Truy cập nội dung luôn

Các chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2021

Quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ… là các chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng

Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10/6/2021 quy định về điều kiện, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng (gọi tắt là Giấy chứng nhận); hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng và quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan. Hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Áp dụng đối với: Công ty thông tin tín dụng; tổ chức tham gia; khách hàng vay; tổ chức và cá nhân khác liên quan.

Theo Nghị định, nguyên tắc hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng được quy định với các nguyên tắc sau:

Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận; hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo tính trung thực, khách quan và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan; các thỏa thuận, cam kết trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quy định tại Nghị định này phải được lập bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản theo quy định của pháp luật; công ty thông tin tín dụng chỉ được thu thập thông tin tín dụng của khách hàng vay từ các tổ chức tham gia khi khách hàng vay đồng ý cho tổ chức tham gia này cung cấp thông tin tín dụng cho công ty thông tin tín dụng theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

Nguyên tắc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng: Công ty thông tin tín dụng thực hiện cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng theo quy định tại Điều 21 Nghị định này; Công ty thông tin tín dụng chỉ được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thông tin định danh của khách hàng vay cho tổ chức tham gia khác khi khách hàng vay đồng ý cho tổ chức này được sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng do công ty thông tin tín dụng cung cấp theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp tổ chức này được khách hàng vay đồng ý theo quy định tại khoản 4 Điều này; Công ty thông tin tín dụng không được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng có thông tin định danh của khách hàng vay cho tổ chức, cá nhân khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 21 Nghị định này.

Nguyên tắc sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng: Sản phẩm thông tin tín dụng được sử dụng cho mục đích quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định này. Đối tượng sử dụng không được sửa đổi sản phẩm thông tin tín dụng và tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình khi sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng; đối tượng sử dụng không được cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho bên thứ ba, trừ các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định này; việc sao chép, sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng trong nội bộ đối tượng sử dụng là tổ chức phải đảm bảo phù hợp với nội dung thỏa thuận với công ty thông tin tín dụng.

Các hành vi bị cấm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng: Thu thập, cung cấp trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước; cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan; trao đổi thông tin tín dụng, cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng sai đối tượng, sai mục đích, bất hợp pháp; lợi dụng hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoạt động thu thập và sử dụng thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghị định số 58/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/6/2021.

Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định phân loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công cụ thể theo 4 nhóm đơn vị như sau:

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây gọi là đơn vị nhóm 1) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị. Mức tự bảo đảm chi đầu tư được xác định bao gồm các nguồn sau: Số dự kiến trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong năm kế hoạch hoặc của bình quân 05 năm trước liền kề; số thu phí được để lại để chi thường xuyên không giao tự chủ theo quy định.

Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) là đơn vị đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 3) là đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này từ 10% đến dưới 100%, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí và được phân loại như sau:  Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên.

Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 4) gồm: Đơn vị sự nghiệp công có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên xác định theo phương án quy định tại Điều 10 Nghị định này dưới 10%; đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu sự nghiệp.

Điểm đáng chú ý khác của Nghị định đó là việc lập dự toán hàng năm cũng được quy định cụ thể tại Nghị định như sau:

Đối với đơn vị nhóm 1 và nhóm 2: Hằng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện về số lượng, khối lượng dịch vụ; tình hình thu, chi hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và các dịch vụ khác của năm hiện hành; yêu cầu nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ và dự toán thu, chi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên; đối với dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng: Hằng năm căn cứ đơn giá, số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công được đặt hàng theo hướng dẫn của bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị lập dự toán gửi cơ quan quản lý cấp trên.

Đối với đơn vị nhóm 3: Căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán thu, chi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Đối với đơn vị nhóm 4: Căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch, số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chế độ chi tiêu hiện hành, đơn vị lập dự toán thu, chi gửi cơ quan quản lý cấp trên.

Đơn vị sự nghiệp công lập dự toán thu, chi từ nguồn thu phí được để lại chi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí; dự toán chi thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Hằng năm, căn cứ vào dự toán thu, chi do đơn vị sự nghiệp công xây dựng, cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm xem xét, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ quy định chung về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ. Áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Quy chế này là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định chi tiết về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ áp dụng tại cơ sở đào tạo (sau đây gọi là quy chế của cơ sở đào tạo).

Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo những chương trình ở trình độ tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục).

Theo Thông tư, thời gian và hình thức đào tạo được xác định cụ thể là:

Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.

Tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ được quy định cụ thể tại Điều 4 của Thông tư đó là:

Giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ phải đáp ứng những yêu cầu sau: Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và những quy định pháp luật khác có liên quan; có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với các học phần, môn học (sau đây gọi chung là học phần) đảm nhiệm trong chương trình đào tạo; có năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và triển khai những hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm trong chương trình đào tạo tiến sĩ.

Người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng thêm những yêu cầu sau: Có thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ từ 01 năm (12 tháng) trở lên kể từ khi có bằng tiến sĩ; trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ của 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành; đối với giảng viên giảng dạy những chương trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật có thể thay thế yêu cầu tại điểm b khoản này bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do nhà nước trao tặng.

Tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh được quy định tại Điều 5 của Thông tư cụ thể là:

Người hướng dẫn chính, người hướng dẫn phụ và người hướng dẫn độc lập nghiên cứu sinh phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này.

Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm có quyết định công nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, người hướng dẫn chính, người hướng dẫn độc lập, người đồng hướng dẫn khi không phân biệt giữa hướng dẫn chính và hướng dẫn phụ phải có thêm kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới đề tài luận án hướng dẫn, cụ thể như sau:

Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (sau đây gọi chung là danh mục WoS/Scopus) hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 4,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả); hoặc

Là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc của ít nhất 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.

Mỗi nghiên cứu sinh có 01 hoặc 02 người hướng dẫn, trong đó có 01 người là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật; làm việc theo chế độ trọn thời gian tại cơ sở đào tạo với thời hạn của hợp đồng phù hợp với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh.

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia

Thông tư số 05/2021/TT-BVHTTDL ngày 25/6/2021 quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển thể thao quốc gia và đội tuyển trẻ thể thao quốc gia (gọi chung là đội tuyển quốc gia) từng môn thể thao được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.

Áp dụng đối với vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao; trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và đơn vị đào tạo, huấn luyện khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tập huấn, thi đấu thể thao của đội tuyển quốc gia.

Theo đó, việc mua sắm trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao được xác định nguồn kinh phí như sau: Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được mua sắm từ nguồn ngân sách hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nguồn kinh pht khác theo quy định của pháp luật.

Quy định đối với tiêu chuẩn trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao: Tiêu chuẩn trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thể dục, thể thao.

Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao được phân loại như sau: Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao bao gồm: Trang thiết bị tập thể lực chung cho vận động viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao; trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao chung cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao; trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia từng môn thể thao.

Định mức cấp phát trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cũng được quy định tại Điều 6 của Thông tư đó là:  Định mức trang thiết bị tập thể lực chung cho vận động viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao chung cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia các môn thể thao được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia từng môn thể thao được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Về nguyên tắc, chế độ và thời gian cấp phát trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cũng được quy định cụ thể tại Điều 7 của Thông tư như sau:

Việc cấp phát trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia phải căn cứ theo định mức quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên được cấp phát theo định mức quy định tại Phụ lục I, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và được cấp phát mới khi trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao đó thuộc trường hợp được thanh lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao có thời gian sử dụng dưới 01 (một) năm được cấp phát như sau: Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao được cấp phát 01 (một) lần trong năm: cấp phát khi vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao theo quyết định lần thứ nhất trong năm của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao được cấp phát 02 (hai) lần trong năm: Cấp phát lần thứ nhất khi vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao theo quyết định lần thứ nhất trong năm của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao; cấp phát lần thứ hai khi vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao với tổng thời gian tập trung tập huấn trong năm từ 183 (một trăm tám mươi ba) ngày trở lên.

Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao sử dụng và tiêu hao trong tháng được cấp phát hàng tháng cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao;

Trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao sử dụng và tiêu hao trong ngày được cấp phát hàng ngày cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia được tập trung tập huấn, thi đấu thể thao.

Thông tư số 05/2021/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành

Thông tư số 05/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng ban hành bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành.

Theo đó, Thông tư bãi bỏ toàn bộ đối với 37 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có 21 Thông tư, 15 Quyết định và 01 Chỉ thị:

Thông tư số 07/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình;

Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD ngày 10/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thùng thư bưu chính, hệ thống cáp điện thoại cố định và hệ thống cáp truyền hình trong các tòa nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng;

Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA ngày 07/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng;

Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;

Thông tư số 03/2008/TT-BXD ngày 25/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình;

Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng;

Thông tư số 17/2008/TT-BXD ngày 02/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thủy điện theo cơ chế 797 - 400;

Thông tư số 05/2009/TT-BXD ngày 15/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình;

Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng;

Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ;

Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

Thông tư số 04/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng;

Thông tư số 13/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng;

Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam;

Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng;

Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD ngày 22/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;

Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình;

Thông tư số 24/2016/TT-BXD ngày 01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Thông tư số 08/2018/TT-BXD ngày 05/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam;

Thông tư số 08/2019/TT-BXD ngày 11/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về giám sát, quản lý chất lượng các công trình được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư;

Quyết định số 378/1998/QĐ-BXD ngày 10/6/1998 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phân công, phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ;

Quyết định số 15/1999/QĐ-BXD ngày 05/5/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng;

Quyết định số 23/1999/QĐ-BXD ngày 24/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt phương án thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần;

Quyết định số 29/2000/QĐ-BXD ngày 25/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành “Định mức dự toán công tác sửa chữa trong xây dựng cơ bản”;

Quyết định số 19/2000/QĐ-BXD ngày 09/10/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức dự toán xây dựng cơ bản các công trình trên biển và hải đảo;

Quyết định số 21/2001/QĐ-BXD ngày 17/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành “Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban chuyên ngành và Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ngành xây dựng”;

Quyết định số 25/2001/QĐ-BXD ngày 04/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành “Quy chế lập, xét duyệt và ban hành các văn bản thuộc hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam”;

Quyết định số 18/2002/QĐ-BXD ngày 02/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức dự toán xây dựng cơ bản các công trình trên biển và hải đảo phần Điện - Nước - Thông tin;

Quyết định số 33/2002/QĐ-BXD ngày 28/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành tạm thời về việc “Xét tặng các danh hiệu thi đua hàng năm cho các đơn vị trong toàn ngành Xây dựng bằng phương pháp chấm điểm”;

Quyết định số 13/2003/QĐ-BXD ngày 30/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành “Đơn giá tổng hợp công trình xây dựng Nhà máy xi măng Hải Phòng (mới)”;

Quyết định số 22/2003/QĐ-BXD ngày 11/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế quản lý thu, nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư do Bộ Xây dựng thực hiện;

Quyết định số 25/2003/QĐ-BXD ngày 24/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định chi tiết về thẩm quyền ký văn bản;

Quyết định số 19/2005/QĐ-BXD ngày 29/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế quản lý, lập và sử dụng tài liệu bí mật Nhà nước;

Quyết định số 38/2005/QĐ-BXD ngày 02/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành “Định mức dự toán duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng”;

Quyết định số 22/2006/QĐ-BXD ngày 08/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế gửi nhận và quản lý khai thác, sử dụng văn bản, giấy tờ hành chính trên mạng tin học của Bộ Xây dựng;

Chỉ thị số 07/2007/CT-BXD ngày 05/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về tăng cường công tác quản lý xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng;

Thông tư quy định bãi bỏ một phần đối với các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

Bãi bỏ mục V Phần 1 và mục I, mục IV Phần II Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Bãi bỏ Điều 2 và Điều 3 Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Bãi bỏ Chương III, Khoản 2 Điều 28, Phụ lục IV, Phụ lục V và Phụ lục VI kèm theo Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và một số quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Bãi bỏ Điều 1, Khoản 3 Điều 2 và Phụ lục kèm theo Thông tư số 10/2018/TT-BXD ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và một số quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Thông tư số 05/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

 

Thanh Tâm (Biên tập và tổng hợp)
thainguyen.gov.vn