Truy cập nội dung luôn

Những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 9/2021

Quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025; quy định về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng trong Bộ Quốc phòng; quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe… là những chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 7/2021.

Quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025

Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Áp dụng đối với hộ gia đình trên phạm vi cả nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Theo Quyết định, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm được thực hiện theo 6 bước

Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố, bản, buôn, khóm, ấp (viết tắt là thôn) và rà soát viên lập danh sách hộ gia đình cần rà soát, gồm: Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát; hộ gia đình có Giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát:

Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo). Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại theo quy định tại khoản 2, điểm a và b khoản 3 Điều này.

Kết quả cuộc họp được lập thành 02 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (01 bán lưu ở thôn, 01 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

Niêm yết, thông báo công khai: Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày làm việc; trong thời gian niêm yết, thông báo công khai, trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; niêm yết công khai kết quả phúc tra tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc; hết thời hạn niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (sau khi rà soát).

Báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo bằng văn bản, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến trả lời bằng văn bản.

Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn theo Mẫu số 02 và cấp Giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên hằng năm được quy định như sau: Hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc giấy đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên theo quy trình quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Quyết định này: quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; cấp Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định này. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được quy định tại Quyết định như sau: Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và diêm nghiệp có giấy đề nghị xác nhận hộ có mức sống trung bình theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức xác định thu nhập của hộ gia đình; niêm yết, thông báo công khai kết quả tại trụ sở xã trong thời gian 05 ngày làm việc, tổ chức phúc tra trong thời gian 03 ngày làm việc (nếu có khiếu nại) và quyết định công nhận hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu rà soát theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định này. Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Quy định về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng trong Bộ Quốc phòng

Thông tư số 103/2021/TT-BQP ngày 23/7/2021 quy định về kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng trong Bộ Quốc phòng có tham gia giao thông đường bộ (viết chung là kiểm định). Áp dụng đối với các trung tâm, trạm kiểm định an toàn kỹ thuật xe - máy quân sự (viết chung là cơ sở kiểm định); các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong Bộ Quốc phòng có liên quan đến việc kiểm định xe máy chuyên dùng; không áp dụng đối với việc kiểm định xe máy chuyên dùng của các doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Một điểm đáng chú, tại Điều 4 của Quyết định, quy định những hành vi bị nghiêm cấm: Không kiểm định mà cấp Giấy chứng nhận kiểm định, dán Tem kiểm định; tự ý in phôi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định để sử dụng; bóc, dán Tem kiểm định; sửa đổi các nội dung thông tin in trên Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định; bố trí người thực hiện công việc kiểm định không đúng quy định; đưa xe máy chuyên dùng không kiểm định hoặc đã hết thời hạn kiểm định, xe máy chuyên dùng không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông.

Chu kỳ kiểm định được quy định tại Điều 7 như sau: Xe máy chuyên dùng nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước chu kỳ kiểm định lần đầu 36 tháng, chu kỳ kiểm định định kỳ 24 tháng; xe máy chuyên dùng được cải hoán, cải tạo chu kỳ kiểm định lần đầu 24 tháng, chu kỳ kiểm định định kỳ 12 tháng; xe máy chuyên dùng có niên hạn sử dụng trên 10 năm tính từ năm sản xuất chu kỳ kiểm định định kỳ 12 tháng. Các trường hợp xe máy chuyên dùng nhập khẩu; sản xuất, lắp ráp trong nước; sau cải tạo cần tham gia giao thông để di chuyển về địa điểm cần thiết, được kiểm định theo quy định tại Thông tư này. Nếu đạt yêu cầu, được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, dán Tem kiểm định có thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kiểm định.

Theo Quyết định, trách nhiệm của một số đơn vị đã được quy định cụ thể như sau:

Trách nhiệm của Tổng cục Kỹ thuật: Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trước pháp luật về công tác quy hoạch, kế hoạch, tổ chức, hoạt động kiểm định xe máy chuyên dùng trong toàn quân. Chỉ đạo Cục Xe - Máy: Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở kiểm định; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng công tác kiểm định xe máy chuyên dùng theo quy định tại Thông tư này; xây dựng nội dung, chương trình tổ chức tập huấn cấp Giấy chứng nhận, Thẻ kiểm định viên cho các đối tượng theo quy định; xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, quản lý công tác kiểm định xe máy chuyên dùng và hướng dẫn các cơ sở kiểm định, đơn vị khai thác sử dụng; in, quản lý các loại phôi Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 1 Điều 12 Thông tư này.

Trách nhiệm của chỉ huy đơn vị có xe máy chuyên dùng: Chỉ đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc quyền thực hiện công tác kiểm định xe máy chuyên dùng theo đúng quy định tại Thông tư này; chịu trách nhiệm duy trì tốt tình trạng kỹ thuật của xe máy chuyên dùng giữa hai kỳ kiểm định.

Trách nhiệm của cơ sở kiểm định: In Phiếu kiểm định xe máy chuyên dùng; thực hiện kiểm định xe máy chuyên dùng đúng các nội dung theo quy định tại Thông tư này; đánh giá, kết luận trung thực kết quả kiểm định các loại xe máy chuyên dùng; cấp giấy Chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định cho xe máy chuyên dùng đủ điều kiện lưu hành; trực tiếp dán Tem kiểm định lên xe máy chuyên dùng; tham gia đánh giá, nghiệm thu chất lượng xe máy chuyên dùng cho các nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật: Sửa chữa, tăng hạn, đồng bộ trang bị xe máy chuyên dùng khi cấp trên giao; kiểm định xe máy chuyên dùng khi có yêu cầu đặc biệt; tổng hợp báo cáo kết quả kiểm định với cơ quan nghiệp vụ cấp trên và Cục Xe - Máy/Tổng cục Kỹ thuật theo quy định; lưu giữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định và hủy theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

Thông tư số 103/2021/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 05/9/2021.

Quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đối tượng áp dụng bao gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam.

Nguyên tắc xây dựng Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cụ thể tại Điều 2 như sau: Bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và có cơ sở khoa học; phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam; kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và yêu cầu quản lý nhà nước; chất đưa vào Danh mục là chất có khả năng gây hại đến sức khỏe hoặc tính mạng người sử dụng hoặc các chất không thuộc loại dùng trong thực phẩm.

Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định cụ thể tại Điều 3 bao gồm:

Chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm chất có trong các Danh mục sau: Phụ lục V “Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất” ban hành kèm theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

Danh mục I "Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; Việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục II "Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục III "Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền"; Danh mục IVA "Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy" ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Phụ lục I “Danh mục dược chất gây nghiện” ban hành kèm theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chi tiết một số điều của Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Danh mục Thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BYT ngày 03 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục Thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc.

Phụ lục I “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật”; Phụ lục II “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc động vật”; Phụ lục III “Danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật” ban hành kèm theo Thông tư số 42/2017/TT-BYT ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc, trừ các dược liệu có dấu (*) đã được chế biến theo đúng phương pháp chế biến do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30/2017/TT-BYT ngày 11 tháng 7 năm 2017 hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền và bảo đảm an toàn khi làm thực phẩm.

Thông tư số 10/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Quy định tiêu chí phân loại cảng biển

Nghị định số 76/2021/NĐ-CP ngày 28/7/2021 quy định về tiêu chí, quy trình đánh giá, phân loại cảng biển Việt Nam. áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng cảng biển Việt Nam.

Theo đó, tiêu chí để đánh giá, phân loại các cảng biển tại Việt Nam được xác định dựa trên tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển và tiêu chí về quy mô của cảng biển.

Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển: Tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau: Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng; cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiêu chí về quy mô của cảng biển: Tiêu chí về quy mô của cảng biển được đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển và cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.

Về phương pháp đánh giá, phân loại cảng biển được cụ thể tại Điều 4 với 04 nội dung đó là:

Việc đánh giá, phân loại cảng biển theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí và thể hiện chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Cảng biển được đánh giá và phân thành 04 loại: Cảng biển đặc biệt: có tổng số điểm chấm đạt trên 90 điểm; cảng biển loại I: có tổng số điểm chấm đạt trên 70 điểm đến 90 điểm; cảng biển loại II: có tổng số điểm chấm đạt từ 50 điểm đến 70 điểm; cảng biển loại III: có tổng số điểm chấm dưới 50 điểm.

Căn cứ để đánh giá, phân loại hiện trạng cảng biển: Số liệu về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển được căn cứ theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; số liệu về quy mô của cảng biển sử dụng số liệu thống kê hàng hóa thông qua cảng biển trung bình trong 03 năm gần nhất của Cục Hàng hải Việt Nam và sử dụng số liệu về cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển theo các quyết định công bố mở bến cảng, cầu cảng của Cục Hàng hải Việt Nam trong năm gần nhất.

Việc phân loại cảng biển khi lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch cảng biển phải căn cứ vào số liệu về hàng hóa, cỡ trọng tải tàu dự kiến từng thời kỳ quy hoạch và các tiêu chí quy định tại Nghị định này.

Quy trình đánh giá, phân loại cảng biển được phân cấp như sau:

Cục Hàng hải Việt Nam định kỳ 05 năm một lần vào tháng 01 của năm đầu tiên hoặc căn cứ tình hình phát triển thực tế tại cảng biển lập danh mục cảng biển, đánh giá, phân loại cảng biển trình Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ trình gồm: Tờ trình đề nghị xếp loại cảng biển và công bố danh mục cảng biển; dự thảo Quyết định công bố danh mục cảng biển; các tài liệu liên quan.

Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, lấy ý kiến các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan có liên quan, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp loại cảng biển và công bố danh mục cảng biển. Hồ sơ trình gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xếp loại cảng biển và công bố danh mục cảng biển; báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông vận tải; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục cảng biển; các tài liệu liên quan.

Nghị định số 76/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/9/2021.

Quy định về xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý

Thông tư số 06/2021/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2021 quy định về xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Theo Thông tư, nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định như sau: Đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính phù hợp và hiệu quả để hoàn thành việc thực hiện một sản phẩm, dịch vụ công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành; định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở, quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công và quy định của pháp luật về chế độ làm việc của người lao động, các định mức, chi phí áp dụng cho các hoạt động chi tiết quy định tại quy trình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công; định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng theo từng sản phẩm, dịch vụ riêng hoặc nhóm các sản phẩm, dịch vụ tương đồng về nội dung quy trình thực hiện, giống nhau về tính chất, phương tiện và trình tự thực hiện các hạng mục công việc của sản phẩm, dịch vụ công; đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định và thống nhất.

Căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định tại Điều 6 đó là: Tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ; quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động; điều kiện thực tế hoạt động của các đơn vị về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai; số liệu thống kê hằng năm và các tài liệu có liên quan; tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc hoặc nhóm công việc.

Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định tại Điều 7 như sau:

Đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lựa chọn một hoặc các phương pháp dưới đây:

Phương pháp thống kê, tổng hợp: Căn cứ số liệu thống kê hằng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, tính pháp lý trong thời gian ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Phương pháp so sánh: Căn cứ vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Phương pháp tiêu chuẩn: Căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi, mức tiêu hao máy móc, thiết bị để xây dựng định mức lao động, định mức máy móc, thiết bị cho từng công việc hoặc nhóm công việc.

Phương pháp phân tích thực nghiệm: Căn cứ kết quả triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức (lựa chọn những công việc không xác định được qua ba phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế).

Việc thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật được quy định như sau:

Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập Hội đồng thẩm định gồm 07 đến 09 thành viên: 01 Chủ tịch Hội đồng (đại diện Lãnh đạo đơn vị chủ trì), 01 Phó chủ tịch (nếu cần thiết), ủy viên Hội đồng (đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính và các đơn vị có liên quan).

Hồ sơ trình Hội đồng thẩm định gửi cho các thành viên Hội đồng tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng, gồm: dự thảo Tờ trình; dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; bảng tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân có liên quan; các tài liệu khác (nếu có).

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.

Họp Hội đồng thẩm định: Cuộc họp của Hội đồng thẩm định được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba số lượng thành viên trong Hội đồng. Các thành viên Hội đồng thảo luận, đánh giá chất lượng của dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật bằng phương pháp bỏ phiếu kín theo các mức sau: Mức 1: Đạt yêu cầu đề nghị ban hành; Mức 2: Đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành; Mức 3: Không đạt yêu cầu phải xây dựng lại; Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo Quyết định ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng (theo một trong ba mức quy định trên).

Thông tư số 06/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Thanh Tâm (Biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn