Truy cập nội dung luôn

Một số chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/5/2021

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; Quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại các cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội... là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2021.

 

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá

Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.

Theo đó, Nghị định bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng các yêu cầu sau: Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 hoặc điểm c khoản 4 hoặc điểm c khoản 5 Điều 39 Luật giá 2012; có ít nhất 03 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá; không là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 01 năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận này.

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung quy định giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá. Khi phát sinh tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo các hình thức sau: Thương lượng, hòa giải trên cơ sở những cam kết đã ghi trong hợp đồng thẩm định giá; giải quyết bằng trọng tài thương mại; khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 12/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Nghị định số 19/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03/4/2014 của Chính phủ.

Nghị định sửa đổi phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ như sau: Tài trợ không hoàn lại toàn bộ hoặc một phần chi phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm: Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ; nghiên cứu sau tiến sỹ; thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam và các hội thảo nghiên cứu cơ bản chuyên ngành trong nước (theo chuỗi hội thảo hằng năm hoặc cách năm); tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế; công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng; khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ; nhà khoa học xuất sắc nước ngoài đến Việt Nam trao đổi học thuật ngắn hạn; nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới; thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ.

Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định tại khoản 3 Điều này được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.

Nghị định số 19/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại các cảng cạn ICD Mỹ Đình, thành phố Hà Nội

Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg ngày 02/3/2021 quy định về việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên, thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định, hàng hóa nhập khẩu được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cảng biển được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình và cảng cạn Long Biên để làm thủ tục hải quan là hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ), trừ hàng hóa là tàu bay, du thuyền; xăng các loại; tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo Danh mục do Bộ Công Thương quy định; phế liệu theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Ngoài ra, Quyết định sửa đổi, bổ sung “Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng cạn ICD Mỹ Đình và doanh nghiệp kinh doanh cảng cạn Long Biên” cụ thể là:

Chỉ cho phép đưa ra khỏi khu vực cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên các lô hàng đã được cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản hoặc địa điểm kiểm tra chuyên ngành theo đúng quy định của pháp luật; kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với cơ quan hải quan để quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hoặc lưu giữ trong cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên; định kỳ hàng tháng báo cáo với cơ quan hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi và vận chuyển đến về tình hình hàng hóa đã được chuyển cửa khẩu về cảng cạn ICD Mỹ Đình, cảng cạn Long Biên.

Quyết định số 07/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân

Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 quy định quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra và trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân.

Theo đó, đối với việc ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân quy định cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân phải làm những việc sau đây: Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.

Tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân không được làm những việc sau đây: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.

Đối với việc ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo quy định cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải làm những việc sau đây: Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan; hướng dẫn, giúp người khiếu nại, tố cáo hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật; tham mưu giải quyết thấu đáo theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, công khai quy trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quy trình thủ tục hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các đề nghị của tổ chức và cá nhân được giải quyết đúng pháp luật; khi xác minh, kết luận, kiến nghị phải thận trọng, khách quan; trường hợp hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo có sai sót, chậm, muộn phải nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi theo quy định; nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì báo cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước không được làm những việc sau đây: Có thái độ hách dịch, dọa nạt, gây căng thẳng, khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh, trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý công việc của tổ chức và người dân; từ chối giải quyết các yêu cầu của tổ chức và cá nhân thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của tổ chức và người dân; lợi dụng nhiệm vụ, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi; làm mất, hư hỏng, sai lệch hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo; truy ép hoặc gợi ý cho người khiếu nại, người tố cáo trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích hoặc các thông tin về người tố cáo.

Thông tư số 01/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 ban hành biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và hướng dẫn chi tiết một số vấn đề liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh. Các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Một số điểm đáng chú ý của Thông tư đó là: Chuyển đổi dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan đăng ký đầu tư chịu trách nhiệm chuyển đổi thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp từ hồ sơ, dữ liệu lưu trữ tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thông tin được bổ sung vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải trùng khớp so với thông tin gốc tại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp.

Số hóa và lưu trữ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm số hóa, đặt tên văn bản điện tử tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với hồ sơ được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh và lưu trữ đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp đăng ký doanh nghiệp; đối với những hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa được số hóa trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Phòng Đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm số hóa, đặt tên văn bản điện tử tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và lưu trữ đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về chất lượng số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Chuẩn hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Trên cơ sở thông tin đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo về việc rà soát thông tin đăng ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đến doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp đối chiếu, bổ sung, cập nhật thông tin và phản hồi tới Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin phản hồi tới Phòng Đăng ký kinh doanh; phòng Đăng ký kinh doanh chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác xây dựng kế hoạch triển khai và kế hoạch ngân sách hàng năm phục vụ công tác chuẩn hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý.

Cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp: Tổ chức, cá nhân có thể đề nghị để được cung cấp thông tin quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) hoặc tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải trả phí theo quy định; Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cung cấp thông tin của tất cả các doanh nghiệp lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cung cấp thông tin về doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý. Mức phí cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Thông tư ban hành kèm theo 99 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, đơn cử như: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-1); Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật (Phụ lục II-2); Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-7); Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-24); Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1);...

Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.


 

Phòng Dịch vụ HCC (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn