Sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp
25-11-2024 16:33
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Win Billion Việt Nam (Khu Công nghiệp Sông Công 2)
Xác định cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi là chìa khóa giúp cho DN phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, đồng hành. Trong đó, quán triệt quan điểm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” cho DN của Chính phủ, Thái Nguyên đã công khai đường dây nóng của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương; duy trì tốt trang thông tin của tỉnh và ứng dụng C-Thái Nguyên nhằm thông tin, giới thiệu và tiếp nhận các ý kiến phản ánh, đề xuất của DN và người dân để từ đó có chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo tỉnh, một trong những điểm nhấn quan trọng là việc HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc thông qua Đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” với 10 giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, gồm: Hỗ trợ chuyển đổi số; cải cách hành chính, hỗ trợ gia nhập thị trường; hỗ trợ kế toán, thuế; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DN; hỗ trợ thông tin, tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ chuyển đổi DN nhỏ và vừa từ hộ kinh doanh, thành lập mới; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Trong nhóm các giải pháp này, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN thành lập mới và sản xuất, kinh doanh được xác định có vai trò trung tâm. Theo đó, các sở, ngành và cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian, chi phí đi lại của DN.
Gia công thiết bị cơ khí tại Công ty CP Cơ khí Phổ Yên
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa 139 thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có nhiều thủ tục liên quan đến đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của DN. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến DN cũng được cắt giảm đáng kể so với trước. Cụ thể như, rút ngắn thời gian đăng ký DN từ 3 ngày xuống còn 2 ngày; thời gian thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án giảm từ 35 ngày xuống còn 25 ngày; rút ngắn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày xuống còn 10 ngày… Cùng với đó, tỉnh cũng mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng; đổi mới quy trình cho vay theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian giải ngân.
Đặc biệt, tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả để giúp DN nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế nhằm giúp DN phục hồi sản xuất. Các chính sách này bao gồm miễn, giảm và gia hạn nộp thuế cho DN, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại và nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Hàng loạt ngân hàng trên địa bàn đã có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 2%/năm cho khách hàng hiện hữu và vay mới trong khoảng thời gian từ tháng 9-2024 đến hết năm; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với món vay bị ảnh hưởng, thiết lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định. Một số ngân hàng còn xây dựng các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp để khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.
Cán bộ Chi Cục thuế Đồng Hỷ - Võ Nhai hướng dẫn người dân, DN kê khai thuế
Theo Cục thống kê tỉnh, tính từ đầu năm 2024 tới hết quý III, Thái Nguyên có 759 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 6.200 tỷ đồng và 357 DN quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng. Tuy bối cảnh kinh tế chung vẫn còn không ít khó khăn, minh chứng là số DN tạm ngừng hoạt động và đóng mã số thuế còn lớn, nhưng với sự sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ là nền tảng động lực giúp các DN tiếp tục lớn mạnh, không chỉ đạt mục tiêu về số lượng DN hoạt động như kế hoạch đề ra, quan trọng hơn là sự đóng góp vào sự phát triển chung, giúp Thái Nguyên hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, địa phương giàu có, sung túc hạnh phúc và phát triển.
thainguyen.gov.vn