Bệnh viện C Thái Nguyên: Đổi mới vì sự hài lòng của người bệnh
2025-02-21 14:47:00.0
Người dân được nhân viên y tế hướng dẫn lấy số khám chữa bệnh tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện C Thái Nguyên
Trước yêu cầu tất yếu về chuyển đổi số trong toàn ngành để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân, Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 28/12/2018 đã nêu rõ lộ trình: Giai đoạn từ năm 2019 - 2023 các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ Bệnh án điện tử theo quy định. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ Bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ Bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Bệnh án điện tử có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án thông thường. Mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa, dữ liệu tiêu chuẩn, liền mạch, quy trình thực hiện giảm thiểu sử dụng giấy tờ.
Chia sẻ về những khó khăn bước đầu khi triển khai Bệnh án điện tử, Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Khi bắt đầu thực hiện, các y bác sĩ của chúng tôi đều chưa quen với việc chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang điện tử, mặc dù các lớp tập huấn đã được tổ chức, do đó, khi bắt tay vào làm thực tế cũng có một số vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, khi bắt tay vào thực hiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện cũng còn thiếu, nhiều thiết bị không đồng bộ, cũng như một số quy định của Bộ Y tế như vấn đề thanh quyết toán của bảo hiểm xã hội chưa được rõ ràng.
Với Bệnh án điện tử, các y bác sĩ có thể theo dõi lâm sàng và kết quả các kỹ thuật chuyên sâu ngay trên hệ thống điện tử để kịp thời đưa ra y lệnh. (Trong ảnh: Bác sĩ tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện C Thái Nguyên đang theo dõi kết quả chụp não cho một bệnh nhân trên hệ thống điện tử)
Cũng theo bác sĩ Bình, Bệnh viện C Thái Nguyên là bệnh viện đã ứng dụng chuyển đổi số từ khá lâu. Đây là bệnh viện đầu tiên trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc triển khai quản lý y tế bằng phần mềm, đặc biệt với sự quan tâm của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và sự hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế, cùng sự quyết tâm từ lãnh đạo đến cán bộ, viên chức của Bệnh viện. Tháng 6/2024, Bệnh viện C Thái Nguyên chính thức đạt thẩm định để triển khai Bệnh án điện tử và là một trong 82 bệnh viện thực hiện Bệnh án điện tử, trong tổng số 1.531 bệnh viện trên toàn quốc.
Chúng tôi có mặt tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện C Thái Nguyên và cảm nhận rõ ràng về sự thay đổi. Từ cách làm truyền thống, các y bác sĩ đều phải viết tay bệnh án, ở các khoa thường xuyên có những tập bệnh án lớn cần xử lý hàng ngày, thì nay, các cán bộ, y bác sĩ đã có thể làm toàn bộ các công việc hành chính liên quan đến hồ sơ bệnh án trên môi trường điện tử. Bác sĩ Phạm Văn Đức, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện C Thái Nguyên trò chuyện với chúng tôi: "Tôi đang xem phim chụp X-quang cho một bệnh nhân tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não ngay khi hệ thống X-quang chụp xong, kết quả phim chụp sẽ liên thông đến khoa chuyên môn để các bác sĩ như chúng tôi có thể xem ngay trên máy tính. Nếu trước đây, chúng tôi phải xuống tận nơi và chờ khi in phim mới được xem, thời gian chờ đợi khá lâu. Thì nay, với Bệnh án điện tử, việc tiếp cận với trạng thái lâm sàng của bệnh nhân được kịp thời, đây là điều rất quan trọng để chúng tôi đưa ra các y lệnh cho việc chẩn trị được tốt nhất".
Là bác sĩ công tác lâu năm tại Bệnh viện C Thái Nguyên, bác sĩ Phạm Thị Tây Thi, Trưởng khoa Nội tim mạch - Lão khoa cũng bày tỏ vui mừng: "Nếu trước đây, thường xuyên thấy hình ảnh các cán bộ, y bác sĩ của chúng tôi phải ôm từng tập bệnh án lớn để đi ký duyệt các cấp, thì nay tất cả đã được số hóa trên môi trường điện tử. Chúng tôi cũng có thể theo dõi được tiền sử bệnh và kết quả lâm sàng của từng bệnh nhân mà không phải mất thời gian tìm tài liệu, việc hội chẩn và phê duyệt y lệnh được nhanh hơn, đặc biệt là rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập viện, ra viện cho bệnh nhân. Để minh chứng cho những lợi ích của bệnh án điện tử, bác sĩ Tây Thi còn đưa chúng tôi đến gặp những bệnh nhân đang điều trị tại Khoa".
Ông Trần Văn Đăng, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên đang điều trị tim mạch tại Bệnh viện chia sẻ: "Tôi đã có tuổi, nhiều lần đi khám bệnh đều quên giấy tờ, có lần còn làm mất. Khi được biết Bệnh viện C Thái Nguyên đã có Bệnh án điện tử, tôi thấy rất yên tâm. Việc chuyển đổi số mang lại rất nhiều tiện ích cho người bệnh; thời gian chờ đợi làm thủ tục nhập viện cũng như các thủ tục hành chính khác trong quá trình khám, chữa bệnh được giảm đi đáng kể".
Khu vực hành chính của Khoa Nội tim mạch - Lão khoa, Bệnh viện C Thái Nguyên đã không còn những tập bệnh án giấy, do hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đã được cập nhật toàn bộ trên môi trường điện tử
Bệnh viện C Thái Nguyên có gần 600 cán bộ, viên chức, người lao động. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 500 bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho trên 300 lượt bệnh nhân. Phân tích về những lợi ích của Bệnh án điện tử trong quản trị Bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết thêm: Ngoài lợi ích về công tác chuyên môn, triển khai Bệnh án điện tử còn giúp Ban Giám đốc của Bệnh viện rất nhiều trong công tác quản trị. Chúng tôi thường xuyên cập nhật liên tục các quy định của Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội để tránh trường hợp phải xuất toán. Lãnh đạo Bệnh viện cũng thuận lợi hơn trong cập nhật, tra cứu, quản lý thông tin khám, chữa bệnh của đơn vị. Về vấn đề kinh tế, Bệnh án điện tử giúp chúng tôi tiết kiệm rchi phí, từ chi phí mua các loại giấy tờ, hồ sơ, sổ sách, chi phí thời gian, cho đến chi phí quản trị…
Thực hiện Bệnh án điện tử, Bệnh viện C Thái Nguyên đã đầu tư đồng bộ cho các hệ thống với các giải pháp phần mềm ưu việt như: Hệ thống HIS trong quản lý, hệ thống LIS trong quản lý thông tin phòng xét nghiệm, hệ thống EMR trong Bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, chữ ký số, quy trình… cũng được Bệnh viện quan tâm hoàn thiện với sự tư vấn của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực.
Chia sẻ về kế hoạch năm 2025, bác sĩ cao cấp Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: Trước sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh với ngành Y tế, đặc biệt là với công tác chuyển đổi số để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Bệnh viện C Thái Nguyên sẽ luôn nỗ lực để thực hiện sứ mệnh của mình. Trong năm 2025, chúng tôi quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn bệnh án giấy, vào quý II/2025 Bệnh viện sẽ ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng. Đi đôi với đó, chúng tôi cũng sẽ có những hoạch định, kế hoạch và giải pháp rõ ràng cho chiến lược chuyển đổi số trong toàn viện, để hướng tới mô hình bệnh viện thông minh một cách thực chất, hiệu quả, với mục tiêu cao nhất là hướng tới sự hài lòng và là một địa chỉ tin cậy gửi gắm việc chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
thainguyen.gov.vn