Truy cập nội dung luôn

Vị Xuyên - Linh thiêng và bất khuất

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, sự sống trên chiến trường Vị Xuyên ác liệt năm xưa nay đã hồi sinh từ rất nhiều khó khăn, gian khổ. Biết bao máu xương của các chiến sĩ và đồng bào nơi đây đã chiến đấu anh dũng để giữ từng tấc đất thiêng liêng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người trở thành thương binh, bệnh binh; đến nay vẫn còn gần 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt để quy tập về nghĩa trang.

Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

Linh thiêng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 10km, sát quốc lộ 2; Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) là công trình mang giá trị văn hóa lịch sử, biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của dân tộc. Đây là nơi an nghỉ của gần 1900 phần mộ liệt sĩ và 01 mộ tập thể, trong đó còn 408 phần mộ liệt sĩ chưa xác định được tên.

Nghĩa trang tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng về sông Lô, trước mặt là đường quốc lộ. Được xây dựng từ năm 1990 ngay sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, khi mới xây dựng Nghĩa trang có diện tích 1,2ha, đến năm 2012 tiếp tục được mở rộng với tổng diện tích 11,4ha và được đầu tư xây dựng khang trang; các phần mộ liệt sĩ được lát đá màu trắng trang trọng, có hoa và cờ Tổ quốc. Từ ngoài cổng nhìn vào phía bên phải là Đền thờ các liệt sĩ, trước Đền là lầu chuông, lầu khánh. Tại đây, tên của 4.000 liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên và chiến tranh biên giới phía Bắc được khắc ghi trên những bảng đồng trang trọng trong Đền thờ; phía bên trái là Đài Tổ quốc ghi công cao vút, uy nghiêm, vững chãi vươn lên bầu trời xanh thẳm, lộng gió; với kiến trúc được mô phỏng chân đế có dáng hình 3 cây súng gá vào nhau, biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí kiên cường, bất khuất của quân đội ta; phần thân Đài Tổ quốc là biểu tượng của 3 nén hương trầm cắm trên lư hương, phía trên đỉnh là 7 vòng tròn tượng trưng khói hương lan toả. Tiếng chuông luôn ngân vang vọng vào núi đá mỗi khi có đoàn khách tới thăm viếng, thể hiện sự tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

Nhà báo Dương Hưng (Báo Thái Nguyên) chia sẻ: “Về với mảnh đất Vị Xuyên, nơi chiến trường xưa ác liệt, địa đầu của Tổ quốc, được đến thắp nén tâm nhang lên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang, được nghe những câu chuyện về những trận chiến đấu ác liệt, hào hùng của quân và dân ta để bảo vệ biên giới lãnh thổ, thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, được bồi đắp thêm niềm tự hào về dân tộc Việt Nam và thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập, tự do”.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của gần 1900 phần mộ liệt sĩ và 1 mộ tập thể

Còn ông Trần Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên cho biết: Hiện nay, trên mảnh đất Vị Xuyên, Hà Giang vẫn còn khoảng 2.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt, hơn 400 phần mộ đã được quy tập về Nghĩa trang nhưng chưa xác định được tên. Vì vậy, công việc tìm kiếm, xác minh thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên vẫn đang được Bộ Quốc phòng và tỉnh Hà Giang nỗ lực thực hiện, để các liệt sĩ sớm được về yên nghỉ bên các đồng đội và xoa dịu bớt nỗi đau, sự mất mát của gia đình các liệt sĩ. Mỗi năm có khoảng 2.500 đoàn với hơn 100.000 lượt khách tới thăm viếng Nghĩa trang; vào các dịp lễ, tết có tới hơn 6.000 lượt người/ngày.

Đến với Nghĩa trang Vị Xuyên thắp nén tâm nhang thành kính trước anh linh các liệt sĩ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí và lòng tự hào dân tộc. Tại đây, chúng tôi được nghe kể lại những những câu chuyện tâm linh có thật, đó là: Có liệt sĩ quê ở Thái Nguyên hiện có phần mộ tại Nghĩa trang, khi được gia đình lên đón anh trở về quê hương thì không thể lấy được chiếc tiểu sành chứa hài cốt ra khỏi phần mộ; khi đó gia đình liệt sĩ tiếp tục thắp hương cho các đồng đội xung quanh và xin phép cho anh được trở về quê hương để gần với gia đình, ông bà tổ tiên đã nhiều ngày trông ngóng, ngay sau đó công việc nhanh chóng hoàn thành!

Bất khuất cuộc chiến chống xâm lấn biên giới tại mặt trận Vị Xuyên

Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (trước đây là Hà Tuyên), kể từ sau ngày 18/3/1979 nhanh chóng trở thành điểm nóng, mặt trận trọng điểm, không khi nào ngơi tiếng súng, đạn pháo, đạn cối từ bên kia biên giới bắn sang.

Từ Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên, đặt tại Điểm cao 468 có thể phóng tầm mắt nhìn thấy các trận địa trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Trong 5 năm từ 1984 - 1989, mặt trận Vị Xuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Ngày 28/4/1984, quân địch lần lượt huy động hơn 50 vạn quân, hơn 400 khẩu pháo cối, đại bác, trên 1.000 xe cơ giới, tấn công vào biên giới huyện Vị Xuyên với mục đích lấn chiếm một phần đất biên giới vào sâu lãnh thổ nước ta. Cách đánh của chúng không theo quy luật, không kể ngày đêm, tập trung mật độ lớn mức độ hủy diệt vào những khu vực trọng điểm như: Đồi Đài, Cô Ích, khu 4 Hầm... có những ngày quân địch bắn từ 20.000 tới 30.000 quả đạn pháo, ngày nhiều nhất trên 650.000 quả vào Vị Xuyên. Đỉnh điểm là trận chiến khốc liệt nhất ngày 12/7/1984 trong chiến dịch MB84, tại cao điểm 772, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, chỉ trong một ngày, hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Sau 5 năm tại mặt trận Vị Xuyên, quân địch đã bị tiêu diệt hơn 25.000 tên, bị phá hủy hàng trăm khẩu pháo cối các loại. Đến tháng 5/1989, quân địch buộc phải rút quân về bên kia biên giới.

Thương vong của cả hai phía trong cuộc xung đột kéo dài 10 năm ở mặt trận Vị Xuyên rất lớn. Từ năm 1979 đến 1989 đã có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Trong số hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, có rất nhiều thanh niên với tuổi đời 18, đôi mươi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường chiến đấu, để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Các anh mãi mãi là những chiến binh bất tử, câu nói ''Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử'' là lời thề mà Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng của mình khi đang tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa. Nó đã trở thành lời thề sắc son, bất tử trong tâm khảm của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Vị Xuyên khi đó.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng. Những chiến công ấy đã ghi vào lịch sử của dân tộc. Trong ký ức của những người lính năm xưa, mặt trận Vị Xuyên là chiến trường vô cùng khốc liệt, hứng chịu hàng ngàn quả đạn, pháo, hỏa lực mạnh của đối phương đã cày xới những điểm cao, cả vùng đất này trở thành màu xám xịt. Tại điểm cao 685, đạn pháo đã biến những khối đá hàng vạn năm hoá thành vôi trắng xoá… Còn điểm cao 1509 lại có vị trí đặc biệt quan trọng trong tác chiến phòng ngự. Từ năm 1979 - 1989, nơi đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta và lính Trung Quốc, đặc biệt là trận đánh ngày 28/4/1984, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng mỏm đá, từng thước đất, từng mét chiến hào; các trận đánh ở điểm cao 1509 mãi đi vào lịch sử, nay điểm cao này đã đặt cột mốc chủ quyền của Việt Nam.

Quang cảnh Đền thờ liệt sĩ (Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên)

Để tri ân sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ ở mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc; tại điểm cao 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên được được xây dựng với diện tích 1.200m2 nằm lưng chừng núi tại phần tiếp giáp giữa phần núi đất và phần núi đá của điểm cao 468 - nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của ta trong chiến dịch. Tại đây, người dân và du khách có thể nhìn sang các điểm cao 772, 685 và hướng tầm mắt tới điểm cao 1509, điểm phân mốc biên giới Việt - Trung.

Cựu chiến binh Trần Minh Hiệp (Thái Bình), Sư đoàn 308 cho biết: "Tôi đã tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cuộc chiến đấu hết sức ác liệt; tuy nhiên cũng rất khó khi so sánh với cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại Vị Xuyên, Hà Giang vì cuộc chiến ở đây rất khốc liệt do đối phương chỉ sử dụng hỏa lực, đạn pháo, sức công phá rất mạnh trên địa bàn hẹp do đó sự hủy diệt, tổn thất, hy sinh về con người là rất lớn. Hơn nữa, cuộc chiến kéo dài 10 năm, dài hơn so với cuộc chiến ở Quang Trị".

Hằng năm, vào ngày Giỗ trận (ngày 12/7) và ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ lại đón nhiều đoàn đại biểu của các tỉnh, thành phố và thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh và du khách đến dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Với ý nghĩa lịch sử to lớn trên, Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên đã trở thành điểm dừng chân của nhiều người dân, du khách trên mọi miền Tổ quốc khi đến với Vị Xuyên, Hà Giang. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục về nguồn, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước đối với các thế hệ trẻ.

Các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Điểm cao 1509, mốc giới Việt - Trung 

Nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ hy sinh”. Chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay hãy biết trân trọng, sống sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ để tiếp tục bảo vệ, dựng xây đất nước ngày càng cường thịnh, phát triển. Chúng ta tin rằng, linh hồn của các liệt sĩ hy sinh ở mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc - Vị Xuyên, hay ở suốt dọc dài biên cương phía Bắc sẽ cảm thấy ấm áp, bởi mảnh đất Vị Xuyên đã được bảo vệ vững chắc bằng chính máu xương, thanh xuân của các anh và cũng trên mảnh đất “chiến trường” này cuộc sống của người dân Hà Giang đang từng ngày thay da đổi thịt, ấm no, phát triển.

Đức Năm
thainguyen.gov.vn