Truy cập nội dung luôn

Tạo đà để du lịch Thái Nguyên bứt phá trong năm 2024

2024-03-29 11:36:00.0

Trong quý I năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã đón gần 1,2 triệu lượt khách du lịch. Con số này ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ và là tín hiệu vui, tạo đà để du lịch Thái Nguyên bứt phá trong năm 2024.

Văn hóa của đồng bào các dân tộc là lợi thế lớn để Thái Nguyên khai thác du lịch cộng đồng. (Trong ảnh: Lễ hội Lồng Tồng được bà con Làng du lịch sinh thái Thái Hải, TP. Thái Nguyên tổ chức dịp đầu xuân mới 2024) 

Chị Nguyễn Thị Hằng là người Việt Nam đã có gần 12 năm định cư tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, chị lựa chọn trở về Việt Nam vừa để thăm gia đình, vừa để thực hiện khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp của quê hương mình. Đầu năm 2024, chị Hằng và gia đình lựa chọn chuyến du xuân tại hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, TP. Sông Công làm điểm đến của mình. Chị cho biết: "Tôi khá bất ngờ khi nhiều nơi các điểm du lịch cộng đồng có quá nhiều sự can thiệp của con người và làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, thì ở Thái Nguyên lại có rất nhiều điểm đến đẹp và khá hoang sơ. Tôn trọng và gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên dường như là xu hướng phát triển du lịch của khá nhiều quốc gia trên thế giới. Họ rất tôn trọng vẻ đẹp thiên tạo và không can thiệp quá nhiều, đó là điểm mà cá nhân tôi cũng như nhiều du khách chắc chắn sẽ rất yêu thích. Đây là lần đầu tiên tôi đến với hồ Ghềnh Chè của Thái Nguyên. Không khí trong lành, mặt hồ rộng và đẹp, ẩm thực khá phong phú và sự mến khách của người dân địa phương là những điểm cộng rất lớn cho điểm đến này".

Chị Hằng là một trong gần 1,2 triệu lượt du khách đã lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến ngay trong những tháng đầu năm 2024. Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, Thái Nguyên còn mang trong mình nguồn tài nguyên du lịch phong phú với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; cùng với đó là 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận và thực hiện bảo tồn. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, tư vấn thông tin du lịch. Thực hiện nỗ lực xây dựng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm “tăng trải nghiệm, tăng lưu trú”, đặc biệt là phát triển du lịch 4 mùa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị trong vùng với hệ thống các doanh nghiệp làm lữ hành, các điểm đến đã tích cực triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm. Trong đó, ngành đã tích cực triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Thái Nguyên trực tiếp tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và trên không gian số với cách làm đa dạng, phong phú.

Các bạn trẻ trải nghiệm chèo SUP tại Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công)

Cùng với cơ quan quản lý nhà nước, các điểm đến cũng tích cực và chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển du lịch. Bằng cách chủ động tạo ra các sản phẩm mới thu hút khách. Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè trung du Tân Cương cho biết: "Ngay khi Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương chính thức được công nhận, chúng tôi đã cùng nhau bắt tay vào vừa canh tác, chế biến chè, bảo tồn và phát huy tri thức trồng và chế biến chè đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vừa bàn bạc và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà. Với HTX của chúng tôi, trên thực tế nhu cầu của du khách, ngoài việc trải nghiệm những quy trình làm trà truyền thống, chúng tôi cũng giới thiệu tới thực khách những món ăn chế biến từ chè xanh. Qua quá trình thực hiện, du khách đặc biệt là khách quốc tế rất yêu thích ẩm thực từ chè xanh. Ngoài ra chúng tôi cũng đang tìm hiểu thêm về những sản phẩm quà tặng du lịch từ chè Tân Cương". Trong khi đó, tại Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, anh Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xóm Tiền Tiến, xã Bình  Sơn cũng chia sẻ: "Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện phục hồi phát triển du lịch sau đại dịch, chúng tôi đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đặc biệt là việc tổ chức các đoàn Famtrip về với hồ Ghềnh Chè. Trên cơ sở những góp ý từ các chuyên gia của đoàn. Ngay từ đầu năm 2024, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của điểm đến. Trước hết, chúng tôi đang nghiên cứu phát triển ẩm thực phong phú hơn, du khách có thể trực tiếp theo dõi nguyên liệu chế biến như rau sạch, tự tay bắt cá được nuôi ngay trên mặt hồ và thậm chí là trải nghiệm, quan sát quá trình chế biến cùng đầu bếp chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức những giải nhỏ về chèo SUP trên mặt hồ, hướng dẫn du khách chèo SUP - đây là một loại hình du lịch giới trẻ đang rất yêu thích".

Đóng gói sản phẩm trà - một trong các nội dung thi tại Lễ hội Hương sắc trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương Xuân Giáp Thìn năm 2024  thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm 

Bên cạnh những kết quả có được, du lịch Thái Nguyên cũng còn những điểm cần phải phát huy hơn nữa. Thực tế những con số cho thấy, ngay trong quý I năm 2024, mặc dù tổng lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên đạt được con số là 1.167.295 lượt khách, tuy nhiên khách do cơ sở lưu trú phục vụ mới chỉ ước đạt 264.400 lượt. Hay trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đón gần 2,5 triệu lượt khách tuy nhiên khách quốc tế chỉ mới đạt hơn 20.000 lượt, khách lưu trú qua đêm cũng nằm ở con số trên 960.000 khách. Trong khi đó để tăng thu từ ngành “công nghiệp không khói”, ngành du lịch bắt buộc phải đi theo con đường “tăng trải nghiệm, tăng lưu trú, tăng tiêu dùng”.

Những kết quả ngay từ đầu năm đã cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng với những doanh nghiệp, HTX, tổ chức tham gia vào lĩnh vực này. Dư địa là rất rõ ràng, khi Thái Nguyên đã và đang đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, những loại hình du lịch mới như Trekking, Caravan, khám phá hang động, du lịch thể thao ….đã và đang từng bước hình thành tại Thái Nguyên.

Với những tiềm năng, thế mạnh và chiến lược cụ thể, kỳ vọng du lịch Thái Nguyên sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030”.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn