Truy cập nội dung luôn

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12 năm 2020

Nhiều chính sách mới được ban hành và có hiệu lực trong tháng 12/2020 như: 10 trường hợp người nộp thuế bị công khai thông tin; Hướng dẫn chi cho phòng, chống thiên tai; Chế độ, chính sách đối với phạm nhân…

1. 10 trường hợp người nộp thuế bị công khai thông tin

Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo đó, quy định Cơ quan quản lý thuế công khai thông tin về người nộp thuế trong các trường hợp sau đây:

 (1) Trốn thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, vị phạm pháp luật về thuế rồi bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh.

(2) Không nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

(3) Ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

(4) Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân khác.

(5) Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật như: Từ chối không cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

(6) Chống, ngăn cản công chức thuế, công chức hải quan thi hành công vụ.

(7) Quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước hoặc hết thời hạn chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà người nộp thuế hoặc người bảo lãnh không tự nguyện chấp hành.

(8) Cá nhân, tổ chức không chấp hành các quyết định hành chính về quản lý thuế mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

(9) Phát hành, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

(10) Các thông tin khác được công khai theo quy định của pháp luật.

Nội dung và hình thức công khai thông tin người nộp thuế

- Nội dung, thông tin bị công khai gồm:

+ Mã số thuế, tên người nộp thuế, địa chỉ, lý do công khai.

+ Tùy theo từng trường hợp cụ thể cơ quan quản lý thuế có thể công khai chi tiết thêm một số thông tin liên quan của người nộp thuế.

- Hình thức công khai:

+ Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế, trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế các cấp;

+ Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;

+ Niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý thuế;

+ Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan quản lý thuế các cấp theo quy định của pháp luật;

+ Các hình thức công khai khác theo các quy định có liên quan.

Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020.

2. Hướng dẫn chi cho phòng, chống thiên tai

Thông tư 85/2020/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Theo đó, ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổ giúp việc của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ban Chỉ huy cấp bộ, Văn phòng thường trực hoặc cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp bộ.

Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, xã và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của cơ quan được giao nhiệm vụ Ban Chỉ huy, bộ phận làm nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện, bộ phận thường trực của Ban Chỉ huy cấp xã.

Nội dung chi bao gồm: Thuê, mua sắm, sửa chữa tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện thiết yếu và chuyên dùng phục vụ công tác ứng phó, chỉ đạo, điều hành, giám sát, kiểm tra hiện trường của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Tiền lương làm thêm giờ theo quy định của Luật Lao động, công tác phí và các chế độ chính sách có liên quan cho cán bộ tham gia công tác trực ban, họp điều hành ứng phó và tham gia các đoàn công tác tiền phương khi có tình huống thiên tai. Chi phí quản lý vận hành hệ thống, thuê dịch vụ công trong cung cấp, truyền tải thông tin phục vụ phòng, chống thiên tai (hệ thống quan trắc, cảnh báo chuyên dùng, hệ thống theo dõi, giám sát tại các công trình, trọng điểm phòng, chống thiên tai...).

Mức chi tiền lương làm thêm giờ: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai;

Chi quản lý vận hành hệ thống: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Mức chi thanh toán cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/12/2020.

3. Chế độ, chính sách đối với phạm nhân

Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Trong đó, Nghị định quy định rõ chế độ, chính sách đối với phạm nhân.

Theo quy định, phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt lợn; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù họp với thực tế để phạm nhân có thể ăn hết tiêu chuẩn.

Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căn-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

Chế độ chăm sóc y tế

Về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân, Nghị định quy định phạm nhân khi đến cơ sở giam giữ được y tế của cơ sở giam giữ tổ chức khám, lập phiếu theo dõi sức khỏe. Trong thời gian phạm nhân chấp hành án phạt tù, cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ vào điều kiện, thời gian chấp hành án phạt tù của phạm nhân và tình hình cụ thể của mình phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện hoặc bệnh viện Công an, bệnh viện Quân đội nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho phạm nhân định kỳ ít nhất 02 năm/lần.

Phạm nhân khi đến cơ sở giam giữ, bị bệnh, bị thương tích được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ phạm nhân. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu để điều trị. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý) xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo; đồng thời phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ phạm nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.

Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho phạm nhân được cấp tương đương 3 kg gạo tẻ/phạm nhân/tháng.

Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con nhỏ

Nghị định cũng quy định cụ thể chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam.

Cụ thể, phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định trên và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ; phạm nhân nữ sinh con trong trại giam được cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 01 tháng định lượng ăn của trẻ em là con phạm nhân. Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được hưởng như đối với trẻ em dưới 04 tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành; ngày Lễ, Tết theo quy định của pháp luật trẻ em được hưởng chế độ ăn bằng 05 lần ngày thường, ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1/6 dương lịch), tết Trung thu (ngày 15/8 âm lịch) được hưởng chế độ ăn bằng 02 lần ngày thường. Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ/trẻ em. Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký để mẹ trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể  từ ngày 25/12/2020.


thainguyen.gov.vn