Truy cập nội dung luôn

Từ ATK Định Hóa đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tue Apr 30 02:53:00 GMT+07:00 2024

Từ ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng tại đây, đã diễn ra trận đánh giả định cứ điểm Điện Biên Phủ. ATK Định Hóa - Thái Nguyên là khởi nguồn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Lán Tỉn Keo - tại đây, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ

ATK Định Hóa hay còn gọi là An toàn khu Định Hóa nay là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây xưa kia là trung tâm của chiến khu Việt Bắc, nơi mà Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh đã sống và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954), nơi có nhiều quyết sách quan trọng đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

ATK Định Hóa là nơi khởi nguồn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi mở màn chiến dịch, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng mô hình tập đoàn cứ điểm để diễn tập thực binh tại xã Đồng Thịnh (Định Hóa). Trong một tuần liền, các địa danh cứ điểm như đồi A1, sông Nậm Rốm, cầu Mường Thanh, hầm Đờ-Cát… cùng hàng rào dây thép gai và vật cản, được bao quanh và ngụy trang bằng cây cỏ phòng máy bay thám thính. Tất cả các địa điểm của quân Pháp tại Điện Biên Phủ đều được mô phỏng lại để phục vụ bộ đội ta diễn tập đánh địch. 

Trong hai ngày diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) đã sử dụng các lực lượng pháo binh, công binh, vận tải, hậu cần…  sử dụng bộc phá đánh lô cốt, hàng rào dây thép gai, bắn súng DKZ, bộc phá đánh hàng rào, đánh giáp lá cà… Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với thành công của cuộc tập trận này, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, ngày 6/12/1953, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo tình hình chiến sự, Bác Hồ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh "Trần Đình"; thành lập Đảng ủy mặt trận và cử Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Bác Hồ và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. (Hình tư liệu)

Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) chào Bác Hồ. Khi chia tay, Bác dặn: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh. (Cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ”, trang 208, Nhà xuất bản Lý luận chính trị phát hành năm 2007). Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ.

Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Đây được coi là quyết định quan trọng nhất liên quan tới vận mệnh toàn dân tộc.

Xác định đây là chiến dịch có tầm đặc biệt quan trọng, cùng với cả nước, Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Thái Nguyên gia sức thực hiện khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, cho nên đã tập trung sức lực và của cải cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dưới ánh sáng tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ tổng tham mưu, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ngày 7/5/1954, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi vĩ đại, làm nên một kỳ tích “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa đến ký kết Hiệp định Giơnevơ 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.

Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là niềm tin, ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh hiện nay. (Trong ảnh: Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên luôn sẵn sàng chiến đấu, xử trí các tình huống xảy ra trên địa bàn)

70 năm trôi qua, tình hình, cục diện thế giới, khu vực và trong nước đã đổi thay rất nhiều, nhưng giá trị và tính thời sự của bài học về xây dựng, củng cố niềm tin, ý chí, quyết tâm chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa sâu sắc đối với xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh hiện nay.

Thế nhưng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại hằn học trước thắng lợi của chúng ta. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, các thế lực thù địch lại đưa ra những thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, phủ nhận thành tựu của Đảng ta. Đây là những luận điệu, hành động không mới về thủ đoạn nhưng hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ, làm phân tâm niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay.

Định Hóa ngày càng đổi mới, phát triển

Năm nay, các thế lực thù địch vẫn “nhai lại điệp khúc” cho rằng: “Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến; hay đáng nói hơn, chúng tráo trở cho rằng, thực chất quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác”.

Phải khẳng định rằng, trong thời gian ấy, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp giành lấy hòa bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc ta đã nhất tề đứng lên, vượt qua hi sinh, gian khổ để giành chiến thắng cuối cùng tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương.

Giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc cho các thế hệ… luôn được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng. (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Phú Đình, huyện Định Hóa thăm quan Triển lãm ảnh “Từ ATK Thái Nguyên đến Chiến thắng Điện Biên Phủ” được tổ chức tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng thuộc về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chứ đâu phải như những ý kiến lạc lõng, phản động trên.

Lại có ý kiến nêu nguyên nhân Pháp thua tại Điện Biên Phủ là do Việt Minh có sự giúp đỡ từ nước ngoài. Đúng là từ sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950, chúng ta có nhận được sự giúp đỡ về vũ khí, khí tài từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, quyết định chiến thắng phải là nội lực của chúng ta. Nhà báo Pháp Giuyn Roi đã có một nhận xét đầy hình tượng: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Na-va, mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông. Cái đã đánh bại tướng Na-va, không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”. Từ cách nhìn khách quan của những học giả, nhà báo nước ngoài đã làm rõ bản chất “đổi trắng thay đen” của các thế lực thù địch.

Đại tá Đỗ Phú Thọ (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)
thainguyen.gov.vn