Truy cập nội dung luôn

Xây dựng nông thôn mới ở Phú Lương: Nâng cao đời sống cho người dân là cốt lõi

2024-04-11 14:35:00.0

Phú Lương đã đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới (NTM), sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, địa phương đã tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện các tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đến mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân.

Mô hình trồng dây thìa canh tại xã Yên Ninh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Yên Ninh là xã miền núi, từng thuộc nhóm địa phương khó khăn nhất trên địa bàn huyện Phú Lương. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện mạo nông thôn của xã đã có sự thay đổi mạnh mẽ, với hệ thống đường giao thông, kênh mương thủy lợi, các thiết chế về văn hóa, cơ sở hạ tầng về giáo dục, y tế… được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, là mức sống của người dân không ngừng được cải thiện. Tính riêng trong năm 2023, xã có 41 hộ được xét ra khỏi diện nghèo và cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hiện tại chỉ còn 3,33%. Ông Nông Văn Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi trong tiến trình xây dựng NTM, nên chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trọng tâm là lồng ghép các chương trình, dự án để tạo sinh kế, giúp người dân có vốn và biết cách sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả. Cùng với đó là quan tâm phát triển hạ tầng nông thôn, làm tiền đề thuận lợi cho người dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập.

Xét chung trên địa bàn huyện, đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Phú Lương chỉ còn 5,56%; thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện NTM (năm 2011). Để nâng cao đời sống cho người dân, huyện đã lồng ghép, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giá trị kinh tế của cây chè mang lại trong năm 2023 trên toàn huyện Phú Lương là gần 1.300 tỷ đồng. (Trong ảnh: Vùng chè VietGap xã Tức Tranh)

Xác định nông nghiệp là một trụ đỡ phát triển, Phú Lương tập trung phát triển cây trồng thế mạnh là chè, với các vùng sản xuất tập trung tại Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc, Phú Đô. Hiện, diện tích chè của toàn huyện là trên 4.100 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận VietGAP đạt 1.127 ha. Giá trị kinh tế của cây chè mang lại trong năm 2023 là gần 1.300 tỷ đồng; doanh thu bình quân ước đạt 310 - 330 triệu đồng/ha. Để đạt được kết quả này, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn của huyện đã quan tâm hỗ trợ người dân máy móc, hệ thống tưới phun tự động, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đóng gói sản phẩm chè tại Hợp tác xã Chè Hoan Xuyến, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh

Cùng với đó là duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Lương” và nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè tham gia các hoạt động quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Bà Tống Thị Xuyến, Trưởng xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh cho biết: Nhờ các chương trình hỗ trợ, bà con nông dân Trung Thành 2 đã chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng và sản xuất chè theo hướng an toàn. Hiện, toàn xóm có 15 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP trong tổng số 30 ha. Việc xây dựng thương hiệu và đa dạng các kênh quảng bá, bán hàng đã giúp giá trị kinh tế từ cây chè ngày càng tăng. Xóm cũng đang trong lộ trình xây dựng NTM, đời sống của người dân trong xóm được nâng cao từng ngày.

Diện tích gieo cấy nếp vải đạt 180 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 76 ha. (Trong ảnh: Vùng nếp vải xã Ôn Lương)

Cùng với cây chè, Phú Lương cũng xác định các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực khác là: Gạo nếp vải; thịt lợn, thịt gà và trứng gà; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Thực hiện Đề án về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay địa phương đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng chú ý, toàn huyện đã có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, 17 sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, tổng đàn lợn trên địa bàn đạt trên 45,3 nghìn con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt trên 1,5 triệu con; diện tích gieo cấy nếp vải đạt 180 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 76 ha. Từ gạo nếp vải, bà con đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng, giúp nâng cao giá trị kinh tế như: Cốm, cơm cháy, bánh chưng…

Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương trao trâu giống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho các hộ dân xã Phủ Lý

Đến thời điểm này, Phú Lương đã có 13/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương nhấn mạnh: Phú Lương xác định 4 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM, là: Tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng môi trường nông thôn quang đãng, sạch đẹp, thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng ngày càng hữu dụng; lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa, kết nối sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa là động lực của sự phát triển và NTM không phải lấy thành tích, mà tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tất cả đều hướng tới chủ thể cốt lõi là người dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn