Truy cập nội dung luôn

Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Văn Đại: Hạnh phúc là giúp ích cho người nông dân

2023-06-08 17:07:00.0

Khoa học công nghệ đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới. Trong quá trình đó, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ứng dụng các công trình nghiên cứu vào thực tiễn hiệu quả sản xuất của bà con nông dân. Trong 10 công dân Thái Nguyên tiêu biểu năm 2023 được vinh danh tới đây có một nhà khoa học, nhà nghiên cứu như thế - Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi chăm sóc, huấn luyện 100 cá thể ngựa thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh, thành thục nhiều bài huấn luyện và tham gia nhiều nhiệm vụ được giao

Chủ trì và phối hợp nghiên cứu hơn 20 đề tài, dự án quốc tế và trong nước trên lĩnh vực chăn nuôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi cũng là tác giả của hàng chục bài báo khoa học trên các tạp chí danh tiếng ở trong và ngoài nước về lĩnh vực này. Trong đó, quá nửa số đề tài, dự án là những nghiên cứu về đối tượng trực tiếp hoặc được chuyển giao thành công cho ngành chăn nuôi Thái Nguyên. Đáng chú ý là các đề tài, dự án về đưa công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu để nâng cao hiệu quả chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi cho biết: Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho trâu là công nghệ mới. Trước đây, trâu thường được phối giống trực tiếp. Tuy nhiên, thực tế đàn trâu đực giống vừa thiếu, vừa kém chất lượng, do đó chất lượng đàn trâu ngày càng kém, tầm vóc nhỏ đi. Bởi vậy, khi đưa thụ tinh nhân tạo vào cho trâu sẽ khắc phục được nhược điểm này; đồng thời nâng cao tỷ lệ sinh sản của đàn cái giống…

Ông Luân Quang Nha, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Thái Nguyên phấn khởi: “Nhờ chuyển giao thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo cho trâu, nên đàn trâu trên địa bàn đã được cải tạo đáng kể về tầm vóc trên 20%. Đến nay, phương pháp này đã được áp dụng phổ biến tại Thái Nguyên và mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng tôi cũng đánh giá cao đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi trong việc triển khai Dự án khai thác nguồn gen ngựa bạch Việt Nam tại các huyện Phú Bình, Phú Lương và TP. Sông Công. Qua đó đã góp phần hình thành mô hình liên kết chăn nuôi ngựa bạch thịt và thương mại hóa một số sản phẩm chất lượng cao từ ngựa bạch, giúp người chăn nuôi có thu nhập hiệu quả (khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm). Hiện nay, xã Dương Thành, huyện Phú Bình đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp giống ngựa bạch cho toàn quốc.”

Cùng với đó, trong gần 25 năm công tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cũng đã có nhiều đề tài, dự án về xây dựng các mô hình chăn nuôi gà, vịt năng suất cao được chuyển giao thành công tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020, lần đầu tiên giống vịt siêu thịt super meat được nhập từ Anh đã được nuôi và sản xuất giống cung cấp cho Nhân dân trên địa bàn. Vịt có khối lượng từ 3,2 - 3,5kg/con ở 50 ngày tuổi, trong khi đó các giống khác chỉ đạt từ 2,5 - 3kg/con. Đối với chăn nuôi gà, đã xây dựng được 12 mô hình chăn nuôi gà sinh sản và gà thịt lai ở tất cả các xã, phường của TP. Sông Công; đồng thời xây dựng mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi với Trung tâm để sản xuất 100.000 con giống cung cấp cho thị trường hàng năm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi luôn nhiệt huyết, tận tụy, nghiêm túc trong nghiên cứu các đề tài, dự án trên lĩnh vực chăn nuôi

Đặc biệt, phát huy vai trò của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cùng với các cộng sự đã chuyển giao công nghệ của 6 dự án nông thôn miền núi tại các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Phú Thọ, Tuyên Quang; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước. Trong đó, Dự án nghiên cứu phát triển nguồn giống ngựa Mông Cổ nhập nội phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng cảnh sát cơ động là một trong những dự án được đánh giá rất cao. Chỉ sau 1 năm huấn luyện, với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, từ khi còn hoang dã, đến nay hơn 100 cá thể ngựa thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh đã thành thục nhiều bài huấn luyện và tham gia nhiều nhiệm vụ được giao.         

Đánh giá về những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, Tiến sĩ Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: “Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại là một những nhà khoa học có niềm đam mê lớn và có nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học. Các dự án, đề tài do Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại là chủ nhiệm hoặc phụ trách nhánh đề tài đều cho kết quả nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và được chuyển giao thành công cho nhiều địa phương ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Bên cạnh đó, với vai trò là người đứng đầu cơ quan, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cũng đã có nhiều giải pháp để đảm bảo tăng nguồn thu sự nghiệp, cải thiện thu nhập của cán bộ, người lao động trong đơn vị. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại là tấm gương sáng, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua trong nghiên cứu khoa học, đóng góp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.”

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại cởi mở, chan hòa, nhiệt tình khi chia sẻ với đồng nghiệp những kiến thức, chuyên môn

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, cả tuổi thơ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại đều gắn với mảnh ruộng, con trâu và hình ảnh vất vả, lam lũ của người nông dân. Bởi vậy, dù có cơ hội được lựa chọn ngành nghề, công việc khác sau khi hoàn thành tấm bằng Tiến sĩ khoa học nông nghiệp danh giá tại Cộng hòa Liên bang Đức, nhưng với nhà khoa học này, niềm đam mê với khoa học thực tiễn và cái duyên với mảnh đất Thái Nguyên đã níu chân anh gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi. Cũng từ đây, mong ước giản dị mang lại hạnh phúc cho người nông dân lại được anh ấp ủ. Tiến sỹ Nguyễn Văn Đại, chia sẻ: “Được nhận danh hiệu Công dân Thái Nguyên tiêu biểu là niềm vinh dự lớn của cá nhân tôi, cũng như của cả tập thể Trung tâm. Tôi cũng mong rằng, mỗi cán bộ nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục có thêm nhiều nghiên cứu từ thực tiễn và được áp dụng rộng rãi, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng cây, con giống và mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân.”

Nhiệt huyết, tận tụy, nghiêm túc trong nghiên cứu, cởi mở, chan hòa, nhiệt tình khi chia sẻ những kiến thức, chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại vẫn đang tiếp tục nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ để nâng cao giá trị ngành chăn nuôi nước nhà và góp phần cải thiện đời sống, thu nhập của những người nông dân ở các vùng nông thôn.

Thành Chung
thainguyen.gov.vn