Truy cập nội dung luôn

Một số quy định mới liên quan đến lĩnh vực xăng dầu có hiệu lực từ ngày 02/01/2022

Sửa đổi, bổ sung một số điều về kinh doanh xăng dầu; hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu; sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu… là một số chính sách liên quan đến lực vực xăng dầu có hiệu lực từ ngày 02/01/2022.

 

Sửa đổi, bổ sung một số điều về kinh doanh xăng dầu

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, đã có 28 Điều có các khoản mục được sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định bãi bỏ khoản 6 Điều 9, khoản 18 Điều 9, khoản 7 Điều 15, khoản 7 Điều 18, Điều 36, điểm e khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 40 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định các điều khoản chuyển tiếp bao gồm: Thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, các Giấy xác nhận kinh doanh xăng dầu, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được tiếp tục hoạt động theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho đến khi các Giấy phép, Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận hết hiệu lực hoặc có sự thay đổi về điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Đối với những hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, các Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu gửi đến các cơ quan chức năng đầy đủ và hợp lệ trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thì áp dụng các điều kiện về kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Những trường hợp nộp hồ sơ cấp các Giấy phép, Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận khác, áp dụng theo quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Nghị đinh số 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/01/2022.

Hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu

Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP).

Các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu quy định tại Thông tư số 104/2021/TT-BTC chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP bao gồm: Giá Etanol nhiên liệu; tỷ lệ thể tích xăng không chì, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu; tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu; chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, Premium trong nước; chi phí kinh doanh xăng dầu định mức; lợi nhuận định mức; tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Thông tư quy định khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu như sau: Khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định bằng (=) Mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền (%) nhân (x) {Giá xăng dầu thế giới nhân (x) tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam}. Trong đó:

Mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền (%) bằng (=) {Mức thuế suất thuế nhập khẩu1 nhân (x) Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩu1 cộng (+) Mức thuế suất thuế nhập khẩu2 nhân (x) Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩu2 cộng (+) ... cộng (+) Mức thuế suất thuế nhập khẩun nhân (x) Sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với mức thuế suất thuế nhập khẩun} chia (:) Tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu trong kỳ. Trong đó: Các mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu được xác định căn cứ trên mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định theo thống kê từ cơ quan hải quan; trường hợp sản lượng xăng dầu nhập khẩu tại thời điểm kê khai hải quan ghi nợ C/O thì mức thuế suất thuế nhập khẩu đưa vào tính toán là mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; sản lượng xăng dầu nhập khẩu được xác định theo thống kê định kỳ từ cơ quan hải quan trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý bao gồm sản lượng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (bao gồm cả sản lượng xăng dầu nhập từ nước ngoài và sản lượng xăng dầu nhập từ kho ngoại quan; không bao gồm dung môi và nhiên liệu bay).

Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới để tính chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức giá cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Định kỳ hàng Quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng cuối Quý (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền để Bộ Công Thương xác định khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu áp dụng trong công thức giá cơ sở.

Khoản chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt được Thông tư quy định tại Điều 4 như sau: Khoản chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định trên cơ sở giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (%) theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Trong đó: Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành; giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu, được xác định như sau: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng hoặc trừ (±) premium trong nước; giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) Chi phí về thuế nhập khẩu cộng (+) Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) (Chi phí kinh doanh định mức + Lợi nhuận định mức) cộng (+) Mức trích lập Quỹ bình ổn giá (nếu có).

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt để tính giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) Tỷ lệ phần trăm thể tích xăng (%) nhân (x) [{Giá xăng thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) Chi phí về thuế nhập khẩu xăng} nhân (x) Tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu (%) cộng (+) {Giá xăng thế giới nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) premium trong nước (+) Chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)} nhân (x) Tỷ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước (%)}] cộng (+) Tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) Giá Etanol nhiên liệu cộng + Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) (Chi phí kinh doanh định mức + Lợi nhuận định mức) cộng (+) Mức trích lập Quỹ bình ổn giá (nếu có).

Căn cứ báo cáo chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quy định tại Điều 7 Thông tư này; Trước ngày 01 tháng 7 hàng năm, Bộ Tài chính rà soát, thông báo tỷ lệ phần trăm (%) của (chi phí kinh doanh định mức + lợi nhuận định mức) (nếu có) để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong công thức giá cơ sở.

Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới để tính chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam được cụ thể hóa tại Điều 5 của Thông tư như sau: Khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu nhập khẩu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam bao gồm premium, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài hoặc từ kho ngoại quan về cảng Việt Nam và các chi phí phát sinh khác (nếu có); định kỳ trước ngày 21/6, ngày 21/12 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả rà soát chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21/ 6 được tổng hợp từ ngày 01/12 năm trước liền kề đến ngày 31/5 năm báo cáo. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21/12 được tổng hợp từ ngày 1/6 đến ngày 30/11 năm báo cáo.

Trên cơ sở báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) tổng hợp, rà soát, đánh giá, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung và khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin. Định kỳ vào ngày 10/01, ngày 10/07 hàng năm (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá cơ sở. Trường hợp có biến động đột biến về chi phí do yếu tố khách quan (tăng hoặc giảm), trên cơ sở đề xuất của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét quyết định việc điều chỉnh khoản chi phí này cho phù hợp.

Khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác địn cụ thể tại Điều 6 của Thông tư đó là:

Premium trong nước chỉ có giá trị để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua từ thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu trong kỳ tính toán. Premium đưa vào tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân nhân (x) thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng dầu theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với xăng dầu lớn hơn 0%). Giá thế giới bình quân làm cơ sở so sánh được xác định trên cơ sở bình quân theo sản lượng của giá xăng dầu thế giới thực tế mua bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ tính toán.

Khoản chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) chỉ có giá trị để tính giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí này được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng gồm các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến các cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I theo quy định tại Bộ Luật hàng hải Việt Nam, các văn bản quy định hướng dẫn Bộ Luật hàng hải Việt Nam và các văn bản sửa đổi bổ sung thay thế (nếu có); bao gồm chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển, chi phí hao hụt và chi phí khác (nếu có); không bao gồm: chi phí lưu kho, lưu bãi, các chi phí phát sinh thuê tiếp phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển xăng dầu về đến kho đặt tại cảng biển.

Định kỳ trước ngày 21/6, ngày 21/12 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo tổng hợp premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21/6 được tổng hợp từ ngày 01/12 năm trước liền kề đến ngày 31/5 năm báo cáo. Thời gian thu thập số liệu cho kỳ báo cáo ngày 21/12 được tổng hợp từ ngày 01/6 đến ngày 30/11 năm báo cáo.

Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) tổng hợp, rà soát, đánh giá, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung và khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin. Định kỳ ngày 10/01, ngày 10/07 hàng năm (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán giá cơ sở. Trường hợp có biến động đột biến về chi phí do yếu tố khách quan (tăng hoặc giảm), trên cơ sở đề xuất của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc điều chỉnh khoản chi phí này cho phù hợp.

Tại Điều 7 của Thông tư cũng đã quy định khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức bao gồm: Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu) để tính giá cơ sở theo mức tối đa. Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức được xác định trên cơ sở báo cáo chi phí thực tế phát sinh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong đó: Các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa bao gồm chi phí bán buôn, bán lẻ; riêng các loại dầu madút là chi phí bán buôn; sản lượng xăng dầu đưa vào tính toán là sản lượng kg, lít thực tế tiêu thụ trong nước trong kỳ báo cáo.

Trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi các báo cáo chuyên đề về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước): Báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu; báo cáo về chi phí thù lao kinh doanh xăng dầu dành cho đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, khách hàng khác (nếu có); báo cáo sản lượng xăng dầu nhập mua, xuất bán, tồn kho chi tiết từng chủng loại xăng dầu.

Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) tổng hợp, rà soát, đánh giá, trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu báo cáo bổ sung và khảo sát thực tế để nắm bắt thêm thông tin. Định kỳ trước ngày 01 tháng 07 hàng năm, Bộ Tài chính thông báo chi phí kinh doanh định mức để Bộ Công Thương áp dụng, tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có), Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Tại Điều 8 của Thông tư cũng đã xác định tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; tỷ lệ thể tích xăng không chì, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học: Tỷ giá ngoại tệ để quy đổi giá xăng dầu thế giới trong công thức giá cơ sở là tỷ giá ngoại tệ bán ra cuối ngày của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, tính bình quân theo số ngày có giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế giữa hai kỳ công bố giá cơ sở; tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì, tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học tại Thông tư này là tỷ lệ cao nhất được phép pha trộn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với từng chủng loại xăng sinh học; tỷ lệ pha trộn thực tế nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Việc xác định giá Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học được quy định cụ thể tại Điều 9 của Thông tư đó là: Etanol nhiên liệu để tính giá cơ sở xăng sinh học quy định tại Thông tư này gồm Etanol nhiên liệu không biến tính và Etanol nhiên liệu biến tính (sau đây gọi chung là Etanol). Giá Etanol chỉ có giá trị để tính giá cơ sở, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng các mức giá Etanol trong nước và giá Etanol nhập khẩu.

Giá Etanol trong nước là giá mua Etanol tại nhà máy theo lít thực tế của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua từ nguồn sản xuất trong nước để thực hiện phối trộn xăng sinh học (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng); Sản lượng Etanol trong nước là sản lượng lít thực tế tương ứng mức giá etanol báo cáo; giá Etanol nhập khẩu là giá CIF cộng thuế nhập khẩu (nếu có) tính theo lít thực tế. Sản lượng Etanol nhập khẩu là sản lượng lít thực tế được giám định tại tàu cảng dỡ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong kỳ báo cáo; chu kỳ tính giá Etanol là 01 tháng (trong khoảng thời gian từ ngày 21 tháng trước liền kề đến ngày 20 tháng báo cáo). Giá Etanol bình quân trong tháng báo cáo sẽ áp dụng cho kỳ tính giá cơ sở xăng sinh học tháng tiếp theo; trên cơ sở số liệu báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính xác định giá Etanol nhiên liệu và thông báo cho Bộ Công Thương áp dụng tính giá cơ sở xăng sinh học.

Vào ngày 21 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo giá Etanol trong nước, giá Etanol nhập khẩu, sản lượng Etanol mua từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu tương ứng về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước). Trường hợp ngày báo cáo trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định, việc gửi báo cáo được lùi sang ngày làm việc tiếp theo.

Việc xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu cụ thể là: Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu được xác định như sau: Sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là sản lượng xăng dầu bán ra của các nhà máy lọc dầu trong nước (không bao gồm dung môi, nhiên liệu bay; không bao gồm sản lượng xăng dầu tự dùng và xuất khẩu). Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước bằng (=) Sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước chia cho (:) Tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước trong kỳ báo cáo của thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.

Sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu thực hiện như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư này. Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu bằng (=) Sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu chia cho (:) Tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu trong kỳ báo cáo. Thời gian thu thập số liệu thực hiện theo Quý (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý).

Hàng Quý, định kỳ vào ngày 21 tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sản lượng xăng dầu xuất bán chi tiết từng chủng loại từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý. Các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu báo cáo.

Trên cơ sở số liệu cung cấp về sản lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, Bộ Công Thương tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Khoản lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở xăng dầu cũng được Thông tư xác định cụ thể đó là: Khoản lợi nhuận định mức quy định tại Thông tư này chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu; lợi nhuận định mức tối đa được áp dụng trong công thức giá cơ sở là 300 đồng/lít, kg được Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản để điều chỉnh phù hợp với thực tế điều hành xăng dầu. Lợi nhuận thực tế thu được trong kinh doanh xăng dầu phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thông tư số 104/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02 tháng 01 năm 2022.

Sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

Thông tư số 17/2021/TT-BCT ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau: "1. Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) và Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 95/2021/NĐ-CP).”

Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2 như sau: a) Sửa đổi khoản 3 và khoản 4 như sau: “3. Bên bán xăng dầu: a) Là thương nhân đầu mối hoặc doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy sản xuất xăng dầu (trong trường hợp nhà máy sản xuất không trực tiếp bán xăng dầu thành phẩm) bán cho thương nhân đầu mối khác hoặc cho thương nhân phân phối xăng dầu; b) Là thương nhân phân phối xăng dầu bán xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc bán xăng dầu cho đơn vị sản xuất sử dụng xăng dầu trực tiếp.”

“4. Bên mua xăng dầu: a) Là thương nhân đầu mối mua xăng dầu của thương nhân đầu mối khác; b) Là thương nhân phân phối xăng dầu mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối hoặc của thương nhân phân phối xăng dầu khác; c) Là đơn vị sử dụng xăng dầu trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất.”

b) Bổ sung khoản 8 như sau: “8. Giá xăng dầu thế giới là giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường Singapore của hãng tin S&P Global Platt hoặc hãng tin khác có uy tín và chất lượng tương đương công bố.”

Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau: “Điều 6. Kiểm tra và cấp Giấy xác nhận, Giấy chứng nhận

1. Thương nhân có nhu cầu cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu; Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Bộ Công Thương, Sở Công Thương qua đường công văn hoặc qua mạng điện tử theo địa chỉ do Bộ Công Thương, Sở Công Thương thông báo trên trang thông tin điện tử.

2. Thủ tục hành chính do Bộ Công Thương thực hiện: a) Đối với thủ tục hành chính cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; b) Đối với thủ tục hành chính cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; c) Đối với thủ tục hành chính cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; d) Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế phù hợp với hồ sơ đề nghị của thương nhân, Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ; Mẫu số 6, Mẫu số 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP .

3. Thủ tục hành chính do Sở Công Thương thực hiện: a) Đối với thủ tục hành chính cấp mới, cấp bổ sung, sửa đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn một (01) tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương) thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; b) Đối với thủ tục hành chính cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; c) Đối với thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; d) Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế phù hợp với hồ sơ đề nghị của thương nhân, Sở Công Thương cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 4, Mẫu số 8, Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP .”

4. Bổ sung Điều 6a sau Điều 6 như sau: “Điều 6a. Điều hành giá xăng dầu:  1. Các mặt hàng xăng dầu nhà nước công bố giá cơ sở là những mặt hàng xăng, dầu được tiêu dùng phổ biến trên thị trường gồm xăng sinh học, xăng khoáng, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút. Bộ Công Thương xác định từng mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng nhiều nhất thuộc các nhóm mặt hàng xăng sinh học, xăng khoáng, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút để thực hiện công bố giá cơ sở; 2. Báo cáo lượng xăng dầu sản xuất trong nước: Định kỳ, trước ngày 29 của tháng cuối Quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu báo cáo sản lượng bán xăng dầu trong nước theo từng chủng loại theo Mẫu số 7a tại Phụ lục kèm theo Thông tư này trong kỳ từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của Quý đến ngày 20 tháng cuối Quý về Bộ Công Thương để tổng hợp tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7 như sau: “7. Bán buôn xăng dầu cho đơn vị sản xuất, tiêu dùng trực tiếp;

Công ty con của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Luật Doanh nghiệp được thực hiện các công việc theo nội dung ủy quyền của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, bao gồm: a) Ký hợp đồng bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác và bán xăng dầu cho đơn vị sản xuất, tiêu dùng trực tiếp; b) Ký hợp đồng bán xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu; c) Ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu; d) Ký hợp đồng giao đại lý.”

6. Bổ sung Điều 11a như sau: “Điều 11a. Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ: 1. Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ là thiết bị bao gồm đồng hồ đo xăng dầu và thùng chứa xăng, dầu có sức chứa tĩnh tại nhiệt độ thực tế không quá 200 lít/thiết bị; 2. Địa bàn được phép hoạt động của thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ là những địa bàn thuộc các huyện theo danh mục kèm theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định này.”

7. Sửa đổi Điều 12 như sau: “Điều 12. Đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm: 1. Trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi một (01) bộ hồ sơ đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của năm kế tiếp theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước); 2. Trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của thương nhân, căn cứ nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế quốc dân và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; 3. Trường hợp không phân giao hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; 4. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, thương nhân gửi công văn về Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 9 hàng năm; 5. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước theo quy định hoặc theo văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương trong trường hợp Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 như sau: “4. Việc xuất khẩu xăng dầu của thương nhân sản xuất xăng dầu thực hiện theo kế hoạch (hoặc kế hoạch điều chỉnh) đã được Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) xác nhận theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 14 như sau: “3. Thời gian xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu giữ tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương hoặc các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.”; “4. Thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu và nguyên liệu theo lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập trừ đi lượng hao hụt không cao hơn lượng hao hụt theo định mức trong quá trình tiếp nhận và tồn chứa.”.

10. Bổ sung điểm c khoản 3 Điều 16 như sau: “c) Trường hợp thương nhân sản xuất xăng dầu gặp sự cố bất khả kháng dẫn tới gián đoạn hoạt động sản xuất, không bảo đảm được việc giao hàng cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, thương nhân sản xuất xăng dầu hoặc doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nhà máy sản xuất xăng dầu (trong trường hợp nhà máy sản xuất không trực tiếp bán xăng dầu thành phẩm) được nhập khẩu xăng dầu thành phẩm để bảo đảm thực hiện các hợp đồng bán xăng dầu đã ký sau khi đăng ký với Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) theo thủ tục quy định tại điểm b khoản này.”

Điểm đáng chú ý khác đó là việc thay thế, bãi bỏ một số nội dung được quy định cụ thể tại Điều 2 của Thông tư như sau: Thay thế một số cụm từ tại Thông tư số 38/2014/NĐ-CP như sau: Thay thế cụm từ “thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu” bằng cụm từ “thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”; thay thế cụm từ “Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu” bằng cụm từ “Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.”; thay thế cụm từ “thương nhân sản xuất xăng dầu” bằng cụm từ “thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu”.

Bãi bỏ một số nội dung tại Thông tư số 38/2014/TT-BCT và Thông tư số 28/2017/TT-BCT ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh đánh giá sự phù hợp, xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như sau: Bãi bỏ khoản 2 Điều 3 và khoản 10 Điều 7 của Thông tư số 38/2014/TT-BCT; b) Bãi bỏ Điều 1 của Thông tư số 28/2017/TT-BCT ngày 08/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh đánh giá sự phù hợp, xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Thông tư số 17/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 02 tháng 01 năm 2022.

Hướng dẫn phương pháp trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu

Thông tư 103/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi chung là Nghị định số 95/2021/NĐ-CP). Áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP .

Theo đó, Thông tư xác định việc lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu trên cơ sở các nội dung cơ bản đoa là: Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP , Thông tư này và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản; thực hiện các nghiệp vụ trích lập, chi sử dụng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu; công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xã hội. Trường hợp có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu lớn hơn ba trăm tỷ đồng (300 tỷ đồng), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được mở thêm tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng khác.

Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương và hướng dẫn tại Thông tư này; Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đúng mục đích theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư này; không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Về nguyên tắc hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.

Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện một lần đối với một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra đầu tiên tính trên một lít, kg xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định. Khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian thực hiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa theo quy định.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP , trường hợp tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng bảy nghìn tỷ đồng (≥ 7.000 tỷ đồng), Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là ba trăm đồng/lít (300 đồng/lít) đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và ba trăm đồng/kg (300 đồng/kg) đối với các loại dầu madút ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.

Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại khoản 1 Điều này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu như sau: Điều chỉnh giảm mức trích lập hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên năm phần trăm (>5%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trường hợp cần thiết, điều chỉnh tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn mức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố giảm trên năm phần trăm (>5%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm công bố giá cơ sở xăng dầu; Bộ Công Thương căn cứ số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu, diễn biến giá cơ sở xăng dầu và ý kiến của Bộ Tài chính để quyết định mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường; Trường hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương quyết định để áp dụng.

Tổng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được xác định bằng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhân (x) với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Về phương thức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá xăng dầu quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế và số dư Quỹ bình ổn giá tại thời điểm điều hành giá xăng dầu như sau: Không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng dưới bảy phần trăm (<7%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng từ bảy phần trăm (≥ 7%) đến mười phần trăm (≤10%) so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường; Trường hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương quyết định để áp dụng; trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bô tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Tổng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được xác định bằng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhân (x) với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thông tư số 103/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02 tháng 01 năm 2022.

Thanh tâm (Biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn