Truy cập nội dung luôn

Xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, toàn diện và có chiều sâu

2023-10-12 09:10:00.0

Được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã nhận được quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển phong trào trên cả bề rộng và chiều sâu, mang tính bền vững.

Chăm sóc đường hoa ở xã Tức Tranh, huyện Phú Lương

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, năm 2022, toàn tỉnh có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Phú Bình được công nhận huyện NTM. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Định Hóa được công nhận NTM. Ông Nguyễn Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm tỉnh đã ban hành và thực hiện các cơ chế chính sách; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đề ra; rà soát, huy động mọi nguồn lực thực hiện, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện sớm việc phân bổ kinh phí, nguồn xi măng và các nguồn vốn của Trung ương cho các địa phương phấn đấu về đích NTM. Đối với các địa phương, đã nỗ lực triển khai các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Đến nay tiến độ thực hiện tương đối tốt, các mục tiêu đặt ra cơ bản đều đạt được, tỉnh đã ra quyết định công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã nâng cao 2 xã kiểu mẫu trước hạn. Đối với 2 đơn vị cấp huyện phấn đấu về đích NTM năm 2023 cũng đạt những kết quả khả quan.

Theo kế hoạch, huyện Đại Từ sẽ phấn đấu về đích NTM vào năm 2024, tuy nhiên sau khi phân tích, đánh giá khả năng thực hiện các tiêu chí, huyện đã quyết tâm về đích NTM năm 2023 (sớm 01 năm so với kế hoạch). Thực hiện quyết tâm chính trị đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch, làm việc với từng địa phương; chỉ đạo các xã thực hiện từng phần việc cụ thể thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận các xã nông thôn mới năm 2023.  Đặc biệt, với việc phát động và triển khai đợt thi đua cao điểm “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới” huyện đã huy động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương với các giải pháp quyết liệt cụ thể và cho thấy những chuyển biến rõ nét.

Cánh đồng lúa ở xã NTM Phú Lạc, huyện Đại Từ

Ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy Đại Từ cho biết: Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định đã hoàn thành mục tiêu, 27 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM; còn 2 xã qua thẩm định đều đạt 98 điểm; 10% số xã NTM nâng cao thì đã có 4 xã đạt, vượt 1 xã. Các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, tổ chức sản xuất, hộ nghèo đều đã vượt. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả này mà mong muốn NTM phải thực chất, để mỗi người dân thực sự cảm nhận được sự đổi thay và hiệu quả do NTM mang lại, đó là sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình, nâng cao thu nhập chứ không phải kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Chính vì thế Đại Từ đang tập trung phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương, phát triển NTM gắn với NTM thông minh, NTM chuyển đổi số, NTM gắn với du lịch…

Còn với huyện Định Hóa, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao, trình độ tổ chức sản xuất còn chậm, việc tạo sinh kế bền vững cho người dân gặp nhiều khó khăn; bên cạnh thực hiện các tiêu chí NTM còn phải thay đổi và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân để cùng chung sức xây dựng NTM. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ mới và khó, do đó huyện đã có những kế hoạch và việc làm cụ thể; tổ chức phát động chương trình chung tay xây dựng NTM đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ, đóng góp trong xây dựng NTM; phát động thực hiện phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" vệ sinh môi trường, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan sạch đẹp.  Đối với một số tiêu chí khó như môi trường và tổ chức sản xuất, huyện đã đề xuất với tỉnh thường xuyên cử cán bộ giúp đánh giá, kiểm tra, định hướng thực hiện. Để hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân, cùng với các giải pháp về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, huyện đã quan tâm quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử hoặc quan tâm đầu tư cho các sản phẩm OCOP.

Với sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ ngành, doanh nghiệp Trung ương, của tỉnh Thái Nguyên và sự đồng thuận của người dân, đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa đã cơ bản hoàn thành từ 80% tiêu chí NTM trở lên. Đối với các tiêu chí chưa đạt, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời hoàn thiện hồ sơ minh chứng, hoàn thành 100% số tiêu chí và hồ sơ vào trung tuần tháng 10.

Thu hái chè ở Tân Cương, TP. Thái Nguyên

Như vậy, tỉnh Thái Nguyên đã có 04 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình; 110/126 xã đạt chuẩn NTM (không bao gồm 9 xã đã lên phường và sáp nhập), đạt 87,3%, cao hơn bình quân chung cả nước (73,24%); 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 90 xóm nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,9 tiêu chí/xã và không có xã dưới 10 tiêu chí.

Khó khăn nhất trong về đích NTM của Thái Nguyên đến thời điểm hiện tại là xã Liên Minh (Võ Nhai) đã đăng ký về đích NTM năm 2023 nhưng khó có khả năng thực hiện. Lý do là bởi đường giao thông liên xã dài 12 km của Liên Minh đã được xác định từ nguồn vốn tài trợ của tổ chức JIKA đến nay chưa được cấp. Đây là khó khăn không chỉ của xã Liên Minh.

Mô hình nuôi bò ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ

Xây dựng NTM cả bề rộng và chiều sâu, mang tính bền vững - muốn đạt được yêu cầu này đòi hỏi nhiều yếu tố trong đó việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân là mục tiêu cao nhất. Để đạt mục tiêu này, theo ông Trần Nho Hưởng thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung vào 4 trụ cột chính là: Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đời sống Nhân dân; phát triển văn hóa nâng cao đời sống tinh thần; xây dựng môi trường trong lành sáng xanh sạch đẹp; đảm bảo tốt an ninh trật tự tốt để người dân yên tâm làm ăn. Ngoài ra muốn phát triển bền vững thì cần có giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí so với mốc tối thiểu của vùng, của quốc gia. Muốn vậy việc xây dựng NTM phải thực hiện thường xuyên, liên tục, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong vai trò chủ thể của Nhân dân phải được phát huy cao nhất. Đây cũng là chủ trương, là định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thu Hà
thainguyen.gov.vn