Truy cập nội dung luôn

Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/9/2021

Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành; sửa đổi, bổ sung một số điều quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công… là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 quy định chi tiết về việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc diện quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở, bao gồm: việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, việc lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho người được tái định cư; quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc di dời, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và một số cơ chế trong việc thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; việc cưỡng chế phá dỡ, giải phóng mặt bằng đối với nhà chung cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Trong đó, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm:

Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật;

Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây: Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau: hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị;

Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở.

Những điểm quan trọng khác của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP đó chính là:

Nghị định 69 đã đưa ra các cơ chế, chính sách quan trọng để các địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng trong triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trước đây, cụ thể là:

Đưa ra một số nguyên tắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó coi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư là dự án tái định cư để áp dụng quy định về thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai, gắn với chỉnh trang đô thị.

Cho phép các chủ đầu tư được phân kỳ đầu tư để thực hiện dự án khu chung cư; xác định dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không phải là dự án nhà ở thương mại để không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội. Nghị định cũng quy định cụ thể phạm vi ranh giới dự án để có cơ sở xây dựng phương án bồi thường, tái định cư.

Đặc biệt, Nghị định đã đưa ra chế tài chấm dứt thực hiện dự án để khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện dự án.

Nghị định 69 cũng xác định rõ đối tượng nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, đó là: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ; nhà chung cư hư hỏng chưa thuộc diện phá dỡ nhưng nằm trong khu chung cư có nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo xây dựng lại và nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền phải phá dỡ.

Đối với nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền phải phá dỡ, Nghị định 69 quy định 2 trường hợp. Thứ nhất, nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng.

Thứ hai, nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có yếu tố về hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng.

Đáng chú ý, Nghị định 69 cũng giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của khu vực nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại thay vì để chủ đầu tư thực hiện lập như quy định trước đây để bảo đảm tính khả thi, thống nhất

Nghị định 69 cũng đã cơ bản giải quyết những “nút thắt” trong quy định về phương án bồi thường với những quy định cụ thể, rõ ràng. Theo đó, quy định hệ số k bồi thường từ 1-2 lần diện tích cũ và giao cho địa phương căn cứ vào từng khu vực dự án để xác định hệ số k.

Đồng thời, cho phép các hộ tầng 1 có dành diện tích kinh doanh được mua thêm một phần diện tích sàn kinh doanh dịch vụ trong dự án theo quy hoạch và thiết kế được duyệt để bảo đảm có thu nhập sau này.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức bồi thường đối với nhà ở, đất ở riêng lẻ hoặc trụ sở làm việc; quy định cơ chế bồi thường đối với diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước, việc xử lý đối với diện tích đất thuộc công sản nằm xen kẹt trong khu chung cư để bảo đảm sự thống nhất với pháp luật đất đai hiện hành.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, trong quy định cơ chế về đất đai tại Nghị định 69 cũng đã quy định trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nghị định 69 cũng xác định trách nhiệm cụ thể của chính quyền trong việc giải quyết chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, việc giải phóng mặt bằng, cưỡng chế di dời để phá dỡ nhà chung cư.

Nghị định số 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành

Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-KTNN ngày 20/8/2021 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Theo đó, sẽ có 07 văn bản quy phạm pháp luật sẽ bị bãi bỏ toàn bộ văn bản đó là:

Quyết định số 02/2017/QĐ-KTNN ngày 13/3/2017của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định số 04/2017/QĐ-KTNN ngày 31/3/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán ngân sách trung ương (bộ, ngành) của Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 05/2017/QĐ-KTNN ngày 04/4/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 06/2017/QĐ-KTNN ngày 12/6/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán ngân sách địa phương của Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 07/2017/QĐ-KTNN ngày 20/6/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 10/2017/QĐ-KTNN ngày 21/11/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán doanh nghiệp; Quyết định số 11/2017/QĐ-KTNN ngày 21/11/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy trình kiểm toán các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Quyết định số 02/2021/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Trong đó, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo quy định mới, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án và ban hành quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất có nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất từ 500 tỷ đồng trở lên tính trên một cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và ý kiến của Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi có nhà, đất bán.

Nghị định số 67/2021/NĐ-CP bổ sung quy định: Nguyên giá tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất để xác định thẩm quyền quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp lập báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất

Nghị định số 67/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò

Thông tư số 04/2021/TT-BCT ngày 16/7/2021 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc trong hầm lò. Áp dụng đối với: Người sử dụng lao động là tổ chức, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản bằng phương pháp hầm lò; người lao động làm việc trong hầm lò tại các công trình khai thác mỏ hầm lò. Thông tư số 04/2021/TT-BCT không áp dụng đối với người lao động làm việc tại các mỏ hầm lò nhưng không làm các công việc trong hầm lò.

Theo đó, Thông tư quy định thời giờ làm việc như sau: Ca làm việc của người lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày; thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 42 giờ trong 01 tuần.

Làm thêm giờ: Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài ca làm việc quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này; bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm; việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ; việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động.

Nghỉ trong giờ làm việc: Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động.

Nghỉ chuyển ca; nghỉ hằng tuần; nghỉ Lễ, Tết; nghỉ hàng năm; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: Tuân thủ theo quy định tại Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 115 Bộ luật Lao động.

Thông tư số 04/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên

Thông tư số 56/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 áp dụng với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện được quy định cụ thể tại Thông tư như sau: Kinh phí chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn thu hoạt động của các cơ sở giáo dục, bao gồm nguồn tài chính hợp pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định của pháp luật; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật của các cơ sở giáo dục; các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ; việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí để kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chi hoạt động tự đánh giá cũng được cụ thể hóa tại Thông tư như sau:

Cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để chi cho hoạt động tự đánh giá, cụ thể như sau:

Chi thuê chuyên gia tư vấn: Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thực hiện tự đánh giá theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp cần thiết, Hội đồng tự đánh giá đề nghị Hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi tắt là Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục) quyết định việc thuê chuyên gia tư vấn (trong và ngoài nước) để giúp Hội đồng tự đánh giá triển khai việc tự đánh giá (kèm theo tiêu chuẩn, tiêu chí đối với chuyên gia tư vấn phù hợp yêu cầu công việc và có yêu cầu cụ thể về công việc chuyên gia cần thực hiện, cam kết hiệu quả công việc tương xứng mức thù lao theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Chi phí thuê chuyên gia tư vấn (nếu có) thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên nhưng phải phù hợp với khả năng kinh phí của cơ sở giáo dục và tuân theo các quy định hiện hành về tài chính của Nhà nước.

Chi in ấn và văn phòng phẩm: Thực hiện theo thực tế phát sinh trên nguyên tắc tiết kiệm, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Chi xây dựng phương án điều tra, thu thập thông tin, minh chứng; xử lý, phân tích kết quả thu thập thông tin, minh chứng; viết phiếu đánh giá tiêu chí; xây dựng và hoàn thiện báo cáo tự đánh giá: áp dụng theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia, tối đa không quá 10.000.000 đồng/kết quả tự đánh giá hoàn chỉnh. Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động tự đánh giá, Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở giáo dục quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị về mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên thực hiện tự đánh giá phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của quá trình tự đánh giá, trong đó chi xây dựng và hoàn thiện báo cáo tự đánh giá khoán theo sản phẩm cuối cùng không quá 2.000.000 đồng/báo cáo.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động tự đánh giá. Nội dung chi và mức chi cho hoạt động tự đánh giá theo quy định của cơ sở giáo dục.

Chi hoạt động đánh giá ngoài cũng được quy định cụ thể. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục thực hiện nhiệm vụ đánh giá ngoài sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để chi cho hoạt động đánh giá ngoài, cụ thể như sau:

Chi hội nghị, hội thảo; chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Các khoản chi tiền công cho thành viên đoàn đánh giá ngoài: Căn cứ khả năng kinh phí thực hiện hoạt động đánh giá ngoài, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định mức chi tiền công cụ thể cho các thành viên đoàn đánh giá ngoài (trưởng đoàn, thư ký, thành viên) phù hợp với vai trò của từng thành viên trong việc thực hiện các nhiệm vụ đánh giá ngoài và thực tế tại địa phương, cụ thể:  Chi tiền công nghiên cứu hồ sơ đánh giá, viết báo cáo sơ bộ: Tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/báo cáo; chi tiền công trong thời gian làm việc tập trung nghiên cứu hồ sơ đánh giá: Tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày; chi tiền công trong thời gian thực hiện khảo sát chính thức tại cơ sở giáo dục: Tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày.

Chi xây dựng và hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài: Mức chi khoán theo sản phẩm cuối cùng không quá 2.000.000 đồng/báo cáo.

Chi in ấn và văn phòng phẩm; chi in và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục, bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia: Thực hiện theo thực tế phát sinh trên nguyên tắc tiết kiệm, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 56/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Thanh Tâm (Biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn