Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

2023-08-29 09:33:00.0

Những năm gần đây, Thái Nguyên đã đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Điều này góp phần xây dựng tỉnh phát triển và đạt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đoàn công tác của tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) do bà Lee Dal Hee, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsangbuk-do làm Trưởng Đoàn thăm và làm việc tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Kim Oanh)

Chủ động hội nhập quốc tế

Tỉnh Thái Nguyên không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường quan hệ hữu nghị với Nhân dân ở các địa phương của nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn và nhiều tổ chức trên thế giới; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người của tỉnh Thái Nguyên nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung đến với bạn bè quốc tế; góp phần làm cầu nối thúc đẩy hợp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, công nghệ cao, khoa học kỹ thuật...

Tỉnh tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương nước ngoài, như: Tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc; tỉnh Luông Pha Băng, CHDCND Lào; TP. Linkoping, Thụy Điển. Chủ động kết nối, xúc tiến việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và địa phương nước ngoài khác: TP. Poitiers, Cộng hòa Pháp; tỉnh Lower Silesia, Cộng hòa Ba Lan; tỉnh Udon Thani, Vương quốc Thái Lan; tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tích cực duy trì, tăng cường mối quan hệ mật thiết với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế. Các hoạt động thăm hỏi, trao đổi đoàn, hợp tác được triển khai hiệu quả, với các hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Lào, đồng chí Khăm Khẳn Chăn Thạ Vi Súc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luông Pha Bang trao Huân chương Hữu nghị cho đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Huyền)

Từ tháng 7-2021 đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã ký 05 Bản ghi nhớ hợp tác với các ngành, đơn vị của các địa phương nước ngoài và triển khai hiệu quả một số chương trình hợp tác. Trong đó, có Bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Lao động Thái Nguyên và Liên hiệp Công đoàn TP. Seongnam, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc; TP. Thái Nguyên ký kết hợp tác với Quận Busanjin, TP. Busan, Hàn Quốc; Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên ký hợp tác với Tập đoàn JALA, Nhật Bản; Trường Cao đẳng Thái Nguyên ký hợp tác với Văn phòng tiếng Anh khu vực Hà Nội, Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ; TP. Phổ Yên ký kết hợp tác với huyện Chigok, tỉnh Gyeongsangbukdo, Hàn Quốc.

Đẩy mạnh ngoại giao về kinh tế

Cùng với chủ động hội nhập, công tác ngoại giao kinh tế được tỉnh Thái Nguyên tăng cường và đạt những kết quả quan trọng. Nằm trong vùng Thủ đô, là trung tâm lớn thứ ba cả nước về y tế - giáo dục, với nhiều lợi thế về giao thông và cơ sở hạ tầng, cùng môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, Thái Nguyên đã và đang trở thành “miền đất lành” thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Năm 2022, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gần 30 tỷ USD, đạt mức tăng bình quân hàng năm là 71,4%/năm trong 10 năm qua.

Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 856 dự án với số vốn đăng ký 155.920 tỷ đồng; 191 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đạt gần 10,5 tỷ USD. Trong đó, dự án tiêu biểu nhất là nhà máy của Tập đoàn Samsung với tổng số vốn đầu tư hơn 7,5 tỷ USD.

Hiện nay, chiến lược chính trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao… Trên cơ sở đó, cùng với việc tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

Samsung là doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Thái Nguyên với tổng số vốn đầu tư đến thời điểm hiện tại là hơn 7,5 tỷ USD. (Ảnh: Trần Nhung)

Tỉnh Thái Nguyên chủ động đề ra các chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm thông thoáng, công khai, minh bạch. Chính quyền tỉnh cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư, bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong quá trình thực hiện các dự án.

Với những hành động và kết quả thiết thực, tỉnh Thái Nguyên ngày càng khẳng định vị thế là một trong những địa phương năng động nhất cả nước về hội nhập quốc tế. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; với sự nỗ lực, đồng tâm hiệp sức của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Thái Nguyên đang khoác lên mình một tấm áo mới trên hành trình trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp, thương mại và dịch vụ của cả nước, tiếp tục là tâm điểm đón sóng đầu tư trong thời gian tới.

Kim Ngân (Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn