Truy cập nội dung luôn

Soọng Cô - Niềm tự hào của dân tộc Sán Dìu

2024-04-14 18:40:00.0

Mỗi dân tộc đều có một “kho tàng" văn hoá độc đáo. Đối với người dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên, trong kho tàng đó có điệu hát Soọng Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015. Đặc biệt, người Sán Dìu luôn ý thức được việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, để Soọng Cô hiện diện sống động trong cuộc sống của đồng bào.

Nhiều câu lạc bộ hát Soọng Cô được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân

Dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên có khoảng 5 vạn người, sinh sống tập trung ở các địa phương: Huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Bình, huyện Đại Từ, huyện Phú Lương, TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên. Người dân tộc Sán Dìu sống ở Thái Nguyên đông nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chiếm khoảng 30%.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cộng đồng dân tộc Sán Dìu tại tỉnh Thái Nguyên vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo. Tuy nhiên, cũng như nhiều dân tộc khác, một số nét văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu đang đứng trước nguy cơ dần mai một như: Tiếng nói, trang phục, lễ Cấp sắc, lễ Đại Phan, các loại hình âm nhạc truyền thống… Chính vì vậy, những năm qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lưu truyền và bảo tồn ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ Cấp sắc, truyền dạy điệu hát Soọng Cô... ; gìn giữ trang phục truyền thống người Sán Dìu. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân, quảng bá văn hóa, du lịch; đồng thời, xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, nâng cao thu nhập cho Nhân dân và góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu là một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian truyền miệng đã được lưu giữ hàng trăm năm nay; có lịch sử ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng nên nội dung của Soọng Cô rất phong phú, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi cuộc sống lao động, ướm hỏi tỏ tình, thăm hỏi gia đình... Qua khảo sát thực tế, điệu hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu có khoảng gần 1.000 bài. Ngôn từ của Soọng Cô sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phong phú và hấp dẫn. Cách xưng hô trong Soọng Cô thể hiện rõ phương thức diễn xướng hát đối đáp trực tiếp; lời ca và giai điệu đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát. Có thể nói, đây là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc Sán Dìu.

Với mong muốn khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu, trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Phú Bình tập huấn và truyền dạy văn hóa, nghệ thuật dân gian dân tộc Sán Dìu; thành lập và duy trì hiệu quả Câu lạc bộ (CLB) Soọng Cô Đá Bạc tại xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình gồm 60 thành viên là người dân tộc Sán Dìu. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên đã được hướng dẫn phương thức duy trì hoạt động câu lạc bộ một cách bền vững, đảm bảo phù hợp với nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc; kỹ năng cơ bản trong biểu diễn văn nghệ dân gian gắn với hoạt động du lịch, cách thức trình diễn, thực hiện nghi lễ dân tộc Sán Dìu, phương pháp truyền dạy hát Soọng Cô. Đồng thời, các nghệ nhân nắm giữ nguồn di sản quý báu trao truyền lại cho lớp trẻ làn điệu Soọng Cô.

CLB Soọng Cô Đá Bạc tại xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình ra mắt tháng 12/2023 gồm 60 thành viên là người dân tộc Sán Dìu

Khi được trở thành hội viên của CLB Soọng cô Đá Bạc, chị Diệp Thị Hương, hội viên CLB vui mừng chia sẻ: “Tôi đã được học hỏi làn điệu từ các cụ cao niên và mong muốn bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc mình để hướng dẫn cho con cháu sau này. Tham gia CLB tôi cũng có cơ hội được đi giao lưu với các nghệ nhân khác ở trong tỉnh và các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Bắc Giang”.

Bà Đặng Thị Năm, Phó Chủ nhiệm CLB Soọng Cô Đá Bạc cho hay: “Tôi tham gia hoạt động truyền dạy hát Soọng Cô đã 10 năm, tôi luôn động viên các cụ cao niên phải cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc và truyền dạy cho thế hệ trẻ từ tiếng nói đến trang phục và làn điệu Soọng Cô”.

Mặc dù hội viên của CLB ở các độ tuổi khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê nghệ thuật dân tộc và có ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình. CLB đã sưu tầm được hơn 400 bài hát cổ, với nhiều chủ đề về ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước… Để CLB duy trì hoạt động hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quan tâm hỗ trợ cho CLB 30 bộ trang phục dân tộc Sán Dìu, đạo cụ, nhạc cụ, loa máy, âm thanh với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 100 triệu đồng. Anh Lục Thanh Lâm, Chủ nhiệm CLB Soọng cô Đá Bạc cho biết: “Được sự quan tâm của các nghệ nhân, CLB thường xuyên tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ để họ hiểu hơn về phong tục, tập quán, bản sắc của dân tộc”.

Các hội viên CLB luyện tập làn điệu Soong Cô tại buổi sinh hoạt định kỳ

Với Soọng Cô, không chỉ là câu chuyện những câu hát được vang lên, làm đẹp cuộc sống, mà còn là nét văn hoá tinh thần quý báu do cha ông truyền lại, là sợi dây níu giữ người Sán Dìu sống đoàn kết, sống đẹp như bao đời nay vẫn thế. Sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng trong việc tổ chức truyền dạy, gìn giữ văn hóa và thành lập các CLB dân ca, dân vũ là tiền đề quan trọng để bà con dân tộc Sán Dìu nói riêng và các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên nói chung có thêm quyết tâm trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể hát Soọng Cô, từ đó đưa các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian ngày càng phát triển trong đời sống cộng đồng, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho Nhân dân, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn