Truy cập nội dung luôn

Sức sống mới trên quê hương Văn Hán

2023-07-04 15:52:00.0

Những năm tháng kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc địa phương đã ra sức bảo vệ các hoạt động cách mạng, là hậu phương vững chắc với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” - đó là vùng đất an toàn khu (ATK) xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nay, Văn Hán đang từng ngày chuyển mình phát triển, cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

 

Đình Vân Hán, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc trong thời kì kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: baothainguyen)

Xã Văn Hán được thành lập trên cơ sở 3 xã Văn Hán, Phủ Lý và Hòa Khê. Trong cao trào cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), xã Văn Hán huyện Đồng Hỷ đã trở thành khu căn cứ, nuôi dưỡng, che trở nhiều cán bộ về xây dựng cơ sở cách mạng và giữ vững đường dây liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ và của Trung ương Đảng. Mặc dù bị kẻ thù bao vây cô lập, đàn áp gắt gao, nhưng Nhân dân các dân tộc xã Văn Hán vẫn một lòng, một dạ sắt son kiên trung với cách mạng.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, với tên gọi là xã Đoàn Kết, Chi bộ và Nhân dân các dân tộc trong xã tích cực sản xuất, xây dựng quê hương và trực tiếp chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân địch. Với khẩu hiệu “Tay cày, tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Văn Hán đã làm tròn nghĩa vụ với tiền tuyến lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, vượt qua những khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân các dân tộc xã Văn Hán đã luôn nỗ lực phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tiền đề cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay.

Hạ tầng giao thông được xác định là “chân kiềng” quan trọng để Văn Hán chuyển mình phát triển

Nằm cách trung tâm huyện gần 20 km, xã Văn Hán không có địa hình quá cao như Tân Long hay Văn Lăng, nhưng lại là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Xác định căn nguyên của thực trạng này là do thiếu hạ tầng giao thông, chưa có hướng đi và thiếu thị trường.  Xã tập trung vào các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, đến nay 64 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đều đã được trải nhựa và bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%. Tất cả hơn 26 km đường trục xóm và liên xóm cũng đều đã được cải tạo, cứng hóa.

Xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông với người dân Văn Hán ví như “nắng hạn gặp mưa rào”. Không còn chịu cảnh thương lái ép giá nông sản do đường đi lại khó khăn, chính quyền địa phương tập trung hướng dẫn bà con phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó lấy cây chè là cây trồng chủ lực. Ngày nay, Văn Hán không chỉ biết đến là vùng đất ATK, mà còn được nhiều người biết tới là “vựa chè” của huyện Đồng Hỷ. Diện tích chè thương phẩm của xã lên tới hơn 1.000 ha, chiếm 1/3 diện tích chè cả huyện Đồng Hỷ. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, thậm chí là cầm tay chỉ việc để thay đổi thói quen canh tác cây chè của người dân. Từ đó, sản xuất chè Văn Hán được định hướng đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn bán hữu cơ và hữu cơ hoàn toàn; địa phương cũng vận động một số hộ dân thành lập hợp tác xã (HTX) để sản xuất và kinh doanh chè thương phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.

Hệ thống tưới tự động cho chè

Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Chuyển đổi từ chè trồng bằng hạt sang trồng chè cành đã giúp cho năng suất và chất lượng chè của Văn Hán tăng lên rõ rệt. Sản lượng chè búp tươi hàng năm hiện nay đạt khoảng 13.000 tấn, tăng gấp nhiều lần so với 10 năm về trước. Người dân đã chuyển từ việc canh tác thụ động sang chủ động nên thay vì chỉ thu hoạch chè chính vụ trước đây, đến nay đã có khoảng 50% diện tích chè trong toàn xã có thể làm chè vụ đông, nhờ đó mà thu nhập của các hộ trồng chè được nâng lên đáng kể, đời sống ngày càng nâng cao.

Chị Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX chè Thái Minh cho biết: Sinh ra, lớn lên tại Văn Hán, gắn bó với cây chè và luôn trăn trở vì sản phẩm chè ngon nhưng không có thương hiệu, giá bán rất thấp nên năm 2020 tôi đã thành lập HTX Thái Minh Trà với mong muốn nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu chè Văn Hán. Trong quá trình vận hành HTX, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng hành, quan tâm của chính quyền địa phương - chính điều này đã giúp chúng tôi có thêm động lực để tạo ra những sản phẩm trà chất lượng nhất đưa đến tay thực khách gần xa.

Ngoài phát triển kinh tế từ chè, Xã Văn Hán còn định hướng phát triển kinh tế rừng. Sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân còn mang lại những tín hiệu tích cực từ việc trồng rừng. Là xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện, Văn Hán hiện có khoảng 4.000 ha rừng, mỗi năm cho khai thác khoảng 500 ha. Theo chủ trương chung của huyện nhằm làm tăng giá trị gỗ rừng trồng, hiện nay xã Văn Hán đang là địa phương tiên phong, phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các bước để tiến hành cấp chứng chỉ rừng FSC (tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững) cho hơn 1.300 ha rừng của người dân. Tiêu chuẩn FSC nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chấm dứt tình trạng khai thác gỗ từ việc phá rừng, bảo vệ rừng hiệu quả.

Trường Mầm non Vân Hán, xã Văn Hán được đầu tư xây dựng khang trang

“Là người con của Văn Hán, chúng tôi lớn lên từ những cây chè này, gần 60 tuổi đời, được chứng kiến bao đổi thay, chúng tôi rất hạnh phúc vì thấy đời sống của Nhân dân địa phương ngày càng khấm khá. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tập trung phát triển kinh tế, chú trọng vào 2 mũi nhọn trước mắt, đó là phát triển kinh tế chè và kinh tế rừng. Cùng với đó, phát huy những tiềm năng sẵn có của địa phương để khai thác và từng bước phát triển du lịch xanh, du dịch cộng động, trải nghiệm. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, với quan điểm chỉ đạo chung trong xây dựng nông thôn mới là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Là người đứng đầu chính quyền của xã Văn Hán, tôi tin rằng, dù thực hiện mục tiêu phát triển nào thì chất lượng cuộc sống của người dân vẫn được xác định là thước đo quan trọng nhất” - Chủ tịch UBND xã Văn Hán Nguyễn Xuân Hiền chia sẻ.

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn