Triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
2025-02-21 19:43:00.0
Toàn cảnh Hội nghị
Dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh (Ban Chỉ đạo); đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương của tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.
Các đại biểu dự Hội nghị
Hội nghị đã công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên gồm 25 thành viên, do đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu Khai mạc Hội nghị
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ rất sớm, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó đến nay, Thái Nguyên luôn thực hiện tốt và nằm trong Top 10 các địa phương về chuyển đổi số. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03 của Chính phủ (ban hành Chương trình hành động), thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực bám sát các nội dung chỉ đạo, kịp thời ban hành và cụ thể hóa hơn 10 văn bản; hiện đang dự thảo 6 văn bản để triển khai các nhiệm vụ này. Trong đó, tập trung vào 3 điểm đột phá: Về thể chế và nhận thức, sẽ kịp thời rà soát, ban hành toàn bộ các văn bản để làm cơ sở pháp lý triển khai trong toàn tỉnh; đồng thời tỉnh cũng đã mở rộng chuyên đề về chuyển đổi số thành chuyên đề tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 57. Về hạ tầng số, tỉnh tập trung phủ sóng băng rộng di động ở các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc, các bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, khu đông dân cư và mời gọi, thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu tại Thái Nguyên. Về nhân lực, Thái Nguyên tập trung nâng cao năng lực số cho người lao động, ban hành và triển khai Đề án nâng cao năng lực số và chương trình "Bình dân học AI".
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, kể từ ngày 01/3/2025, bộ máy mới của các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp sẽ chính thức đi vào hoạt động, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ là đơn vị thường trực, tham mưu triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ trực tiếp vào cuộc chỉ đạo lĩnh vực này, với quyết tâm phấn đấu đạt những kết quả đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước ngày 31/3/2025 và đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2025.
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt kết quả nổi bật về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số. Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên luôn cao hơn trung bình cả nước, giai đoạn 2021 - 2022 đạt 50,4% (cả nước là 40%). Năm 2024, Chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2023 và tiếp tục là tỉnh dẫn đầu trong khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử tại Cổng dịch vụ công quốc gia, đến ngày 04/11/2024 tỉnh Thái Nguyên đạt 84,21/100 điểm, xếp thứ 07/63 tỉnh, thành phố. Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng. Giai đoạn 2020 - 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; hạ tầng số thuộc Top 10 cả nước. Thái Nguyên cũng là tỉnh đầu tiên trong 14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch triển khai của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57 và thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước thực hiện nội dung này. |
Đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai Đề án phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và Kế hoạch thực hiện chương trình “Bình dân học AI"
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được triển khai Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 24/01/2025 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ và Chương trình hành động số 62-Ctr/TU ngày 23/01/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đề án phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025; Kế hoạch thực hiện chương trình “Bình dân học AI” giai đoạn 2024 - 2025 tại tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nghe tham luận của một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tiêu biểu về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Kế hoạch số 25 của UBND tỉnh đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: 1. Nhóm chỉ tiêu của tỉnh đề ra cao hơn so với mục tiêu trong Nghị quyết số 57 gồm: - Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt trên 90%. - Quy mô kinh tế số tối thiểu 40% GRDP. - Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt 85%. - Đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,75 và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số HDI cao nhất cả nước. - Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 15 người/vạn dân. 2. Nhóm chỉ tiêu của tỉnh bằng và tương đương với mục tiêu trong Nghị quyết số 57 - Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên 55%. - Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. - Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GRDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%. - Số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm. - Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%. 3. Nhóm chỉ tiêu cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của tỉnh (đến năm 2030) - Tiềm lực khoa học công nghệ, chỉ số chuyển đổi số và hạ tầng công nghệ số thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước. - Triển khai các giải pháp thông minh đối với 03 thành phố trên địa bàn tỉnh. - Chi ngân sách hàng năm cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. |
Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI)
Cũng tại Hội nghị, chuyên gia Nguyễn Tử Quảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chuyên về bảo mật và an toàn thông tin, cũng là một trong những người tiên phong trong việc phát triển phần mềm diệt virus tại Việt Nam từ những năm 1995 đã trao đổi, chia sẻ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung phân tích các xu hướng khoa học công nghệ hiện nay, phân biệt giữa tin học hóa và chuyển đổi số… Chuyên gia cũng bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, với lợi thế là tỉnh công nghiệp, có khu công nghệ thông tin tập trung đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ phát triển, Thái Nguyên sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả.
thainguyen.gov.vn