Truy cập nội dung luôn

Trở lại Lũng Luông

2023-09-09 11:28:00.0

Vượt qua những khó khăn về điều kiện địa hình, cơ sở vật chất, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều trường học trên địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của Thái Nguyên đã bước vào năm học mới 2023 - 2024 với những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông hào hứng tham gia tiết sinh hoạt giữa giờ

Hơn 10 năm tôi mới có dịp trở lại Điểm Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai vào đúng dịp năm học mới 2023 - 2024 vừa mới bắt đầu. Nhớ lại câu chuyện 10 năm trước, đường lên Lũng Luông toàn đá hộc lớn, người dân bản địa đưa chúng tôi lên Điểm trường trên chiếc xe máy đã được cải tạo lại để vượt những con dốc dựng đứng. Đứng từ địa điểm mà người dân địa phương quen gọi là “cổng trời”, chúng tôi nhìn thấy Điểm Trường Lũng Luông từ xa xa. Gọi là Điểm trường nhưng thời điểm ấy chỉ có duy nhất 2 mái nhà lợp tạm bằng gỗ tạp, 1 nhà giành cho học sinh, 1 nhà nội trú của giáo viên. Từ “cổng trời”, chúng tôi phải tiếp tục đi bộ trên đường đất lầy lội mới có thể đến thăm được cô trò của Điểm trường.

Nay trở lại Lũng Luông, điều khiến tôi ngỡ ngàng về sự thay đổi của nơi này cũng như ngôi trường đặc biệt đang nuôi dưỡng ước mơ của biết bao học trò nghèo. Chúng tôi ghé thăm gia đình Lường Thị Chơ, năm nay 27 tuổi nhưng em đã có 5 con. Lúc chúng tôi ghé thăm nhà cũng là lúc Chơ đang nấu nồi mèn mén để chuẩn bị cho các con ăn sáng tới trường. Chơ có 3 con đã vào tuổi đến trường, dù cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng hơn ai hết, Chơ hiểu con chữ rất cần thiết và quan trọng với tương lai của các con mình. Em chia sẻ: Ngày xưa khổ lắm, chúng em không được đi học, chỉ lên rừng lấy cây nấm, cây lan về bán, lên nương với củ ngô, củ sắn, rồi lấy chồng sớm, đẻ con. Thấy con chịu khổ, mình thương lắm nhưng không làm gì được. Được cán bộ và thầy cô vào vận động đến trường, em được biết chính sách của Đảng, Nhà nước cho con em vùng cao đến trường, em vui lắm, con được đi học, sẽ không khổ như em nữa.

Giáo viên đến tận nhà vận động người dân đưa trẻ đến trường

Cũng giống như Lường Thị Chơ, người dân trên Lũng Luông dường như đã thấu hiểu về giá trị của con chữ với tương lai của trẻ nhỏ nên cho con em đi học rất đông đủ. Khác với 10 năm về trước, những lớp học chỉ có vài học sinh, thầy cô cắm bản phải đi từng dốc, từng khe, vận động từng gia đình đưa trẻ đến trường. Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn cả là trên nền đất của những lớp học tạm xưa kia, nay đã có một ngôi trường khang trang với kiến trúc thật độc đáo. Được biết, công trình Trường Tiểu học Lũng Luông được xây dựng từ năm 2014 từ tài trợ của Quỹ học trò nghèo vùng cao và Dự án 1+1>2 cùng sự tham gia của các giáo sư, kiến trúc sư thuộc Quỹ. Nhìn từ xa, ngôi trường hiện lên như một bông hoa rực rỡ giữa núi rừng đại ngàn.

Lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh diều ước mơ, công trình được thiết kế bằng những vật dụng thân thiện với môi trường như gạch không nung, tre, nứa…với đầy đủ các phòng chức năng và khu nội trú giành cho học sinh. Em Lý Lệ Kiều Nhi, học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông vui mừng: Nhà em cách trường rất xa, nhưng ngày nào chúng em cũng đi học đầy đủ, em thích ngôi trường của em vì nó rất đẹp, lớp học mát, em còn được ăn bán trú với các bạn và có cả thư viện để đọc sách.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu ở bán trú và bếp ăn cho học trò, cô Nông Thị Nơ, người đã có hơn 10 năm cắm bản xúc động chia sẻ: Những ngày đầu lên tới trường, nhìn thấy học trò đi bộ cả tiếng đồng hồ từ nhà đến trường, nhiều em đi chân không do không có dép, tay lúc nào cũng mang theo túi cơm nguội, hoặc ít mèm mén để ăn trưa, chúng tôi rất thương cảm. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương và các dự án thiện nguyện, cô trò chúng tôi đã có một ngôi trường khang trang, điều kiện học tập đầy đủ, nhiều trò được tài trợ ăn bán trú, chúng tôi rất cảm ơn. Bằng tình yêu với học trò vùng khó, chúng tôi sẽ mang hết tâm huyết để đưa con chữ đến với các trò, những mầm non tương lai của đất nước.

Trường Tiểu học Lũng Luông nhìn từ trên cao

Trường Tiểu học Lũng Luông hiện có 10 lớp học với hơn 120 học sinh, trong đó chỉ có 2 học sinh người Dao, 6 học sinh người Tày, còn lại các em đều là người dân tộc Mông. Nhà trường có 22 cán bộ, giáo viên. Vượt qua rất nhiều khó khăn, Nhà trường vẫn luôn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giáo dục với chất lượng giáo dục không ngừng được cải thiện. “Thầy cô và học sinh Nhà trường đã bước vào năm học mới với một quyết tâm rất cao. Nếu như trước đây chúng tôi phải nỗ lực với chỉ tiêu đưa trẻ đến lớp, thì nay không chỉ học sinh tích cực đến lớp mà phụ huynh cũng phối hợp rất tốt với Nhà trường trong việc giáo dục con em mình, nên năm học này, chúng tôi sẽ phấn đấu những mục tiêu cao hơn, đó là làm tốt các nhiệm vụ của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tìm ra các giải pháp để phát triển các kỹ năng toàn diện cho học sinh. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng với phương châm “học sinh chủ động, giáo viên tích cực”, chúng tôi tin rằng các mục tiêu nhiệm vụ của năm học này sẽ hoàn thành và cô trò chúng tôi sẽ có một năm học mới thật thành công” - cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông cho biết.

Chia tay cô và trò Trường Tiểu học Lũng Luông, những bài Tiếng Việt ca ngợi quê hương, đất nước được các em đọc tròn vành, rõ chữ; những ánh mắt trong sáng, ngây thơ của học trò, những bàn tay chào tạm biệt đầy thân thương như níu chân chúng tôi và trở thành kỷ niệm thật đẹp về một Lũng Luông đang đổi thay từng ngày, với những mầm non đang ngày càng lớn lên, mang theo hành trang tri thức để vẽ lên những gam màu tươi sáng cho xóm bản thêm tươi đẹp hơn.

Phương Thảo - Minh Khôi
thainguyen.gov.vn