Truy cập nội dung luôn

Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích phục hồi kinh tế

2023-11-10 09:52:00.0

Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã lọt Top 10 địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tác động từ tình hình kinh tế thế giới vẫn là những thách thức đặt ra đối với các địa phương trong việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và đáp ứng Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Để có giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn Chính phủ giao cho tỉnh Thái Nguyên là trên 7.863 tỷ đồng; kế hoạch vốn do địa phương giao trên 8.630 tỷ đồng. Việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh tiếp tục xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Để có giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan. Trong đó có Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 700/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đại diện Cơ quan Thường trực Tổ công tác, ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin: Từ khi thành lập Tổ công tác đến nay, các thành viên trong Tổ đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023; kiểm tra các công trình, dự án trọng điểm, các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công; đề xuất và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh về tiến độ thực hiện các dự án, trong đó đặc biệt chi tiết với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, các dự án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên.

Nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc

Tại Công văn số 2962/UBND-TH ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành, địa phương có chế tài xử lý, luân chuyển các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 dẫn tới không hoàn thành mục tiêu giải ngân theo kế hoạch được giao.

Thái Nguyên nằm trong Top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn

Với sự chỉ đạo quyết liệt và việc thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt nhiều kết quả khả quan. Từ ngày 20/2/2023, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ hầu hết vốn đầu tư công năm 2023 cho các địa phương, đơn vị; cho 80 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cấp tỉnh quản lý, trong đó có 30 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng (gồm 12 dự án trọng điểm). Tỉnh tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm 2023, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 13 dự án, với tổng nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án lớn được chuyển tiếp đang thi công, gồm: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, Để khắc phục khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu hụt nguồn cung vật liệu đất đắp và thời tiết bất lợi, từ nay đến cuối năm, Ban Quản lý sẽ thường xuyên rà soát công tác giải ngân để kịp thời phối hợp với các ngành điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp với các dự án và tiến độ thực hiện; tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, khi các dự án chuyển sang thi công các hạng mục có giá trị cao, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết (cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa, đổ bê tông cốt thép...) tiến độ giải ngân và thi công sẽ được đẩy nhanh, đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn được cấp.

Đường Huống Thượng - Chùa Hang, TP. Thái Nguyên

Đối với nguồn vốn ODA như Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên, các giải pháp để đảm bảo tiến độ giải ngân theo cam kết với Ngân hàng Thế giới cũng đang được chủ đầu tư tập trung thực hiện. Việc giải ngân thanh toán vốn được quan tâm đẩy mạnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu. Ông Nguyễn Văn Cừ, nhà thầu thi công hạng mục nương thoát nước Xương Rồng (một hạng mục của Dự án) chia sẻ: Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên thanh toán rất linh hoạt. Chủ đầu tư tạo điều kiện để các nhà thầu có thể thanh toán theo tuần, theo tháng, đảm bảo khối lượng thi công theo quy định; qua đó góp phần để các nhà thầu chủ động về nguồn lực trong quá trình thi công, đáp ứng tiến độ chủ đầu tư đề ra. Ông Tạ Văn Thán, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên cho biết: Một mặt chúng tôi chỉ đạo thi công trên công trường, một mặt chỉ đạo kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để nhà thầu thực hiện các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn, không để chậm trễ việc thanh toán ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu trên công trường.

Theo báo cáo, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của tỉnh đến cuối tháng 10 đạt trên 5.348 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo quy định; nhiều dự án, công trình đầu tư công hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Các dự án, công trình trọng điểm đảm bảo bố trí đủ vốn, thi công đạt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc thu tiền sử dụng đất ngân sách địa phương đạt thấp, là một trong những nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Bởi, thực tế nhu cầu chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất hiện chiếm khoảng 60% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Trong khi đó, quy mô vốn đầu tư công lớn khiến khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ, chất lượng đầu tư công đòi hỏi ngày càng cao. Bởi vậy, mới đây nhất, ngày 31/8/2023, tại Công văn số 4441/UBND-KT về báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. UBND tỉnh sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2023 đạt dưới 50%.

Dự án xây dựng Trường THPT Đội Cấn, huyện Đại Từ

Minh chứng cho quan điểm này là, cuối tháng 8 vừa qua, tại Kỳ họp thứ Mười bốn (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trên cơ sở xem xét tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023, trong đó điều chỉnh tăng kế hoạch vốn thêm 47 tỷ đồng (từ 8.092,7 tỷ đồng lên 8.140 tỷ đồng); điều chỉnh giảm 154 tỷ đồng của các dự án đã hết nhiệm vụ chi, dự án giải ngân thấp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn, sang cho các dự án khởi công mới năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án… Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh nguồn vốn từ những dự án không có khả năng giải ngân hết vốn sang cho những dự án đảm bảo khả năng giải ngân để trình kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh.

Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các cấp, các ngành phải điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực - đó là chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và cũng là giải pháp để các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Thành Chung
thainguyen.gov.vn