Truy cập nội dung luôn

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc

2023-09-02 12:59:00.0

Kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay diễn ra trong không khí nhộn nhịp. Cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn, khắp các ngả đường, tuyến phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều rợp bóng băng zôn, áp phích chào mừng và đặc biệt là sắc đỏ của cờ Tổ quốc phấp phới tung bay. Trước nhà các gia đình đều trang trọng treo lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của mỗi người dân đất Việt.

Nghi lễ thượng cờ mừng Quốc khánh 2/9 trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Duy Khương)

Nhiều diễn đàn trên mạng xã hội và các học giả, nhà nghiên cứu đều nhận định rằng, hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại yêu quý lá cờ Tổ quốc như người dân Việt Nam. Ngày Tết cổ truyền, ngày Quốc khánh, ngày kỷ niệm đất nước thống nhất, các lễ hội địa phương… những lá cờ đều xuất hiện nổi bật. Quốc kỳ hiên ngang bay trong gió lộng tại các lễ thượng cờ tiếp đón bè bạn năm châu bốn biển tới thăm. Cờ rực đỏ trên vai quàng của các vận động viên huy chương trong các kỳ thi đấu thể thao quốc tế. Tình yêu với lá quốc kỳ được giáo dục, hun đúc cho thế hệ trẻ qua những buổi chào cờ đầu tuần; khăn quàng đỏ các em đeo trên vai làm một phần cờ Tổ quốc. Và ngày nào cũng vậy, vào thời thời khắc tinh khôi nhất của một ngày mới, giữa không gian trong lành và êm ả, kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát hình nghi lễ chào cờ được cử hành trang trọng tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Lá cờ tung bay trong gió nơi “trái tim” của cả nước như khích lệ, cổ vũ mọi người bước vào một ngày mới với bao hy vọng và năng lượng. Lá cờ - hồn thiêng của sông núi mang đến cho dân tộc ta một sức mạnh, một niềm tin không gì lay chuyển được.

Người dân Tổ dân phố số 4, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) treo cờ Tổ quốc trang trọng trước cửa nhà mừng Quốc khánh 2/9

Ngược dòng lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp cuối năm 1940. Người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (quê huyện Duy Tiên, Hà Nam) được giao nhiệm vụ vẽ mẫu cờ Tổ quốc, lấy cảm hứng từ chính những năm tháng chịu cảnh tù đày, tra khảo, đau thương của bản thân và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí mà ông từng chứng kiến. Tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm quốc kỳ”. Đó là văn bản đầu tiên nói về Quốc kỳ nước ta. Trung tuần tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh là cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Hình ảnh lá cờ Tổ quốc trên khán đài đã tạo thêm sức mạnh, tinh thần đoàn kết cho các cầu thủ bóng đá kiến tạo bàn thắng. (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/3/1946 biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 ghi nhận từ ngày 9/11/1946: Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Ngày 2/7/1976, Quốc hội thống nhất sau hiệp thương Tổng tuyển cử xác định đây là Quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo Điều 13, Hiến pháp năm 2013, Quốc kỳ có hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài. Nền màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam. 5 cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân (sỹ, nông, công, thương, binh) cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng Tổ quốc.

Lực lượng Công an phối hợp với người dân treo cờ Tổ quốc tại điểm sinh hoạt Hội thánh Tin Lành Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ

Người Việt Nam nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay với niềm tự hào, thấy ở đó là biểu trưng của ý chí quật cường, lòng yêu nước chân chính và niềm tự hào chính nghĩa của dân tộc. Và thực tế, tình yêu mỗi người dân nước Việt dành cho lá cờ Tổ quốc không phải là hiện tượng nhất thời, mà đã trở thành nét đẹp văn hoá khó phủ nhận.

Với Thái Nguyên, việc treo cờ Tổ quốc từ lâu đã trở thành nền nếp, vào mỗi dịp lễ lớn hay ngày Tết cổ truyền của dân tộc, tại các tuyến đường giao thông, địa điểm công cộng, các cơ quan, công sở, trường học…và mỗi gia đình đều trang trọng treo cờ Tổ quốc tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Ở một số địa bàn, như phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) đã xây dựng được các mô hình dân vận khéo “xây dựng tuyến đường cờ Đảng, cờ Tổ quốc”. Đây là cách làm rất thiết thực để khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần đoàn kết trong Nhân dân.

Lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của mỗi người dân đất Việt. (Trong ảnh: Tuyến đường Tổ dân phố 16, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên trong ngày Lễ Quốc khánh 2-9)

Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như gợi lên niềm tự hào về một dân tộc anh hùng với chiều dài bốn nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều đau thương mất mát để giành độc lập tự chủ, mỗi người dân Việt Nam thấy được ý thức trách nhiệm của mình cần phải ra sức học tập, lao động, sản xuất để giữ vững thành quả đó.

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn