP từ Trung ương đến địa phương. Cũng như các tỉnh khác, Sở Y tế Thái Nguyên được UBND tỉnh phân công nhiệm vụ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP cấp tỉnh. Để chủ động cho công tác quản lý ATVSTP, ngay từ đầu năm 2023, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 03/3/2023 của Ban Chỉ đạo đảm bảo công tác ATTP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó nêu rất rõ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị và các địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra ATVSTP trên địa bản để tránh sự chồng chéo, trùng lặp và bỏ sót trong quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được giao cho từng ngành, từng địa phương theo sự phân cấp quản lý và theo từng thời điểm, từng lĩnh vực mà ngành, địa phương quản lý… Như dịp tết Nguyên đán, đợt tháng cao điểm về ATVSTP và gần đây là dịp tết Trung thu. Qua tổng hợp và theo dõi báo cáo của các ngành, các đơn vị, đến nay toàn tỉnh đã kiểm tra đươc trên 35.000 lượt cơ sở xử lý vi phạm hành chính về ATVSTP, phạt tiền thu về ngân sách trên 300 triệu và tiêu huỷ giá trị sản phẩm trên 200 triệu đồng.

Với ngành Y tế, ngoài việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các huyện thành phố, thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra ATVSTP các cơ sở do ngành Y tế được phân công quản lý, đặc biệt chủ động thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, như: Bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuât kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền… Hiện nay chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm của các bếp ăn tập thể của nhà máy, công ty, khu công nhiệp, trường học trên địa bàn. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh có công văn chỉ đạo các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú, phải thực hiện nghiêm túc việc hợp đồng và đánh giá các nhà cung cấp thực phẩm cho nhà trường, đảm bảo các thực phẩm cũng như nguyên liệu thực phẩm đưa váo các nhà trường phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, thịt và các sản phẩm của thịt phải được kiểm soát và kiểm tra thú y.

Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên

MC Phương Thảo: Đại diện cho một lực lượng rất tích cực trong phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm, ông có thể cho biết thêm về những giải pháp của ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm, thưa ông Dũng?

Ông Tạ Đình Dũng: Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên hàng năm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và chuyên đề, trong đó có chuyên đề về ATTP. Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường xây dựng 3 chuyên đề về ATTP, xử lý gần 800 vụ việc, trong đó có 161 vụ việc về ATTP, 57 vụ việc về xử lý chất lượng; thu phạt hơn 304 triệu, tịch thu hàng hóa vi phạm gần 400 triệu. Qua công tác kiểm tra, xử lý chúng tôi nhận thấy cần tăng cường giải pháp từ địa bàn, cơ sở. Để làm tốt việc này, lãnh đạo, cán bộ, công chức ở mỗi cơ quan cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nắm bắt địa bàn với trách nhiệm cao.

MC Phương Thảo: Qua chia sẻ của các vị khách mời, có thể thấy việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra phần nào cũng đã giúp kiểm soát và đảm bảo VSATTP từ khâu sản xuất, nuôi trồng cho đến tiêu thụ, chế biến và đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng được biết việc quản lý VSATTP cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ phương diện quản lý của ngành, nghĩa từ quản lý từ gốc, từ khâu nuôi trồng, đâu là những khó khăn hiện nay thưa ông Vũ Văn Phán?

Ông Vũ Văn Phán: Như chúng ta đã biết, ngành Nông nghiệp quản lý từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản và đưa sản phẩm ra thị trường. Việc quản lý ngành hàng của ngành Nông nghiệp rất rộng, do vậy có những khó khăn nhất định. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7.579 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thuỷ sản, trong đó cấp tỉnh quản lý 126, cấp huyện quản lý 465 và cấp xã quản lý 6988 cơ sở. Đặc biệt cấp xã quản lý số lượng là rất lớn, chủ yếu là đối tượng sản xuất nhỏ, lẻ, không có địa điểm kinh doanh cố định, do vậy việc quản lý các cơ sở nhỏ lẻ là rất khó khăn.

Hiện nay công tác kiểm tra, giám sát chúng ta thực hiện khá tốt, tuy nhiên lực lượng quản lý tại địa phương rất mỏng. Ví dụ quản lý ATTP cấp huyện hiện giao cho Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế, cán bộ theo dõi tham mưu về lĩnh vực ATTP rất hạn chế, đặc biệt cấp xã giao cho cán bộ văn hóa - xã hội của xã kiêm nhiệm, do vậy công tác quản lý ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, việc đầu tư khoa học chưa được nhiều và đầu tư cho sản xuất, kinh doanh còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng và năng xuất của sản phẩm nông nghiệp. Công tác quản lý ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã còn khó khăn, các cơ sở hoạt động hoặc không hoạt động nhiều khi không báo cáo chính quyền, cơ quản quản lý nhà nước, do đó vấn đề quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn.

MC Phương Thảo: Còn với ngành Y tế thì sao thưa ông Lý Văn Cảnh, ở khâu chế biến, chủ các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đã thật sự trách nhiệm với việc đảm bảo ATVSTP hay chưa? Và những khó khăn hiện nay của ngành là gì ạ?

Ông Lý Văn Cảnh: Vấn đề ATVSTP hiện nay đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng công đoạn sản xuất và chế biến, chúng ta không dừng lại ở khái niệm thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch mà chúng ta phải dùng khái niệm thực phẩm an toàn. Tại khoản 7, Điều 28 Luật ATTP đã quy định rất rõ: “Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể, có trách nhiệm đảm bảo ATTP”. Trong qúa trình kiểm tra, theo dõi giám sát, hầu hết các cơ sở thực hiện khá nghiêm túc và tuân thủ các điều kiện đảm bảo ATVSTP tại cơ sở. Tuy nhiên, như thực trạng ATTP hiện nay, thực phẩm không an toàn đang tràn lan ngoài thị trường, khiến người tiêu dùng khó lựa chọn thực phẩm sạch. Các thực phẩm không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến nhiều người tiêu dùng khó để lựa chọn được những sản phẩm đảm bảo an toàn; vẫn còn nhà sản xuất, người kinh doanh thực phẩm sử dụng chất cấm trong trồng chọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến thực phẩm; quy trình chế biến không nghiêm ngặt hay do nhiễm độc từ môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho các hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh trong rau, củ, quả cao hơn nhiều so với quy định hoặc thực phẩm không được rõ nguồn gốc… gây ảnh hưởng xấu đến kinh doanh thực phẩm và tác hại cho người tiêu dùng. Nhiều cơ sở chế biến, giết mổ không bảo đảm vệ sinh, máy móc không bảo đảm đúng yêu cầu quy định của Nhà nước. Chính vì vậy nên việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là vấn đề khó khăn. Các ngành, các cấp, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo và cùng vào cuộc triển khai thực hiện để các sản phẩm thực phẩm đưa ra thị trường, đến người tiêu dùng đựơc kiểm soát và an toàn.

Đoàn Kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra tại khu chế biến thức ăn Trường Mầm non Hóa Trung, xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ

MC Phương Thảo: Trong Clip ở phần đầu của chương trình, chúng ta đã nhìn lại những vụ việc vi phạm mất ATVSTP, đặc biệt là vụ việc vừa bị phát hiện và xử lý tại chợ Đồng Quang (TP. Thái Nguyên). Một tiểu thương đã có hàng chục năm buôn bán, kinh doanh vẫn vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng buôn bán thực phẩm bẩn. Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn ngừa từ gốc các hành vi vi phạm này, thưa ông Tạ Đình Dũng?

Ông Tạ Đình Dũng: Hành vi vi phạm về ATTP đều có chế tài trong Luật Hình sự xử lý vi phạm hành chính và. Đối với những hành vi vi phạm về ATTP nghiêm trọng về sử dụng thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm, các sản phẩm động vật do dịch bệnh chết, chất bảo quản ngoài danh mục, chất cấm... thì đều bị phạt tù và phạt tiền. Ngoài ra những hành vi khác thì bị xử phạt theo Nghị định về xử phạt hành chính. Đối với hành vi tại chợ Đồng Quang vừa qua thì bị mức xử phạt áp dụng theo Điều 12, Nghị định xử lý vi phạm hành chính năm 2018, áp dụng mức phạt cao nhất là 100 triệu. Trong Nghị định này quy định xử phạt từ 1- 2 lần giá trị hàng hóa vi phạm, nhưng tại Điều 3 lại quy định đối với cá nhân không quá 100 triệu, tổ chức không quá 200 triệu. Do đó các vi phạm đều áp dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử phạt như vậy dư luận cho rằng còn nhẹ. Nên chăng cần điều chỉnh các chế tài để tăng nặng các hình phạt hơn, cần bổ sung như cấm hành nghề, cấm tiếp cận, giao dịch liên quan đến ATTP sau khi những người này đã bị xử phạt hoặc phạt tù giam.

Lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tại chợ Đồng Quang và phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm nghiêm trọng về mất ATVSTP hồi tháng 9 vừa qua 

MC Phương Thảo: Thưa quý vị khán giả, thưa các vị khách mời, Chỉ thị 17/ CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới đặt ra nhiều yêu cầu và trách nhiệm của các cấp, ngành. Trên diễn đàn này, chúng tôi rất muốn được lắng nghe những chia sẻ của các vị khách mời về những giải pháp để triển khai hiệu quả các yêu cầu được đặt ra tại Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương. Trước hết xin được mời ông Vũ Văn Phán?

Ông Vũ Văn Phán: Trước tiên để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới. Đối với Ngành nông nghiệp trong thời gian tới sẽ đưa ra một số giải pháp, trong đó:

Thứ nhất, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền. Tuyên truyền ở đây là chúng ta phải phổ biến tất cả các quy định pháp luật về ATTP cho các tổ chức, cá nhân và mọi người dân nắm được để cùng thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về khoa học kỹ thuật tiên tiến để người dân cũng như những cơ sở sản xuất áp dụng. Đặc biệt thực hiện các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ví dụ như sản xuất theo quy trình VietGap, hữu cơ.

Thứ ba, tăng cường công tác hậu kiểm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến hàng nông sản, nông nông sản trên địa bàn và đặc biệt là quan tâm việc truy xuất nguồn gốc. Yêu cầu của Bộ Nông nghiệp là tất cả những cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh có đăng ký kinh doanh, được cấp giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm thiết lập truy xuất nguồn gốc với mục đích là để chúng ta minh bạch cái nguồn gốc đó, sản phẩm đó. Nếu mất an toàn, chúng ta có thể truy xuất và biết được nó mất an toàn từ khâu nào, ở đâu.

Thứ tư, chúng ta phải khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào Ngành nông nghiệp trên cơ sở cơ chế chính sách của tỉnh hiện nay để mà xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và đảm bảo an toàn. Có như vậy, thì mới có sản phẩm chất lượng.

Thứ năm, chúng ta tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra và quản lý tốt các cơ sở theo quy định của UBND tỉnh.

Thứ sáu, theo tôi là khi mà xảy ra mất ATTP, chúng ta phải phối hợp với ngành Y tế để mà điều tra làm rõ nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm mất an toàn và phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo định.

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên ký kết hợp tác với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang 

MC Phương Thảo: Còn với công tác Y tế thì sao? ngành Y tế sẽ có những giải pháp như thế nào để thực hiện những yêu cầu mà Chị thị 17 đặt ra về nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, thưa ông Lý Văn Cảnh?

Ông Lý Văn Cảnh: Để giải quyết vấn đề ATVSTP hiện nay, cần sự đồng bộ từ 3 phía giải pháp bao gồm: Cơ chế - chính sách; kinh tế - xã hội; khoa học - công nghệ cũng như hành động từ phía Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp rõ ràng, tránh sự chồng chéo, tránh sự trùng lặp, tránh sự bỏ sót.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP. Bên cạnh đó, chúng ta phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về vấn đề thanh tra, kiểm tra thì tới đây chúng ta cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo đơn thư tố giác để kịp thời phát hiện và hạn chế các vi phạm.

Thứ tư, tăng cường công tác chủ động lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm trong thực phẩm để cảnh báo, ngăn chặn, phòng ngừa các thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc đưa ra thị trường.

Thứ năm, với người sản xuất và người tiêu dùng: Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước pháp luật. Các sản phẩm thực phẩm bao gói phải tự công bố sản phẩm, các sản phẩm khác phải có nguồn gốc xuất xứ và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ khi có yêu cầu. Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm. Cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Có trách nhiệm báo cáo những hành vi vi phạm vệ sinh ATTP đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời giải quyết.

Lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện Phú Bình ký cam kết đảm bảo ATTP năm 2023

MC Phương Thảo: Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, ATTP cũng là nội dung rất quan trọng được nhấn mạnh tại Chỉ thị 17. Về việc đẩy mạnh phát hiện và xử lý vi phạm, thời gian tới ngành sẽ có những giải pháp gì, thưa ông Tạ Đình Dũng?

Ông Tạ Đình Dũng: UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Phó Ban; lãnh đạo các sở, ngành liên quan là thành viên. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với vấn đề ATTP. Ngoài ra, cơ quan Quản lý thị trường là cơ quan Thường trực cho Ban Chỉ đạo 389. Là Ban Chỉ đạo chống gian lận, thương mại trên địa bàn, chúng tôi cũng có trách nhiệm về ATTP. Như vậy, có 2 ban chỉ đạo liên quan đến ATTP. Mỗi Ban do một cơ quan làm Thường trực, Ban Chỉ đạo ATTP do Sở Y tế, Ban Chỉ đạo 389 do Cục Quản lý thị trường. Công việc này tôi nghĩ rằng cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, tăng cường trách nhiệm của các ngành theo Nghị định số 15 của Chính phủ, phân cấp trong công tác đảm bảo ATTP trong nội dung, các ngành hàng. Đối với lực lượng Quản lý thị trường, chúng tôi hàng năm tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm ta định kỳ về ATTP.

Ngay như vừa rồi có chỉ đạo kiểm tra thực phẩm, bánh kẹo xung quanh trường học bán cho học sinh. Đấy cũng là vấn đề liên quan đến thực phẩm. Những vấn đề này cần có sự phối hợp của các ngành. Công chức quản lý thị trường cũng thường xuyên tham gia các đoàn liên ngành và cũng chủ trì nhiều cuộc kiểm tra để đảm bảo thị trường văn minh hơn và ATTP được tốt hơn.

Công tác chỉ đạo đảm bảo an toàn thực phẩm thường xuyên được Ban chỉ đạo ATVSTP tỉnh Thái Nguyên quan tâm

MC Phương Thảo: Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương xác định: “An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc” và nhấn mạnh về yêu cầu với các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể trong việc bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Nhấn mạnh này của Ban Bí thư Trung ương một lần nữa khẳng định đảm bảo an ninh, ATTP không phải là trách nhiệm của riêng tổ chức nào hay cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó cũng là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới quý vị khán giả qua Chương trình Tọa đàm ngày hôm nay. Một lần nữa cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia Chương trình của chúng tôi, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


thainguyen.gov.vn